TINH HOA XÃ HỘI (SAINT-SIMON, 1819)
Cập nhật ngày 15-4-2019
Từ khóa: Tinh hoa xã hội (Khái niệm)
C1

TINH HOA XÃ HỘI
[DỤ NGÔN CỦA SAINT-SIMON[1]]
(1819)

Tác giả: Saint-Simon*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Thử giả định rằng nước Pháp đột nhiên mất đi năm mươi nhà vật lý học, năm mươi nhà hóa học, năm mươi nhà sinh lý học, năm mươi nhà toán học, năm mươi nhà điêu khắc, năm mươi nhà văn, năm mươi thi sĩ, năm mươi họa sĩ, năm mươi nhạc sĩ… hàng đầu của mình;

Rồi năm mươi thợ máy, năm mươi kỹ sư dân sự và quân sự, năm mươi pháo thủ, năm mươi kiến ​​trúc sư, năm mươi y sĩ, năm mươi nhà phẫu thuật, năm mươi dược sĩ, năm mươi thủy thủ, năm mươi thợ đồng hồ…  hàng đầu của mình;

Thêm năm mươi chuyên gia ngân hàng, hai trăm thương nhân, sáu trăm nhà nông, năm mươi thợ rèn, năm mươi thợ chế vũ khí, năm mươi thợ thuộc da, năm mươi thợ nhuộm, năm mươi thợ mỏ, năm mươi thợ may, năm mươi thợ bật bông, năm mươi thợ dệt lụa, năm mươi thợ dệt vải, năm mươi thợ ngũ kim, năm mươi thợ làm đồ sành và đồ sứ, năm mươi thợ làm pha lê và thủy tinh, năm mươi thợ đóng tàu, năm mươi thợ lắp nhà có bánh xe, năm mươi thợ in, năm mươi thợ khắc, năm mươi thợ kim hoàn và các thợ làm kim khí khác…

Rồi lại mất thêm năm mươi thợ nề, năm mươi thợ xây nhà, năm mươi thợ mộc, năm mươi thợ bịt móng ngựa, năm mươi thợ khoá, năm mươi thợ làm dao kéo, năm mươi thợ đúc… hàng đầu, và một trăm người khác nữa từ nhiều ngành nghề không xác định, nhưng tất cả đều là những kẻ có khả năng nhất trong các lĩnh vực khoa học, mỹ thuật, kỹ thuật và nghề nghiệp, tổng cộng tất cả khoảng ba nghìn nhà bác học, nghệ sĩ và thợ thủ công… đứng hàng đầu của nước Pháp.

Do những người này chủ yếu là các nhà sản xuất cơ bản nhất, những người chế tác ra các loại sản phẩm quan trọng nhất, những kẻ điều hành công việc hữu hiệu nhất của nước Pháp, và khiến cho quốc gia này trở thành mầu mỡ trong các lĩnh vực khoa học, mỹ thuật, kỹ thuật và nghề nghiệp, họ thực sự là những bông hoa của xã hội Pháp. Trong số người Pháp, họ là những kẻ có ích nhất, mang lại nhiều vinh quang nhất, đẩy nền văn minh cũng như sự thịnh vượng tiến nhanh nhất trên đất nước của mình: quốc gia sẽ trở thành một cái xác vô hồn ngay vào lúc mất họ, sẽ rơi tức khắc vào tình trạng thua kém so với các quốc gia đang cạnh tranh, và sẽ còn phải tiếp tục ngồi chiếu dưới khi nào mất mát này chưa được lấp đầy, khi nào một cái đầu khác chưa mọc ra.   

Để hồi phục từ nỗi bất hạnh này, nước Pháp phải mất ít ra cả một thế hệ, bởi vì loại người xuất sắc trong các công việc hữu ích tích cực đều là những kẻ thực sự bất thường, mà thiên nhiên thì luôn luôn dè sẻn những trường hợp bất thường, đặc biệt thuộc loại này.

Bây giờ, hãy làm một giả định khác. Giả sử rằng nước Pháp giữ được tất cả các thiên tài mà nó có trong các ngành khoa học, mỹ thuật, kỹ thuật và nghề nghiệp, nhưng lại không may để mất cùng ngày, Hoàng thân anh của nhà vua cùng phu nhân, Công tước Angoulême cùng phu nhân, Công tước Berry cùng phu nhân, Công tước Orléans cùng phu nhân, Công tước Bourbon cùng phu nhân, và Quận Chúa Condé ;

Đồng thời, nước Pháp cũng mất luôn tất cả các quan chức cao cấp của Triều Đình, mọi Bộ Trưởng và Thứ Trưởng có hay không có nhiệm sở,  tất cả các Ủy viên Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Tư vấn, mọi Thống chế, Hồng y, Tổng giám mục, Trưởng giáo khu, Giám mục và Phụ tá Giám mục, Tỉnh trưởng và Quận trưởng,… tất cả các thẩm phán cũng như nhân viên các bộ, rồi thêm vào đấy, cả mười nghìn nhà tư sản giàu có nhất, sống cao sang nhất nữa…

Tai nạn trên chắc chắn sẽ khiến cho người Pháp đau buồn, bởi vì họ là những con người tốt, bởi vì họ không thể dửng dưng nhìn sự biến mất đột ngột của một số đông đồng bào của mình như vậy. Thế nhưng sự mất mát ba mươi nghìn cá nhân coi là quan trọng nhất của nhà nước này chỉ khiến họ đau buồn dưới khía cạnh tình cảm thuần túy, bởi vì sẽ không một tai họa chính trị nào xảy ra cho quốc gia cả.

[...] Sự thịnh vượng của nước Pháp chỉ có thể xuất phát từ tác động và kết quả của những tiến bộ về khoa học, mỹ thuật, kỹ thuật và nghề nghiệp, trong khi các ông hoàng bà chúa, quan lại cao cấp của Triều Đình, các giám mục, thống chế, tỉnh trưởng và tư sản nhàn rỗi,… chẳng hề làm việc trực tiếp cho những tiến bộ trong các lĩnh vực ấy; không những chẳng đóng góp gì, họ còn chỉ có thể gây hại, bằng nỗ lực kéo dài cho đến nay ưu thế của loại lý thuyết phỏng đoán trên những tri thức thực chứng; họ nhất thiết phải gây hại cho sự thịnh vượng của quốc gia mà thôi, như họ đã làm trên thực tế, bằng cách tước mất sự trân trọng hàng đầu mà các nhà bác học, nghệ sĩ, và thủ công lẽ ra phải được hưởng một cách chính đáng; họ gây hại bởi vì họ sử dụng các phương tiện tài chính của mình một cách không ích lợi trực tiếp gì cho những lĩnh vực vừa kể ở trên; họ gây hại, bởi vì họ trích mỗi năm từ ba đến bốn trăm triệu quan trên tổng số tiền thuế quốc dân, nhằm trả lương, hưu bổng, tặng thưởng, phụ cấp cho những công việc do chính họ thực hiện, và hoàn toàn vô ích cho những tiến bộ trong khoa học, mỹ thuật, kỹ thuật và nghề nghiệp.

Claude Henri de Rouvroy,
Bá Tước Saint-Simon,
Dụ Ngôn Của Saint-Simon
(La Parabole de Saint-Simon,
Trg: Oeuvres de Saint-Simon,
Paris, Capelle, 1841, tr. 71-78).


[1] Claude Henri de Rouvroy, Bá tước de Saint-Simon (gọi tắt là Henri de Saint Simon): nhà tư tưởng Pháp, người đã có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của nhiều trường phái triết học ở thế kỷ 19, đáng chú nhất là chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa thực chứng và các khoa học xã hội. Tác phẩm: Mémoire sur la Science de l'Homme (1813); De la réorganisation de la société européenne (1814); L’Industrie (1816-1817); Le Politique (1819); L’Organisateur (1819-1820); Du système industriel (1822); Catéchisme des industriels (1823-1824); Nouveau christianisme (1825).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa