TÍNH MỤC ĐÍCH TRONG SINH HỌC (F. JACOB, 1974)
Đưa lên mạng ngày 15-05-2020
Từ khóa : Mục đích (Khái niệm) – Sinh  học ;
Nguyên nhân mục đích ; Jacob, François – Trích đoạn

C2

TÍNH MỤC ĐÍCH:
TRONG SINH HỌC
(1974)

Tác giả: François Jacob[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Mặc dù được biểu đạt một cách hiển nhiên trong sự phát triển của phôi, hay trong hành vi của động vật chẳng hạn, tính mục đích này từ lâu vẫn là con vật đáng ghét nhất, nếu không muốn nói là nỗi xấu hổ[2] của nhiều nhà sinh học. Theo tôi, điều này có ít nhất hai lý do.

Đầu tiên là sự thống trị lâu dài của khoa vật lý trên các ngành khoa học tự nhiên khác. Hầu như mọi trước tác đặt dưới tiêu đề triết học của các khoa học đều là một suy tư về cách thức vật lý học tiếp cận hiện thực. Đây không chỉ là khoa học đầu tiên được thiết định vào cuối thời Phục Hưng[3]. Bằng các phương pháp và thành công của nó, vật lý học còn là môn học «vững mạnh» nhất trong mọi khoa học, là ngành mà các bộ môn khác phải tham khảo và vay mượn những mô hình. Tên gọi triết học tự nhiên từ lâu vẫn đồng nghĩa với vật lý học. Để xứng đáng mang nhãn hiệu khoa học, mọi ngành học đều phải phục tùng các yêu sách của ông (bà) cả. Để tránh là một sản phẩm của ma thuật hay mộng tưởng, mọi  hiện tượng phải tuân thủ những khái niệm vật lý, và chỉ chúng mà thôi. Thật không may, nhiều khái quát hóa mà khoa vật lý đã tạo ra chỉ đơn giản là vô nghĩa trong sinh học. Tệ hơn nữa, một phần trong số đó hóa ra còn là sai, khi ta cố áp dụng chúng vào các hiện tượng của thế giới sự sống, như từng được George Gaylord Simpson[4] và Ernst Mayr[5] lưu ý. Đây là các trường hợp, chẳng hạn, về: tương quan nguyên nhân và hệ quả, quan hệ giữa các giá trị giải thích và giá trị dự đoán của một lý thuyết, tính đồng nhất của các đối tượng nghiên cứu – hạt và phân tử của vật thể trong vật lý và hóa học đối chiếu với tính đơn nhất của cá thể ở những sinh vật sinh sản qua đường giới tính. Và ngược lại, nhiều hiện tượng sinh học không có tương đương nào trong phần nghiên cứu về thế giới vô tri. Lúc đó, chúng chỉ đơn giản bị bỏ qua trong mọi triết lý khoa học được xây dựng trên khoa vật lý. Cụ thể, điều này đặc biệt đúng về vai trò của thời gian: cơ thể vô sinh không phụ thuộc vào thời gian; trái lại, các cơ thể sống liên kết với nó một cách không thể tách rời được vì mọi sinh vật, mọi tế bào, mọi phân tử của sinh vật đều là kết quả của một trải nghiệm kiểu thử nghiệm và chỉnh sửa từng được theo đuổi suốt ba tỷ năm nay. Tính mục đích của sinh vật cũng tương tự: không có cách nào mặc lên nó bộ trang phục được may sẵn theo kích thước của vật lý học, và vẫn được xem là duy nhất có thể mang lại uy tín và phẩm giá cho một ngành khoa học nào khác suốt bấy lâu nay.

Lý do thứ hai khiến chúng ta cảnh giác về tính mục đích xuất phát từ sự lẫn lộn giữa thứ trật tự ngự trị bên trong một sinh vật, với thứ trật tự được thiết lập giữa các sinh vật: giữa tính mục đích  của cá nhân với cứu cánh của thế giới sự sống. Có thể dễ dàng  mô tả một sinh vật như liên tục bận rộn giải quyết các vấn đề kiếm thức ăn, tìm bạn tình, tránh kẻ thù. Ở hầu hết các sinh vật sống, những vấn đề này được giải quyết nhờ tính tự động của một số chuỗi hành vi nhất định. Một tình huống được tạo ra, và nó kích hoạt cái đầu tiên của một loạt phản ứng. Nhưng để sự chọn lọc tự nhiên hoạt động, thì sinh vật cần phải được thúc đẩy từ bên trong để giải quyết các vấn đề nó phải đối mặt và tránh cái chết. Bởi không phải cứ đơn giản là sinh vật sinh sản nhanh nhất và nhiều nhất thì sẽ được tuyển chọn. Mọi sinh vật đều trở nên phức tạp trong quá trình tiến hóa. Chúng không còn là các nhà máy hóa chất đơn thuần như những con vi khuẩn. Càng giành thêm được sự tự chủ trên môi trường bao nhiêu, chúng càng phải đối phó với những vấn đề đa tạp và khó giải quyết hơn bấy nhiêu. Cuối cùng chỉ còn tồn tại và sinh sôi những sinh vật có hành vi được hướng dẫn bởi một xu thế mạnh mẽ nhằm giải quyết những vấn đề này. Về ý tưởng có một sinh lực như vậy, nhà sinh học không thể đưa ra phản bác nào. Rõ ràng là loại xu thế này phải được lựa chọn quyết liệt, và do đó là một phần của các chương trình di truyền. Ngược lại, điều không còn có thể chấp nhận được là ý tưởng có một sinh lực tương tự nhằm hướng dẫn toàn bộ quá trình tiến hóa. Quá trình này cũng có thể được coi là kết quả của những giải pháp cho một loạt các vấn đề. Nhưng ở đây, mỗi tình huống đều được xử lý riêng rẽ. Mỗi vấn đề đều nhận được một giải pháp mò mẫm kiểu thử nghiệm và chỉnh sửa, mà không cần viện dẫn tới cái Bergson gọi là «động lực sống (l'élan vital[6].   

Như vậy, chính tính mục đích của thế giới sự sống, cái tính mục đích cổ hủ của Aristotelês mới bị Darwin làm cho biến mất[7]. Tính mục đích của sinh vật, trái lại, không những chỉ đạt được một sự công nhận chính thức, mà từ nay còn vận động như một khái niệm thao tác, một công cụ phân tích[8]. Sự biểu đạt chương trình di truyền hàm ý rằng cả hình thức, đặc tính, lẫn phần lớn hành vi của sinh vật đều được «lập trình», theo nghĩa một hoạt động của máy vi tính được lập trình.  Dù đối tượng nghiên cứu của ông ta là gì – sinh vật, tế bào hoặc phân tử –, nhà sinh học thực nghiệm buộc phải đặt lịch sử như một phối cảnh thiết yếu, và sự sàng lọc thông qua tuyển chọn [tự nhiên] như nguyên tắc giải thích. Chúng ta không thể tách rời một cấu trúc khỏi ý nghĩa của nó nữa, và không chỉ trong sinh vật, mà cả trong chuỗi những biến cố đã khiến cho sinh vật này trở thành nó như hiện nay. Liệu một cơ chế nhằm điều chỉnh sự sản xuất chất chuyển hóa (métabolite)[9] vào mức độ sử dụng nó có thể mang ý nghĩa gì, nếu không phải là một sự tiết kiệm về vật liệu và năng lượng? Hoặc liệu những thay đổi hình dạng mà huyết cầu tố (hemoglobin)[10] phải trải qua mang ý nghĩa gì, nếu không phải là nhằm thúc đẩy sự vận chuyển dưỡng khí và thán khí? Và điều này không những chỉ đúng cho việc nghiên cứu các cấu trúc, mà tất nhiên còn đúng cả cho việc nghiên cứu hành vi dưới nhiều khía cạnh. Chính là nhằm vào các mục đích chính xác mà con lươn di cư hàng năm tới vùng biển Sargasso;  con ve sầu ra rả suốt mùa hè, con bồ câu trống múa lượn trước con mái. Điều chỉnh một phản ứng sao cho hợp với môi trường, với bạn tình, với kẻ thù tiềm năng, đấy chính xác là sự thích nghi. Cùng với sự chọn lọc tự nhiên, một chương trình di truyền nhằm xác lập tính tự động của các hành vi thích nghi như vậy sẽ được ưu đãi so với những hành vi khác bị bỏ qua. Rồi một chương trình cho phép học tập và thích nghi với những tình huống bất ngờ cũng được ưu đãi tương tự, thông qua các hệ thống điều chỉnh khác biệt.

François Jacob,
Sự Tiến Hóa và Chủ Nghĩa Hiện Thực,
(Évolution et Réalisme
Lausanne, Payot, 1974, tr. 23-26).


[1] François Jacob (1920-2013): nhà sinh học và y sĩ Pháp, đoạt giải Nobel về sinh học và y khoa năm 1965 (chung với Jacques Monod và André Lwoff). Tác phẩm phổ biến khoa học: Les Bactéries lysogènes et la Notion de provirus (1954); Sexuality and the genetics of bacteria (với Élie Wollman, 1961); La Logique du vivant: une histoire de l’hérédité (1970); Évolution et réalisme (1974); L'évolution sans projet, trg: Le Darwinisme aujourd'hui (1979); Le Jeu des possibles: essai sur la diversité du vivant (1981); La Statue intérieure (1987); La Souris, la Mouche et l’Homme (1997). NVK

[2] Quy chiếu về câu nói đùa nổi tiếng của nhà sinh lý học người Đức Brücke (Ernst Wilhelm Ritter von Brücke, 1819-1892): «tính mục đích giống như một phụ nữ mà nhà sinh học cảm thấy không thể sống nổi nếu thiếu, nhưng lại xấu hổ khi bị trông thấy với cô nàng nơi công cộng». NVK

[3] Chủ yếu là những công trình của Galileo Galilei (1564-1642).

[4] George Gaylord Simpson (1902-1984): nhà cổ sinh vật học và chuyên gia về thuyết tiến hóa người Mỹ. Tác phẩm chính :  Quantitative Zoology (1939); Tempo and Mode in Evolution (1944); The Meaning of Evolution (1949, 1951); Evolution and Geography (1953); The Major Features of Evolution (1953); Life: An Introduction to Biology (1957); Quantitative Zoology (1960); Principles of Animal Taxonomy (1961); The Geography of Evolution (1965); Fossils and the History Of Life (1983). NVK

[5] Ernst Mayr (1904-2005): nhà sinh học người Mỹ gốc Đức.  Tác phẩm chính: Systematics and the Origin of Species (1942); Animal Species and Evolution (1963); Populations, Species and Evolution (1970); Evolution and the Diversity of Life (1976); The Growth of Biological Thought (1892) = Histoire de la biologie (1989); Toward a New Philosophy of Biology (1988); One Long Argument (1991); This is Biology (1997); What Evolution Is (2001); What makes biology unique? (2004) = Après Darwin: la biologie, une science pas comme les autres (2006). NVK 

[6] Theo triết gia Henri Bergson (1859-1941), quá trình tiến hóa được dẫn dắt theo một cái trục được định tính bằng một thứ sinh lực tinh thần xuyên suốt mà ông gọi là «động lực sống». Nhưng theo Stephen Jay Gould (1941-2002, nhà cổ sinh vật học theo thuyết tiến hóa người Mỹ), các sự kiện do Bergson dẫn ra để lập thuyết ở đây thực chất chỉ là loại hiện tượng hội tụ hay đồng quy. Hiện tượng hội tụ xảy ra mỗi khi hai nhánh khác nhau (và thường là cách xa nhau) trên dòng tiến hóa bỗng cùng sản xuất ra những cấu trúc hữu cơ giống nhau. NVK

[7] Xem trên cùng trang mục này, khi có thể tham khảo: François Jacob, Sens et portée de la révolution darwinienne en biologie. NVK

[8] Đây chính xác là cái chức năng mà Kant công nhận cho tính mục đích, khi ông nói về một «nguyên tắc điều hành của lý trí» (Critique de la raison pure, Appendice à la Dialectique transcendantale). FJ.

[9] Métabolite: chất hóa học tham dự vào những phản ứng chuyển hóa trong cơ  thể của một sinh vật. FJ.

[10] Hémoglobine: huyết cầu tố bảo đảm sự vận chuyển dưỡng khí giữa hệ thống hô hấp với những tế bào trong máu. FJ.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa