THẾ NÀO LÀ MỘT QUỐC GIA (M. BARRÈS, 1902)
Cập nhật ngày 5-8-2019
Từ khóa: Quốc gia (Khái niệm) ; Barrès, Maurice – Trích đoạn
C1

THẾ NÀO LÀ MỘT QUỐC GIA?
ĐẤT NƯỚC VÀ TỔ TIÊN
(1902)

Tác giả: Maurice Barrès[1]*
Người dịch: Phạm Trọng Luật

*

Trích đoạn này có liên quan tới vụ án Alfred Dreyfus (1894-1906)[2] ở Pháp, vì tác phẩm từ đấy nó được rút ra đã được Maurice Barrès viết nhằm đả kích những người trước đó đứng dậy đòi công lý cho viên sĩ quan bị kết tội «bán nước» oan, chỉ vì có gốc gác là dân Do Thái. Tuy nhiên, không phải nó chỉ đơn giản có mỗi nội dung ấy.

Song song với ý đồ bút chiến, trích đoạn cũng nhằm nhắc lại một quan điểm chính trị truyền thống vượt quá biến cố trên, và định nghĩa quốc gia hướng về nguồn gốc và quá khứ, như một định mệnh được cấu thành từ đất đai, sông núi và những người đã khuất. Dù sao, nó có vẻ hoàn toàn trái ngược với định nghĩa hướng về hiện tại và tương lai, mang kích thước phổ quát và lý tưởng của cuộc cách mạng 1789 ở Ernest Renan, xem quốc gia là một ý chí, giao ước hay dự phóng được mọi người (đại đa số) chấp nhận chẳng hạn  (diễn từ năm 1882, xem bản dịch trên cùng trang mục này).

Quốc gia là gì? Một định mệnh chung chăng? Hay một ý chí và giao ước tập thể? Thật ra, đây chỉ là hai khía cạnh không thể tách rời của một thực thể chính trị. Bất kỳ một tập hợp người nào, ở một thời điểm lịch sử nào đấy, cũng đều có thể dựa vào các tiêu chuẩn trên, và tự hỏi: «Chúng ta có phải, hoặc, chúng ta có còn là một quốc gia hay không»?   

*

Các bậc thầy đã ra đi trước chúng ta mà tôi từng thương yêu ngần ấy – không chỉ có những Hugo, Michelet, mà cả ở thế hệ chuyển tiếp, nào Taine, nào Renan… – tất cả đều tin vào một lý lẽ độc lập, tồn tại trong mỗi chúng ta, và cho phép ta tiếp cận chân lý. Đấy là điều tâm niệm mà bản thân tôi đã tự trói mình vào, với tất cả nhiệt tình. Còn cá nhân, với cái trí tuệ và cái năng khiếu nắm bắt quy luật vận hành của vũ trụ ở hắn ư? Dẹp cái giống ấy đi![3] Chúng ta không hề làm chủ những tư tưởng nảy sinh trong ta. Bởi chúng không đến từ trí thông minh của ta; chúng là những cách thức ứng đối, nơi các tâm thế sinh lý cổ xưa được biểu hiện lại. Tùy theo môi trường mà ta chìm đắm vào, chúng ta lần hồi xây dựng nên những phán đoán và lập luận. Trí tuệ của con người bị xiềng xích, nên chi chúng ta – tất cả chúng ta – đều phải bước theo vết chân của những người đi trước. Không có ý tưởng cá nhân nào hết; ngay cả các ý tưởng hiếm hoi nhất, các phán đoán trừu tượng nhất, các ngụy lý siêu hình tự cao tự đại nhất, cũng đều là những cách cảm nhận chung được tìm thấy nơi mọi sinh vật chia sẻ cùng một cơ cấu, và được bao quanh bởi những hình ảnh giống nhau.

Trong hồi quốc nhục[4] quá mức này, một ý tưởng êm dịu tuyệt vời làm nguôi lòng ta, mời gọi chúng ta chấp nhận mọi xích xiềng  ràng buộc như thân phận nô lệ, thậm chí cái chết, tóm lại là cái hoàn cảnh, xin vui lòng hiểu – nghĩa là không chỉ nói trên đầu môi chót lưỡi mà phải thể hiện bằng cách nào cảm nhận được – rằng chúng ta đúng là sự tiếp nối của ông cha ta. Hệt như một kết quả phẫu thuật. Họ nghĩ và nói bên trong chúng ta. Toàn bộ chuỗi bao nhiêu thế hệ con cháu cũng chỉ làm nên một quốc gia mà thôi. Hẳn rồi, dưới tác động của cuộc sống xung quanh, một sự phức tạp lớn hơn có thể sẽ xuất hiện, nhưng sẽ không đời nào làm nó biến tính. Nó giống như một trật tự kiến ​​trúc được hoàn thiện, nhưng luôn luôn là cùng một trật tự. Nó giống như một ngôi nhà được xây thêm nhiều phòng, chái: nhưng nó không chỉ nằm trên cùng một nền móng, mà còn được làm ra từ cùng một thứ đất đá: nó luôn luôn là cùng một ngôi nhà. Bất cứ ai thấm nhuần những sự thật chắc chắn này cũng sẽ từ bỏ cái vọng tưởng suy nghĩ xa hơn, cảm nhận sâu hơn, ham muốn đúng hơn… ông bà cha mẹ mình, và sẽ tự nhủ: «Tôi chính là họ đấy». Rồi từ ý thức này, liệu anh ta sẽ rút ra được những hệ quả nào, sẵn sàng chấp nhận những gì? Quí vị có thể đoán thấy đấy. Một đỉnh cao đến chóng mặt, từ đấy một cá nhân có thể tự làm cho xương tan thịt nát, để tự tìm lại trong gia đình, chủng tộc, quốc gia của mình.

Maurice Barrès,
«Đất Nước Và Người Đã Khuất»,
Hiện Trường Và Học Thuyết
Về Chủ Nghĩa Quốc Gia,
(«La Terre et les Morts»,
Scènes et doctrines du nationalisme,
Paris, Plon, 1902)


[1] Nhà văn, nhà báo, nhà chính trị và lý thuyết gia của chủ nghĩa quốc gia Pháp. Tác phẩm chính, về văn học: Le Culte du moi (3 q., 1888-1891), L’ennemi des lois (1893), Le Roman de l’énergie nationale (3 q., 1897-1902), Les Bastions de l’Est (3 q., 1905-1921), La Colline inspirée (1913), Un Jardin sur l’Oronte (1922); về chính trị: Scènes et doctrines du nationalisme (1902), La Grande pitié des Eglises de France (1914), L'Âme française et la Guerre (1915-1920), Les Diverses familles spirituelles de la France (1917)...

[2] Xem trên trang mục này: Phạm Trọng Luật, Học Thức Và Trí Thức.

[3] Quy chiếu trực tiếp về nhóm người đòi xử lại vụ án Dreyfus, đương thời bị kết tội là đề cao «chủ nghĩa cá nhân», và bị gọi là «đảng trí thức».      

[4] Quy chiếu kép về, vừa cuộc chiến bại năm 1871, vừa vụ án Dreyfus.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa