LỊCH SỬ KHOA HỌC LÀ THIẾT YẾU… (E. MACH, 1883)
Cập nhật ngày 01-01-2019
Từ khóa : Khoa học – Lịch sử ; Ernst Mach – Trích đoạn   
C1

«NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ KHOA HỌC
LÀ THIẾT YẾU NẾU KHÔNG MUỐN
NGUYÊN LÝ KHOA HỌC THOÁI HÓA
THÀNH HỆ THỐNG THÀNH KIẾN»
(1883)

Tác giả: Ernst Mach[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Quyển sách này không nhằm giảng dạy những định lý của cơ học. Thay vì một giáo trình, độc giả sẽ tìm thấy ở đây một công trình giải thích và phê phán được thúc đẩy bởi tinh thần chống siêu hình. [...]

Bất cứ ai quan tâm đến câu hỏi: nội dung của cơ học như một khoa học tự nhiên là gì, chúng ta đã xây dựng nó từ nguồn cội nào, như thế nào, và ta có thể xem nó như một vật sở hữu vững chắc đến mức nào, sẽ tìm thấy trong quyển sách này một số giải đáp sáng sủa – ít ra chúng tôi hy vọng như thế. Bởi vì trong thực tiễn giảng dạy, cái nội dung mang đến cho kẻ tư duy và khảo sát thiên nhiên sự quan tâm cùng với hứng thú lớn lao và được chia sẻ nhất này lại thường bị che khuất dưới những dụng cụ giáo khoa của khoa học hiện đại. 

Những yếu tố cơ bản của các ý niệm mà khoa cơ học nghiên cứu đều được triển khai, hầu như hoàn toàn, từ loại công trình được thực hiện trên những trường hợp đặc thù và rất đơn giản của nhiều hiện tượng thuộc cơ giới. Phân tích những vấn đề đặc thù này dưới nhãn quan lịch sử vẫn còn là phương tiện, tự nhiên nhất và hiệu quả nhất, để thâm nhập vào các nguyên lý cơ học thiết yếu; thậm chí còn có thể nói rằng chỉ bằng cách này ta mới có thể lĩnh hội được đầy đủ những kết quả tổng quát của môn học. [...]

Mặc dù không lấy lịch sử của cơ học làm mục tiêu chính, ở đây chúng tôi sẽ xem xét lịch sử phát triển của nó, trong chừng mức mà điều này là cần thiết để am hiểu tình trạng hiện nay của môn học, đồng thời không hủy hoại tính nhất quán của công trình chúng tôi thực hiện. Ngoài sự kiện là chúng ta không thể đứng bên ngoài loại thúc đẩy được khởi động bởi những con người xuất sắc nhất của mọi thời đại – những thôi thúc, nói cho cùng, còn phong phú hơn các thúc đẩy mà những đầu óc minh mẫn nhất thời nay có thể phát động –, thì không có cảnh sắc nào vĩ đại và đẹp đẽ hơn là cảnh tượng mà trí tuệ mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu đã đặt nền móng cho môn học hiến tặng chúng ta. Trong sự thiếu vắng phương pháp hoàn toàn – bởi vì chỉ nhờ những nỗ lực của chính họ mà cái phương pháp này hình thành, và sẽ luôn luôn còn là khó có thể hiểu được nếu ta không biết gì về công trình của họ – những nhà tiên phong này đã chiếm hữu, trở thành chủ nhân của đối tượng nghiên cứu, và áp đặt lên nó hình thức khoa học trừu tượng. Người có hiểu biết về toàn bộ quá trình phát triển của môn học hiển nhiên sẽ đánh giá được ý nghĩa của cuộc vận động khoa học hiện nay, một cách độc lập và mạnh mẽ hơn nhiều, so với kẻ chỉ có thể dựa trên hướng đi nhất thời mà cuộc vận động này dấn vào, vì sự thẩm định của họ bị giới hạn vào khoảng thời gian mà họ sống. [...]

Nghiên cứu lịch sử quá trình phát triển của một khoa học là thiết yếu, nếu chúng ta không muốn rằng tất cả các nguyên lý mà nó đã tập hợp được không dần dần thoái hóa thành một hệ thống những kết quả chỉ hiểu nổi một nửa, thậm chí hoàn toàn như một hệ thống thành kiến đơn thuần. Việc nghiên cứu lịch sử này không chỉ giúp chúng ta hiểu hiện trạng của môn học rõ ràng hơn, mà còn làm nổi bật nhiều khả năng mới, bằng cách chỉ ra rằng nó có phần nào đó là quy ướcngẫu nhiên. Từ quan điểm cao hơn này, mà ta có thể leo tới từ nhiều tuyến đường khác nhau, chúng ta có thể bao quát toàn bộ nền khoa học trong một tầm nhìn thông thoáng hơn và tự do hơn, đồng thời nhận biết các đường hướng ta còn chưa dấn bước tới.

Ernst Mach,
Cơ Học : Tường Trình Lịch Sử Và Phê Phán
(Mécanique : exposé historique et critique, 1883) 
Bản tiếng Pháp của E. Bertrand, 1903
Paris, Hermann, 1925.
Tr. 1, 2, 13, 14, 249.


[1] Ernst Mach (1838-1916) là nhà vật lý học và triết gia khoa học người Áo. Về vật lý, ông được ghi nhớ bởi những đóng góp cho vật lý về sóng xung kích (đại lượng vật lý biểu hiện tỉ số giữa vận tốc chuyển động của vật thể trong một môi trường nhất định đối với vận tốc âm thanh trong môi trường đó được gọi là số Mach để vinh danh ông). Về triết lý khoa học, ông là người đã báo trước sự ra đời của thuyết tương đối của Einstein thông qua những phê phán về lý thuyết không gian và thời gian của Newton; mặt khác, ông cũng là người đã gieo mầm cho các ý tưởng về sau dẫn đến sự hình thành của chủ nghĩa thực chứng lô-gic (hay kinh nghiệm lô-gic) ở  Wien, và chủ nghĩa thực dụng Mỹ.

Tác phẩm chính:  Die Mechanik in ihrer Entwickelung historisch-kritisch dargestellt (1883) = The Science of Mechanics (1883) = La Mécanique: exposé historique et critique de son développement; Die Analyse der Empfindungen und das Verhältnis des Physischen zum Psychischen (1886) = The Analysis of Sensations = Analyse des sensations; Space and Geometry from the Point of View of Physical Inquiry (1903); Erkenntnis und Irrtum: Skizzen zur Psychologie der Forschung (1905) = Knowledge and Error = La Connaissance et l'Erreur…

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa