TỔNG QUAN XÃ HỘI HỌC PHÁP : 1813-1915 (É. DURKHEIM, 1915)
Cập nhật ngày 25-11-2019
Từ khóa : Xã hội học – Pháp – 1815-1915 ; Durkheim, Émile – Tiểu luận
C2

TỔNG QUAN XÃ HỘI HỌC PHÁP :
1815-1915
(1915)

Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Nguyên bản của bài viết này là một báo cáo bằng tiếng Ý, với tựa đề là «La sociologia e il suo domino scientifico», đăng trên Rivista italiana di sociologia, số 4, năm 1900, tr. 127–148. Được dịch sang tiếng Pháp cùng năm, với tựa đề «La Sociologie et son domaine scientifique» (Xã Hội Học Và Lĩnh Vực Khoa Học Của Nó), bài báo cáo được tái bản dưới tựa rút gọn là «La Sociologie», đăng trong La science française (Paris, Larousse, 1915, 2 q., xuất bản nhân dịp nước Pháp tham dự cuộc Triển Lãm Quốc Tế Toàn Cầu Tại San Francisco = Exposition universelle et internationale de San Francisco, năm 1915), và cuối cùng được tái bản trong Émile Durkheim, Textes I - Éléments d'une théorie sociale, Paris, Éd. de Minuit, 1975, tr. 13-36.

Về nội dung, bài viết muốn cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về sự khởi đầu và sự phát triển của xã hội học và các khoa học lân cận, từ đầu thế kỷ XIX (khoảng 1813) đến đầu thế kỷ XX (khoảng 1915). Thật ra, đây là một cái nhìn còn thiếu sót và khá thiên lệch, dù chỉ giới hạn vào tình hình ở Pháp hay mở ra cả Âu châu. Ở Pháp, một số tác giả bị bỏ quên[1]; và phần được báo cáo của các khoa học xã hội trong bài chủ yếu là tiêu biểu cho quan điểm thống trị của xã hội học lúc bấy giờ trên các môn học này: thực chứng (positivist), toàn thể luận (holist = cái toàn thể giải thích và quy định hành vi của các bộ phận) và duy xã hội luận (sociologist = xu hướng xem mọi hiện tượng xã hội như sản phẩm của cấu trúc hay tổ chức xã hội). Với định kiến phát triển các môn học nhân văn và xã hội theo điển mẫu (paradigm) và nhắm đến cùng một mục đích như các khoa học thực nghiệm, Durkheim (1858-1917) cho ta cảm tưởng rằng ông không biết hay không muốn biết tới sự xuất hiện và trưởng thành dần dần của một điển mẫu phát triển khác – nỗ lực đi tìm một lối tiếp cận đặc thù cho các Geisteswissenschaften («khoa học tinh thần») đang hình thành ở Đức (nơi ông từng đến học tập một thời gian ngắn, 1885-1887), trong trước tác của các tác giả có tác phẩm được xuất bản hầu như đồng thời với ông là Wilhelm Dilthey (1833-1911) và Maximilian Weber (1864-1920).

*

Xác định phần đóng góp của nước Pháp vào công trình xây dựng và phát triển xã hội học gần như là viết ra lịch sử của khoa học này, bởi vì chính là trên đất nước chúng tôi[2] mà xã hội học được sinh ra, và mặc dù ngày nay không có dân tộc nào lại không vun đắp môn học này, xã hội học chủ yếu vẫn còn là một khoa học mang quốc tịch Pháp[3].

Vì xã hội được cấu tạo từ con người, trong suốt một thời gian rất lâu người ta đã cho rằng bản thân các xã hội đều tùy thuộc hoàn toàn vào sự quyết đoán của con người, và đặt như một định đề hiển nhiên là mọi xã hội đều là những gì người đời muốn chúng trở thành, và chúng không có bản chất nào khác, ngoài cái mà họ áp đặt lên chúng bằng một hành động ý chí. Trong những điều kiện đó, không thể có vấn đề lấy các xã hội làm đối tượng khoa học. Đối với một thứ chất liệu vô cùng mềm dẻo và không có những đặc tính nhất định như vậy, thì không có lý do gì phải mô tả, phân tích chúng, để tìm ra các nguyên nhân và những điều kiện chi phối chúng, v. v… Vấn đề duy nhất có thể nảy sinh về các xã hội là biết được ta nên cho chúng cái hình thức nào. Để có thể có một khoa học thực sự về những sự kiện xã hội, điều thiết yếu là phải biết nhìn xã hội như những hiện thực có thể so sánh được với  các thực thể cấu thành những giới và loại khác, phải hiểu rằng chúng có một bản chất mà chúng ta không thể thay đổi một cách tùy tiện, và những quy luật xuất phát một cách thiết yếu từ bản chất này. Nói cách khác, xã hội học chỉ có thể được sinh ra, nếu cái ý tưởng rằng thuyết quyết định, đã được thiết lập vững chắc trong các khoa học vật lý và tự nhiên, cuối cùng nay cũng đã được mở rộng tới trình tự xã hội.

Chỉ trong thế kỷ thứ XVIII sự mở rộng này mới xảy ra, dưới ảnh hưởng triết học của bộ Bách Khoa Toàn Thư (Encyclopédie)[4]. Trong triết học của các nhà bách khoa, khoa học là một vì thế giới là một; do đó, không thể chấp nhận rằng thuyết quyết định là không đúng trong môi trường xã hội như trong các môi trường khác của tự nhiên. Montesquieu* và Condorcet* đã lấy cảm hứng từ chính cảm thức này. Tuy nhiên, nếu các nhà tư tưởng trên đã mở đường cho xã hội học, họ vẫn chỉ có một ý tưởng khá lỏng lẻo về các định luật xã hội là gì; chỉ vào đầu thế kỷ thứ XIX quan niệm mới ấy mới được xác định một cách dứt khoát.

Chính Saint-Simon* là người đầu tiên đưa ra các công thức. Đầu tiên, ông tuyên bố rằng xã hội loài người là những thực thể, chắc chắn là độc đáo và khác với những thực thể khác được tìm thấy trong phần còn lại của tự nhiên, nhưng bị chi phối bởi cùng một quyết định luật. Do đó, các cơ cấu xã hội cũng phải là đối tượng của một khoa học có thể so sánh được với các khoa học liên quan tới những cơ cấu cá nhân, và vì lý do này, ông đề xuất đặt tên nó là sinh lý học xã hội. Và cái sự kiện đánh dấu rõ rệt nhất tính thiết yếu theo đó những hiện tượng xã hội phải diễn ra là sự tiến bộ[5]. «Ta không có quyền lực gì để thoát khỏi ảnh hưởng hoặc kiểm soát hành động của nó, hơn là có quyền lực thay đổi theo ý muốn cái xung động nguyên thủy đã khiến cho hành tinh của chúng ta quay quanh Mặt trời». Vì sự tiến bộ không phải là tạo phẩm của chúng ta, cách duy nhất để khám phá ra cái quy luật theo đó nó xảy ra là sự quan sát. Chúng ta sẽ tạo ra hàng loạt sự kiện lịch sử, càng sâu rộng càng tốt, và chính là thông qua các loạt sự kiện này mà ta có thể phát hiện ra ý hướng[6] của sự tiến hóa của nhân loại. Như vậy, về cơ bản, cái phương pháp của khoa học mới sẽ là phương pháp lịch sử. Có điều, để làm nhiệm vụ này, bản thân sử học cũng sẽ phải tự cải tiến, nghĩa là phải trở thành thực sự khoa học, thay vì chỉ tự đóng khung trong vai trò của một bộ sưu tập sự kiện đơn thuần.

Nhưng Saint-Simon chỉ dàn dựng chương trình của khoa học này  hơn là nỗ lực thực hiện nó. Không có gì trong sự nghiệp của ông  có thể được coi là một thử nghiệm có phương pháp nhằm tìm ra cái «quy luật của sự tiến bộ» mà ông lấy làm một thứ luật hấp dẫn của thế giới xã hội đó. Chỉ từ Auguste Comte mà cái dự án lớn do Saint-Simon* quan niệm mới bước đầu trở thành hiện thực.

Trong một nghĩa nào đó, tất cả những ý tưởng cơ bản trong xã hội học của Comte đều đã có mặt ở Saint-Simon, và Comte vay mượn chúng từ người thầy của ông. Nhưng Comte đã không chỉ khẳng định rằng chúng có thể được sử dụng như cơ sở cho một khoa học mới; cái khoa học mới này, ông đã ra công xây dựng nó. Comte  đã xác định phương pháp và phạm vi của xã hội học. Các bộ phận mà ông đưa vào thậm chí có phần còn sống lâu hơn ông nữa. Trong khoa học về các xã hội, Comte phân biệt hai khu vực lớn: tĩnh và  động. Mục đích của xã hội học tĩnh là nhằm xác định các quan hệ kết nối mà những yếu tố khác nhau của cùng và chỉ một môi trường xã hội thiết lập giữa chúng với nhau, ở trạng thái có thể coi như tĩnh nghỉ, tại một thời điểm tiến hóa của nó; trong khi mục đích của xã hội học động là tìm cách phát hiện xem chuỗi xã hội con người đã tiến hóa trong dòng thời gian theo quy luật nào. Và cái chương trình khoa học này, sau khi thai nghén nó, Comte đã muốn thực hiện nó trọn vẹn, và chỉ bằng chính công sức của mình. Về xã hội học tĩnh, ông chỉ mới chỉ ra vài vấn đề và phác thảo các giải pháp; nhưng về xã hội học động, ông dự tính để lại cho chúng ta cả một luận thuyết đầy đủ mà ông tin là vĩnh viễn, qua hai tập cuối của Giáo Trình Triết Học Thực Chứng (Cours de philosophie positive, 1830-1842) được cống hiến cho .

Ngày nay, hầu như học thuyết của Comte chẳng còn lại gì trong chi tiết. Quy luật về ba trạng thái[7] chỉ còn đáng quan tâm về mặt lịch sử. Chính thứ ngôn từ qua đó Comte đặt vấn đề khiến cho nó trở thành không thể nào giải quyết được. Ông tin vào sự tồn tại của một quy luật duy nhất theo đó xã hội loài người nói chung phải phát triển, và đấy chính là cái định luật mà nhà xã hội học có nhiệm vụ phải phát hiện. Như vậy là ông thừa nhận rằng toàn bộ loài người hợp thành chỉ một và cùng một xã hội, và cái xã hội này tiến hóa, luôn luôn và ở khắp nơi, theo cùng một định hướng. Thế nhưng, loài người nhận thức trong toàn bộ («toàn thể loài người»), thật ra, chỉ là một hữu thể của lý trí[8]. Cái thực sự tồn tại là những xã hội cụ thể (đủ thứ loại hình bộ lạc, quốc gia, thành phố, nhà nước…); chúng được sinh ra và chết đi, tiến triển và suy thoái, mỗi thứ theo cách riêng của mình; chúng theo đuổi những mục đích khác biệt, không có chuyện những bước tiến hóa khác nhau này phải luôn luôn cái này tiếp nối cái kia, giống như các đoạn của cùng một đường thẳng. Sự biến dịch của loài người có một diễn tiến phức tạp mà Comte không ngờ tới.

Nhưng nếu những kết luận tích cực mà Comte tin rằng mình đã đạt tới hiếm khi có nội dung đáng được lưu giữ, thì không phải vì vậy mà sự hùng vĩ của tác phẩm của ông là điều có thể bị phủ nhận. Một khoa học mới đã được thêm vào hệ thống khoa học hoàn chỉnh. Saint-Simon là người đã loan báo, nhưng Comte mới là cha đẻ của nó: chỉ thông qua Comte mà nó bắt đầu tồn tại. Ông cũng là người đã đặt tên cho nó là xã hội học, một tên gọi dù có thể là vụng về nhưng không thể thay thế, bởi vì nó khuôn định không phải bất cứ một công trình nào về những sự vật xã hội, mà chỉ những nghiên cứu được tiến hành trong một tinh thần tương tự như thứ tinh thần đang ngự trị trong các khoa học tự nhiên khác. Hơn nữa, dù học thuyết của Comte có mời gọi một số dè dặt nào, một cảm thức rất mạnh mẽ, về hiện thực xã hội là gì, vẫn bàng bạc khắp nơi trong đó. Không có tác phẩm nhập môn xã hội học nào tốt hơn của ông.

Tuy nhiên, sự nghiệp đáng kể này không có tương lai tức thì. Dưới chế độ Quân chủ tháng Bảy (Monarchie de Juillet, 1830-1848) cũng như dưới Đế chế thứ hai (Second Empire, 1852-1870), không có đóng góp mới nào cho khoa học mà Comte vừa đặt nền móng. Chắc chắn là Antoine-Augustin Cournot* cũng đã đề cập tới những vấn đề mà các nhà xã hội học quan tâm, trong Tiểu Luận Về Nền Tảng Tri Thức (Essai sur le fondement de nos connaissances, 1851) và trong quyển thứ hai của Sự Kết Nối Những Ý Tưởng Cơ Bản… (Traité de l’enchaînement des idées fondamentales dans les sciences et dans l’histoire, 2 q., 1861) của ông. Nhưng Cournot không hề có mục đích là xếp chồng lên các khoa học vật lý và sinh học một khoa học thực chứng mới, lấy những sự kiện xã hội làm đối tượng. Chính trong tư thế triết gia mà ông đã bàn về lịch sử[9].

Chỉ sau cuộc chiến tranh năm 1870, tư duy xã hội học mới thức tỉnh. Trong thời gian đó, nỗ lực của Comte được tiếp tục ở Anh quốc bởi Herbert Spencer*. Để xác định rằng các xã hội là những hữu thể tự nhiên như Comte giả định, Spencer đã tiến hành chứng minh rằng loại định luật theo đó các thiết chế xã hội phát triển chỉ là những dạng đặc biệt của các quy luật tổng quát hơn đang chủ trì sự tiến hóa của vũ trụ. Đặc biệt, ông đặt dấu nhấn trên sự tương đồng giữa tổ chức xã hội với tổ chức sinh học, qua đó biến xã hội thành một thứ sinh vật. Chính quan niệm này mà Espinas đã tìm cách xác nhận và minh họa trong nghiên cứu về Những Xã Hội Động Vật  (Les sociétés animales, 1877)[10]. Trong công trình rất gợi ý này, để lấp đầy khoảng trống từ lâu vẫn được thừa nhận giữa các xã hội và phần còn lại của vũ trụ, tác giả cho thấy rằng tự chúng các loài động vật đã là các tập hợp những sinh thể được kết nối với nhau về vật chất rồi, và từ những xã hội đơn giản này, ta sẽ thấy chúng tiến dần lên các xã hội phức tạp hơn, khi loại sinh vật cao cấp liên kết với nhau bằng những tương quan không chỉ là vật chất mà còn là tâm lý nữa. Như vậy, cảnh giới xã hội xuất hiện như một sự nẩy nở của cảnh giới sinh học mà nó được gắn liền không gián đoán.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó, xã hội học vẫn chưa ra khỏi những ý tưởng triết học tổng quát. Các nhà tư tưởng vừa kể tên thậm chí còn giản lược nó vào một vấn đề duy nhất: đấy là sự tìm hiểu xem định luật nào thống trị sự tiến hóa xã hội nói chung (Comte), hoặc liệu định luật về sự tiến hóa phổ quát sẽ áp dụng hay không cho các xã hội con người (Spencer). Vì vậy mà Comte không còn đứng cách bao xa cám dỗ tưởng tượng rằng, chẳng những ông đã thiết lập khoa xã hội học, mà còn đã đồng thời hoàn tất nó. Thế nhưng, một khoa học không bao giờ hoàn tất. Nó được tạo thành từ những câu hỏi đặc biệt, hạn chế, liên quan đến các đối tượng hữu hạn, và mặc dù tương quan với nhau, vẫn phải được xử lý riêng biệt; bởi chính sự liên kết của chúng cũng chỉ có thể xuất hiện dần dần với những bước tiến của khoa học. Do đó, xã hội học chỉ có thể thực sự trở thành một khoa học thực chứng  nếu, thay vì cố sức nắm bắt toàn bộ hiện thực xã hội ngay từ đầu, nó tiến hành bằng cách trái ngược, là lần lượt tách rời, bằng phương pháp phân tích, từng bộ phận, từng yếu tố, từng khía cạnh khác nhau của xã hội có thể được dùng làm chất liệu cho các công trình nghiên cứu xã hội học đặc thù.

Tác giả của bài tiểu dẫn này đã dành hết thời gian của mình cho chính công việc trên, với sự hỗ trợ của cả một nhóm cộng sự viên. Chúng tôi đã cùng kết hợp và hướng mọi nỗ lực của mình vào tham vọng mở ra cho khoa xã hội học cái thời đại của những chuyên ngành như Comte có thể đã kêu gọi. Một sự phân công lao động thực sự đã được tổ chức. Ba nhóm sự kiện đã được đặc biệt thành lập nhằm tập hợp các loại sự kiện tôn giáo, đạo lý và pháp lý, kinh tế…; rồi thay vì nghiên cứu xã hội học tổng quát, một số người này khởi xướng các công trình xã hội học tôn giáo, người kia xã hội học đạo đức và pháp lý, những người khác nữa xã hội học kinh tế. Bản thân sự phân công này vẫn còn quá chung chung, nên trong mỗi khoa xã hội học chuyên ngành này, nhiều vấn đề hạn chế hơn đã được đề cập: về «hiến tế» (Essai sur la nature et la fonction du sacrifice, 1899), «ma thuật» (Esquisse d’une théorie générale de la magie,  1904) bởi Henri Hubert[11] và Marcel Mauss*; về «các hình thức cơ bản của đời sống tôn giáo»  (Les Formes élémentaires de la vie religieuse, 1912), «nạn tự sát» (Le Suicide, 1897), «sự ngăn cấm loạn luân» (La Prohibition de l’inceste et ses origines, 1897), «hôn nhân nguyên thủy» bởi Émile Durkheim; về «hệ thống đẳng cấp» (Essai sur le régime des castes, 1900-1908) bởi Célestin Bouglé[12]; về «đồng lương của công nhân mỏ» (Le Salaire des ou­vriers des mines, 1904) bởi François Simiand*; về «mức sống của giai cấp công nhân» (La Classe ouvrière et les niveaux de vie, 1912) bởi Maurice Halbwachs*. Gần đây, một nỗ lực đã được thực hiện nhằm xác định các điều kiện xã hội mà một số thao tác lô-gic hoặc dạng tư duy tùy thuộc; về chiều hướng này,  xin giới thiệu: Về Các Hình Thức Phân Loại Sơ Khai (De Quelques formes primitives de classification, 1901-1902), của Durkheim và Mauss, Nghiên Cứu Về Sự Biểu Thị Thời Gian (Étude sommaire de la représentation du temps dans la religion et la magie, 1905) của Henri Hubert và Marcel Mauss. Có thể kể thêm ở đây quyển Các Chức Năng Tinh Thần Trong Loại Xã Hội Hạ Đẳng (Les Fonctions mentales dans les sociétés inférieures, 1910) của Lucien Lévy-Bruhl*.

Đúng là các đối tượng nghiên cứu này phần nào đã được đề cập tới trong các khoa học ra đời trước xã hội học, hoặc từng được nghiên cứu bên ngoài nó, trong lịch sử so sánh các tôn giáo, luật học, các lý thuyết đạo đức, thống kê về đời sống tinh thần, kinh tế chính trị. Nhưng vì những công trình này thoát khỏi ảnh hưởng của xã hội học, chúng phần nào nhắm hụt đối tượng của chúng; bởi vì không nhìn thấy cái tạo nên bản chất của những hiện tượng đang xử lý, cụ thể là tính cách xã hội của chúng, nhà nghiên cứu không biết chúng đã đến từ đâu và sẽ đi đâu, tùy thuộc môi trường nào, nên rốt cuộc họ để chúng lửng lơ trong khoảng trống, không  đưa ra nổi một giải thích nào. Thực ra, ta chỉ có thể hiểu được chúng nếu đặt chúng trong tương quan với nhau, và với các môi trường tập thể mà chúng biểu đạt, và trong đó chúng thành hình. Hơn nữa, ý niệm định luật thường xuyên vắng mặt trong loại công trình này, có lẽ thuộc về các lĩnh vực văn học và sưu tập uyên bác hơn là khoa học. Toàn bộ các công trình nghiên cứu liên quan đến những hiện tượng xã hội, do đó, xuất hiện dưới khía cạnh sau: một mặt, một tập hợp nhiều bộ môn không mấy mạch lạc, tuy có cùng một đối tượng, nhưng không hề biết quan hệ họ hàng giữa chúng với nhau, không biết sự thống nhất sâu sắc của loại sự kiện mà chúng nghiên cứu, và chỉ phảng phất hương vị của lý tính một cách mơ hồ; mặt khác, một môn xã hội học có ý thức về sự thống nhất này, và về cái trật tự sâu sắc ẩn giấu dưới vẻ ngẫu nhiên ngoài mặt của những sự kiện ấy, nhưng lại bay lượn quá cao bên trên hiện thực xã hội để có thể có bất kỳ một ảnh hưởng nào trên cách thức nó đã được nghiên cứu. Phần cải cách khẩn cấp nhất, do đó, là phải kéo môn xã hội học và những kỹ thuật đặc biệt này lại gần nhau hơn, và kết hợp chúng trong một cuộc hôn nhân phong phú, mang lại cho xã hội học cái chất liệu nó còn thiếu, và ngược lại, đưa cái ý tưởng xã hội học xuống những kỹ thuật kia, hầu chuyển hóa chúng thành các khoa học xã hội thực sự. Để đảm bảo sự xích lại gần này và làm cho nó  mật thiết hơn, một tạp chí định kỳ được thành lập vào năm 1896, dưới tên gọi là Năm Xã Hội Học (Année Sociologique[13]), với mục đích đưa ra, hàng năm, các công trình nghiên cứu về lịch sử tôn giáo, lịch sử các thiết chế đạo đức và pháp lý, thống kê đạo đức, lịch sử kinh tế, những sự kiện dường như rất ích lợi và đáng được các nhà xã hội học đặc biệt quan tâm.

Tất cả các tác phẩm nói trên đều bắt nguồn trực tiếp từ A. Comte; chúng là những khoảnh khắc khác nhau của cùng một dòng tiến hóa. Chúng ta còn cần phải nói về hai sự nghiệp quan trọng nữa mà nguồn cảm hứng là hoàn toàn khác.

Trước hết là những công trình của [Gabriel] Tarde[14]. Tất cả các nhà khoa học mà chúng ta vừa kể tên đều cất bước từ ý nghĩ này, rằng mọi hiện tượng xã hội đều liên quan với nhau theo những quan hệ nhất định gọi là quy luật, và loại định luật này chính là các đối tượng mà khoa học xã hội tìm kiếm. Tarde không đi xa tới mức  cho rằng không có một trật tự nào hết trong chuỗi sự kiện lịch sử, bởi luận điểm này đồng nghĩa với sự bác bỏ khả năng có một nghiên cứu khoa học về xã hội. Thế nhưng ông cũng xem thứ trật tự này là quá ngẫu nhiên và quá biến thiên, tới mức là ta không thể nào đạt được nó với một độ chính xác nào đó, dù bằng đủ cách tiến hành có phương pháp. Theo Tarde, mọi sự kiện xã hội, trên thực tế, đều do những phát minh cá nhân, rồi được lan truyền và tổng quát hóa, từng bước một, qua con đường bắt chước hay mô phỏng. Nhưng phát minh là một sản phẩm của thiên tài, và thiên tài là cái «ngẫu nhiên tối thượng», ương ngạnh trước mọi dự báo cũng như mọi giải thích khoa học. Nó sinh ra hoàn toàn ngẫu nhiên, ở nơi này hoặc nơi kia. Như vậy, cái ngẫu nhiên được đặt ngay ở đầu nguồn của đời sống xã hội. Chắc chắn là bản thân sự bắt chước cũng tuân theo các quy luật của nó, và Tarde đã cố gắng xác định chúng. Nhưng những định luật này là cực kỳ tổng quát, hoàn toàn hình  thức, chúng không thể giải thích bất kỳ một sự kiện xã hội đặc thù  nào. Sự định hình những thiết chế, và cái thứ tự phát triển của chúng trong quá trình lịch sử, tất cả đều phụ thuộc vào những nguyên nhân ngẫu nhiên, và thoát khỏi tầm với của khoa học[15].

Trong một nghĩa nào đó, sự nghiệp của Tarde xuất hiện như một phản ứng chống lại ngay chính cái nguyên tắc mà xã hội học theo quan niệm của A. Comte  dựa vào. Nhưng để hiểu ý nghĩa của nó,  trước tác của Tarde cần phải được đưa trở lại thời điểm nó hình thành. Và đấy là khi trường phái tội phạm học của Ý[16] cường điệu  sự bài xích chủ nghĩa thực chứng tới mức cho nó là một thứ siêu hình học duy vật chẳng có chút gì là khoa học. Tarde đã cho thấy sự hão huyền của những học thuyết này, và nhắc lại rằng đặc tính của những hiện tượng xã hội chủ yếu là tinh thần[17].

Nhưng nếu Tarde chiến đấu chống lại xã hội học kiểu Comte, thì dù sao ông cũng có ý đồ nghiên cứu xã hội học, và thực sự đã làm công việc của một nhà xã hội học. Ngược lại, người ta có thể tự hỏi liệu chúng tôi có nên nói về những công trình của [Frédéric] Le Play[18] chăng, như tác phẩm về Giới Công Nhân Âu Châu (Les ouvriers européens, 1855) chẳng hạn. Thực ra, Le Play không đối lập với quan điểm xã hội học này nọ; ông chỉ hoàn toàn đứng ngoài cái trào lưu tư tưởng đã sinh ra khoa học này. Những quan tâm của ông thậm chí cũng không phải là thuần túy khoa học, mà phần lớn mang tính biện giải tôn giáo. Tuy nhiên, do ông đã nghiên cứu  những đối tượng xã hội, và bởi vì có cả một trường phái được kết nối với  ông qua hai tập san là Cải Cách Xã Hội (La réforme sociale) và Khoa Học Xã Hội (La science sociale), tên tuổi và sự nghiệp của ông nhất thiết phải có chỗ đứng trong bảng sơ yếu xã hội học mà chúng tôi đang phác họa.

Trong bài báo cáo này, chúng tôi tự giới hạn vào những tác phẩm đặc trưng nhất – những tác phẩm có thể được xem là đã đánh dấu một giai đoạn ít nhiều quan trọng trong sự phát triển của xã hội học. Nhưng để có một ý tưởng đúng đắn về trào lưu xã hội học ở Pháp, chúng ta cũng không nên quên để mắt tới một số lượng lớn những tác phẩm, mặc dù không có ảnh hưởng quyết định, vẫn cho ta thấy sự quan tâm sống động về các vấn đề mà nghiên cứu xã hội học ở Pháp đã gợi hứng. Chẳng hạn: những tác phẩm của [Charles] Letourneau[19] về sự tiến hóa của gia đình, luật pháp, tài sản, giáo dục, văn học; những nghiên cứu của [Arsène] Dumont về sự sút giảm dân số[20];  của [Adolphe] Coste về Xã hội học khách quan[21]; nhân chủng học của [Georges] De Lapouge[22] nữa, mà các đề tài rất mạo hiểm có lẽ cần phải được củng cố vững chắc hơn, chưa kể cái ý đồ quy giản xã hội học vào nhân học. Đặc biệt là từ hai mươi lăm năm nay, một trào lưu trí thức đã xuất hiện trên đất nước chúng tôi, và bởi cường độ cũng như định hướng của nó, gợi nhớ lại chính cái trào lưu đã quyết định sự khai sinh ra khoa xã hội học vào đầu thế kỷ thứ XIX.

Vì khoa học này chỉ mới ra đời ngày hôm qua, chúng ta có thể đánh giá tầm quan trọng của nước Pháp trong sự hình thành và tiến bộ của nó là đến mức nào. Vả lại, tất cả dường như đã chỉ định trước vai trò của nước Pháp trong việc này: các phẩm chất bẩm sinh của nó cũng như những khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Trên thực tế, xã hội học chỉ có thể được sinh ra và phát triển khi hai điều kiện sau đây được tập hợp. Trước hết, chủ nghĩa truyền thống đã phải đánh mất cái đế chế của nó. Bởi ở một dân tộc còn thấy rằng những thiết chế của mình là đúng như chúng vốn phải như thế, thì không gì có thể kích thích tư tưởng quan tâm tới những sự kiện xã hội. Hơn nữa, còn phải có một niềm tin thực sự vào sức mạnh của lý trí nữa, mới dám thực hiện việc chuyển dịch các hiện thực phức tạp và bất ổn định nhất này thành những khái niệm xác định. Nước Pháp hội đủ điều kiện kép này. Không một quốc gia nào có tổ chức xã hội cũ bị bứng rễ tận gốc hơn, và do đó, để xây dựng lại, người ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn, nghĩa là cần khoa học nhiều hơn là ở Pháp. Mặt khác, chúng tôi là, và vẫn còn là đất nước của René Descartes*, nghĩa là chúng tôi luôn luôn say mê những ý tưởng tách biệt. Tất nhiên, ngày nay chúng tôi thừa biết cái gì là đơn giản thái quá trong chủ thuyết duy lý của Descartes*; nhưng nếu chúng tôi cảm thấy cần phải vượt qua nó, thì cũng chỉ với điều kiện là phải duy trì cái nguyên lý nền tảng của nó.

Émile Durkheim,
Xã Hội Học (La Sociologie),
Trg: Khoa Học Pháp,
(La Science française, 1915, q. 1, tr. 5-14)


[1] Chẳng hạn René Worms (1869-1926), triết gia và nhà xã hội học Pháp, người đã sáng lập Tập San Xã hội Học Quốc Tế = Revue internationale de sociologie năm 1893, và lập ra Viện Xã Hội Học Quốc Tế = Institut international de sociologie năm 1894. Tác phẩm: De la volonté unilatérale considérée comme source de l'obligation (1891); La Morale de Spinoza (1892); De natura et methodo sociologiae (1896); La Science et l'art en économie politique (1896); Organisme et société (1896); Philosophie des sciences sociales (3 q., 1903-1907); Études d'économie et de législation rurales (1906); Les Principes biologiques de l'évolution sociale (1910); Précis de philosophie (1911).

[2] Xem giải thích ở phần giới thiệu.

[3] Một khẳng định tự cao và đáng bàn cãi. Có thể chấp nhận rằng tên của môn học (Xã hội học) xuất phát từ A. Comte, thậm chí từ E.-J. Sieyès (1748-1836), nhưng nội dung của môn học lại là chuyện khác. Năm 1893, khi Durkheim xuất bản luận án và tác phẩm chính đầu tiên của ông (De la Division du travail social = Về Sự Phân Công Trong Lao Động Xã Hội), thì Wilhelm Dilthey đã xuất bản Einleitung in die Geisteswissenschaften từ năm 1883 (Dẫn Vào Các Khoa Học Tinh Thần), rồi sau đó, Studien zur Grundlegung der Geisteswissenschaften năm 1905 (Nghiên cứu Nền Tảng Của Các Khoa Học Tinh Thần), Der Aufbau der geschichtlichen Welt in den Geisteswissenschaften năm 1910 (Sự Xây Dựng Thế Giới Lịch Sử Trong Các Khoa Học Tinh Thần), Die Typen der Weltanschauung năm 1911 (Các Loại Hình Thế Giới Quan). Còn các tác phẩm của Max Weber đều nằm giữa 1889 và 1920, nghĩa là hầu như song song với những trước tác của Durkheim. Sự không biết tới nhau giữa hai tác giả và hai khuynh hướng xã hội học là đáng ngạc nhiên, và đã được Edward A. Tiryakian phân tích như một vấn đề trong xã hội học tri thức; xem trên trang mục này khi có thể tham khảo: E. A. Tiryakian, A Problem for the Sociology of Knowledge: The  Mutual Unawareness of Émile Durkheim and Max Weber.

[4] Quy chiếu về bộ Bách Khoa Toàn Thư* đầu tiên của Pháp, được thực hiện từ 1751 đến 1772, dưới sự điều khiển của Denis Diderot* và Jean-Baptiste Le Rond d’Alembert*.

[5] Cần phân biệt sự tiến bộ với hệ tư tưởng tiến bộ. Nếu sự tiến bộ là có thực và hiển nhiên trong một số lĩnh vực – khoa học chẳng hạn, nhưng ngay cả ở đây, cũng không hề có một sự tiến bộ tuyến tính –, có chăng một sự tiến bộ rộng khắp, đồng bộ và thiết yếu trong mọi lĩnh vực? Chúng ta sẽ trở lại nghi vấn quan trọng này trong nhiều bài viết và bản dịch khác.

[6] Một vấn đề đi đôi với nghi vấn trên là vấn đề ý nghĩađịnh hướng của lịch sử (từ sens trong tiếng Pháp có cả hai nghĩa này). Liệu dòng biến dịch của những sự kiện trong lịch sử, tự bản thân nó, đã chuyên chở một ý nghĩa  nào đó như Comte, Hegel, Marx tưởng tượng chăng, hay ý nghĩa trong sử học chỉ là phần đóng góp của nhân vật, của sự tương tác giữa những biến cố do con người, cố ý hoặc vô tình, tạo ra? Xem trên trang mục Sử học các  bài liên quan.

[7] Xem trên trang mục Triết học – Thế kỷ 19: August Comte, Quy Luật Về Ba Trạng Thái.

[8] Xem trên trang mục Triết Lý Khoa Học: Jacques Maritain, Hữu Thể Của Lý Trí.

[9] Xem trên trang mục Sử học: Antoine-Augustin Cournot,  Nguyên Do Học Lịch Sử Và Triết Lý Sử Học và các bài khác của tác giả.

[10] Alfred Victor Espinas (1844-1922): nhà xã hội học Pháp. Tác phẩm: Des Sociétés animales (1877); La Philosophie expérimentale en Italie (1880); Histoire des doctrines économiques (1891); Les Origines de la technologie  (1897); La Philosophie sociale du XVIIIe siècle et la Révolution (1898);  Descartes et la morale (2 q., 1925).

[11] Henri Hubert (1872-1927): nhà khảo cổ học và xã hội học Pháp. Tác phẩm: Esquisse d'une théorie générale de la magie (với Marcel Mauss, 1902-1903); Mélanges d'histoire des religions (1909); Les Celtes et l'expansion celtique jusqu'à l'époque de La Tène (1932, 1974, 2007); Les Celtes depuis l'époque de la Tène et la civilisation celtique (1932, 2007); Les Germains: cours professé à l'École du Louvre en 1924-1925 (1952).

[12] Célestin Charles Alfred Bouglé (1870-1940): triết gia và nhà xã hội học Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Les Sciences sociales en Allemagne (1896); Solidarisme (1907, 1924); Qu'est-ce que la sociologie? (1907, 1925); Essais sur le régime des castes (1908); La sociologie de Proudhon (1911, 1930); Leçons de sociologie sur l’évolution des valeurs (1922); De la sociologie à l’action sociale (1923, 1931); Socialismes français (1932, 1941); Bilan de la sociologie française contemporaine (1935); Les Maîtres de la philosophie universitaire en France (1938); Humanisme, sociologie, philosophie (1938).

[13] Lục cá nguyệt san do Émile Durkheim thành lập từ năm 1896, với tên là Année sociologique (1896-1925), sau đổi thành Annales sociologiques (1934-1942), rồi cuối cùng lấy lại tên cũ từ 1949 cho đến nay. Đối với Durkheim, sự thành lập tập san này là một cách để phổ biến những trước tác của ông, môn đồ và các tác giả trong một số lĩnh vực khác nhưng cùng chia sẻ một điển mẫu khoa học thực chứng có thể được gọi là «duy xã hội luận  (sociologisme)». Do đó, Année sociologique cũng được dùng như quy chiếu về lối tiếp cận đặc thù của nhóm chủ trương, có ảnh hưởng rất lớn trên các khoa học xã hội ở Pháp trong suốt 20 năm đầu của thế kỷ XX, gồm có: Émile Durkheim, Paul Fauconnet, Célestin Bouglé, Marcel Mauss, Henri Hubert, Robert Hertz, Maurice Halbwachs và François Simiand…

[14] Jean-Gabriel De Tarde hay Gabriel Tarde (1843-1904): thẩm phán, nhà xã hội học, tội phạm học, tâm lý học xã hội, đôi khi là nhà văn Pháp. Tác phẩm: Contes et poèmes (1879); La Criminalité comparée (1886); Les Lois de l’imitation (1890); La Philosophie pénale (1890); Études pénales et sociales (1892); Les Transformations du droit (1893); Essais et mélanges sociologiques (1895); La Logique sociale (1895); Fragment d'histoire future (1896); L'Opposition universelle (1897); Études de psychologie sociale (1898); Les Lois pénales: essai d'une sociologie (1898); Les Lois sociales: esquisse d'une sociologie (1898); Les Transformations du pouvoir (1898); L'Opinion et la Foule (1901); Psychologie économique (2 q., 1902).

[15] Đoạn văn này là một phê phán ngắn gọn của Durkheim về quan điểm và phương pháp xã hội học của Tarde, vốn dựa trên hai khái niệm tâm lý chính yếu là phát minh (invention) và bắt chước hay mô phỏng (imitation). Sự đối lập giữa hai trường phái và hai nhà xã hội học này là toàn diện và gay gắt. Chúng tôi sẽ trở lại cuộc tranh chiến trên trong các bản dịch tới, thông qua sự đối chiếu một số văn bản được rút ra từ trước tác của hai tác giả.

[16] Đại diện chính cho trường phái tội phạm học Ý này là Cesare Lombroso (1835-1909), và hai môn đồ là Enrico Ferri (1856-1929) và Raffaele Garofalo (1851-1934).  Chịu ảnh hưởng từ thuyết tiến hóa của Darwin và thuật xem tướng mặt,  Lombroso tin rằng kẻ tội phạm là một loại người đặc biệt, sống ở trạng thái kém tiến hóa hơn những người đồng thời, một trạng thái có thể được nhận biết qua các dấu hiệu, vừa thuộc giải phẫu học (hình dạng của hộp sọ, sự mất cảm giác trước đau đớn, v. v…), vừa thuộc tâm lý học hành vi (xăm mình, nói tiếng lóng, v. v…). Trong tác phẩm chính của ông – L'Uomo delinquente, 1876 = L’Homme criminel, 1887 = Con Người Tội Phạm Lombroso đưa ra một học thuyết về kẻ tội phạm bẩm sinh, cho rằng sự phạm tội xuất phát từ một quá trình lại giống (atavisme: sự trồi lên lại của các đặc tính cổ lỗ tưởng đã mất), ở một số cá nhân. Quan điểm của hai môn đồ của ông ít cứng nhắc hơn, theo nghĩa là họ cũng chấp nhận phần nào vai trò của những yếu tố ngoài sinh học, y học, và nhân loại vật lý học. Xem thêm trên trang mục Sinh học - Y học khi có thể tham khảo: Stephen J. Gould, Lombroso Và Lý Thuyết «Tội Phạm Bẩm Sinh».

[17] Đối vói Gabriel Tarde, học thuyết của Cesare Lombroso và trường phái Ý, do nó mở ra một quan điểm về tội phạm học có nguồn gốc từ sinh học, và bao hàm ý tưởng rằng kẻ phạm tội là người bất thường về mặt sinh học giống như người điên, nên nói cho cùng phải được xem là vô trách nhiệm. Tarde xây dựng ngược lại, trong Triết Lý Hình Sự (Philosophie pénale, 1890), một học thuyết về trách nhiệm: một mặt, Tarde chứng minh rằng không ai sinh ra là tội phạm cả, vì ngay cả định nghĩa của «tội» cũng thay đổi tùy nơi, tùy thời, tùy ý kiến hay luật pháp  (giết một con bò có thể là tội nặng nhất ở Ấn Độ, nhưng hoàn toàn là vô tội ở Nhật Bản chẳng hạn); mặt khác, dựa vào thống kê học, ông cho thấy nguyên nhân phạm tội thực ra nằm ở những điều kiện xã hội và trạng thái tâm lý của kẻ phạm tội, luôn luôn chịu ảnh hưởng của những khó khăn kinh tế và tin tưởng của môi trường sống thường không tương thích với các mô hình dược chấp nhận trong xã hội. Do đó, theo Tarde, sự phạm tội phạm và trừng phạt là những vấn đề đạo đức và xã hội hơn là pháp lý.

[18] Pierre Guillaume Frédéric Le Play (1806-1882) : kỹ sư, nhà xã hội học, nhà chính trị và cải cách Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Les Ouvriers européens (1855); La Réforme sociale (1864); L'Organisation de la famille (1871); La Constitution de l'Angleterre (với M. Delaire, 1875).​

[19] Charles Jean Marie Letourneau (1831-1902), nhà nhân học Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Questions de sociologie et d'ethnographie (1882); L'Évolution de la morale (1887); L'évolution du mariage et de la famille (1888); L'évolution littéraire dans les diverses races humaines (1894); La guerre dans les diverses races humaines (1895); L'évolution de l'esclavage dans les diverses races humaines (1897); L'évolution de l'éducation dans les diverses races humaines (1898); L'évolution religieuse dans les diverses races humaines (1898); La psychologie ethnique (1901); La condition de la femme dans les diverses races et civilisations (1903). 

[20] Arsène Dumont (1849-1902), nhà dân số học Pháp. Tác phẩm: Dépopulation et Civilisation (1990).

[21] Adolphe Coste (1842-1901), nhà báo, thống kê, kinh tế, xã hội học Pháp.  Tác phẩm tiêu biểu: Les questions sociales contemporaines (1886); Nouvel exposé d'économie politique et de physiologie sociale (1889); La question monétaire en 1889 (1889); La Théorie de la rente foncière (1892); Les Principes d’une Sociologie objective (1899).

[22] Georges Vacher de Lapouge (1854-1936), luật gia và nhà nhân học Pháp, lý thuyết gia của thuyết ưu sinh và chủ nghĩa chủng tộc. Tác phẩm tiêu biểu: Essais de droit positif généralisé (1879); Les Sélections sociales (1896); L'Aryen, son rôle social (1899); Race et milieu social: essais d'anthroposociologie (1909).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa