TÍNH MỤC ĐÍCH TRONG SINH HỌC (C. BERNARD, 1865)
Đưa lên mạng ngày 25-5-2019
Từ khóa : Mục đích (Khái niệm) – Sinh học ;
Nguyên nhân mục đích ; Bernard, Claude – Trích đoạn

C1

TÍNH MỤC ĐÍCH
TRONG SINH HỌC
(1865)

Tác giả: Claude Bernard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Phải chấp nhận tính mục đích trong sinh học chăng, và phải quan niệm nó như thế nào? Theo Claude Bernard, tính mục đích không đối lập với  quyết định luận[1], nhưng trong sinh học, ta phải quan niệm một thứ thuyết quyết định phức tạp, cho một «tập hợp hiện tượng hài hòa».

*

Rất đúng là sự sống tuyệt đối không đưa tới một khác biệt nào về phương pháp thực nghiệm khoa học cần phải được áp dụng cho việc nghiên cứu những hiện tượng sinh lý, và về mặt này, khoa  sinh lý học và các khoa vật lý hóa học đều dựa trên chính xác cùng những nguyên lý điều tra như nhau. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng quyết định luận trong loại hiện tượng về sự sống không chỉ là một quyết định luận rất phức tạp, mà đồng thời còn là một quyết định luận được phân cấp hài hòa. Nghĩa là các hiện tượng sinh lý phức tạp được cấu thành bởi một loạt những hiện tượng đơn giản hơn, và chúng quy định lẫn nhau[2] bằng cách liên kết hoặc kết hợp vì một mục đích cuối cùng chung. (...)

Nhà sinh lý học và y học không bao giờ được phép quên rằng sinh vật là một sinh thể (organisme) và một cá thể. Vì không thể tự đặt mình ra ngoài vũ trụ, nhà vật lý và nhà hóa học nghiên cứu những  cơ thể (corps) và hiện tượng một cách biệt lập trong bản thân chúng mà không nhất thiết phải liên hệ chúng với toàn thể thiên nhiên. Nhà sinh lý học, trái lại bị đặt bên ngoài cơ thể động vật, ông ta nhìn thấy nó trong toàn bộ, phải tính đến sự hài hòa của cái toàn thể này, đồng thời phải tìm cách thâm nhập vào bên trong để hiểu cơ chế của từng bộ phận của nó. Kết quả từ khác biệt này  là nhà vật lý và nhà hóa học có thể đẩy lui mọi ý tưởng về nguyên nhân mục đích ở những sự kiện họ quan sát, trong khi nhà sinh lý học có khuynh hướng thừa nhận một tính mục đích hài hòa và được thiết lập trước trong cơ thể được tổ chức, nơi mà mọi hành động bán phần đều liên đới và cái này sản sinh ra cái kia

Claude Bernard.
Dẫn Vào Nghiên Cứu Y Học Thực Nghiệm,
(Introduction à l'étude de la médecine expérimentale,
phần 2, ch. 11, § 1,
Paris, J.-B. Baillière, 1865,
tr. 151 và 153-154).


[1] Học thuyết theo đó mỗi hiện tượng trong vũ trụ đều tuân theo quy luật. Học thuyết cho rằng mọi sự kiện trong thế giới vật lý, và trong cả lịch sử con người, đều tuyệt đối tùy thuộc vào, và bị quy định bởi, những nguyên nhân của chúng.

[2] Cf. Kant. Theo Kant, một sản phẩm có tổ chức của tự nhiên là thứ sản phẩm «ở đó tất cả đều là phương tiện và mục đích cái này của cái kia». Như vậy, mỗi bộ phận chỉ tồn tại nhờ tất cả những bộ phận khác, và do đó cũng có thể được quan niệm là «tồn tại vì những bộ phận khác, và vì cái toàn thể». Một sản phẩm tương tự, trong tư cách là hữu thể được tổ chức và tự tổ chức, có thể  «được gọi là một mục đích của tự nhiên» (I. Kant, Critique du Jugement, phần 2.1, § 65 và 66).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa