Cập nhật ngày 15-12-2020 Từ khóa: Lịch sử – Triết lý ; Sử học – Triết lý |
C1 |
TRIẾT LÝ TƯ BIỆN LỊCH SỬ
TRIẾT LÝ PHÊ PHÁN SỬ HỌC
(1964)
Tác giả: William H. Dray[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Một dẫn nhập vào môn triết lý về sử phải bắt đầu bằng sự phân biệt hai loại nghiên cứu hoàn toàn khác nhau, tuy không phải hoàn toàn không liên hệ, và cho đến nay đều mang tên này. Chúng tương ứng với hai nghĩa mà từ lịch sử thường được hiểu. Một mặt, chúng ta dùng nó khi quy chiếu về một dòng hay chuỗi biến cố: một phần hay một lớp nào đó của hiện thực mà sử gia lấy làm đối tượng nghiệp vụ của mình. Mặt khác, chúng ta cũng dùng nó để chỉ ngay chính công cuộc nghiên cứu của sử gia: một loại nghiên cứu nào đấy, về bất kỳ một đối tượng nghiên cứu nào[2]. Triết lý về sử trong hai nghĩa khác nhau của từ này thường được gọi phân biệt là triết lý tư biện về lịch sử (từ đây gọi tắt là triết lý tư biện hay triết lý lịch sử), và triết lý phê phán sử học (còn được gọi là triết lý hình thức hay phân tích về lịch sử, từ đây gọi tắt là triết lý phê phán hay triết lý sử học)[3]. Mục đích của triết gia tư biện là phát hiện ra, qua dòng biến cố của quá khứ, một mẫu hình hay một ý nghĩa toàn bộ nằm bên kia tầm mắt của sử gia bình thường. Mục đích của triết gia phê phán là soi sáng bản chất của công trình nghiên cứu sử học, để rút ra và xem xét các giả định căn bản, những khái niệm mang tính cấu trúc, phương pháp tìm tòi cũng như trần thuật của nó, với ý đồ định vị nó trên bản đồ học thuật.
Khi viết sử, các triết gia sử học thường để một mắt nhìn sang lĩnh vực lân cận là triết lý khoa học, với nhiều lý do chính đáng. Do đó, có thể cũng hữu ích khi chúng tôi lưu ý độc giả về sự kiện là một sự phân chia thành hai phần tương tự – tư biện và phê phán – hiếm khi được nhìn thấy trong lĩnh vực sau. Cái thường được gọi là triết lý khoa học tương ứng hoàn toàn với phần triết lý về sử ở đây gọi là triết lý phê phán sử học; mối quan tâm của nó là cấu trúc lô-gic và những giả định của nghiên cứu khoa học. Còn bộ môn nghiên cứu triết lý về loại biến cố và quá trình tự nhiên nhìn trong toàn thể thì thường được theo đuổi độc lập dưới tên là vũ trụ học (cosmology).
Triết lý tư biện đạt tới mức phát triển cao nhất vào thế kỷ thứ XVIII và XIX, với nhiều quan điểm về lịch sử thế giới được xây dựng bởi các tác giả như Giambattista Vico (1668-1744)*, Immanuel Kant (1724-1804)*, Friedrich Hegel (1770-1831*, Auguste Comte (1798-1857)* và Karl Marx (1818-1883)*. Ngày nay, thể loại này đã phần nào hết còn được giới triết gia chiếu cố. Người đã sản xuất ra được tác phẩm tư biện về toàn bộ lịch sử thế giới nổi tiếng nhất trong thế kỷ XX là Arnold J. Toynbee (1889-1975)*, một sử gia phóng túng chứ không phải là triết gia, và trước tác của ông được chào đón nồng nhiệt bởi loại tạp chí như Time và Life hơn là bởi các tạp chí hàn lâm. Tuy nhiên, có thể vì sự am hiểu quá khứ là quá quan trọng đối với phần đông chúng ta, và vì niềm tin rằng nó phải mang một ý nghĩa nào đó là quá mạnh, sự quan tâm đến triết lý tư biện về lịch sử chưa hoàn toàn biến mất. Nhưng ngày nay, các văn bản cổ điển của nó ít được nghiên cứu bởi kết luận chung cuộc, mà bởi các quan điểm sâu sắc đặc thù về một bộ phận hay khía cạnh nào đó của quá khứ con người mà chúng được xem là còn có thể chuyển tải và truyền đạt. Điển hình là cảnh báo của Oswald Spengler (1880-1936)* về phong cách Faust[4] của nền văn minh Tây phương chẳng hạn, hay xác quyết của Friedrich Hegel rằng thay đổi lịch sử luôn luôn mang tính biện chứng.
Nhưng bất chấp những vấn đề (lý luận) hình thức mà nghiên cứu triết lý lịch sử có thể vấp phải, đôi khi người ta vẫn cho rằng thật ra ai trong chúng ta cũng đều có một quan điểm lịch sử theo nghĩa tư biện, và ở trường hợp của sử gia, điều này hiển hiện một cách tất yếu trong và qua các công trình của họ. Vì thế, có vẻ như đối với bất cứ ai quan tâm đến lịch sử, và chắc chắn là đối với giới triết gia sử học, ít ra sự cống hiến đôi chút cố gắng vào việc duyệt qua loại nghiên cứu tư biện chỉ biểu lộ một thái độ thận trọng bình thường không hơn không kém. Tuy nhiên, những người kêu gọi tiếp tục nghiên cứu triết lý lịch sử trên cơ sở đó thường có vẻ như lẫn lộn giữa hai nghĩa, và trong sự nhập nhằng này, việc đặt câu hỏi về lịch sử như nghiên cứu [sử học] có thể khiến ta dễ dính líu vào nhiều vấn đề tư biện liên quan đến quá khứ con người hơn. Cho rằng mọi công trình sử học đều phơi bày ít ra là những giả định về lịch sử, và do đó, bất cứ nghiên cứu phê phán nào về những điều sử gia viết cũng phải tìm hiểu xem, trong các hoàn cảnh đặc thù, chúng đã dẫn tới loại kết luận nào, và các kết luận đó có thể chấp nhận được chăng, là điều có thể bênh vực được. Nhưng cho rằng mọi lập luận về sử đều diễn tả một số tin tưởng về tính chất tổng quát của quá trình lịch sử – một quan điểm mặc thị về bản chất con người chẳng hạn – là một chuyện, cho rằng quá trình lịch sử phải giả định một quan điểm nào đó về sự phát triển lịch sử nói chung như một chỉnh thể lại là chuyện khác. Không sử gia nào hay triết gia sử học nào cần phải quyết định xem Hegel đã đúng hay sai khi cho rằng những gì đã xảy ra trong dòng lịch sử đều tất yếu là sự triển khai của Tinh Thần, hoặc xem Toynbee đã đúng hay sai khi trình bày diễn biến nối tiếp của các nền văn minh như con đường thăng tiến từ con người lên Thượng Đế.
[…]
Đối với quan tâm hàng ngày của sử gia thì loại hệ quả do nghiên cứu triết lý phê phán khơi dậy là thích đáng hơn, so với loại hệ quả của triết lý tư biện, và một trong những mục đích của quyển sách này1 là đáp ứng được các trăn trở của cả triết gia lẫn sử gia. Để đạt được mục đích kép vừa nói, có lẽ cũng phải nói thêm một chút về quan hệ giữa triết lý sử học, bản thân lịch sử, và loại suy tư riêng mà giới sử gia thường cũng tự dấn vào, gọi là lý thuyết ký sử (historiography), tức là thuật hay phép ghi chép sử.
Như chúng ta biết, việc viết sử lui lại tận thời cổ Hy Lạp, và có thể còn xưa hơn. Nhưng dưới hình thức một công cuộc nghiên cứu có phương pháp được kỷ luật và hệ thống hóa, nó chỉ tồn tại đúng nghĩa, tuy không hoàn hảo, trước cuối thế kỷ XVIII. Thật vậy, nếu thế kỷ thứ XVII đánh dấu sự trưởng thành của vật lý học hiện đại, sự trưởng thành của sử học chỉ xảy ra trong thế kỷ thứ XIX. Thế nên chẳng có gì đáng thắc mắc, khi tư duy triết lý đứng đắn về sử, như một hình thức nghiên cứu có khả năng đưa ra một ngành hiểu biết biệt lập, chỉ xuất hiện vào cuối thế kỷ này, đầu tiên ở Đức với những công trình của Wilhelm Windelband (1848-1915)*, Heinrich J. Rickert (1863-1936)* và Wilhelm Dilthey (1833-1911)*, rồi sau đó ở Ý với các tác phẩm của Benedetto Croce (1866-1952)* và Giovanni Gentile (1875-1944)*. Ở Anh, nếu không kể các bài viết hấp dẫn song thất thường của David Hume (1711-1776)*, vài hậu ý của John S. Mill* (1806-1873) trong System of Logic, và tiểu luận duy nhất của Francis H. Bradley (1846-1924)* viết năm 1874, thì có rất ít tác phẩm về triết lý sử học trước những trước tác bao quát và vẫn còn rất quan trọng của Robin G. Collingwood (1889-1943)* trong các thập niên 1920 và 1930. Nhiều đóng góp đáng kể tuy ít quan trọng hơn của Michael J. Oakeshott (1901-1990)* và Maurice Mandelbaum (1908-1987)* cũng được xuất bản trong thập niên 1930.
Tuy nhiên, ngay cả các tác phẩm của Collingwood cũng không được nghiên cứu rộng rãi trước khi triết lý sử học nhận được một khởi đầu mới, và từ đó phát triển nhanh chóng trong những năm sau thế chiến thứ II, khi triết lý phân tích* vượt ra ngoài khuôn khổ của chủ thuyết thực chứng lô-gic*, mở rộng phạm vi quan tâm để bao gồm cả bản chất của tri thức lịch sử, bên cạnh các vấn đề khác. Đến một mức nào đó, sự phát triển này được phát động bởi chỉ một bài báo về bản chất của giải thích sử học do triết gia khoa học Carl G. Hempel (1905-1997)[5] viết năm 1943.
Thật ra, toàn bộ quyển sách này1 cần chủ yếu được xem như một dẫn nhập vào triết lý sử học như nó đã đâm chồi từ trước tác của giới triết gia phân tích sau chiến tranh thứ II, và nội dung của nó có thể được mô tả, đại khái và gần đúng, như triết lý «phân tích» về sử học. Sự giữ lại từ «phê phán» phần nào là để công nhận tầm quan trọng của tác phẩm Triết Lý Sử Học : Một Dẫn Nhập của William H. Walsh (1913-1986)[6] và vai trò của nó trong sự phát triển của bộ môn này: ra đời năm 1957, quyển sách trên đã lên chương trình nghiên cứu cho phần lớn những gì được thực hiện từ lúc đó, đồng thời đưa đối kháng tư biện / phê phán vào cuộc tranh luận về lịch sử trong giới triết gia dùng tiếng Anh. Dù sao, cả hai từ này – «phê phán» cũng như «tư biện» – đều có điểm bất tiện. Đặc trưng chính yếu của cái gọi là triết lý tư biện về lịch sử không phải là mọi kết luận của nó đều mang tính tư biện cao, mặc dù chúng thường là như thế, mà là mối băn khoăn liệu lịch sử như một toàn thể có ý nghĩa gì chăng? Và đặc trưng chính yếu của cái gọi là triết lý phê phán sử học không phải là nó luôn luôn đặt mọi khẳng định liên quan đến tri thức về quá khứ dưới nhãn quan phê phán, tuy rằng nó cũng làm thế thật, mà là nó trăn trở với loại nghi vấn về nghiên cứu sử học hơn là về quá trình lịch sử. Bởi vì cứu cánh của họ là làm cho cả bản thân lịch sử chứ không phải chỉ việc nghiên cứu sử học trở thành khả tri, các triết gia tư biện về lịch sử cũng giống sử gia rất nhiều, chẳng khác gì những triết gia kia: một nhà nghiên cứu về họ đã ghi nhận rất đúng, rằng tham vọng của các triết gia tư biện là trở thành «siêu sử gia»[7]. Ngược lại, triết gia phê phán sử học chủ yếu là các nhà lôgic học hay phương pháp luận; họ quan tâm chính yếu tới bản chất và giá trị của lối lập luận trong sử học, cũng như tới những khung khái niệm trong đó nó được tiến hành.
Tuy nhiên, cái ý tưởng cho rằng quan tâm chính của triết gia sử học là về phương pháp cũng đòi hỏi một vài dè dặt. Bởi việc nghiên cứu của họ không nhằm thay thế thứ ta tìm thấy trong các giáo trình về phương pháp sử học, một mục đích dù sao cũng có vẻ tự phụ khi rất ít người trong số họ dấn thân vào việc nghiên cứu và viết sử, tuy rằng cách thức triết gia sử học giải quyết loại vấn đề mà họ đặt ra nhiều khi cũng ảnh hưởng tới cả vừa sự thực hành vừa kết quả của việc nghiên cứu sử học, như thỉnh thoảng vẫn được ghi nhận. Vì thế, thật đáng tiếc là ngoài một số trường hợp đáng chú ý, giới sử gia thường không đón nhận nồng ấm lắm những gì các triết gia phát biểu: điển hình là họ cho rằng chúng là hoặc quá trừu tượng, hoặc quá áp đặt. Thật ra, loại phê phán tương tự đôi khi quả là xác đáng. Tuy nhiên, dù triết lý sử học chắc chắn phải chứng tỏ hiểu biết về mối quan tâm thực sự và quy trình tiến hành của sử gia, khó lòng chờ đợi ở nó sự mô tả đơn thuần công việc của người viết sử. Mặt khác, chờ đợi ở nó sự kiêng cữ quan điểm trừu tượng cũng không hợp lý chút nào, nếu mục đích của nó là phải xem xét các hình thức lập luận và những liên kết ý tưởng ẩn tàng trong tác phẩm sử học. Tác giả quyển sách này1 cố gắng giữ các quan tâm của cả sử gia lẫn triết gia trong đầu, trong chừng mức mà điều đó là khả thi, khi những thí dụ về việc viết sử không thể được xem xét đủ dài. Ngoài ra, các triết gia sử học đôi khi cũng có thể cảm thấy được khuyến khích bởi sự kiện là chính giới sử gia cũng thường cảm thấy cần thiết phải đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến công việc của mình, và chúng đều thuộc loại câu hỏi về triết lý (lý luận triết học), chính xác theo nghĩa ở đây[8].
William Herbert Dray
Triết Lý Lịch Sử - Dẫn Nhập
(Philosophy of History - Introduction,
Englewood Cliffs (N.J.), Prentice-Hall,
2nd ed., 1992, tr. 1-5).
[1] William Herbert Dray (1921-2009) là triết gia sử học người Canada. Tác phẩm: Laws and Explanation in History (1957); Philosophy of History (1964, 1992); Philosophical Analysis and History (1966); Perspectives on History (1980); On History and Philosophers of History (1989); Objectivity, Method, and Point of View: Essays in the Philosophy of History (1991); History as Re-Enactment: R. G. Collingwood's Idea of History (1995). Bản tiếng Việt này được trích dịch từ: William H. Dray, Philosophy of History, 2nd ed., Introduction (Englewood Cliffs, N. J., Prentice-Hall, 1992). NVK.
[2] History (tiếng Anh), Histoire (tiếng Pháp) đều mang cả hai nghĩa trên. Trong tiếng Đức có hai từ: Geschicte (hiện thực) và Historie (môn học). Trong tiếng Việt chúng ta cũng có thể dùng hai từ: lịch sử và sử học. Vì vậy, trong dịch phẩm này, chúng tôi dùng: lịch sử để chỉ «dòng hay chuỗi biến cố đã xảy ra trong quá khứ», và sử học để chỉ môn học có đối tượng là lịch sử hiểu theo nghĩa trước, mỗi khi có thể. Khi ngữ cảnh cho phép hiểu theo cả hai nghĩa, chúng tôi gộp chung cả hai trong từ lịch sử. NVK
[3] Các từ «material» và «formal» hay «substantive» và «analytical» cũng được dùng để phân biệt giữa hai loại hình triết lý về sử. Về một tác phẩm không dễ sắp xếp vào loại nào, xem: E. L. Fackenheim, Siêu Hình Học Và Sử Tính = Metaphysics and Historicity (Milwaukee : Marquette University Press, 1961). Về sự nghi ngờ ngay chính sự phân biệt này, xem: Haskell Fain, Giữa Triết Học Và Sử Học = Between Philosophy and History (Princeton : Princeton University Press, 1970) hay L. O. Mink, chương 7 trg: Hiểu Trong Sử Học = Historical Understanding, do Brian Fay, E. O. Golob, và R. T. Vann chủ biên (Ithaca : Cornell University Press, 1987).
[4] Nhân vật trong một huyền thoại cổ điển Đức rất thịnh hành vào thế kỷ thứ XVI. Là một nhà bác học thành công song luôn bất mãn với cuộc đời của mình, Faust thỏa hiệp với quỷ Lucifer: đánh đổi linh hồn lấy sự hiểu biết và khoái lạc trần gian vô tận. Nhờ quỷ Mephistopheles, cùng với tay chân người trần của hắn là Wagner, Faust có được mọi mãn nguyện trong phần đời sau (24 năm theo một số văn bản), trước khi bị Lucifer tước mất linh hồn. Về sau, tên Faust và hình dung từ Faustian được dùng để chỉ loại hoàn cảnh trong đó kẻ tham vọng sẵn sàng vất bỏ mọi giá trị luân lý để đạt được quyền lực và thành công trong một thời gian giới hạn. NVK
[5] Xem trên trang mục này khi có thể tham khảo: Carl G. Hempel, Chức Năng Của Quy Luật Tổng Quát Trong Sử Học = The Function of General Laws in History. In lại trg: Patrick Gardiner, Lý Thuyết Sử Học = Theories of History (New York : The Free Press, 1959).
[6] Xem: W. H. Walsh, Triết Lý Sử Học: Một Dẫn Nhập = Philosophy of History : An Introduction (New York: Harper Collins, 1960).
[7] Xem: John Barker, Các Siêu Sử Gia : Kẻ Làm Ra Quá Khứ Của Chúng Ta = The Superhistorians : Makers of our Past (New York : Charles Scribner’s Sons, 1982).
[8] Về sự mô tả đặc điểm của triết lý sử học bởi sử gia, tuy thiện cảm song vẫn bi quan, xem các tiểu luận của Harold J. Perkin, trg: Triết Lý Sử Học và Lý Thuyết Ký Sử Hiện Đại = Philosophy of History and Contemporary Historiography, do David Carr cùng nhiều tác giả khác xuất bản (Ottawa : Ottawa University Press, 1982). Về một quan điểm ít thiện cảm hơn, xem: J. H. Hexter, Sử Học Vỡ Lòng = The History Primer (New York : Basic Books, 1971). Về khẳng định rằng quan tâm của triết gia sử học với quan tâm của sử gia là độc lập với nhau, xem: R. F. Atkinson: Hiểu Biết Và Giải Thích Trong Sử Học = Knowledge and Explanation in History (Ithaca : Cornell University Press, 1978). Về sự hiển nhiên của khả năng hiệp thông và cộng tác giữa hai bên, xem tạp chí Sử Học Và Lý Thuyết = History and Theory suốt mấy mươi năm qua.