Ý TƯỞNG CHỈ ĐẠO TRONG SINH THỂ (C. Bernard, 1865)
Đưa lên mạng ngày 25-5-2019
Từ khóa : Sinh thể

C1

«Ý TƯỞNG CHỈ ĐẠO»
TRONG SINH THỂ
(1865)

Tác giả: Claude Bernard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Sự sống là gì? Thế nào là một sinh thể? Theo Claude Bernard, sự sống  là sự sáng tạo, và một sinh thể trước hết, theo ngôn từ của ông, là cái ý tưởng chỉ đạo sự hình thành của một sinh thể, một ý tưởng xác định, thể hiện vừa yếu tính của sự sống, vừa bản chất của sinh vật.   

*

Nếu phải định nghĩa sự sống bằng một từ làm nổi bật đặc trưng duy nhất của nó, một từ theo tôi phân biệt rõ ràng khoa sinh học [với mọi khoa học khác], thì tôi sẽ nói như sau: sự sống là sự sáng tạo. Thực vậy, sinh thể (organisme) tạo ra một cỗ máy nhất thiết phải hoạt động nhờ các tính chất vật lý hóa học của các thành phần cấu thành nó. (...) Tuy nhiên, nét đặc trưng của cỗ máy sống, đấy không phải là bản chất của những đặc tính vật lý hóa học nơi nó, cho dù chúng phức tạp đến đâu, mà là sự sáng tạo ra cái cỗ máy đang phát triển này dưới mắt ta, trong những điều kiện đặc thù của nó, và theo một ý tưởng xác định, thể hiện vừa bản chất của sinh vật, vừa yếu tính của sự sống

Khi một con gà lớn lên trong quả trứng, đấy không phải là sự hình thành của cơ thể động vật, trong ý nghĩa là sự tập hợp những yếu tố hóa học đặc trưng thiết yếu của sức sống. Sự tập hợp này chỉ được thực hiện theo các định luật chi phối những đặc tính vật lý hóa học của vật chất, nhưng cái yếu tính của sự sống – cái không thuộc về hóa học, vật lý hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác – lại  chính là cái ý tưởng chỉ đạo đang phát triển và tự biểu hiện thông qua tổ chức [sinh vật]. Trong suốt thời gian tồn tại, sinh vật luôn luôn tự đặt mình dưới ảnh hưởng của cùng một sinh lực sáng tạo này, và khi nó không còn có thể tự thể hiện nữa, cái chết sẽ xảy đến. Ở đây, như ở mọi nơi, tất cả đều bắt nguồn từ ý tưởng, cấp duy nhất sáng tạo và điều khiển; những phương tiện vật lý hóa học chỉ là biểu hiện chung cho mọi hiện tượng tự nhiên; chúng tồn tại ngổn ngang lẫn lộn như những con chữ của bảng chữ cái trong một cái hộp, nơi một sinh lực nào đó sẽ đến tìm chúng để diễn đạt đủ thứ tư tưởng hoặc cơ chế ở mức đa dạng nhất. Cũng luôn luôn là nó, cái ý tưởng và sức sống sáng tạo này, chính nó sẽ bảo toàn và bảo tồn sinh vật, khi gây dựng lại các bộ phận sống bị rối loạn về tổ chức trong sinh hoạt, hoặc bị hủy hoại bởi tai nạn và tật bệnh.

Claude Bernard.
Dẫn Vào Nghiên Cứu Y Học Thực Nghiệm,
(Introduction à l'étude de la médecine expérimentale,
Phần 2, ch. 11, § 1,
Paris, J.-B. Baillière, 1865, tr. 161-163).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa