VẤN ĐỀ NGUỒN GỐC SỰ SỐNG (J. MONOD, 1970)

Đưa lên mạng ngày 15-8-2022
Từ khoá : Sự sống (Khái niệm) ; Sự sống  Nguồn gốc ; 
Monod (Jacques) – Trích đoạn

C1

VẤN ĐỀ THỰC SỰ
VỀ
NGUỒN GỐC SỰ SỐNG
(1970)

          Tác giả: Jacques Monod*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ai cũng tưởng mình hiểu ý nghĩa của «vấn đề nguồn gốc sự sống». Nhưng sự khó khăn trong việc tìm hiểu nguồn gốc này không chỉ đến từ sự kiện là hiện tượng đã mất hút «trong đêm đen của thời gian», như ta quen nói. Tất nhiên, tìm ra dấu vết của những sinh vật có niên đại vài tỷ năm là điều cực kỳ khó, và chắc chắn rằng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một vết tích nào về cấu tạo nguyên thuỷ của sự sống. Nhưng vấn đề bắt nguồn trước hết từ chính bản chất của sinh vật: chúng sinh sản, chúng ta phải hiểu sự sản sinh của chúng như thế nào?

*

Hệ thống sống đơn giản nhất mà chúng ta từng biết, tế bào vi khuẩn, cái bộ máy nhỏ nhưng cực kỳ phức tạp và hiệu quả, có lẽ đã đạt tới trạng thái hoàn hảo hiện nay từ hơn một tỷ năm trước. Sơ đồ hóa học tổng thể của tế bào này là cùng một thứ với mọi sinh vật khác. Ví dụ, nó sử dụng cùng một mã di truyền và cùng một cơ cấu dịch mã như ở những tế bào người.

Như vậy, chẳng có gì là «nguyên thủy» nơi các tế bào đơn giản nhất mà chúng ta có dịp nghiên cứu. Chúng là sản phẩm của một quá trình chọn lọc vốn đã có thể tích lũy, qua năm trăm hoặc một nghìn tỷ thế hệ, một bộ máy hướng đích (teleonomique)[1] mạnh mẽ tới mức là ta không thể còn phân biệt được dấu tích của những cấu trúc thực sự là nguyên thủy nữa. Tái tạo một sự tiến hóa như vậy mà không có hóa thạch là điều bất khả thi. Tuy nhiên, người ta muốn ít nhất có thể đề xuất một giả thuyết tin tưởng được về con đường sự tiến hóa này đã đi theo, đặc biệt là ở điểm nó xuất phát.

Sự phát triển của hệ thống chuyển hoá (métabolique), cái phải "học" huy động tiềm năng hóa học và tổng hợp các phần cấu thành tế bào, khi món súp nguyên thủy[2] dần dần trở nên cạn kiệt hơn, đặt ra những vấn đề khó khăn ngang với các công trình của Hēraklēs. Sự siêu hiện (émergence)* của màng thẩm thấu có tính chọn lọc, mà nếu không có thì không thể có tế bào nào sống còn, cũng đặt ra những khó khăn tương tự. Nhưng vấn đề chính là nguồn gốc của mã di truyền và cơ chế dịch mã. Trên thực tế, đây không phải là một «vấn đề» mà phải nói là một bí ẩn thực sự.   

Mã không có ý nghĩa gì trừ phi được dịch. Bộ máy dịch của tế bào hiện đại có khoảng 150 thành phần đại phân tử, và chính bản thân chúng được mã hóa trong DNA[3]: mã chỉ có thể được dịch bởi các sản phẩm của việc dịch mã. Đó là biểu hiện hiện đại của omne vivum ex ovo[4]. Khi nào và làm thế nào cái vòng này mới tự đóng lại? Thật là khó tưởng tượng quá đỗi.

Jacques Monod,
Cái Ngẫu Nhiên Và Cái Tất Yếu
(Le Hasard et la Nécessité*,
Paris : Seuil, 1970,  Ch. 8, tr. 181-182 .


[1] Theo Jacques Monod, một sinh vật là «hướng đích» khi quy luật tổ chức của nó cho thấy một mục đích, một cứu cánh. Ví dụ: cấu trúc của cá cho thấy sự thích nghi vào sự sống trong môi trường nước: cá được cấu tạo «để» bơi, «để» rút dưỡng khí, «để» bắt mồi trong nước.  Xem thêm, trên cùng trang mục này, chú thích 4 trong bài:  Jacques Monod, Sinh Học Và Định Đề Về Tính Khách Quan.

[2] Ở đây, cụm tử «súp tiền sinh học (soupe prébiotique)» này chỉ một thứ dung dịch, tồn tại vào một thời điểm nào đó trên Trái Đất ở một số vùng nước rộng lớn, trong đó có chứa ở nồng độ cao những thành phần căn bản của hai lớp đại phân tử sinh học thiết yếu cho sự sống như axit nucleit và protein.

[3] DNA, ADN: deoxyribonucleic acid = acide désoxyribonucléique. DNA là phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống (sinh trưởng, phát triển và sinh sản) của các sinh vật và nhiều loài virus.

[4] Cụm từ La-tinh có nghĩa là «mọi sinh vật đều ra đời từ một quả trứng». Nhưng bởi vì quả trứng chỉ có thể được đẻ ra bởi sinh vật, phải hiểu nghịch lý nguồn gốc này như thế nào? Trong ngôn từ hàng ngày, đây là vấn đề «quả trứng gà và con gà».

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa