VĂN BẢN VÀ SỰ KIỆN TRONG LỊCH SỬ Y HỌC (C. DAREMBERG, 1870)
Đưa lên mạng ngày 15-05-2020
Từ khóa : Sử liệu (Khái niệm) – Y học
C1

VĂN BẢN VÀ SỰ KIỆN
TRONG LỊCH SỬ Y HỌC
(1870)

Tác giả: Charles Daremberg[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Chính văn bản là yếu tố tạo thành cơ thể của sử học. Thật vậy, làm thế nào chúng ta có thể viết lịch sử của một khoa học với các văn bản không chính xác, khi nghĩa đen của từ cũng chưa được xác định, khi nội dung của cả văn bản lẫn thuật từ đều bị phó mặc cho sự diễn giải độc đoán, khi sự phóng túng chứ không phải tinh thần phê phán chủ trì công đoạn xác nhận nguồn gốc của chúng; và nhất là làm sao có thế viết sử, khi người ta thậm chí còn không quan tâm đến cả các văn bản đã xuất bản, nói chi tới chuyện truy tìm những văn bản chưa biết?

Một vài ví dụ là đủ để chứng minh phát biểu cơ bản này: nếu nhiều trước tác mang tên Hippocrates[2] vẫn còn bị trộn lẫn trong các văn bản được tập hợp một cách bừa bãi, làm thế nào có thể hiểu và nhận diện chúng trong số bao ý kiến trái ngược, làm sao chỉ ra nguồn gốc và sự tiếp nối của các lý thuyết, làm thế nào xác định những bước tiến và thẩm định ảnh hưởng của chúng được? Nếu đối với chuỗi y sĩ nối đuôi nhau từ Hippokratês đến Celsus[3], chúng ta không thiết lập nổi một trình tự thời gian nghiêm ngặt nhất có thể, nếu chúng ta không thu thập được các mảnh rời đây đó từ những tác phẩm của họ, thì hẳn là hơn ba thế kỷ y học đã bị khép kín vĩnh viễn trước mắt sử gia. Nếu chúng ta để những trước tác y học của nửa đầu thời Trung cổ – trước triều đại độc quyền của người Ả Rập – ngủ yên trong các thư viện, nơi chúng đã bị chôn vùi có khi từ vài trăm năm, thì ta bắt buộc sẽ phải thừa nhận với Sprengel[4] và rất nhiều sử gia khác một hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy: sự biến mất gần như hoàn toàn của nền y học ở phương Tây, giữa những bóng tối của thời Mọi rợ[5] hoặc các chướng ngại do mê tín, và sự hồi sinh bất ngờ của nó vào khoảng thế kỷ thứ XIII. Chúng ta sẽ không hiểu chút gì về danh tiếng truyền thống của Trường Salerno[6], nếu ta chỉ biết về trường phái này qua tập thơ mang tên Những Bông Hoa Y Học[7], và nếu người ta không tìm thấy nhiều tài liệu ẩn khuất trong hơn hai mươi thư viện. Cuối cùng, lịch sử của khoa y học sẽ được tiến hành như thế nào từ thời Phục Hưng đến thời hiện đại đây, nếu chúng ta không quan tâm đọc những công trình lớn hay những tập sách mỏng đã được in ra hay còn là bản viết tay, cả ở nước ngoài lẫn ở Pháp?

 [...]

Chúng ta không thể tránh áp dụng vào lịch sử cái phương pháp ngày nay đã tạo nên sức mạnh và sự vinh quang của khoa học, cái phương pháp đã đổi mới mọi ngành sử học khác, trừ lịch sử y học. Nếu sự kiện là thể chất của khoa học, thì văn bản là thể chất của   sử học. Ở đây hay ở đấy, sự tưởng tượng đơn thuần đều nguy hiểm như nhau: tất cả chúng ta đều ở trạng thái hoặc không biết chi chính xác, hoặc không thể đưa ra bất kỳ một phán xét công bằng dù đơn sơ nào, về sự phát triển của y học cũng như về các  tình huống thúc đẩy hoặc kìm hãm nó, nếu chúng ta chưa đọc những tác giả có khả năng cung cấp cho ta các yếu tố thiết yếu, dù họ là y sĩ hay không. Cuối cùng, chúng ta cũng không thể mô tả hay đặc trưng hóa các thời đại khác nhau nếu không biết tất cả những sự kiện có một tầm quan trọng nào đó, và không thể vẽ lại diện mạo của một hệ thống nếu chưa triển khai hết mọi lớp lang, nếp gấp của nó. Đây chính là cái phương pháp thực nghiệm của giới sử gia chúng ta.

Trong lịch sử y học, không chỉ có các học thuyết mà còn có, như tôi đã chỉ ra ở trên, những mô tả tổng quát về các bệnh tình và tương quan giữa các trường hợp cụ thể hoặc những quan sát y tế. Đấy đúng là lịch sử của bệnh học; thế nhưng ở đây không còn giới hạn vào việc đọc những văn bản đã trở thành thiết yếu, điều quan trọng là phải nghiên cứu bản thân sự kiện và so sánh nó với các sự kiện tương tự xảy ra mỗi ngày, nhằm xác định ý nghĩa thực sự của nó, chẩn đoán nó bằng một cái nhìn quay về quá khứ, rồi  phân loại nó trong khuôn khổ đặc tính bệnh học; hơn nữa, còn phải kiểm tra tính chính xác của sự nhận dạng mỗi căn bệnh trong những báo cáo tổng quát về nó. Như vậy, phương pháp thực  nghiệm can thiệp vào đây dưới hai danh nghĩa: như nghiên cứu văn bản và như nghiên cứu sự kiện hay sự mô tả sự kiện mà văn bản đã trao truyền cho chúng ta. Chỉ với mức giá này mà chúng ta sẽ có được một lịch sử y khoa và một lịch sử bệnh học, những chuyên ngành lịch sử có khả năng phục vụ tốt cho thực tiễn y tế hiện hành, bất chấp những bài bác chính thức thường nghe thấy trong các Trường y của chúng ta, hoặc những nụ cười mỉm hoài nghi, thậm chí thương hại, mà chúng ta vẫn thấy lang thang trên đôi môi những nhân vật trịnh trọng và thông thái rởm nhất.

[...] Đối với tôi, lịch sử [khoa học] hiểu như trên là bản thân khoa học; nó cung cấp cho khoa học các yếu tố cấu thành, những yếu tố thuộc về phương pháp thực nghiệm hoặc quan sát, cùng danh nghĩa với những yếu tố mà chúng ta thu thập và tập hợp mỗi ngày.   

Charles Daremberg,
Lịch Sử Của Các Khoa Y Học
(Histoire des sciences médicales,
Paris, 1870, tr. 13-15).


[1] Charles Victor Daremberg (1817-1872):  y sĩ, sử gia y học, quản đốc thư viện người Pháp. Tác phẩm: Œuvres choisies d'Hippocrate (1843, 1855); Essai sur la détermination et les caractères des périodes de lʹhistoire de la médecine (1850); La médecine dans Homère ou Études d'archéologie sur les médecins, l'anatomie, la physiologie, la chirurgie, et la médecine dans les poèmes homériques (1865); La médecine: histoire et doctrines (1865);  Recherches sur l'état de la médecine durant la période primitive de l'histoire des Indous (1867); Histoire des sciences médicales: comprenant l'anatomie, la physiologie, la médecine, la chirurgie et les doctrines de pathologie générale depuis les temps historiques jusqu'à Harvey (2 q., 1870).

[2] Hippokratês xứ Kôos (khg 460-370 tCn): nhà y học Hy Lạp cổ đại, được xem là ông tổ của ngành y, nhờ những đóng góp của ông trong lĩnh vực này, như người sáng lập ra trường phái y học được đời sau gọi theo tên ông (Anh:  Hippocratic School of Medicine).

[3] Aulus Cornelius Celsus (khg 25 tCn-50 sCn): nhà bách khoa thời La Mã cổ đại. Tác phẩm còn lại:  De Medicina (8 q.).

[4] Otto Gerhard Karl Sprengel (1852-1915): nhà giải phẫu học người Đức. Tác phẩm: Appendicitis (1906); Über den Begriff 'Bruchanlage' in der Praxis (1909).

[5] Từ chỉ thời Trung cổ, vẫn còn bị xem như một thời tăm tối cho đến nửa đầu thế kỷ XX.

[6] Trường Y học ở Salerno (Ý: Scuola Medica Salernitana): trường y khoa đầu tiên và danh tiếng nhất Âu châu thời Trung cổ (xây dựng: tk thứ 9; thời vàng son: tk 11-12; trở thành đại học trong tk 13). Danh tiếng của Trường đến từ việc nghiên cứu nhiều nguồn y khoa khác nhau (cổ đại, Byzance, Ả rập) và sự quảng bá chúng ra khắp Âu châu. Ở tk 14, nhà thơ Francesco Petrarca (1304-1374) cho rằng Salerno là nguồn và đài nước của y học. Mặc dù Trường cũng bắt đầu suy đồi từ tk 13, danh tiếng của nó còn kéo dài tới tk 18. Trường bị đóng cửa chính thức năm 1811. Đại học Salerno được xây dựng lại vào năm 1968.

[7] Fleurs de la Médecine = Bach flower remedies: hoa ở đây phải được hiểu theo nghĩa đen. Tác phẩm của Edward Bach (1886-1936), nhà liệu pháp vi lượng đồng căn (homeopathe!) người Anh, viết khoảng năm 1930, dạy cách dùng loại dung dịch lượng nhỏ chế biến từ hoa để chữa bệnh. Quyển sách   có đề cập đến Scuola Medica Salernitana.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa