Đưa lên mạng ngày 30-06-2020 Từ khóa : Sinh bệnh học ; Canguilhem, Georges – Trích đoạn |
C2 |
Ý NIỆM LỖI TRONG BỆNH HỌC
(1966)
Tác giả: Georges Canguilhem[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Việc đưa khái niệm lỗi (erreur)[2] vào bệnh lý là một sự kiện có tầm quan trọng lớn, vừa bởi sự đột biến mà nó biểu hiện (hơn là mang lại) trong thái độ của con người trước trạng thái bệnh, vừa bởi cái quy chế mới mà nó giả định đã được thiết lập trong quan hệ giữa tri thức với đối tượng của nó. Ở đây, sẽ có một cám dỗ khá mạnh để tố cáo một sự lẫn lộn giữa tư duy với tự nhiên, để kêu rầm lên rằng người ta đã gán cho thiên nhiên lối tiến hành của tư tưởng, rằng lỗi là một đặc trưng của phán đoán, rằng tự nhiên chỉ có thể là một nhân chứng chứ không bao giờ là quan tòa được, v. v... Thực vậy, mọi thứ xảy ra như thể nhà hóa sinh học và nhà di truyền học đã cho các yếu tố của kho gia sản di truyền mượn những hiểu biết của họ về hóa học và di truyền học, như thể các enzim đều được giả định biết hoặc phải biết những phản ứng theo đó khoa hóa học phân tích hành động của chúng và, trong một số trường hợp hoặc một số thời điểm, có thể bỏ quên hoặc đọc sai phát biểu về một trong số những phản ứng này. Thế nhưng chúng ta không được quên rằng lý thuyết thông tin là bất phân, và do đó liên quan đến cả bản thân tri thức lẫn các đối tượng của nó, vật chất hoặc sự sống. Theo nghĩa này, biết là tự thông tin, diễn đoán hoặc giải mã. Do đó, không có sự khác biệt giữa lỗi của sự sống với lỗi của tư duy, giữa lỗi của thông tin phát ra với lỗi của thông tin nhận vào. Chính cái thứ nhất là chìa khóa cho cái thứ hai. Từ quan điểm triết học, đây có thể là một thứ chủ thuyết Aristotelês mới, tất nhiên với điều kiện là không có sự lẫn lộn giữa tâm sinh lý học của Aristotelês với công nghệ truyền dẫn hiện đại.
Dưới một số khía cạnh, khái niệm lỗi trong kết cấu hóa sinh học ở thành phần này hoặc thành phần kia của sinh vật cũng có vẻ như xuất phát từ Aristotelês nữa. Bởi theo Aristotelês, quái vật là một lỗi của tự nhiên khi có nhầm lẫn về chất liệu. Nếu trong bệnh lý phân tử ngày nay, lỗi đúng hơn chỉ sinh ra sai hỏng về hình thức, thì những lỗi hóa sinh học di truyền vẫn luôn luôn bị xem là những dị thường vi mô, những quái vật vi thể. Và giống như một số bất thường về hình thái bẩm sinh được diễn giải là sự cố định của phôi vào một giai đoạn phát triển đáng lẽ đã phải vượt qua, một số lỗi chuyển hóa cũng được giải thích như sự gián đoạn hoặc đình trệ của một chuỗi phản ứng hóa học.
Trong một quan niệm về trạng thái bệnh như vậy, cái ác hại (le mal) thực sự là triệt để. Nếu nó biểu hiện ở cấp độ của sinh vật như một tổng thể vật lộn với môi trường, thì nó nằm ngay ở gốc rễ của tổ chức, ở cấp độ mà nó mới chỉ là một cấu trúc tuyến tính, tại điểm bắt đầu không phải của giới (règne) mà của bộ (ordre) những sinh vật. Căn bệnh không phải là một sự sa ngã do ta tạo ra, một cuộc tấn công ở đó ta bị đẩy lui, nó là một cái lỗi sai (vice) nguyên thủy bẩm sinh thuộc dạng đại phân tử. Nếu tổ chức là một thứ ngôn ngữ, đúng như nó phải như thế trên nguyên tắc, thì căn bệnh được xác định là di truyền không còn là một sự nguyền rủa, mà là một sự hiểu sai. Cũng có những bài học tồi về huyết cầu tố, như có những bài học tồi về bản viết tay. Nhưng đây là một từ không dẫn đến môi miệng nào, một văn bản không dẫn tới bàn tay nào. Vì vậy, không có ác ý nào đằng sau lỗi hỏng. Trạng thái bệnh là trạng thái xấu, không phải như một đứa trẻ xấu, mà như một miếng đất xấu. Trạng thái bệnh không liên quan gì đến trách nhiệm cá nhân nữa. Không bất cẩn nào, không thái quá nào, thậm chí không trách nhiệm tập thể nào (như trong trường hợp dịch bệnh) để kết tội nữa. Như sinh thể, chúng ta đều là hệ quả của ngay chính các quy luật về sự bội nhân của sự sống; như bệnh nhân, chúng ta đều là hệ quả của sự phiếm giao (panmixie), của gắn bó và ngẫu nhiên. Tất cả đều khiến chúng ta trở thành độc nhất, như đời vẫn thường văn hoa để an ủi ta, vốn thực sự chỉ là những hòn bi từ chiếc bình rút thăm di truyền học của Mendel lăn ra. Độc đáo, chắc chắn rồi, nhưng đôi khi lại bị đón nhận tồi tệ. Không quá nghiêm trọng nếu đấy chỉ là lỗi chuyển hóa của đường fructô (fructose)[3], do thiếu hụt enzim aldolase[4] ở gan. Nghiêm trọng hơn nếu là bệnh máu khó đông do thiếu sự tổng hợp của một tiểu cầu (globuline)[5]. Và nói sao bây giờ, nếu không phải là hoàn toàn không đáng phải chịu, nếu đấy là lỗi chuyển hóa của tryptophan[6], chất xác định bệnh suy thoái Mông Cổ (trisomie mongolienne)[7] theo Jérôme Lejeune[8]?
Georges Canguilhem,
Cái Bình Thường Và Cái Bệnh Hoạn,
(Le Normal et le pathologique,
Paris, PUF, 1984, tr. 209-210.
[1] Georges Canguilhem (1904-1995): triết gia và sử gia khoa học, y sĩ người Pháp, giám đốc Institut d'Histoire et de Philosophie des Sciences et des Techniques (1956-1971) ở Paris. Tác phẩm: Essai sur quelques problèmes concernant le normal et le pathologique (1943); La connaissance de la vie (1952); La formation du concept de réflexe aux XVII et XVIII siècles (1955); Du développement à l’évolution au XIX siècle (1962); Le normal et le pathologique (1966) = The Normal and the Pathological (1991); Etudes d’histoire et de philosophie des sciences (1968); Idéologie et rationalité dans l’histoire des sciences de la vie (1977) = Ideology and Rationality in the History of the Life Sciences (1988); La santé, concept vulgaire et question philosophique (1988); A Vital Rationalist: Selected Writings (1994); Knowledge of Life (2008); Writings on Medicine (2012).
[2] Các từ lỗi, lỗi sai, lỗi hỏng… trong bài này phải được hiểu như lỗi trong lỗi chính tả, chứ không phải như lỗi trong lỗi lầm (đạo lý), tội lỗi (tôn giáo).
[3] Fructose, còn gọi là đường fructô, đường hoa quả hay đường trái cây, tìm thấy trong mật ong, hoa quả và hầu hết các loại rau củ.
[4] Aldolase là một thứ enzim ở gan.
[5] Tiểu cầu là một loại tế bào máu có chức năng cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại khi mạch máu bị thương.
[6] Tryptophan (ký hiệu: Trp và W) là một acit α-amin (α-amino acid = acide α-aminé), được dùng cho sự tổng hợp các chất đạm trong sinh vật. Trong cơ thể con người, tryptophan là thiết yếu và chiếm khoảng 1% các acit amin trong chất đạm (cái hiếm nhất trong 20 acit amin).
[7] Ngày nay gọi là trisomie 21 thay vì mongolism hay bệnh Down (do hội chứng của bệnh đã được John Langdon Down mô tả rõ ràng vào năm 1866). Bình thường con người có 44 nhiễm sắc thể chia làm 22 cặp chung cho cả hai giới + 2 nhiễm sắc thể quyết định giới tính, tổng cộng là 46 nhiễm sắc thể. Nhiễm sắc thể 21 thuộc về cặp thứ 21; và người bệnh là kẻ có 3 thay vì 2 nhiễm sắc thể 21, nghĩa là rốt cuộc có đến 47 nhiễm sắc thể trong một tế bào. Bệnh này xảy ra một cách ngẫu nhiên chứ không phải do di truyền.
[8] Jérôme Lejeune (1926-1994): y sĩ và nhà di truyền học, người đã (cùng với Raymond Turpin và Marthe Gautier) phát hiện ra sự dư thừa một nhiễm sắc thể 21 như nguyên nhân của bệnh Down. Do khám phá này, bệnh Down từ đấy mang tên là bệnh trisomie 21.