Ý NGHĨA, BIẾN DỊCH TRONG TRIẾT LÝ LỊCH SỬ (A.-A. COURNOT, 1875)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóa: Biến dịch (Khái niệm) ; Lịch sử  Triết lý ; Sử học  Triết lý ;
Cournot, Antoine-Augustin  Trích đoạn
C1

Ý NGHĨA VÀ BIẾN DỊCH
TRONG
CÁC TRIẾT LÝ LỊCH SỬ
(1875)

Tác giả: Antoine-Augustin Cournot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Niềm tin đặt vào chủ nghĩa tiến bộ[1] – một sự tiến bộ tuyến tính, nhất thiết, không ngừng, trong mọi lĩnh vực, về một tương lai tiền định có ý nghĩa – là cha đẻ của các triết lý lịch sử.

Trích đoạn dưới đây của A.-A. Cournot* là một phản biện trước sự lan tràn của loại triết thuyết tự cho là khoa học ấy trong thế kỷ XIX. Nhưng là nhà khoa học có tín ngưỡng, dường như ông không xem tín điều «tôn giáo» của ông là một phiên bản khác của thứ «siêu tự sự khoa học» mạo xưng. Đối với một thành phần độc giả, quan điểm của ông có vẻ như không được nhất quán, như phê phán của Max Horkheimer* trên cùng trang mục này.

*

Theo một nghĩa nhất định nào đó, mọi dân tộc văn minh đều có  một nền văn minh độc đáo mà nội dung sống động được thể hiện qua ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán, một nền văn học, các định chế pháp luật và chính trị riêng biệt: tất cả những thứ có xu hướng phát triển dựa vào một nguyên lý sống, cũng như có khả năng tàn lụi khi sức sống này rời bỏ chúng, đến mức chỉ còn lại ký ức hoặc dấu vết văn bản khi chính dân tộc này cũng biến mất trên sân khấu thế giới… Song song với thời gian tồn tại này, nền văn minh của mỗi dân tộc tùy thuộc vào đẳng cấp mà nó vươn tới trong khoa học, trong công nghiệp, trong mọi lĩnh vực có thể góp phần vào sự hình thành một gia sản có đủ năng lực tăng trưởng mãi mãi, và một quỹ văn minh chung cho mọi dân tộc, đồng thời có khả năng được truyền tải hầu như không biến đổi từ dân tộc này sang dân tộc kia, bất chấp những khác biệt trong mọi yếu tố đã tạo nên phần nội dung sống động riêng của mỗi nền văn minh quốc gia. [...]

Như vậy, lịch sử nền văn minh của một dân tộc chẳng là gì khác hơn là lịch sử của chính dân tộc này, nhưng được xử lý một cách rộng rãi hơn là ở các sử gia chỉ quan tâm đến lĩnh vực chính trị mà họ tin là bánh xe chủ đạo, bởi nó có vẻ như đang lèo lái tất cả các phần còn lại, mặc dù trong hiện thực, thường chính là các bánh xe khác đang dẫn dắt nó. Còn lịch sử của nền văn minh nói chung, […] bị quy giản suốt một thời gian dài đăng đẵng thành một thứ niên giám khô khốc (mặc dù sau đó cũng trở nên hấp dẫn nhờ loại ký thuật về những biến đổi đáng chú ý nhất, tuy đương thời không phải lúc nào cũng được quan tâm nhất), cuối cùng, nó cũng đã thoái hóa thành một thứ báo lá cải về văn minh. Do đó, có một cơn lốc, một vòng xoáy lớn của xã hội loài người về những gì còn tồn tại và những gì đã bị vượt qua; nhưng chuyển động chung không hề diễn ra theo đường thẳng, cũng không theo đường tròn, thậm chí không theo cả hình xoắn ốc[2] như một số người từng đề xuất nhằm hòa giải các ý kiến trái ngược, bằng cách vay mượn một hình ảnh từ lý thuyết hình học về chuyển động. Bởi nói đúng ra, không hề có chuyển động chung như một kết cục từ sự sắp xếp các thành phần của những chuyển động cục bộ: các thành phần được cho là đóng vai trò này đều là không thuần nhất, là ô tạp quá mức để có thể bao gồm một kết quả tổng hợp[3], và hình học không có chỗ đứng nào ở đây cả

Trên hết, chúng ta cần phải thận trọng với hai ý tưởng huyền bí: cái thứ nhất là sự phân phối cho các dân tộc một số vai trò tiền định, khiến cho một dân tộc nào đó là hiện thân của một ý tưởng nào đấy[4], trên cơ sở duy nhất là các dân tộc cũng có thể phô bày một số phẩm chất và năng khiếu khác nhau như những cá nhân; cái thứ hai là sự thiết lập cho cả nhân loại một quy luật về sự tiến bộ vô hạn và về mọi hướng, như thể Thượng Đế đã tin cậy tiết lộ cho ta biết các sắc lệnh bí ẩn của Ngài, hoặc như thể nhân loại, trong sự hoàn hảo lý tưởng của nó, sẽ phải là đối tượng tôn thờ duy nhất cho các thế hệ tương lai[5]. Ít ra, những người đã thần thánh hóa một Caesar La Mã sau khi ông ta chết còn biết được là họ thờ phụng thứ thần gì; chứ thần thánh hóa loài người trước khi biết số phận nào đang chờ đợi hắn, cho dù điều này là khả thi đi nữa, sẽ là không hợp lý hơn rất nhiều.

[...] Những sử gia thích khoác áo triết gia thường rất giống các nhà sử thi hoặc nhà tiên tri. Họ diễn giải quá khứ tuyệt vời, nhưng cũng không tinh thông gì hơn những người kia khi đoán trước tương lai, ngay cả cái ngày mai gần nhất, thậm chí là thứ ngày mai trong đó Định mệnh dành cho họ một vai trò. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu vì thế mà chúng ta quá cảnh giác với những diễn giải của họ. [...] Cần có thời gian để các lý do thiết yếu chiến thắng những tai nạn ngẫu nhiên, để những đường hướng chính của các biến cố hiển lộ, bất chấp những đứt gãy và uốn gập phải chịu đựng dưới tác động của loại nguyên nhân qua đường[6].

Người ta còn thường trách mắng một cách sai lầm thứ lịch sử được xử lý như vậy là theo thuyết định mệnh và vô luân: như thể chúng ta có ý định xá tội cho mọi hành động tàn ác, bằng cách chỉ ra rằng một rối loạn xã hội nào đó sẽ phải đặt toàn thể xã hội dưới sự thao túng của những kẻ gian ác trong một thời gian mà thôi; hoặc giả như thể chúng ta đã không tôn vinh Thượng Đế đầy đủ, bằng cách lưu ý rằng chính từ các hiểm họa lớn lao của xã hội này mà những đảm lược vĩ đại lại thường được sinh ra để cứu nguy.

Hơn nữa, trong lịch sử cũng như ở các lĩnh vực khác, và hơn cả ở các lĩnh vực khác, sự kiện chúng ta sẽ ở vào thế bất lực khi dự đoán tương lai không hề bao hàm sự từ bỏ niềm tin rằng, trong lịch sử cũng như ở mọi phạm vi khác, những biến cố đều lôi cuốn nhau như các mắt xích, theo một trật tự xác định mà một trí thông minh vượt trội – tới mức không gì có thể thoát khỏi tầm tay của nó – đã sắp xếp trước, không chỉ về kết cấu của thế giới lịch sử, mà cả cho mọi lực lượng tự nhiên nào có thể có bất kỳ một ảnh hưởng nào trên những biến cố của lịch sử.

Do chúng ta thừa nhận rằng các quy luật của cuộc sống có liên quan rất nhiều tới sự tiến hóa của xã hội loài người, nên những nhận xét trong phần trước[7] cũng áp dụng ở đây cho quyết định luận lịch sử – còn được gọi là thuyết định mệnh – là điều tất nhiên. Như vậy, một tri ​​thức đầy đủ về hiện trạng [thế giới] và về các định luật được biết cho đến nay cũng không đủ để dự báo những trạng thái tương lai[8], như trong vũ trụ học vật lý; phải thêm vào đấy tri ​​thức về toàn bộ quá khứ, và niềm tin chắc chắn rằng ở đây chúng ta đang đối mặt với thứ luật tự tại, không lệ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh, không biến thiên qua các thời đại và mục đích cần đạt được. Nói cho cùng, là khẳng định rằng chỉ có Thượng Đế mới biết hết mọi bí ẩn nơi tạo vật của Ngài.

Mặt khác, do phần đóng góp phụ thuộc vào các cá nhân trong sự điều khiển những biến cố lịch sử, luận điểm về tính quyết định trong lịch sử lệ thuộc vào luận điểm về sự xác định những hành vi ý chí cá nhân[9]... Vì vậy, chúng tôi sẽ vất bỏ thuật từ chủ nghĩa quyết định [quyết định luận phổ quát], kinh viện và mọi rợ, để chỉ nói về sự quy định, về tự do, và tự do ý chí, như mọi người khác.

Antoine-Augustin Cournot
Duy Vật, Duy Sinh, Duy Lý
(Matérialisme, Vitalisme, Rationalisme,
Paris, Hachette, 1875, tr. 234-238).


[1] Xem loạt bài phê phán chủ nghĩa tiến bộ khác trong các lĩnh vực học thuật trên các trang mục liên hệ.

[2] Ám chỉ triết lý lịch sử của Giambattista Vico.  

[3] Xem trên trang mục này các bài về Triết Lý Tư Biện Lịch Sử, khi có thể tham khảo.

[4] Ám chỉ triết lý lịch sử của Georg Wilhelm Friedrich Hegel.

[5] Ám chỉ thứ tôn giáo nhân loại của Auguste Comte.

[6] Xem trên trang mục này: Augustin Cournot, Nguyên Nhân, Lý Do, Ngẫu Nhiên Trong Sử Học.

[7] Trong đoạn § 3, phần 2 của tác phẩm, Cournot đã cho thấy sự khác biệt giữa quyết định luận trong sinh lý học và quyết định luận vật lý-hóa học, qua sự kiện là: 10) trong lĩnh vực lý hóa, các đặc tính của những phân tử và thành phần của chúng không phụ thuộc vào «vô số những tổ hợp mà chúng liên tiếp tham gia vào», trong khi, để dự báo tương lai trong lĩnh vực sự sống, ta cần phải có «một gia phả, một lịch sử tổ tiên đủ chi tiết và đủ xa xưa»; 20) một đặc trưng thiết yếu khác của cái tự nhiên sống [các sinh thể] là nó «theo đuổi sự hoàn thành một mục đích».

[8] Xem trên trang mục Vật Lý và Thiên Văn Học: Pierre-Simon Laplace, Quyết Định Luận Phổ Quát.

[9] Xem trên trang mục này, các bài về vai trò của cá nhân trong lịch sử khi có thể tham khảo, đặc biệt là: Max Horkheimer, Hành Động Con Người, Nguồn Lý Tính Duy Nhất Trong Lịch Sử.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa