TỪ KHÔNG PHẢI LÀ CÁI NHÃN DÁN LÊN KHÁI NIỆM (F. de SAUSSURE, 1906)

LM : 15-4-2024 
Từ khoá : Từ và Khái niệm – Saussure (Ferdinand de) – Trích đoạn

C1

TỪ KHÔNG PHẢI LÀ CÁI NHÃN
DÁN LÊN KHÁI NIỆM PHỔ QUÁT
(1906)

Tác giả: Ferdinand de Saussure*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[...] Các triết gia và nhà ngôn ngữ học đều nhất trí luôn luôn thừa nhận rằng, nếu không có sự trợ giúp của những dấu hiệu, chúng ta sẽ không thể nào phân biệt hai ý tưởng một cách rõ ràng và liên tục. Tự nó, tư tưởng giống như một tinh vân, nơi không có gì nhất thiết được phân định cả. Không có những ý tưởng được thiết lập trước, không hề có sự phân biệt tách bạch trước khi ngôn ngữ xuất hiện.    

[…] Nếu các từ đứng thay cho những khái niệm có sẵn trước, thì chúng sẽ có, từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mỗi từ một từ tương ứng chính xác về nghĩa; nhưng thực tế không đúng như vậy. Người Pháp dùng từ «louer» (một ngôi nhà), để chỉ một cách không phân biệt, «thu껫cho thuê», trong khi người Đức sử dụng hai từ «mieten»«vermieten»; như vậy là không có sự tương ứng chính xác của các giá trị. […] Việc phân biệt các thì, vốn rất quen thuộc với người Pháp và Đức, lại xa lạ với một số ngôn ngữ; tiếng hébreu thậm chí còn không biết cả sự phân biệt dù là hết sức cơ bản, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tiếng Đức nguyên thuỷ (proto-germanique) không có dạng riêng cho thì tương lai; khi nói rằng nó diễn đạt tương lai bằng thì hiện tại, ta diễn đạt một cách không chính xác, bởi vì giá trị của thì hiện tại trong tiếng Đức không giống như trong các ngôn ngữ có thì tương lai bên cạnh thì hiện tại. [...] Như vậy, trong tất cả các trường hợp trên, chúng ta đã bắt gặp các giá trị xuất phát từ hệ thống, thay vì những ý tưởng cho sẵn trước. Khi nói rằng chúng tương ứng với các khái niệm[1], chúng ta ngụ ý rằng thứ khái niệm này thuần tuý là sai biệt (différentiels), được xác định không phải một cách tích cực bởi nội dung của chúng, mà một cách tiêu cực bởi quan hệ của chúng với những từ khác trong hệ thống. Đặc điểm chính xác nhất của chúng ư? Là những gì mà những từ khác không phải là.

Ferdinand de Saussure
Giáo Trình Ngôn Ngữ Học Đại Cương
(Cours de Linguistique générale,
giảng dạy 1906-1911, xuất bản 1916,
Paris, Payot, 1966, tr. 155, 161-162).


[1]  Tên gọi tạm thời do chinh Saussure đề nghị ở một đoạn trên.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa