Cập nhật ngày 13-3-2019 Từ khóa : Sử học – Pháp – tk XIX |
C2 |
TUYÊN NGÔN SỬ HỌC
CỦA
TẠP CHÍ LỊCH SỬ PHÁP
REVUE HISTORIQUE*
(1876)
Tác giả: Gabriel Monod[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870-1871[2] chấm dứt với chiến bại của Pháp. Trong cơn sốc và sốt nhục, giới tinh hoa Pháp sôi nổi tìm nguyên do. Các chuyên gia săn phù thủy thấy ngay thủ phạm: có quá nhiều sĩ quan Do Thái trong quân đội Pháp. Thành kiến chủng tộc này đã dẫn đến hai vụ án Alfred Dreyfus và Emile Zola, để rồi rốt cuộc nước Pháp phải nhận thêm một nỗi nhục nữa – của sự bất minh, bất công và bất chính[3].
Nhưng vẫn còn những học giả Pháp có đủ sáng suốt để nhìn sang hướng khác. Và điều khá bất ngờ, cho người đương thời cũng như cho chúng ta ngày nay, là họ lại thấy lý do của chiến bại nơi hệ thống giáo dục hủ lậu, chính xác là ở cách tổ chức Đại học, và cụ thể là trong việc viết sử, dạy và học sử, ở mọi cấp.
Bài viết – «Những Bước Tiến Của Nghiên Cứu Lịch Sử Ở Pháp Từ Thế Kỷ Thứ XVI = Progrès des études historiques en France depuis le XVIe siècle» – mà chúng tôi dịch đăng phần cuối ở đây, là bài mở đầu của Tạp Chí Lịch Sử (Revue historique), ra đời năm 1876, nhằm cải thiện phần nào tình hình. Bởi nội dung của nó, tờ khai sinh này sau còn được xem là Tuyên ngôn của giới sử gia ở một nước vừa trải qua chiến bại.
Về căn bản, các quy tắc của Tuyên bố năm 1876 này rất khác với những quy tắc mà Langlois và Seignobos sẽ trình bày trong Dẫn Vào Nghiên Cứu Sử Học (Introduction aux études historiques[4], 1898) chẳng hạn, bởi chúng không mang tính chất kỹ thuật mà tinh thần, chính xác hơn nữa là đạo lý nghiệp vụ, như bạn đọc sẽ nhận thấy khi đọc. Sự chân chính của nhà sử học đến từ việc ông từ chối đánh mất đạo lý nghiệp vụ vì sự dấn thân vào các lý thuyết chính trị hay triết học, đến mức chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, bất chấp những giá trị nhân bản nền tảng, đồng thời cũng là những đòi hỏi căn bản của khoa học, trong đó có sử học. Đúng như tác giả đã khẳng định trong câu kết: «Chính như vậy mà sử học, tuy không tự cho mình một mục đích và cứu cánh nào khác ngoài ích lợi thu nhận được từ chân lý khoa học, hoạt động một cách âm thầm nhưng chắc chắn, vừa cho sự vĩ đại của Tổ quốc, vừa cho sự tiến bộ của Loài người».
Ở vào thời đại này, khi sử học bị đe dọa từ cả hai phía, hoặc trở thành triết lý tư biện, hoặc tiểu thuyết lịch sử, hoặc cả hai… thiết tưởng mọi sử gia ở mọi quốc gia, dù thắng hay bại trong một cuộc chiến, đều nên tự đặt cho bản thân mình một câu hỏi: Ta đã làm gì với nền sử học của ta, để đến nỗi những kẻ được xem là tương lai của đất nước phải rú lên mừng rỡ khi thoát khỏi «nạn» phải học và thi môn quốc sử, vũ khí không thể thiếu trong công cuộc «chấn dân khí»?
Nguyễn Văn Khoa
*
I - NHỮNG TIẾN BỘ TRONG NGÀNH SỬ
Nhờ sự tiến bộ của các ngành và phương pháp khoa học, sử học đã có được nhiều phương tiện khám phá tuyệt vời. Qua ngữ văn học so sánh, nhân học, thậm chí cả địa chất học, ngày nay môn sử phóng được tầm nhìn của mình vào tận những thời xa xưa thiếu vắng cả đền đài, lăng mộ lẫn tài liệu viết. Các khoa học phụ thuộc – về tiền và huy chương cổ, về cổ tự, văn bia, văn bằng… – đã cung cấp cho nó những tài liệu với uy tín không thể tranh cãi. Cuối cùng, thuật phê phán văn bản, được xây dựng trên các nguyên tắc và một lối phân loại thực sự khoa học, cũng cho phép sử học tái tạo – nếu không phải là trong sự thuần khiết nguyên sơ, thì ít ra cũng là dưới cái hình thức ít biến dạng nhất – mọi văn kiện lịch sử, pháp lý, văn học… đã không được lưu giữ trong các bản viết tay gốc, và những bút tích khác. Được hỗ trợ và trang bị bằng các công cụ như vậy, lại thêm một phương pháp nghiêm ngặt và một tinh thần phê phán thận trọng, thì dù không phải là lúc nào cũng có thể phát hiện ra đầy đủ sự thật, ít ra sử học sẽ có khả năng xác định được chính xác, trên từng điểm nghiên cứu một, cái gì là chắc chắn hay chỉ có vẻ là thực, cái gì là đáng ngờ hay sai.
II - SỬ HỌC VÀ ĐẠI HỌC ĐỨC
Chính nước Đức đã góp phần lớn mạnh nhất vào công cuộc xây dựng sử học trong thế kỷ của chúng ta. Một số quốc gia khác có thể nêu tên họ của nhiều sử gia cũng lừng lẫy như của Đức; nhưng không nước nào có thể liệt kê một danh sách dài như của họ, và cũng không nước nào có thể tự hào là đã thúc đẩy môn học này tiến tới như họ. Để nắm thế ưu việt này, chắc chắn là nước Đức đã nhờ vào chính thiên tài [tinh thần] quốc gia (về cơ bản rất thích hợp với loại nghiên cứu đòi hỏi kiên nhẫn và uyên bác), vào tình trạng ít phát triển cho đến gần đây của đời sống chính trị và công nghiệp bên kia sông Rhin, vào sự trân trọng mà họ luôn luôn dành cho những công trình trí tuệ; nhưng chủ yếu là nhờ vào sự tổ chức nghiêm túc các trường đại học của Đức. Thay vì dần dần biến mất từ thế kỷ thứ XVI, chỉ còn lại các trường trung học phổ thông như ở Pháp, nền giáo dục đại học của Đức đã từ từ được cải tiến theo nhu cầu của thời đại, đã gột bỏ mọi truyền thống giáo hội và thần học của thời Trung cổ, rồi mở cửa chào đón tinh thần tự do và thế tục, đồng thời giữ vững sự lãnh đạo trí tuệ trên đất nước. Tập quán đại học được bảo dưỡng, thậm chí còn được mở rộng. Nhờ vậy, các trào lưu khoa học và văn học ở Đức đều quay về tập trung trong các Đại học, trong khi ở Pháp chúng hầu như hoàn toàn xa lạ với nền đại học, do chỉ thân thuộc với các giới viên chức, tu sĩ và hàn lâm. Ngay bản thân môn thần học cũng không bị xem như một chướng ngại cho sự nghiên cứu nghiêm túc, trái lại, nhờ tinh thần tự do học hỏi và phản biện đang chiếm ưu thế ở đây, nó lại trở thành lĩnh vực mà sự phê phán đã được thực thi một cách tỉ mỉ và triệt để nhất. Nhờ các nghiệp đoàn học giả và giáo sư, những con người tuyệt vời này của họ đã có thể xây dựng nên nhiều truyền thống khoa học vững chắc, cùng với nền nếp đại học phổ quát, về phương pháp và phê phán. Bởi chính cái sức lôi kéo của hoàn cảnh này mà không cần đến cả một sự thỏa thuận nào trước, việc nghiên cứu mọi lĩnh vực lịch sử cũng đã cất bước theo chân, một cách thường xuyên, đều đặn, và có hệ thống, nhờ đã được tạo điều kiện sẵn thông qua một sự cộng tác đã hình thành quá dễ giữa các nhóm giáo sư, có sự hỗ trợ của sinh viên, trong cùng một đại học. Tất nhiên, chúng ta có thể chê bai khoa (sử) học của nước Đức ở nhiều nhược điểm – quá rườm rà, tỉ mỉ, tế nhị, nhiều nỗ lực chỉ để đổi lấy những kết quả vụn vặt, ít quan tâm đến hình thức văn học, nửa do khinh thị, nửa vì bất lực. Đâu phải vì thế mà những thành tựu của họ trong thế kỷ này kém phần đồ sộ. Phát hành văn bản và ấn phẩm; phê phán các nguồn tài liệu; làm sáng tỏ, lần lượt và kiên nhẫn, mọi góc cạnh được nghiên cứu của lịch sử… không gì bị bỏ quên. Chỉ cần nêu lên những tên họ này: [Christian] Lassen (1800-1876), [August] Boeckh (1785-1867), [Georg] Niebuhr (1776-1831), [Theodor] Mommsen (1817-1903), [Carl von] Savigny (1779-1861), [Albert] Eichhorn (1856-1926), [Leopold von] Ranke (1795-1886), [Georg] Waitz (1813-1886), [Georg Heinrich] Pertz (1795-1876), Georg Gottfried Gervinus (1805-1871), nhắc tới các bộ sách Corpus Inscriptionum, Monumenta Germaniae, Jahrbücher des Deutschen Reiches, Chroniken der Deutschen Staedte, Fontes Rerum Austriacarum, Scriptores Rerum Prussicarum, v. v… và những ấn phẩm xuất sắc của vô số hội đoàn lịch sử bao trùm khắp nước Đức. Quốc gia này có thể được ví như một phòng thí nghiệm sử học rộng lớn, nơi mọi công trình đều được tập trung về và sắp xếp, nơi sẽ không một nỗ lực nào bị lãng quên. Để thẩm định đúng giá trị thực sự của trào lưu sử học này, cần phải rà soát tất cả các chi nhánh khác của môn học, bởi vì phương pháp sử học đã được áp dụng ở khắp nơi. Tất cả các ngành khoa học khác – ngữ văn, luật học, thần học, triết học… đều sử dụng lịch sử, và được sử học mời gọi đóng góp. Hơn nữa, sẽ rất bất công nếu chúng ta còn nghĩ, như đôi khi ta vẫn tưởng tượng, rằng nền khoa học của Đức thiếu hụt loại ý tưởng tổng quát, và chỉ có những công trình nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ uyên bác. Ngược lại, ở đây những ý tưởng tổng quát rất dồi dào, nhưng chúng không thuộc loại hoang tưởng văn học, được hư cấu trong cơn ngẫu hứng do sự quyến rũ của trí tưởng tượng; chúng không phải là những hệ thống và lý thuyết làm hài lòng người đọc nhờ vẻ đẹp bên ngoài và cấu trúc nghệ thuật; đây là những ý tưởng tổng quát mang tính khoa học, nghĩa là những sự kiện đã được kiên nhẫn và nghiêm ngặt tổng quát hóa, hoặc các giả thuyết đã được lập ra nhằm giải thích những sự kiện đã biết rồi, và được sử dụng để thăm dò các sự kiện còn mơ hồ. Chính là nhờ vào những ý tưởng tổng quát mà các khoa học lịch sử có thể thực sự xứng đáng mang danh khoa học, xây dựng nền tảng vững chắc, và thực hiện được những bước tiến chắc chắn. Ở đây, không một quốc gia nào đã mang lại cho việc nghiên cứu sử học cái tính chất khoa học chặt chẽ này nhiều hơn là đóng góp của nước Đức.
III - SỬ HỌC VÀ ĐẠI HỌC PHÁP
1 - Tình hình chung
Sự phát triển của nghiên cứu lịch sử ở Pháp còn lâu mới có được một sự đều đặn thưòng xuyên như vậy. Và phải tìm nguyên nhân của nó, như ở Đức, nơi thiên tài [tinh thần] quốc gia: bộc phát hơn, nôn nóng hơn, thiên về sự quyến rũ của trí tưởng tượng và nghệ thuật hơn; nhưng cũng phải thấy nó nơi sự vắng mặt của một nền giáo dục đại học hữu hiệu, của mọi bộ môn khoa học phổ quát [căn bản?] nói chung, của mọi cơ quan điều hành, của các quy tắc phương pháp, tập quán làm việc tập thể, mà một nền giáo dục đại học cao cấp phải ban phát. Viện Hàn Lâm Bi Ký học[5] (L'Académie des Inscriptions)*, thiết chế đã kế thừa dòng thánh Biển Đức[6] năm 1816, nhằm hoàn tất các công trình mà dòng tu này đã bắt đầu (như bộ Sử Gia Pháp, bộ Gallia Christiana[7], và bộ Lịch Sử Văn Học), đồng thời tiếp tục những công trình của học viện trước (như thiết lập các Bảng Và Bộ Sưu Tập Văn Bằng và Hiến Chương, Bộ Sưu Tập Những Chỉ Dụ, thậm chí còn mở ra một bộ sách mới về các Sử Gia Của Cuộc Thập Tự Chinh) ; Viện còn ban phát rất nhiều giải thưởng cho những công trình nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên, nó chưa bao giờ tạo nổi cho mình một ảnh hưởng trông thấy được trong việc hướng dẫn nghiên cứu sử học. Chúng ta có thể đã thắng thế đôi chút về sự độc đáo, ít ra về mặt hình thức văn học; nhưng ở đây, nhìn từ quan điểm ích lợi khoa học của loại trước tác nghiên cứu, phải thấy rằng sử gia của ta đã thất thế. Họ hầu như đều là kẻ tự học, không hề có thầy chỉ dẫn, mà cũng chẳng đào tạo ra học trò. Họ áp đặt dấu ấn của khí chất bản thân, của nhân cách bản thân lên sách sử. Thông thường, họ là người viết văn trước khi là học giả, ngay cả những kẻ uyên bác nhất. Bằng chứng là ta không hề thấy họ lấy lại và tu chỉnh công trình của mình, hầu bắt kịp những bước tiến của khoa học. Họ tái bản tác phẩm, với khoảng cách là hai mươi năm sau, mà không thay đổi tí gì. Sint ut sunt aut non sint[8]. Đối với họ, điều quan trọng trong trước tác không nằm nơi bản thân của những sự kiện, mà nơi cái hình thức họ đã khoác cho chúng.
Ngoài sự thiếu vắng truyền thống khoa học, một đường hướng phát triển thống nhất, sự lôi cuốn của trí tưởng tượng, còn phải kể thêm vào đấy cả loại đam mê chính trị và tôn giáo nữa. Ngay các sử gia lỗi lạc nhất của chúng ta cũng đều tự để cho bản thân bị chi phối nặng nề bởi những mê say đương đại, trong các lý thuyết, trong cách thẩm định, thậm chí cả trong cách họ phê phán sự kiện. Điều này đúng cho [Augustin] Thierry (1795-1856)* cũng như cho [François] Guizot (1787-1874)*, [Jules] Michelet* (1798-1874) hay [Adolphe] Thiers (1797-1877)*. Hơn nữa, cả những ví dụ lẫn ký ức của thế kỷ XVIII cũng đều thôi thúc họ tiến đến những khái quát vội vã, và họ tưởng tượng ra rằng một khi cuộc Cách mạng đã hoàn tất, nhất là khi Hiến chương năm 1830 đã được công bố, thì thời điểm để viết lịch sử tổng quan của nước Pháp, thậm chí để phác họa lại nền Triết học về Lịch sử […] của nước Pháp một cách dứt khoát đã đến, và chỉ cần viết trong vài trang thôi, như ở Edgar Quinet (1803-1875)*.
2 - Những thành tựu trong quá khứ
Nhưng dù những lỗi lầm và thiếu sót của họ nặng đến đâu, lớp sử gia nổi bật nhất của chúng ta cũng đã cống hiến nhiều công trình lớn lao. Cái cảm thức nghệ thuật và văn học này, sự mãnh liệt của trí tưởng tượng kia, nếu chúng đã khiến cho họ để phần cảm xúc cá nhân lấn át quá thường xuyên phần sự kiện hiện thực, thì cùng một lúc, chúng cũng đã cho phép họ phục sinh quá khứ, trả lại cho nó những sắc màu đích thực, khiến nó có thể được am hiểu, có thể nói như trông thấy bằng mắt, qua những nét chìm nổi, một sự sống động phi thường. Đam mê chính trị và tôn giáo, những xu hướng đã khiến họ thường xuyên tô vẽ sự thật đậm nhạt, cũng cho phép họ thâm nhập sâu sắc hơn kẻ khác vào tâm hồn người xưa, để làm sáng tỏ những cảm xúc sâu kín của họ, để thông hiểu khía cạnh tâm lý và nhân tính của sử học. Khuynh hướng triết lý, thứ đã sinh ra bao lý thuyết vội vã và sai lầm, cũng thường tiết lộ những tương quan mật thiết và ẩn khuất giữa các biến cố, và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện bề ngoài dường như không đáng kể. Sử gia Pháp xứng đáng nhất với cái vinh quang đã đưa sự sống vào sử học, đã truy tìm con người thay vì sự kiện trong lịch sử, đã tạo ra một sự kích động trí tuệ màu mỡ bởi số lượng những quan điểm mới, những ý tưởng tổng quát thường là non sớm nhưng hầu như luôn luôn đầy tài năng và thú vị… rải rác trong các tác phẩm của họ. Ảnh hưởng của họ thật là mênh mông, và sử gia Đức là những người đầu tiên công nhận điều này, dù phương pháp của họ hoàn toàn trái ngược. [François-René de] Chateaubriand (1768-1848) đã đổi mới quan niệm về lịch sử nước Pháp trong quyển Considérations[9] đầy trực quan thiên tài của ông; Augustin Thierry – kẻ mà thiên chức sử gia đã được đánh thức nhờ đọc tác phẩm trước – đã trả lại cho thời dã man và thời Trung cổ những sắc màu thật sự của chúng; F. Guizot tìm cách phân chia nền văn minh của châu Âu cũng như của Pháp thành nhiều thành phần, và cho thấy sự tương tác của loại đam mê chính trị và tôn giáo trong cuộc Cách mạng ở nước Anh; hơn bất cứ ai khác, J. Michelet đã biết làm sống dậy không chỉ cái dáng ngoài của quá khứ, mà cả những cảm xúc, nhiệt tình, và ý tưởng từng kích động người đương thời; cuối cùng, nhờ đặt các ý tưởng tổng quát của mình trên những sự kiện được nghiên cứu nghiêm túc, Alexis de Tocqueville (1805–1859)* đã thay đổi hoàn toàn quan niệm sai lầm về mối liên hệ giữa hai thời đại mới và cũ của nước Pháp: ông đã chỉ ra, trong tác phẩm còn dở dang về Chế Độ Cũ Và Cách Mạng, một sự tiếp nối lôgic nơi kẻ khác chỉ nhìn thấy một mâu thuẫn triệt để. Bên cạnh các tác giả lớn trong văn học lịch sử của Pháp này, chúng ta còn thấy nhiều nhà ký thuật đáng ngưỡng mộ, như [Prosper de] Barante (1782-1866), [Adolphe] Thiers, [François-Auguste] Mignet (1796-1884), và cả Edgar Quinet – một nhà văn với dáng dấp thi sĩ hơn là học giả, và tuy đầu óc mơ hồ đầy mạo hiểm, đã để lại trong tập Các Cuộc Cách Mạng Ở Ý và trong quyển sách của ông về cuộc Cách Mạng Pháp, nhiều điều tiên tri thật sự.
Tuy nhiên, những tên tuổi lớn này cũng chưa đại diện đầy đủ cho trào lưu sử học đương đại của Pháp, mà còn một khoảng cách khá xa. Bên cạnh họ, và trong một chừng mức nào đấy, dưới sự hướng dẫn của họ, còn có một dòng chảy ít rực rỡ hơn, lặng lẽ hơn, đều đặn hơn, và tuy kết quả ít hiển hiện hơn, cũng không kém phần quý giá. Nước Pháp cũng có những học giả, nhà phê bình, nhà thám hiểm quá khứ kiên nhẫn của mình, có thể là ít hơn so với Đức, nhưng chắc chắn là ít được biết tới ngay ở Pháp, như các học giả Đức được biết tới trên quê hương của họ, bởi vì ở nước ta, một khi bị tước mất sự quyến rũ của hình thức, khoa học không còn giữ được một vị trí cũng quan trọng như ở quốc gia láng giềng. Như chúng tôi vừa nhắc lại, khi được tái lập, Viện Hàn Lâm Bi Ký Học* đã tiếp nối những nghiên cứu của dòng thánh Biển Đức, và thêm các công trình mới này vào phần di sản mà Học viện cũ (bị phá hủy bởi cuộc Cách mạng!) đã lưu truyền. Nhờ sự chỉ đạo thông minh nhận được, Trường Pháp Điển (École des Chartes), được thành lập năm 1821 để đào tạo nhân viên lưu trữ và thư viện, đã trở thành một ngôi trường thực sự về lịch sử quốc gia và lịch sử thời Trung Cổ. Nhờ nó, nước Pháp đã giữ được vị trí hàng đầu từ nửa thế kỷ nay về khoa văn kiện cổ và khoa cổ tự. Chỉ cần minh họa khẳng định này bằng tên của Benjamin Guérard (1797-1854) là đủ. Chính nhờ sáng kiến của ông mà nhiều sổ thế bạ[10] của tu viện đã được in ra, xuất bản, và ngày nay vẫn còn được xem là một trong các bộ sưu tập có giá trị nhất cho công cuộc nghiên cứu những thiết chế dân sự thời Trung Cổ. Ngay cả các tu sĩ của dòng thánh Biển Đức cũng đã cố gắng kết nối lại với truyền thống của Saint-Germain-des-Prés tại Solesmes, và ở đây họ đã thành công ít ra về những công trình bác học thuần túy giáo hội. Dưới ảnh hưởng của F. Guizot, việc xuất bản tác phẩm sử học cũng phát triển đột ngột, nhờ sự thiết lập bộ sưu tập Tài Liệu Chưa Từng Xuất Bản dưới sự bảo trợ của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Instruction publique), và sự ra đời của Hội Sử Học Pháp (Société Histoire de France). Đồng thời những Học hội (sociétés savantes) cũng nở rộ tại các tỉnh, và Ủy ban Nghiên cứu Lịch Sử (Comité des Travaux historiques) cũng được thành lập tại Bộ Giáo dục như một trung tâm và ít nhiều như một cơ quan hướng dẫn. Cuối cùng, Trường Khảo Cổ Học ở Athenai (École archéologique d'Athènes), ra đời năm 1846, đã góp phần đánh thức năng khiếu của chúng ta đối với việc nghiên cứu cổ Hy Lạp, cũng đã bị bỏ quên một cách kỳ lạ. Và chúng ta có thể hy vọng rằng việc thành lập Trường Khảo Cổ Học Rô-ma (École archéologique de Rome) gần đây cũng sẽ dẫn đến cùng loại kết quả ấy, cho các bộ môn ngữ văn La-tinh và lịch sử La Mã, mà kẻ kế thừa La Mã như chúng ta lại cũng thờ ơ không kém gì mức hững hờ với Hy Lạp cổ đại.
3 - Những nhược và khuyết điểm chính
Nỗi bất hạnh mà khoa sử học đã phải chịu đựng nhiều nhất ở Pháp là sự tách biệt, hay nói chính xác hơn, một loại đối kháng, mà đã từ lâu người ta tìm cách dựng lên, giữa văn học với sự uyên bác. Nhiều nhà văn đã ra vẻ có một thái độ khinh thị nào đó đối với những nghiên cứu học thuật, như thể họ tin tưởng rằng có trí tưởng tượng, ý thức thông thường, tinh thần triết gia ở một mức độ nhất định, và bút pháp là đủ để thay cho tất cả mọi thứ khác; trong khi về phần giới học giả, họ cũng đôi khi cho thấy một sự miệt thị quá mức đối với hình thức văn học, một ác cảm không hợp lý trước loại ý tưởng tổng quát (nơi họ chỉ muốn nhìn thấy những bông lông và câu chữ), để rồi tự đi lánh nạn, với một thứ thiên kiến, trong những chi tiết tỉ mỉ và vụn vặt không đáng quan tâm. Nhưng những người thực sự minh họa khoa sử học đều không hề hiểu và hành động như vậy. A. Thierry không hề tin mình đã đánh mất tài năng văn học, khi cống hiến mọi nỗ lực nhằm thu thập và phân loại những tài liệu liên quan đến lịch sử của đẳng cấp thứ ba; J. Michelet cố gắng hạn chế trí tưởng tượng của mình bằng cách không hề đưa ra bất cứ điều gì không thể dẫn chứng bằng văn bản, đồng thời xem kho hồ sơ lưu trữ là phòng thí nghiệm thực sự của sử gia; cũng không ai từng cho xuất bản các văn bản và tài liệu lịch sử nhiều hơn F. Guizot.
Nhưng các tác giả tăm tiếng này cũng không thể chống lại những hậu quả nghiêm trọng của sự thiếu vắng một nền giáo dục cao cấp được tổ chức tốt, nơi thanh niên có thể đến để rút ra, vừa một cơ sở văn hóa tổng quát, vừa những tập quán nghiêm ngặt về phương pháp, phê phán, và kỷ luật trí tuệ. Ngày nay, chương trình giáo dục của Trường Pháp Điển* (École des Chartes) là quá chuyên biệt, của Trường Cao Cấp Sư Phạm* (École Normale Supérieure) là quá tổng quát, trong khi Trường Cao Học Thực Hành* (École Pratique des Hautes Études) chưa thành công trong việc kết nối hiệu quả hai ngôi trường này. Còn những người được đào tạo bên ngoài các trường lớn trên, thì họ tự tìm cách học theo khả năng của mình, tự tìm lấy phương pháp học và nguyên tắc phê phán, nhưng thường thì cũng chỉ đạt được những kết quả tầm thường, sau rất nhiều nỗ lực.
Tuy nhiên, nếu ngày nay nước Pháp có nỗi bất hạnh phải nhìn thấy tất cả các sử gia đã tạo ra sự vinh quang của quốc gia, bằng thiên tài của họ như nhà tư tưởng và nhà văn, lần lượt biến mất mà không được thay thế, thì ít ra chúng ta cũng có được niềm an ủi là nhìn thấy các phương pháp làm việc và phê phán lành mạnh ngày càng lan rộng, sự đối kháng giữa văn học và sự uyên bác đã giảm bớt, và một quan niệm đúng đắn hơn về sử học đang lần hồi nổi lên. Những ngôi trường lâu đời đối địch đang tiến lại gần nhau hơn, và có lẽ đang hối tiếc chưa có khả năng hòa lẫn vào nhau trong một đơn vị rộng hơn, như các trường đại học quốc gia lớn, nơi mọi khoa học cũng như mọi ý tưởng, mọi khuynh hướng đều tìm được chỗ đứng của mình, chỉ cần được đại diện một cách nghiêm túc. Chúng ta đã hiểu được nguy cơ của những khái quát hóa quá sớm, của các hệ thống tiên nghiệm vĩ đại ôm tham vọng bao trùm và giải thích mọi thứ. Chúng ta cũng đã hiểu sự ích lợi ít ỏi của những công trình được hướng dẫn bởi sự tò mò thuần túy, không vì một ý tưởng toàn thể nào, một đề án được hoạch định trước nào. Chúng ta đã cảm nhận được rằng lịch sử phải là đối tượng của một cuộc điều tra chậm chạp và có phương pháp; ở đấy ta sẽ tiến dần từ cái đặc thù lên cái tổng quát, từ những chi tiết lên cái toàn thể; ở đấy ta sẽ lần lượt làm sáng tỏ mọi điểm còn trong tối để cuối cùng tiến tới một bức tranh đầy đủ, cùng với khả năng thiết lập trên các nhóm sự kiện đã được ghi nhận những ý tưởng tổng quát có chứng cớ và có thể chứng thực. Không có xác xuất cao là nửa sau của thế kỷ này sẽ nhìn thấy sự xuất hiện của nhiều tác phẩm lịch sử rực rỡ như các tác phẩm đã minh họa nửa đầu thế kỷ XIX, nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng hoạt động sử học sẽ rất phong phú. Chúng ta đã thấy được những tiến bộ trong khâu xuất bản sách báo, trong phương pháp phê phán các nguồn tài liệu, trong việc nghiên cứu kiên nhẫn và tỉ mỉ mọi thời đại. Đã có nhiều thời kỳ mà chúng ta cảm thấy bị cám dỗ tường thuật toàn bộ. Cùng lúc, mọi học giả đều được thuyết phục rằng bút pháp và hình thức văn chương không chỉ là những món trang sức phù phiếm, rằng chúng hầu như luôn luôn sánh vai với các công trình được soạn thảo chín chắn, rằng chỉ có chúng mới giữ cho những công trình này giá trị lâu dài. Nội dung của bút pháp không phải là để làm cho câu văn tròn trịa, nghe thật kêu, mà nhằm khoác cho tư tưởng cái hình thức phù hợp với nó; phê phán sử học cũng như thuật ký sử, mỗi thứ đều có những hình thức văn học riêng biệt, và tài viết văn cũng như tài biên soạn đều có đất dụng võ ở cả hai nơi. Hơn nữa, sự phê phán cũng chỉ được xúc tiến nhằm mở đường cho sử học trần thuật, thậm chí đến một mức độ nhất định nào đó, cho triết lý lịch sử. Và chính là trong các khuôn khổ rộng lớn hơn này mà tài năng và thiên tài mới có thể tự triển khai một cách tự do và tự nhiên nhất.
Bất chấp những tiến bộ đã đạt được, chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, tạo tác các vật liệu có thể được sử dụng sau này để xây dựng nên những lâu đài lịch sử to rộng hơn. Thế kỷ XVI là thời kỳ của những cuộc thám hiểm đầu tiên và khám phá. Lần đầu tiên chúng ta đổ bộ lên một miền đất lạ, nơi bao mảnh vỡ của quá khứ nằm la liệt. Ta đã vội vã vồ lấy những di tích đáng kính này với một nhiệt tình bừa bãi, thu nhặt chúng một cách ngẫu nhiên, và khi nổ ra tranh chấp, thì các nhà khoa học bỗng hóa thân thành chiến sĩ để ném chúng vào đầu nhau. Sự uyên bác của các thế kỷ XVII và XVIII đã thực hiện công việc thu thập và phân loại đầu tiên, với một sự kiên nhẫn và tận tụy đáng khâm phục. Rồi các nhà sử học triết gia, những người thích khái quát hóa, những nghệ sĩ của thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, chợt tin tưởng rằng việc chuẩn bị đã tiến triển đủ để bắt tay xây dựng lâu đài. Nhưng nỗ lực này là quá nôn nóng; họ chưa đủ biết giá trị thực sự và độ chính xác của những vật liệu sử dụng; họ đã chỉ tạo ra được nhiều công trình táp nham, trong đó cái có thật lẫn lộn với cái hư cấu; thế nhưng họ cũng đã đồng thời vẽ ra được sơ đồ lý tưởng cho công trình, chỉ ra cái mục đích cuối cùng phải theo đuổi: truy tìm chính con người trong lịch sử, vừa cả những hành động ra ngoài lẫn cuộc sống bên trong của hắn, vừa những định luật đã quy định sự phát triển của tư tưởng và cảm xúc nơi hắn. Sự uyên bác của thế kỷ XIX đã làm lại công việc kiểm tra và phân loại hơi hấp tấp trong thế kỷ XVII và XVIII, dựa trên các phương thức an toàn hơn và một phương pháp khoa học hơn. Những người thích khái quát hóa, các nghệ sĩ rồi cũng sẽ tới khi đến lượt họ, nhưng lần này, được kích động bởi sự dè dặt và thận trọng, họ sẽ chỉ sử dụng loại vật liệu đã được thử thách và chứng thực thôi, và một cách có ý thức, để ngỏ trong tình trạng chưa hoàn thành những phần nào của lâu đài mà khoa học chưa tìm lại được chứng cớ, mà chỉ duy nhất trí tưởng tượng mới có thể mơ hồ đoán chừng được các dạng có xác suất xảy ra.
IV – TÔN CHỈ CỦA TẠP CHÍ LỊCH SỬ
Các tiến bộ thực hiện được cho đến nay chỉ làm sáng tỏ thêm những điều kiện của một sự nghiệp nghiên cứu thực sự khoa học, và nó chỉ mới bắt đầu thôi. Tất cả những ai tham gia vào đấy đều liên đới với nhau; họ làm việc trên cùng một sự nghiệp, thực hiện các phần khác nhau của cùng một kế hoạch, hướng về cùng một mục đích. Điều hữu ích, thậm chí thiết yếu, là họ cảm thấy mọi người đều đoàn kết với nhau, rằng những nỗ lực của họ phải được phối hợp để trở nên vững mạnh hơn. Nhiều phương tiện có thể góp phần vào đây. Một nền giáo dục đại học được tổ chức tốt sẽ đóng góp được nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác. Và các học hội (sociétés savantes) nghiêm túc, như chúng ta vẫn có, cũng sẽ phục vụ mạnh mẽ. Tạp Chí Lịch Sử (Revue historique) ra đời ngày hôm nay mong muốn cống hiến cho cùng một mục đích ấy. Nó không chỉ muốn thúc đẩy việc xuất bản những công trình đơn lẻ độc đáo và nghiêm túc, mà còn là và nhất là làm chiếc cầu nối giữa tất cả những người đang cống hiến nỗ lực của mình cho công cuộc nghiên cứu rộng lớn và đa dạng mà lịch sử là đối tượng, làm cho họ cảm thấy sự liên đới giữa họ với nhau, và cung cấp cho họ những thông tin chính xác và phong phú về những gì hiện thời đang được hoàn tất trong các lĩnh vực khác nhau của khoa sử học. Chúng tôi muốn đóng góp, chẳng hạn, vào việc đào tạo bằng một phương pháp lành mạnh những thanh niên muốn bước vào nghề sử gia, khuyến khích và giữ chân những kẻ đã lên đường trong hướng đi đúng đắn, làm một trung tâm tập hợp và thông tin cho tất cả.
Chín năm trước đây, một tạp chí đã được thành lập với các ý định tương tự như của chúng tôi, đó là Tạp Chí Những Vấn Đề Lịch Sử (Revue des Questions historiques). Sự thành công đã chào đón nó, những sản phẩm giá trị mà tạp chí đã sinh ra, và lợi ích mà ngay bản thân chúng tôi cũng đã thu nhận được từ việc đọc nó... đều là những khích lệ để chúng tôi noi gương. Thế nhưng tạp chí này cũng đồng thời đi lệch một cách khá rõ ràng với lý tưởng chúng tôi đề xuất, khiến cho sự tồn tại của nó đã không gây cho chúng tôi cảm tưởng rằng sự tồn tại của tạp chí của chúng tôi là vô ích. Bởi Những Vấn Đề Lịch Sử không chỉ được thành lập vì mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần và không vụ lợi, mà còn nhằm bảo vệ một số ý kiến chính trị và tôn giáo nhất định. Ý nghĩa theo đó việc nghiên cứu lịch sử phải được định hướng đã được chỉ ra từ trước, bằng một số ý tưởng tổng quát, được phát biểu rõ rệt hay ẩn ngầm, và dường như cũng đã được mọi cộng tác viên chấp nhận từ trước rồi.
Chính là trên một nguyên tắc đối lập mà chúng tôi xây dựng Tạp Chí Lịch Sử (Revue historique) này. Chúng tôi tự hào độc lập với mọi quan điểm chính trị và tôn giáo, và danh sách những nhân sĩ sẵn sàng bảo trợ cho Tạp chí chứng tỏ rằng họ tin vào tính khả thi của chương trình này. Họ không hề chia sẻ các lập trường chính trị và tôn giáo chung, nhưng họ cùng nghĩ với chúng tôi rằng lịch sử có thể được nghiên cứu tự thân mà không cần phải bận tâm về những kết luận có thể được rút ra nhằm bênh vực hay phản đối tin tưởng này hoặc tín ngưỡng nọ. Chắc chắn rằng các ý kiến đặc thù, trong một chừng mức nhất định, luôn luôn ảnh hưởng tới cách thức chúng tôi nghiên cứu, xem xét và đánh giá sự kiện hoặc con người. Nhưng chúng tôi phải nỗ lực loại bỏ các nguyên nhân của sự ngăn ngừa và sai lầm này, để chỉ đánh giá bản thân những sự kiện và nhân vật. Mặt khác, chúng tôi cũng phải công nhận các ý kiến và đánh giá khác biệt, miễn là chúng được xây dựng trên trên sự kiện hiện thực, với những bằng chứng đã được thảo luận nghiêm túc, chứ không chỉ là những khẳng định đơn thuần. Tạp Chí của chúng tôi sẽ là một bộ sưu tập với cốt cách khoa học thực chứng, với tinh thần tự do thảo luận, nhưng nó sẽ tự đóng khung trong lĩnh vực sự kiện và tự đóng cửa trước các học thuyết chính trị hay triết học.
Chúng tôi sẽ không phất lên lá cờ nào; chúng tôi sẽ không tuyên bố bất kỳ giáo điều nào; chúng tôi sẽ không đứng trong hàng ngũ dưới lệnh của bất kỳ đảng phái nào; nhưng điều này không có nghĩa là Tạp Chí của chúng tôi sẽ là một thứ tháp Babel, nơi mọi ý kiến đều có thể đến diễu hành. Quan điểm thuần khoa học chặt chẽ mà chúng tôi tự đặt mình bên dưới cũng đủ mang lại cho tập hợp bài vở của chúng tôi tính thống nhất trong giọng điệu và phong cách. Tất cả những người theo quan điểm này đều cảm nhận cùng một tình cảm trước quá khứ: sự cảm thông đầy tôn trọng nhưng độc lập. Sự thật là sử gia không thể nào hiểu quá khứ nếu không có một sự đồng cảm nào đó, nếu không quên đi những tình cảm, những ý tưởng riêng của bản thân mình, để chiếm hữu trong một lúc những tình cảm và ý tưởng của người xưa, nếu không tự đặt mình vào vị trí của họ, nếu không đánh giá những sự kiện trong môi trường chúng đã xảy ra. Đồng thời sử gia tiếp cận quá khứ với một sự cảm thông đầy tôn trọng, bởi vì hơn ai hết, ông ta cảm nhận được vô vàn liên hệ kết nối chúng ta với tổ tiên mình; ông ta biết rằng đời sống của chúng ta đã được định hình từ cuộc sống của họ, những phẩm chất và thói tật của ta từ những hành động xấu hoặc tốt của họ, rằng giữa họ với chúng ta có một mối liên đới. Có một cái gì đó giống như lòng hiếu thảo trong sự tôn trọng mà kẻ viết sử tìm cách thâm nhập vào tâm hồn người xưa; ông ta tự xem mình là nơi lưu giữ những truyền thống của người dân nước mình, và của cả nhân loại.
Đồng thời, nhà sử học vẫn phải duy trì sự độc lập hoàn toàn về tâm trí của mình, và không hề từ bỏ chút nào đặc quyền của mình như nhà phê bình và như thẩm phán. Kho báu từ bao truyền thống cổ xưa bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, chúng là kết quả của một chuỗi những thời đại khác nhau, thậm chí của các cuộc cách mạng, những biến cố đã lần lượt và trong thời điểm của mình, từng có được sự chính đáng và hữu ích tương đối. Sử gia không làm người bảo vệ yếu tố này chống lại yếu tố kia; ông ta không tự cho mình cái quyền xóa bỏ biến cố này khỏi ký ức con người, tặng cho biến cố kia một vị trí không xứng đáng. Sử gia chỉ nỗ lực gỡ mối, chỉ ra các nguyên nhân, xác định tính chất và những kết quả của chúng trong sự phát triển chung của lịch sử. Ông ta không nhân danh chế độ phong kiến để lên án chế độ quân chủ, cũng không nhân danh chế độ quân chủ để xét xử cuộc cách mạng năm 1789. Sử gia chỉ cho thấy những tương quan tất yếu đã ràng buộc cuộc Đại Cách mạng vào Chế độ Cũ, Chế độ Cũ vào thời Trung Cổ, những thế kỷ Trung Cổ vào thời Cổ Đại; có thể ông ta cũng ghi nhận những sai phạm và lỗi lầm đời sau nên biết, để tránh phải nhìn thấy chúng quay trở lại, nhưng ông ta vẫn luôn luôn ghi nhớ rằng vai trò của ông trước hết là tìm hiểu và giải thích cho bản thân mình, chứ không phải là ca ngợi hay kết án.
Đúng là rất ít sử gia đã vươn được lên tới mức công bằng, tới tính không thiên vị khoa học này. Thông thường, có người khoác áo luật sư để bênh vực quá khứ: họ nguyền rủa mỗi thay đổi mà sự tiến bộ trong thời gian mang tới, rồi tự thiêu thân trong các hối tiếc vô ích những gì nó đã hủy hoại và vĩnh viễn không trở lại nữa; ngược lại, cũng có người khoác áo biện lý để buộc tội quá khứ: họ biện hộ cho mọi cuộc nổi dậy và cách mạng, vì trong sự bồn chồn chờ đợi một lý tưởng mãi mãi chưa thấy tới, họ hoàn toàn bất lực không thể tìm hiểu những cái vĩ đại đã biến mất. Sử gia chân chính là người vượt được lên trên những thành kiến đầy đam mê và tính loại trừ này, hòa giải được những gì là chính đáng nơi tinh thần bảo thủ, với những yêu cầu không thể cưỡng lại của sự vận động và tiến bộ. Ông ta biết rằng cả cuộc sống lẫn lịch sử đều là một thay đổi không ngừng; nhưng sự thay đổi này luôn luôn là một chuyển biến từ những yếu tố xưa cũ, chứ không bao giờ là một sáng tạo mới từ đầu đến chân. Ông ta mang lại cho các thế hệ thời nay cái tình cảm mạnh mẽ, cái ý thức sâu sắc về sự liên đới may mắn và thiết yếu đã nối kết họ với bao thế hệ trước, nhưng đồng thời cũng làm cho họ cảm thấy rằng các truyền thống này, dù là một lực lượng để tiến lên phía trước, cũng sẽ trở thành mối hại chết người, nếu ta muốn tự giam mình nơi đó như trong những hình thức bất biến.
Hơn mọi thời kỳ khác, thời đại của chúng ta là đặc biệt tốt cho việc nghiên cứu quá khứ một cách không thiên vị và nhiều thiện cảm. Những cuộc cách mạng đã làm rung chuyển và đảo lộn thế giới đã làm biến mất trong tâm trí chúng ta sự kính trọng đầy mê tín và những tôn thờ mù quáng, nhưng chúng cũng đồng thời làm cho chúng ta hiểu tất cả những gì mà một dân tộc có thể đánh mất, về sức mạnh cũng như sức sống, khi nó đoạn tuyệt bạo liệt và tàn nhẫn với quá khứ. Đặc biệt đối với nước Pháp, nhiều biến cố đau đớn đã tạo ra bên trong tổ quốc ta các phe đảng thù địch, mỗi phe bám víu vào một truyền thống lịch sử đặc thù, nhất là các phe đảng gần đây hơn còn tàn phá sự đoàn kết quốc gia từng được lần hồi tạo lập từ suốt bao thế kỷ. Quốc nạn này buộc chúng ta [mọi kẻ viết, dạy, học, và đọc sử] phải nhận lấy trách nhiệm đánh thức trong tâm hồn dân tộc cái ý thức về chính dân tộc mình, thông qua sự hiểu biết thấu đáo về quốc sử. Bởi chỉ nhờ sự hiểu biết này mà tất cả chúng ta mới có thể hiểu được mối liên hệ lôgic đã kết nối mọi giai đoạn phát triển của đất nước ta, thậm chí mọi cuộc cách mạng của nó. Và cũng chỉ nhờ sự hiểu biết này mà mọi người sẽ tự cảm nhận được như con dân của cùng một miền đất, những đứa con của cùng một chủng tộc; và không phủ nhận bất cứ phần kế thừa nào của cha ông, tất cả đều là con cháu của nước Pháp xưa cũ, đồng thời và trên cùng danh nghĩa, tất cả đều là công dân của nước Pháp đương đại.
Chính như vậy mà sử học, tuy không tự cho mình một mục đích và cứu cánh nào khác ngoài ích lợi thu nhận được từ chân lý khoa học, hoạt động một cách âm thầm nhưng chắc chắn, vừa cho sự vĩ đại của Tổ quốc, vừa cho sự tiến bộ của loài người.
Gabriel Monod,
Tạp Chí Lịch Sử
(Revue Historique,
t. 1, 1876, tr. 27-38).
[1] Gabriel-Jacques-Jean Monod (1844-1912): sử gia Pháp, người đồng sáng lập ra tạp chí La Revue historique với Gustave Fagniez, qua đó đánh dấu sự ra đời của một trào lưu sử học có khuynh hướng thực chứng gọi là École méthodique (Trường phái Phương pháp*) vào cuối tk XIX ở Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Études critiques sur les sources de l'histoire mérovingienne, 2 q. (1872, 1885); Renan, Taine, Michelet: les maîtres de l'histoire (1894); Études critiques sur les sources de l'histoire carolingienne (1898). NVK
[2] Ngày 19-7-1870, Đế chế Pháp tuyên chiến với Vương quốc Phổ. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 1-1871, bằng một hiệp định đình chiến. Là kẻ chiến thắng, Otto von Bismarck tuyên bố thống nhất các địa phương Phổ, thành lập Đế chế Đức, ngay tại Điện Versailles ngày 18-1-1871. Một chiến lợi phẩm khác: Đức sáp nhập vùng Alsace-Lorraine (còn gọi là Alsace-Moselle) của Pháp, và trở thành cường quốc mạnh nhất Âu châu, đặt Áo Hung và Pháp vào thế bất lợi. NVK
[3] Xem các bài liên quan, trên trang này: Học Thức Và Trí Thức I: Từ Vụ Án Alfred Dreyfus Đến Phiên Xử Émile Zola và Học Thức Và Trí Thức II: Lịch Sử Một Trận Phân Thân. NVK
[4] Charles-Victor Langlois & Charles Seignobos, Introduction aux études historiques, 1898 (Tái bản: Paris, Ed. Kimé, 1992). NVK
[5] Bi ký: bài văn ký sự khắc trên bia. NVK
[6] Benoît de Nursie (Ý: Benedetto da Norcia; Anh: Benedict of Nursia; La-tinh: Benedictus de Nursia), khg từ 480 hay 490 đến 543 hay 547. NVK
[7] La Gallia Christiana là một tập hợp bách khoa 16 quyển sách khổ lớn, bằng tiếng La-tinh, về lịch sử của nước Pháp Ki-tô giáo. Được tái bản nhiều lần từ tk 17 đến tk 19, đây là bộ sách hướng dẫn lịch sử chi tiết nhất về tất cả những giáo khu, chủng viện, tu viện ở Pháp, với đầy đủ danh sách và tiểu sử của các vị tổng giám mục, giám mục, và tu viện trưởng, cả nam lẫn nữ. NVK
[8] Thành ngữ La-tinh được gán cho Giáo hoàng Clemens XIII, khi Ông nghe đề nghị nên thay đổi Hiến chương của Dòng Tên để tránh bị trục xuất khỏi nước Pháp, với ý nghĩa là: «Hoặc là nó tồn tại như như vậy, hoặc là nó không tồn tại nữa» = Qu’ils soient ce qu’ils sont, ou qu’ils ne soient pas». Ngày nay, thành ngữ được dùng trong mọi bối cảnh, với cùng một ý nghĩa: không cần phải thay đổi chi hết ở đối tượng, đổi thay có thể tưởng tượng duy nhất là sự biến mất của chính nó. NVK
[9] Tên đầy đủ: Essai sur la littérature anglaise et considérations sur le génie des hommes, des temps et des révolutions, 1836. NVK
[10] Sổ thế bạ (cartulary, cartulaire, chartularium, do từ charta = giấy) là loại văn bản thời Trung Cổ ghi chép, dưới hình thức những quyển hay cuộn giấy (roll, rouleau, rotulus), về sự xây dựng, những đặc quyền, tài sản hợp pháp,.. của các cơ sở tôn giáo, cơ quan hành chính, tổ chức phường hội, trường học hoặc gia tộc… nhằm tạo thuận lợi cho việc bảo tồn cũng như việc tham khảo chúng. NVK