VẬT THỂ RƠI XUỐNG HOẶC BAY LÊN THEO ĐỊNH HƯỚNG TỰ NHIÊN (ARISTOTELÊS, khg 335-323 tCn)
Cập nhật ngày 15-3-2019
Từ khóa : Vật lý học – Triết lý – tk IV tCn ; Tự nhiên học – tk IV tCn
C2

VẬT THỂ
RƠI XUỐNG HOẶC BAY LÊN
THEO ĐỊNH HƯỚNG TỰ NHIÊN
(khg 335-323 tCn)

Tác giả: Aristotelês*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Mọi khoa học đều dựa trên một số nguyên lý minh thị hay mặc thị được nhà bác học chấp nhận như hiển nhiên tuy không thể chứng minh.

Khoa học của Aristotelês không phải là ngoại lệ. Nó dựa trên các nguyên lý siêu hình từng là nền tảng của một thứ vật lý học mà đời sau gọi là vật lý học định tính – thứ vật lý học đã khống chế khoa học suốt từ khi ra đời cho đến thế kỷ XVI-XVII, trước khi bị thay thế hoàn toàn.

Vậy tại sao ngày nay triết lý khoa học còn khai quật thứ tàn dư khoa học ấy? Vì một lý do chính đáng hiển nhiên: vai trò đầu tiên của triết lý khoa học là soi sáng và phê phán loại giả định phi khoa học đã len lỏi vào quá trình xây dựng một lĩnh vực học thuật muốn là sâu sát nhất với hiện thực khách quan. Và về điểm này thì vật lý học của Aristotelês là một kho tàng để khai thác.

Bởi vì «… thực tế là cái hệ thống đó hoàn toàn ăn khớp (…) với cái đã có thể là những bài học đầu tiên về kinh nghiệm cho một đầu óc tiền khoa học. Ngay cả ngày nay, dù sao ta cũng có thể khiến cho một đứa trẻ chưa từng được dạy dỗ về khoa học chấp nhận những luận điểm cốt yếu trong các lý thuyết về vật lý và vũ trụ của Aristotelês dễ dàng hơn là những cái tương ứng trong vật lý học hiện đại, bởi vì thật ra chúng thích nghi dễ dàng hơn với kinh nghiệm trực tiếp của nó, như các quan điểm sau chẳng hạn: trái đất là trung tâm của vũ trụ, sự đối lập tuyệt đối giữa trên và dưới, không khí và lửa là nhẹ, chuyển động tự nhiên khác với chuyển động do và từ ngoại lực, chuyển động ngừng khi lực tác động ngừng, v. v…» (Xem thêm, ở đây: R. Blanché, Sự Xây Dựng Phương Pháp Thực Nghiệm).

Nói cách khác, nếu ta chấp nhận những nguyên lý siêu hình nền tảng của nó, thì triết lý vật lý của Aristotelês có vẻ là rất hợp lý và có sức thuyết phục cao. Điều đó giải thích sự khó khăn đánh đổ hệ thống triết lý khoa học của ông ta. Nó cũng nhắc nhở ta rằng khoa học không thể được xây dựng duy nhất trên khả năng tư biện (Aristotelês) hay chỉ bằng khả năng quan sát thuần túy thôi (Bacon), mà trên sự tương tác của cả hai yếu tố này, thông qua những giả thuyết xuất phát từ tư duy nhưng được kiểm nghiệm bằng sự đối chiếu với hiện thực.

*

[…] Và nếu ta vẫn luôn tự hỏi vì sao những vật thể nặng hay nhẹ đều tự động trở về các nơi chốn cố hữu[1] của chúng như vậy, thì cũng chẳng có gì để giải thích thêm, ngoài khẳng định rằng đấy là một quy luật của tự nhiên, rằng bởi bản chất của chúng[2], định hướng của vật nhẹ là luôn luôn bay lên, trong khi ngược lại, định hướng của vật nặng là luôn luôn rơi xuống.

Nhưng như đã nói, cái tiềm năng[3] là nhẹ hay nặng của một vật có thể được hiểu theo hai nghĩa. Nước có tiềm năng là nhẹ, bởi vì nó có thể bốc hơi thành khí; nhưng ngay cả khi nước đã thành khí rồi, khí này vẫn có thể chỉ là nhẹ theo tiềm năng thôi, nếu như nó gặp một chướng ngại khiến nó không thể bay lên đúng như chuyển động tự nhiên của mình; và chỉ khi nào trở ngại ấy biến mất, thì cái nhẹ theo tiềm năng mới được thể hiện[4], và khí mới bay lên một nơi cao hơn.

Quá trình thay đổi kép trong tiềm năng khi ta nói về khí cũng xảy ra cho mọi chuyển động[5] về phẩm chất. Nếu lấy lại ví dụ nói trên, thì cái tiềm năng của một phẩm chất nào đó cũng cần phải thay đổi điều kiện để trở thành tồn tại hiệu năng: tri ​​thức khoa học chẳng hạn, một khi đã sở hữu nó, người ta có thể sử dụng nó ngay, trong trường hợp không bị cản trở. Cho những chuyển động về lượng cũng thế, bởi cái lượng có thể giãn nở và lan rộng[6] nếu không bị ngăn chặn.

Nếu muốn, ta có thể nói rằng gỡ bỏ trở ngại đã ngăn cản chuyển động cũng là chuyển động một cách nào đó, bởi vì sự gỡ bỏ đó đã khiến chuyển động [tự nhiên] thành điều khả thi trở lại, nhưng thực ra ta không thể nói rằng đây là một chuyển động theo nghĩa chính xác. Ví dụ, nếu chúng ta rút các cột chống đỡ một hòn đá, thì hòn đá sẽ rơi xuống, nhưng ta không thể nói như thế là ta di chuyển hòn đá. Nếu ta lấy một vật nặng đè trên cái túi da đầy khí đặt dưới đáy hồ nước ra, thì túi da sẽ trồi lên mặt nước, nhưng thật ra ta đã không hề cho nó một chuyển động nào. Đây chỉ là chuyển động một cách gián tiếp; tương tự, ta không thể nói rằng bức tường đã di chuyển quả bóng, mặc dù chính nó làm quả bóng dội lại; kẻ thực sự di chuyển quả bóng chính là cầu thủ trước đó đã ném quả bóng vào tường[7].

Bây giờ, hãy tóm tắt toàn bộ phần thảo luận trước, và nói rằng ta phải thừa nhận, như đã được chứng minh, rằng không có trường hợp nào trong số những vật chuyển động nói trên đã chính xác tự di chuyển hết cả, tuy chúng đều mang trong bản thân cái nguyên lý chuyển động2 – nhưng không phải để chuyển động hay tạo ra nó một cách bộc phát, mà chỉ để nhận lấy và chịu đựng chuyển động. Ta nói thêm rằng, mọi vật đang chuyển động trong hiện thực đều, hoặc do một chuyển động tự nhiên, hoặc do phải chịu một chuyển động bắt buộc và trái với tự nhiên. Mọi vật chuyển động do bị bắt buộc đều bị chuyển động bởi một nguyên nhân bên ngoài và xa lạ nào đó. Thậm chí, trong số những vật chuyển động theo tự nhiên, những vật tự chuyển động cũng vẫn là chuyển động do một nguyên nhân, y hệt như những vật không tự chuyển động. Như vậy, các vật nhẹ hay nặng đều nhận được chuyển động từ cái khiến cho chúng là nhẹ hay nặng như chúng hiện là như thế (từ bản chất), hoặc từ cái đã tháo gỡ chướng ngại từng ngăn cản chúng hành động theo bản chất. Thế nên, ta có thể nói một cách tổng quát rằng mọi vật chuyển động đều tiếp nhận chuyển động từ một nguyên nhân nào đó.

Aristotelês,
Tự nhiên học
(Physique,
Trad. de Jules Barthélémy Saint-Hilaire,
 t. VIII, ch. 4).


[1] Nguyên lý vũ trụ học (cosmologic): mỗi vật thể trong tự nhiên đều có vị trí và chức năng được quy định dứt khoát. Đối với Aristotelês, mọi vật đều hoặc ở, hoặc trở về, vị trí cố hữu của mìmh, bởi vì định hướng của mọi vật là đều quay về «nơi chốn riêng» (gốc rễ) của nó. Chẳng hạn, vật nặng có khuynh hướng rơi xuống thấp (mặt đất), vật nhẹ có khuynh hướng bay lên cao (bầu trời). Từ đó, chuyển động được quan niệm như sự chuyển tiếp giữa hai trạng thái hay hai phương thức tồn tại, nói theo ngôn từ của tác giả, từ tiềm năng sang hiệu năng (xem cước chú 3 bên dưới).

[2] Nguyên lý thể chất (substantialist): nguyên nhân của chuyển động nằm ngay trong tự thân vật thể: vật nặng rơi xuống vì bản chất của nó là «nặng». Nguyên lý này không chỉ chi phối thế giới vật lý, mà toàn bộ triết lý của Aristotelês: đá cẩm thạch lạnh vì bản chất của nó là «lạnh», kẻ nô lệ là nô lệ vì bản chất của hắn là «tinh thần nô dịch», v. v…

[3] Một phân biệt căn bản khác trong triết thuyết của Aristotelês (Métaphysique, t. 9): tiềm năng (δύναμιςdynamis = potentiality, potency = puissance) là «cái nguyên lý thay đổi ở một vật khác hay trong tự thân qua một vật khác (= le principe du changement dans un autre en tant qu'autre, St Hilaire = an originative source of change in another thing or in the thing itself qua other, W. D. Ross)» và tác năng hay hiệu năng (ενέργεια, energeia hay ἐντελέχεια, entelecheia = act, acting = acte, en act) là trạng thái đã hoàn thành của một vật có tiềm năng được hoàn thành. Nói đơn giản: những vật thể không ở vị trí tự nhiên của chúng thì chỉ là vật nhẹ hay vật nặng theo tiềm năng (có thể bay lên hay rơi xuống), chúng chỉ thực sự là vật nhẹ hay vật nặng theo tác năng (hiệu năng) khi đã thể hiện bản chất tự nhiên, tức là khi ở vào vị trí tự nhiên của chúng (nghĩa là khi thực sự bay lên hay rơi xuống).  

[4] Nguyên lý mục đích (finalist): mọi vật thể, tự nhiên («tự nhiên không làm gì vô ích cả», Aristotelês, Sự Sinh Sản Của Động Vật = La Génération des animaux, ch. 7) hay nhân tạo (kỹ thuật hay nghệ thuật), đều tồn tại vì một mục đích nào đấy. Mục đích này là thể hiện bản chất của sinh thể hay vật thể, là đạt tới cái vì nó mà mỗi sinh thể hay vật thể tồn tại (Xem thêm, ở đây, trích đoạn: Aristotelês, Nguyên Nhân Mục Đích).   

[5] Ở Aristotelês, chuyển động không chỉ là sự thay đổi nơi chốn, mà còn là phát sinh và tan rữa, hay bất kỳ một hình thức biến đổi nào; và biến đổi này có thể là tương đối (thay đổi nơi chốn) hay tuyệt đối (phát sinh hay tan rữa: khi vật biến đổi không có cùng một thể chất như trước nữa).

[6] Về phẩm: khả năng biết (tiềm năng) trở thành hiểu biết (hiệu năng); về lượng: sự tích lũy tri thức cuối cùng sẽ tạo ra hiểu biết.

[7] Ở đây, Aristotelês phân biệt: nguyên nhân bản chất của chuyển động (cái thuộc về bản chất hay chất thể của vật chuyển động, và do đó là thiết yếu, bắt buộc: vật nặng nhất thiết phải rơi xuống đúng như bản chất của nó); nguyên nhân ngoại lai của chuyển động (cái không thuộc về bản chất của vật chuyển động), cái cản trở định hướng tự nhiên của vật chuyển động khiến vật nặng không rơi xuống, vật nhẹ không bay lên), và nguyên nhân ngẫu nhiên của chuyển động (cái đã tháo gỡ chướng ngại, hoặc cái đã ngăn trở hay đảo ngược  chuyển động tự nhiên như tung một hòn đá lên không).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa