TỔNG HỢP LỊCH SỬ (H. BERR, 1911)
Đưa lên mạng ngày 17-8-2019
Từ khóa: Tổng hợp (Khái niệm) trong Sử học
C1

TỔNG HỢP LỊCH SỬ
(1911)

Tác giả: Henri Berr*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Sử gia phê phán tài liệu là nhằm chuẩn bị cho công việc tổng hợp lịch sử. Theo Henri Berr[1], ta có thể phân biệt ở đây hai hình thức tổng hợp: «tổng hợp uyên bác» – thứ tổng hợp nhằm tái tạo quá khứ thông qua sự tập hợp những công việc riêng lẻ «tổng hợp khoa học» – thứ tổng hợp nhằm giải thích quá khứ mà ông đã định nghĩa như trong trích đoạn dưới đây.

*

Khi ta nghiên cứu lịch sử của các quan niệm về lịch sử, tìm cách rút ra từ nỗ lực dài lâu và đa dạng này những kết quả đã đạt được và các giả thuyết có giá trị, là chúng ta đang chuẩn bị cho công việc tổng hợp lịch sử. Khi ta nghiên cứu, thông qua những sự kiện, nhưng một cách hoàn toàn lý thuyết, nghĩa là trong trừu tượng, vai trò của trình tự nguyên nhân này, của yếu tố giải thích kia, của các yếu tố giải thích khác nhau… là chúng ta đang chuẩn bị cho công việc tổng hợp lịch sử. Khi ta tập trung vào một bộ phận nào đó của lịch sử cụ thể, nhưng không chỉ để đơn thuần phơi bày những sự kiện trong sự đa dạng và liên tục của chúng, mà để kiểm soát, qua đó, giá trị của các giả thuyết, xác định vai trò của các yếu tố giải thích… là chúng ta đang chuẩn bị cho, hay đúng hơn là đang thực hiện, công việc tổng hợp lịch sử. Cuối cùng, khi ta nghiên cứu và xác định vai trò của các yếu tố giải thích khác nhau trong toàn bộ quá khứ của con người, là chúng ta đang thực hiện công việc tổng hợp lịch sử. Sai lầm của các triết lý lịch sử[2] là đã đề xuất một công trình như vậy, khi mà để hoàn thành nó, một mặt, ta chưa hề thu thập và kiểm tra những sự kiện với số lượng đầy đủ, và mặt khác, những ý tưởng dẫn dắt nó cũng chưa thực sự chín muồi.

Henri Berr,
Tổng Hợp Lịch Sử
(La Synthèse en histoire, 1911,
Albin Michel, 1953, tr. 253-254)


[1] Henri Fernand Berr (1863-1954): triết gia Pháp, người sáng lập Tạp Chí  Tổng Hợp Lịch Sử (Revue de Synthèse historique, 1900-1931) sau đổi tên thành Tạp Chí Tổng Hợp (Revue de synthèse). Tác phẩm tiêu biểu: La Synthèse des connaissances et l'histoire (1898); L'Avenir de la philosophie (1899); La Synthèse en histoire (1911, 1953); La Guerre allemande et la paix française (1919); L'Histoire traditionnelle et la Synthèse historique (1921).

[2] Xem các bài liên quan trên trang mục Sử học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa