Đưa lên mạng ngày 15-05-2020 Từ khóa: Khách quan (Khái niệm) |
C1 |
GIÁ TRỊ CỦA TÍNH KHÁCH QUAN
(1948)
Tác giả: Robert Blanché[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Sự phê phán lý tưởng khách quan càng chính đáng bao nhiêu khi được áp dụng vào việc tố cáo những chướng ngại đã cản trở sự hoàn thành mục đích này, thì nó càng trở nên bất công và hơn nữa nguy hiểm, khi từ sự phê phán thích đáng nó biến dạng thành thói dè bĩu. Cơ hội là quá tốt để tuyên bố sự phá sản của tri thức khách quan, và đề xuất sự đảo ngược hoàn toàn các giá trị. Bởi vì nỗ lực của khoa học nhằm loại bỏ mọi yếu tố nhân hình ra khỏi tri thức đều không thể được đẩy đến kết thúc, người ta bỏ rơi, đúng hơn là vất bỏ, cái lý tưởng mà sự theo đuổi đã đánh dấu sự tiến bộ của loài người suy nghĩ từ buổi đầu của kỷ nguyên khoa học, và mời gọi chúng ta quay ngược đường, đi lui càng xa càng tốt về phía sau, đến thời trước Kant, trước Descares, thậm chí trước Sokratês. Sự thừa nhận giới hạn của tính khách quan hoàn toàn không liên quan gì đến trò thích thú xấu xa này của một số người luôn luôn chào đón những thất bại của lý trí, và sẵn sàng kéo chúng ta về một trạng thái chủ quan – cá nhân hoặc tập thể – không phải là gánh chịu nữa mà là mong muốn và đắt giá. Thái độ phi lý chủ nghĩa này đôi khi xuất phát từ những ý đồ trong sáng, và là động thái của những tâm hồn hào phóng nhưng đầy thất vọng: điều khiến họ không thể dung thứ cho tri thức khách quan, đấy không phải là vì nó đoàn kết người đời, mà ngược lại, chính là vì nó chỉ thiết lập được giữa họ với nhau một thỏa thuận hời hợt, không bao hàm sự nhất trí về mặt tinh thần, thậm chí còn loại trừ sự nhất trí này bằng cả cái cỗ máy chứng cớ và ràng buộc mà nó phải luôn luôn cầu viện tới để áp đặt sự tán đồng. Và điều quá đúng là sự thỏa thuận của trí tuệ không nhất thiết phải lôi cuốn được sự hiệp thông của con tim và ý chí, và một nền văn minh chỉ dựa trên nền tảng khoa học là mong manh bởi vì nó dung túng những người anh em thù địch. Nhưng đây chính là cơ hội để suy ngẫm về cảnh báo nghiêm khắc của Brunschvicg[2]: phẩm hạnh của linh hồn không miễn trừ phẩm chất của ý tưởng. Sau khi ta đã chối bỏ vị thẩm phán tối cao, thì ngay những ý đồ tốt đẹp nhất trên đời cũng không thể ngăn chặn được lựa chọn duy nhất còn lại giữa hai hình thức suy đồi: một thái độ bao dung bi quan tự nó đã mang trong lòng cái mầm mống hủy diệt chính nó, và một thái độ đế quốc chủ nghĩa hung hãn và bướng bỉnh lấy sự mù quáng của mình làm phẩm hạnh. Sự thiết lập tiệm tiến một mục đích thực sự, trong tương quan với một hiểu biết trí tuệ, cũng chỉ đưa chúng ta tiến thêm vài bước trên con đường nhất trí tinh thần. Thỏa thuận về cái tồn tại không thay thế thỏa thuận về cái phải tồn tại, và khi làm nổi bật sự tương phản, chắc chắn nó còn làm cho ta cảm thấy sự thiếu hụt của nó một cách đau đớn hơn nữa. Nhưng ít ra nó mang lại sự đảm bảo rằng con người không hề bị khóa chặt, vô phương cứu chữa, trong tính chủ quan cá nhân hay tính liên chủ quan của nhóm xã hội hoặc chủng loại sinh học. Nó thiết lập một xã hội của những trí tuệ không chỉ được hợp nhất nhờ sự tham gia vào cùng một chân lý, nhưng điều quan trọng hơn nữa, điều khiến cho chủ nghĩa cục bộ nào cũng cảm thấy mối đe dọa, là một sự gắn bó chung với bản thân giá trị chân lý. Và qua nỗ lực vô vị lợi mà nó đòi hỏi, bằng sự đồng tình quên mình từ thâm sâu của cái tôi trước một giá trị phổ quát, nó đã giả định một sự cải đạo, ít nữa là tạm thời và dù chỉ phần nào, từ thế giới con người sang cõi tinh thần rồi.
Robert Blanché,
Vật Lý Học Và Hiện Thực
(La Science physique et la réalité,
Paris, PUF, 1948, tr. 212-213).
[1] Robert Blanché (1898-1975): triết gia Pháp, giáo sư về lô-gic học, lịch sử khoa học và triết lý khoa học. Tác phẩm: La Notion de fait psychique (1934), Le Rationalisme de Whewell (1935), Whewell: de la construction de la science (1938), La Science physique et la réalité (1948), Les Attitudes idéalistes (1949), L’Axiomatique (1955), Introduction à la logique contemporaine (1957), Les structures intellectuelles (1966), Raison et discours, défense de la logique réflexive (1967), La science actuelle et le rationalisme (1967), La Méthode expérimentale et la philosophie de la physique (chủ biên, 1969); La logique et son histoire d’Aristote à Russell (1970), L’Épistémologie (1972), Le Raisonnement (1973), L’Induction scientifique et les lois naturelles (1975).
[2] Léon Brunschvicg (1869-1944): triết gia và triết gia khoa học Pháp. Tác phẩm : Les Étapes de la philosophie mathématique (1912), Les Âges de l’intelligence (1927), Le Progrès de la conscience dans la philosophie occidentale (1927), La Raison et la religion (1939), La Modalité du jugement (1900), L’Expérience humaine et la causalité physique (1922).