Đưa lên mạng ngày 21-5-2019 Từ khóa : Tâm lý học – Đối tượng và Mục đích – tk 19 |
C1 |
SỰ HÌNH THÀNH CỦA
KHOA TÂM LÝ HỌC
TRONG THẾ KỶ XIX
(1870)
Tác giả: Théodule-Armand Ribot[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Chúng ta được dạy rằng tâm lý học là khoa học về phần hồn[2] của con người. Đây là một ý tưởng rất hẹp và không đầy đủ. Sinh học đã bao giờ tự định nghĩa mình là khoa học về sự sống của con người, và sinh lý học đã bao giờ (trừ phi ở thời ấu trĩ) tự cho rằng nó chỉ có con người là đối tượng chưa? Trái lại, có phải chúng luôn luôn coi là thuộc về lĩnh vực nghiên cứu riêng của mình tất cả những gì có tổ chức và thể hiện sự sống, thảo trùng cũng như con người chăng? Trừ phi chấp nhận ý kiến của Descartes về những cỗ máy thú vật[3], một ý kiến chẳng còn ai tin nghe nữa theo như tôi biết, thì ta phải công nhận rằng mọi động vật đều có cảm giác, tình cảm, ham muốn, khoái lạc, đau đớn, và có cả cá tính của chúng, giống như tất cả chúng ta. Ở đây, có một tập hợp những sự kiện tâm lý mà ta không có quyền cắt bỏ khỏi khoa học. Thế nhưng những sự kiện này, ai đã nghiên cứu chúng? Các nhà tự nhiên học, chứ không hề có nhà tâm lý học nào. Nếu nhìn xa hơn, chúng ta còn có thể chỉ ra: 1) rằng môn tâm lý học thường thức, khi tự giới hạn nó vào con người, thậm chí còn không bao gồm toàn bộ con người; 2) rằng nó không hề quan tâm đến các chủng tộc thấp kém (da đen, da vàng); 3) rằng nó đã tự thấy mãn nguyện với khẳng định rằng các năng lực của con người đều giống hệt nhau về bản chất và chỉ khác nhau về mức độ – như thể những khác biệt về mức độ không thể thường sâu rộng đến mức tương đương với một khác biệt về bản chất; 4) rằng ở con người, nó chỉ quan tâm tới những khả năng đã hoàn toàn định hình, chứ hiếm khi để mắt tới các phương thức phát triển của chúng. Như vậy, thay vì là khoa học của mọi hiện tượng tâm lý, rốt cuộc, tâm lý học chỉ đơn thuần là môn học có đối tượng là người da trắng, trưởng thành, và văn minh.
Théodule-Armand Ribot,
Tâm Lý Học Anh Quốc Hiện Nay
La Psychologie anglaise contemporaine (1870),
Introduction, tr. 25-26.
[1] Théodule-Armand Ribot (1839-1916), triết gia Pháp, giáo sư tại Collège de France, người đã tạo lập và làm giám đốc Tập San Triết Học (1876, La Revue philosophique). Ông thường được coi là một trong các người cha đẻ của Tâm lý học thực nghiệm. Tác phẩm tiêu biểu: La Psychologie anglaise contemporaine (1870); L'Hérédité (1873); La Psychologie allemande contemporaine (1879); Les Maladies de la personnalité (1885); La Psychologie du raisonnement (1886); L’Étude expérimentale de l’intelligence (1903); Essai sur les Problèmes de psychologie affective (1910); Les Idées modernes sur les enfants (1911)…
[2] Theo nguyên nghĩa của từ, vì psychology(ie) được hợp thành từ psyché và logos. Ở đây, thay vì tâm hồn (thường gặp trong ngữ cảnh luân lý đạo đức) hay linh hồn (trong ngữ cảnh siêu hình, tôn giáo), chúng tôi dịch psyché là phần hồn, thích hợp hơn với tính chất khoa học của bài viết.
[3] Xem trên trang mục này: René Descartes, Cỗ Máy Động Vật… khi có thể tham khảo.