Cập nhật ngày 27-4-2019 |
C1 |
TỪ THẦN THOẠI SANG KHOA HỌC,
NGUỒN GỐC CỦA VẬT LÝ HỌC
(1980)
Tác giả: Jean-Pierre Vernant[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Xác định danh nghĩa các tác giả xứ Milêtos[2]* là điều không hiển nhiên. Để đánh giá chính xác sự đóng góp của họ vào đầu nguồn của triết học[3], phải bắt đầu bằng việc đặt họ trở vào cái khung của nền văn hóa Hy Lạp cổ xưa – một nền văn minh cơ bản dùng miệng. Ở đây, giáo dục không dựa trên việc đọc những văn bản viết, mà trên việc nghe văn thơ có âm nhạc đi kèm của họ, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Tất cả tri thức đều được bảo lưu như vậy, trong các tác phẩm sử thi lớn, trong những ký thuật thần thoại – chúng giữ vai trò bộ nhớ tập thể và bách khoa toàn thư tri thức phổ thông chung cho toàn thể cộng đồng. Chính trong loại thi ca này mà tất cả những gì một người Hy Lạp cần phải biết đã được ghi lại: về con người và quá khứ của mình (kỳ công của các vị anh hùng xa xưa); về các vị thần, gia đình và gia phả của họ; về thế giới, hình thể và nguồn gốc của nó. Về phương diện này, sự nghiệp của các tác giả ở Milêtos đại diện cho một sự đổi mới triệt để. Không làm ca sĩ, thi sĩ hoặc nhà ký thuật, họ phát biểu bằng các bản văn xuôi viết tay, nhưng không nhằm triển khai một câu chuyện theo hướng truyền thống, mà để trình bày một lý thuyết nhằm giải thích tổ chức của vũ trụ và một số sự kiện tự nhiên. Từ nói sang viết, từ thi ca qua văn xuôi, từ tường thuật tới giải thích, sự thay đổi hệ điều tra đáp ứng một loại hình hoàn toàn mới, mới ở đối tượng nó chỉ định là thiên nhiên, mới ở cái hình thức tư duy hoàn toàn thiết thực được thể hiện ở đó.
Chắc chắn là các huyền thoại cổ xưa, đặc biệt là Thần phả (Theogonía*) của Hêsiodos*, cũng thuật lại với họ, thế giới đã siêu hiện từ Hỗn mang (Khaos*)[4] như thế nào, những bộ phận khác nhau của nó được biệt phân ra sao, kiến trúc tổng thể của nó được tập hợp và thiết lập như thế nào. Nhưng trong loại huyền thoại này, quá trình phát sinh có dạng thức của một bảng phả hệ; nó được dàn trải dần theo trật tự của mối quan hệ cha con giữa các vị thần, theo nhịp độ liên tiếp của các cuộc hôn nhân, những hồi sinh nở, những tình tiết lôi kéo thần linh vào, và đối lập nhiều thế hệ thần khác nhau[5]. Nữ thần Gaîa* (Mẹ Đất) tự sinh ra Ouranos* (Trời Cao) và Pontos* (Sóng Mặn); rồi từ cuộc giao phối với Ouranos mà mình đã tạo ra, Gaîa sinh thêm các Titânes và Titanides* (Khổng lồ), những kẻ đầu tiên làm chủ vòm trời, bầy con nổi loạn chống lại bố đẻ, để rồi sau lại bị chính con cái của mình là nhóm thần linh trên đỉnh Olympos* khai chiến và lật đổ, nhằm ủy thác cho Zeus*, kẻ trẻ nhất trong số họ, nhiệm vụ áp đặt lên vũ trụ (kosmos)[6]*, trong tư cách chủ nhân mới, một trật tự rốt cuộc cũng vĩnh hằng.
Ở các triết gia xứ Milêtos, loại hình ảnh ấn tượng này chẳng còn lại gì, và sự biến mất của nó đánh dấu thời điểm siêu hiện của một dạng thức mới của hiểu biết. Giải thích một hiện tượng không chỉ có nội dung là gọi tên cha mẹ nó, là thiết lập một quan hệ dòng dõi nữa. Nếu hiện thực tự nhiên cho thấy một trật tự đều đặn thường xuyên, thì đấy không thể là vì, một ngày đẹp trời nào đó sau chiến thắng, một vị thần tối cao đã áp đặt nó cho các thần linh khác, kiểu như một vị vua phân chia trách nhiệm, chức năng, lĩnh vực. Để có thể hiểu được, trật tự phải được tư duy như một quy luật nội tại của tự nhiên, và chủ trì ngay từ đầu sự bố trí sắp xếp nó. Huyền thoại kể nguồn gốc của thế giới bằng thi ca, vinh danh ông hoàng mà triều đại đã sáng lập và duy trì một trật tự có cấp bậc trên dưới rõ ràng giữa các quyền lực thiêng liêng. Đằng sau dòng vạn vật trôi nổi, các triết gia xứ Milêtos truy tìm loại nguyên lý thường hằng làm nền tảng cho sự cân bằng thích đáng của những yếu tố khác nhau cấu thành vũ trụ. (…) [Họ] không đưa một hữu thể siêu nhiên nào vào sơ đồ giải thích của mình. Với họ, thiên nhiên (physis*)[7] chiếm lĩnh toàn bộ hiện thực với tính thực chứng triệt để của nó; không có gì tồn tại, không có gì xảy ra hoặc sẽ bao giờ xảy ra mà không có cơ sở và nguyên do trong physis, như chúng ta có thể nhìn thấy mỗi ngày. Chính quyền lực của physis, trong sự thường hằng và đa tạp của những biểu hiện của mình, đã lấy chỗ của các thần linh xưa kia, và tự đảm nhận tất cả mọi đặc tính của sự linh thiêng bởi sức sống mãnh liệt và nguyên lý trật tự mà nó chứa đựng.
Jean-Pierre Vernant,
Nguồn Gốc Triết Học
(Les Origines de la philosophie),
Trg: Triết Lý, Những Câu Hỏi Đương Đại
(Philosopher, les interrogations contemporaines)
Paris, Fayard, 1980, tr. 464-466.
[1] Jean-Pierre Vernant (1914-2007): nhà nhân học và sử học Pháp, chuyên gia về Hy Lạp cổ đại. Tác phẩm tiêu biểu: Les Origines de la pensée grecque (1962); Mythe et pensée chez les Grecs (1965); Mythe et société en Grèce ancienne (1974); Religion, histoires, raisons (1979); La Mort dans les yeux (1985); L’individu, la mort, l’amour (1989); Mythe et religion en Grèce ancienne (1990); Figures, idoles, masques (1990); Entre mythe et politique (1996); L’Univers, les dieux, les hommes (1999); Ulysse et Persée (2004); La Traversée des frontières (2004); Pandora, la première femme (2005); Religions, Rationalités, Politique (2007); L'Odyssée (2011).
[2] Từ chỉ nhóm triết gia ở Milêtos trong thế kỷ thứ VI tCn là Thalês, Anaximandros, and Anaximênês.
[3] Và khoa học, để nói chính xác hơn.
[4] Hỗn Mang = Khaos. Trong vũ trụ học Hy Lạp, Hỗn mang chỉ trạng thái trống rỗng, tăm tối và vô trật tự trước lúc xuất hiện của Vũ trụ.
[5] Xem trích đoạn từ: Hêsiodos, Thần phả… ở phần Triết học, trên trang mục Huyền thoại, về thời khai thiên lập địa theo thần thoại Hy Lạp.
[6] Vũ trụ = Kosmos trong tiếng Hy Lạp. Kosmos, có nghĩa là trật tự, chỉ vũ trụ như một toàn thể được sắp xếp và hài hòa, đối lập với hỗn mang.
[7] Khái niệm căn bản ở các triết gia «trước Sôkratês», với ý nghĩa rộng hơn ngày nay, ở chỗ physis đối lập chủ yếu với theos (thần), và chưa được định ranh rõ rệt với cả nomos (luật lệ, trật tự con người) lẫn logos (lý tính).