TÍNH MỤC ĐÍCH TRONG SINH HỌC (E. GOBLOT, 1922)
Đưa lên mạng ngày 25-11-2019
Từ khóa : Mục đích (Khái niệm) – Sinh học
C1

TÍNH MỤC ĐÍCH
TRONG SINH HỌC
(1922)

Tác giả: Edmond Goblot[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Edmond Goblot không tin ta có thể nghiên cứu Sinh học mà không cần tới ý tưởng mục đích. Nhưng ở đây, ý tưởng này đòi hỏi một quan niệm thực chứng, không đối kháng với quyết định luận hoặc quan hệ nhân quả, nói tóm tắt là một thứ quan hệ nhân quả có định hướng về những lợi thế nhất định – ở đó vế khởi đầu sẽ là nhu cầu, hoặc ít ra là sự thiết yếu của kết quả.  

*

Chối bỏ tính mục đích hữu cơ là nghịch lý táo bạo nhất. Tuy nhiên, nhiều nhà sinh lý học vẫn hoặc bác bỏ hẳn nó, hoặc tỏ ra ngần ngại khi phải viện dẫn những phán đoán mục đích. Nhưng như thế là vất bỏ ngay chính ý tưởng chức năng, vốn là đối tượng duy nhất của khoa học mà họ theo đuổi. (…) Họ hoàn toàn có lý khi xua đuổi khỏi khoa học mọi chủ nghĩa mục đích thần học. Vấn đề còn  lại phải xem xét là, liệu khái niệm mục đích có thể được diễn giải một cách tích cực hay không. Há nó chưa từng là một khái niệm thực chứng rồi sao? Như trong một số quan hệ mục đích có vẻ như không còn có thể nghi ngờ gì được nữa đối với chúng ta: cặp mắt và sự trông nhìn, đôi cánh và sự bay lượn, v.v…; và như vậy nghĩa là vẫn có những lý do bắt buộc ta phải khẳng định tính mục đích. (...) Nguyên nhân cuối cùng là một thuật từ tai hại[2]; nghĩ về một nguyên nhân xảy ra sau hệ quả của nó nhưng vẫn quyết định hệ quả này, một kết thúc nhưng lại là nguyên nhân thay vì hệ quả… là điều vô vọng. Nếu có ở đâu đó trong tự nhiên, một vế trung gian (moyen) hoặc chuỗi phương tiện trung gian (moyens) ít nhiều lâu dài và phức tạp, và nó dẫn tới một vế cuối cùng (terme final) vốn là kết quả, hiệu ứng nhưng không phải là nguyên nhân của cái xảy ra trước nó, thì điều này có nghĩa là còn có một vế trước vế trung gian nữa, một vế khởi đầu (terme initial), nguyên do của các phương tiện trung gian và, thông qua chúng, của vế cuối cùng. (...)  Vế khởi đầu này là một sự kiện – không cần phải tìm kiếm nó bên ngoài tự nhiên – và một sự kiện tuân theo quy luật lớn của mọi sự kiện là quyết định luận (déterminism)[3]. Giống như mọi sự kiện khác, nó bị quy định bởi loại tình huống nó xuất hiện; nhưng nó quyết định bằng những kết nối nhân quả cái vế trung gian (các phương tiện trung gian) và, thông qua đó, vế cuối cùng. Tính mục đích không xóa bỏ mà giả định, đòi hỏi, bổ túc quyết định luận. (...)

Có một tương quan giữa vế khởi đầu và vế cuối cùng, và tương quan này là một sự loại suy[4]. Trong trường hợp hoạt động chủ ý, vế khởi đầu bao trùm ý tưởng về vế cuối cùng; nhưng cũng có những loại quan hệ mục đích khác nữa. (...) Vế khởi đầu có thể chỉ đơn giản là nhu cầu của vế cuối cùng: nhu cầu thực phẩm quyết định các hành động phù hợp nhằm đảm bảo sự sở hữu chúng. (...) Có những trường hợp không phải là nhu cầu, mà đơn giản là tính thiết yếu của một sự kiện, và nó quyết định chuỗi sự kiện mà nó là kết quả: vế khởi đầu là sự thiết yếu của vế cuối cùng; và người ta có thể định nghĩa, nói chung, tính mục đích như sau: bất kỳ quá trình nào ở đó sự thiết yếu của một sự kiện là nguyên nhân đầu tiên khiến nó xuất hiện.

Edmond Goblot,
Hệ Thống Các Khoa Học
(Le Système des sciences,
Paris, Armand Colin, 1922,
tr. 107-110 và 124-126, passim).


[1] Edmond Goblot (1858-1935): triết gia, nhà lô-gic học và xã hội học. Tác phẩm: Essai sur la classification des sciences (1898); Le vocabulaire philosophique (1901); Justice et Liberté (1902); Traité de logique (1918); Le système des sciences (1922); La logique des jugements de valeurs (1913, 1922); La barrière et le niveau (1925, 1967, 1984, 2010).của

[2] Xem thêm trên trang mục Triết Lý Khoa Học các bài về nguyên nhân – đặc biệt là bài: John Herschell, Nguyên Nhân Là Sự Kiện Xảy Ra Trước Và Cho Phép Dự Báo Sự Kiện Tiềm Năng... – và các bài về nguyên nhân mục đích trên trang mục này.

[3] Quyết định luận (determinism, do de + terminus = end = kết thúc, trong tiếng  la-tinh). Trong khoa học: học thuyết theo đó mọi sự kiện trong vũ trụ đều hoàn toàn tuân theo định luật; trong triết học: học thuyết cho rằng mọi sự kiện trong thế giới vật lý, và từ đó, trong thế giới con người đều hoàn toàn tùy thuộc và bị điều kiện hóa bởi nguyên nhân của chúng. Trong tâm lý học: học thuyết theo đó ý chí con người không tự do mà bị quy định bởi những điều kiện vật lý hoặc tâm lý.

[4] Do từ Hy Lạp «analogia». Khởi đầu là một thuật từ toán học, analogia chỉ sự bình đẳng về tỷ lệ (số). Trong nghĩa hiện đại, analogy (tương tự) được hiểu như một hình thức lập luận yếu, trong đó analogy chỉ một khía cạnh theo đó một sự vật này giống với một sự vật khác, hay sự tương tự giữa hai hay nhiều sự vật theo quan hệ chung của chúng với một sự vật thứ ba: cuộc đời như dòng sông, vì cả hai cùng trôi; người đời, chai lọ, dòng sông... đều có miệng; cửa hàng, đường sá, sách vở... đều mở. Lập luận bằng analogy (loại suy) là thứ lập luận theo đó vì sự vật giống nhau ở một khía cạnh nào đó, có thể chúng cũng giống nhau ở các khía cạnh khác. Trong triết học, ứng dụng loại suy được biết nhiều nhất là lập luận từ tinh thần, cảm xúc của ta đến tinh thần, cảm xúc của người khác: chẳng hạn nếu bạn hành xử giống tôi, và khi tôi hành xử như vậy có nghĩa là tôi đang giận dữ, thì có thể là lúc đó bạn cũng đang giận dữ. Trong khoa học, các thao tác khoa học có thể được xem là những nỗ lực biến đổi một loại suy thành khái niệm.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa