Ý THỂ NGANG BẰNG TUYỆT ĐỐI (PLATŌN, khg 385-370 tCn)

LM : 15-01-2023
Từ khóa : Ngang bằng (Khái niệm) ; Platōn — Trích đoạn

C2

SỰ NGANG BẰNG TỰ THÂN
(khg 360 tCn)

Tác giả: Platōn
Bản tiếng Anh: Benjamin Jowett
Bản tiếng Pháp: Victor Cousin
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

SŌKRATĒS : Bây giờ ta thử đi xa hơn một bước nữa, xem bạn có nghĩ như tôi không nhé. Chúng ta nói là có sự ngang bằng – không phải là sự bằng nhau giữa khúc gỗ này với khúc gỗ kia, hòn đá này với hòn đá nọ, hay giữa những thứ đại loại như thế, mà ở ngoài và ở trên chúng, sự ngang bằng tự thân. Chúng ta nên khẳng định là có một sự ngang bằng trừu tượng, tuyệt đối như thế chăng?

SIMMIAS : [74b] (kêu to) Cố nhiên, lạy Zeus! Không chỉ nên mà còn phải nói là bắt buộc nữa. 

SŌKRATĒS : Nhưng ta có biết bản chất của sự ngang bằng đó là gì chăng?

SIMMIAS : Biết chứ!

SŌKRATĒS : Và sự hiểu biết này, chúng ta rút ra từ đâu? Phải chăng là từ loại sự vật mà chúng ta vừa nói ban nãy? Có phải vì nhìn thấy sự bằng nhau của loại vật thể – như khúc gỗ, hòn đá, và những thứ tương tự – mà ta rút ra được ý tưởng về một sự ngang bằng khác với nó hay không? Bạn có công nhận rằng sự ngang bằng này khác với các thứ bằng nhau kia không?[1] Thử xét vấn đề dưới khía cạnh này nữa: có khi nào cùng những hòn đá hay khúc gỗ, không biến đổi, mà tùy mắt nhìn, lúc thì bằng nhau, lúc lại không bằng nhau không?

SIMMIAS : Cố nhiên là có khi như thế chứ.

SŌKRATĒS : [74c] Nhưng sao lại như thế được? Những vật thật sự ngang bằng đâu có khi nào là không bằng nhau, sự ngang bằng tự thân có khi nào là không bằng nhau đâu?

SIMMIAS : Không đời nào, Sōkratēs ạ

SŌKRATĒS : Vậy thì không có sự đồng nhất giữa thứ bằng nhau của các sự vật trên với sự ngang bằng tự thân.

SIMMIAS : Hiển nhiên là chẳng đời nào!

SŌKRATĒS : Vậy mà chính từ những thứ bằng nhau đó, dù chúng hoàn toàn khác biệt với ý tưởng ngang bằng, mà bạn quan niệm được và đạt đến ý tưởng ngang bằng[2].

SIMMIAS : Thật sự là như thế!

SŌKRATĒS : Và khi quan niệm ý tưởng ngang bằng, bạn cũng quan niệm được đồng thời sự giống nhau và khác nhau của nó với những thứ bằng nhau đã cho bạn ý niệm về nó, đúng không?

SIMMIAS : Chắc chắn.

SŌKRATĒS : Nhưng dù giống hay khác cũng vậy thôi. Bởi vì mỗi khi vừa thấy một vật gì mà bạn nghĩ ngay đến một vật khác [74d], dù là giống hay khác nó, thì đấy chính là động thái hồi tưởng.

SIMMIAS : Rõ rệt.

SŌKRATĒS : Nhưng mà này, trước những khúc gỗ hay bất cứ vật gì khác bằng nhau, liệu chúng ta sẽ có ấn tượng gì? Ta sẽ cảm thấy là chúng bằng nhau theo cùng một nghĩa với ngang bằng tự thân, hay là có gì đó còn xa cách với nó ?

SIMMIAS : Còn quá xa cách là khác!

SŌKRATĒS : Như vậy, chúng ta đồng ý rằng, khi một người nào đó trông thấy một vật gì, rồi tự nhủ rằng vật ấy có thể ngang bằng với một vật chuẩn nào khác, [74e] tuy còn cách xa, chưa hoàn toàn giống hệt như nó,... thì kẻ có tư tưởng này tất yếu phải đã từng trông thấy và biết vật chuẩn kia trước đấy, nên nay mới có thể quả quyết rằng vật anh ta trông thấy là giống nó, tuy chỉ giống một cách không hoàn hảo[3].

SIMMIAS : Tất nhiên.

SŌKRATĒS : Mà đây chính là trường hợp của ta, trên vấn đề bằng nhau của vật thể so với ngang bằng tuyệt đối, đúng không?

SIMMIAS : Chính xác.

SŌKRATĒS : Vậy thì, Simmias ạ, tất yếu là chúng ta phải biết sự ngang bằng tự thân từ trước, [75a] trước cả thời điểm mà, vì là lần đầu tiên trông thấy các vật thể bằng nhau, nên ta mới có ý nghĩ rằng chúng đều hướng về sự ngang bằng tuyệt đối hết cả, tuy không bao giờ đạt tới vì những bất cập.

SIMMIAS : Chính thế.

SŌKRATĒS : Như thế, chúng ta cũng công nhận thêm rằng ý tưởng này[4] – ý tưởng rằng các vật thể bằng nhau đều hướng về sự ngang bằng tuyệt đối hết cả, tuy không bao giờ đạt tới – đã được biết, và chỉ có thể được biết, qua trung gian của thị giác hay xúc giác, hoặc một giác quan nào khác. Và tôi xác định như thế đối với tất cả mọi giác quan.

SIMMIAS : Bạn có lý thôi, ít ra là trong chuyện này.

SŌKRATĒS : Từ chính cảm giác mà chúng ta rút ra ý tưởng là [75b] mọi sự vật bằng nhau trong cảm nhận của ta đều hướng về sự ngang bằng lý tưởng, tuy chúng luôn luôn thấp kém hơn. Tất yếu phải như thế, đúng không Simmias?

SIMMIAS : Đúng vậy!

SŌKRATĒS : Như vậy, trước khi bắt đầu nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy hay có những cảm giác khác trong đời, ta đã phải có hiểu biết về sự ngang bằng lý tưởng, thì mới có thể sau đó quy chiếu về thực thể này mọi sự vật bằng nhau của cảm giác, để nhận thức rằng chúng đều mong muốn[5] trở thành thực thể lý tưởng ấy, tuy chẳng bao giờ vươn tới nổi.

SIMMIAS : Hệ quả tất nhiên của những gì đã nói.

SŌKRATĒS : Phải chăng vừa sinh ra đời, chúng ta đã nhìn thấy, nghe thấy và sử dụng mọi giác quan của chúng ta?

SIMMIAS : Phải.

SŌKRATĒS : [75c] Vậy thì, chúng ta phải có hiểu biết về sự ngang bằng lý tưởng trước đó, đúng không?

SIMMIAS : Đúng.

SŌKRATĒS : Có nghĩa là ta phải có ý niệm ngang bằng đó trước khi sinh ra.

SIMMIAS : Hình như vậy.

SŌKRATĒS : Nếu chúng ta có được hiểu biết này trước khi ra đời và sinh ra với nó, thì ta cũng biết trước khi ra đời và ngay từ lúc sinh ra, không chỉ thế nào là ngang bằng, sao là lớn hơn, sao là nhỏ hơn, mà tất cả mọi thứ cùng bản chất khác. Bởi vì những gì ta bàn luận ở đây không chỉ dành riêng cho sự ngang bằng tự thân, mà còn liên quan đến tất cả mọi thực thể mang dấu ấn là bản chất khác, trong biện chứng vấn đáp[6] của chúng ta, như cái thiện, cái đẹp, sự công chính, sự sùng tín... [75d] Tất cả loại bản thể[7] này, có thể khẳng định là ta đã có hiểu biết về chúng trước khi sinh ra, phải không?

SIMMIAS : Chính thế.

Platōn,
Phaedo = Phédon,
Trg : Đối Thoại Sắc Sōkratēs I,
(Đã xb dưới tựa: Đối Thoại Socratic I,
Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011, tr. 309-312).


[1] Ở đây, Platōn muốn nhấn mạnh trên nghịch lý: chúng ta có hiểu biết về một ý thể từ kinh nghiệm của ta về những sự vật cá biệt; tuy nhiên, hình thái ý tưởng này vẫn luôn luôn khác với bất kỳ sự vật cá biệt nào đó cùng tên, về ít nhất một khía cạnh nào đấy.

[2] Nhưng bằng một con đường khác với các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa. Ở đây, hiểu biết về ý niệm ngang bằng tuyệt đối không được tiếp thu bằng sự trừu tượng hóa từ nhận thức về những vật thể bằng nhau trong kinh nghiệm, mà từ thao tác hồi tưởng nhân có cơ hội nhận thức này.

[3] Bằng cách quy chiếu sự vật giác quan về ý niệm lý tưởng, hồi tưởng chuyển nhận thức về sự vật thành nhận thức về sự khiếm khuyết, sự bất toàn của nó, so với ý niệm mà nó là bản sao.

[4] Ở đây có sự khác biệt quan trọng giữa các bản dịch. Trong số các bản mà chúng tôi dùng hoặc tham khảo thêm: B. Jowett, L. Robin, H. Tredennick (bản dịch 1954) cho cái được «công nhận thêm» ở đây là sự «ngang bằng tuyệt đối»; V. Cousin và E. Chambry chỉ dịch đơn giản là «ý(tư) tưởng này»; bản mới của Tredennick được H. Tarrant hiệu đính (1993) dùng từ «deficiency», có chua thêm cc 75: «Tredennick tin rằng chính ý niệm ngang bằng được đề cập đến ở đây, nhưng trong ngữ cảnh này thì có rất ít ý nghĩa» = «Tredennick believed that it was the notion of equality which was referred to here, but it makes poor sense in the context». Chúng tôi tin rằng, trừ phi Platōn không còn là triết gia duy tâm, tư tưởng ngang bằng tuyệt đối hay tự thân không thể xuất phát từ giác quan, nên theo chọn lựa thứ nhất, và diễn dịch thêm như trên, dù là nó sẽ được Platōn nhắc lại y hệt xác nhận câu dịch là đúng ngay ở câu sau của Sōkratēs.

[5] Trong lập luận của suốt đoạn này (74d-75b), phảng phất một quan điểm cứu cánh luận: trong khả năng làm được, mọi sự vật cảm quan (mọi vật thể bằng nhau) đều mong muốn biểu hiện ý niệm tuyệt đối (sự ngang bằng lý tưởng) mà chúng chỉ là những bản sao không hoàn hảo.

[6] Câu hỏi «cái này là cái gì?» dẫn đến «định nghĩa bản chất» (định nghĩa phổ quát), và chỉ có những hiện thực tự thân, luôn luôn là chính nó, mới có thể là giải đáp cho câu hỏi này. Biết cách hỏi và trả lời, đấy chính là định nghĩa của biện chứng pháp. Như vậy, biện chứng pháp cũng là phương tiện cần thiết để hồi tưởng.

[7] Ý niệm «ngang bằng tự thân» (và mọi ý niệm cùng loại khác) nhận được từ biện chứng vấn đáp dấu ấn nó là một bản chất hay bản thể. Do loại bản thể này được xem là tồn tại thực sự ở một nơi nào đó, chúng cũng có thể được gọi là những thực thể.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa