TÂM LÝ HỌC, THẾ KỶ 19 (L. F. LELUT, 1836)
Đưa lên mạng ngày 21-5-2019
Từ khóa : Tâm lý học – Đối tượng và Mục đích – tk 19
C1

SỰ HÌNH THÀNH CỦA
KHOA TÂM LÝ HỌC
TRONG THẾ KỶ XIX
 (1836)

Tác giả: Louis Francisque Lélut[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Tôi đã nói những giới hạn ở hai cực của lĩnh vực tâm lý học này là gì: dưới cùng là cái cảm thức tồn tại tối tăm nhất, và trên cùng là các sự kiện ý thức phức tạp nhất. Ở dưới nó chỉ có cây cỏ, phần mà sự quan sát được giao phó cho khoa vật lý thực vật; ở trên là tinh linh, thần linh, và cuối cùng là tinh thần, cái không do ai tạo ra và là đối tượng khảo sát trước đây của môn thần học tự nhiên. Nhưng lĩnh vực này, dù giới hạn như thế, vẫn còn là khá rộng. Thậm chí còn quá rộng trong mắt các nhà tâm lý học thuần túy, đến nỗi họ thu hẹp nó tới năm phần sáu, và giới hạn nó vào việc nghiên cứu loại người da trắng, trưởng thành, khỏe mạnh, linh hoạt, mập mạp vừa phải, điềm tĩnh, sáng suốt thậm chí hơi triết gia một chút. Tôi tin rằng chúng ta đã có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng thứ khung nghiên cứu này đã cung cấp tất cả những gì nó có khả năng, và không còn năng lực dẫn đến một kết quả nào khác. Còn về phạm vi quan sát thực tế của tâm lý học, nếu mở rộng tới mức khả thi trong mắt tôi, nó sẽ gồm có: 1) tâm lý học so sánh các loài động vật; 2) tâm lý học so sánh các chủng tộc người; 3) tâm lý so sánh các thời đại của loài người; 4) những  nghiên cứu về nhu cầu, ham muốn, bản năng, tình cảm, đam mê, thói tật, đức tính, năng khiếu tự nhiên, tài năng, thiên tài; (5) những nghiên cứu về các trạng thái thức, ngủ, và về các hình thức mộng du khác nhau; 6) tâm lý học so sánh các căn bệnh, và đặc biệt là bệnh tâm thần, nói ngắn gọn là tâm lý học bệnh lý.

Louis Francisque Lélut,
Tiểu Luận Về Ý Nghĩa Và Giá Trị
Của Các Hệ Thống Tâm Lý Học Nói Chung
Và Của Gall Nói Riêng
(Essai sur la signification et la valeur
des systèmes de psychologie en général
et de celui de Gall en particulier,
1836, tr. 116-118).


[1] Louis Francisque Lélut (1804-1877), y sĩ và triết gia Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Qu’est-ce que la phrénologie? (1836); Le démon de Socrate (1836, 1856); Rejet de l’organologie phrénologique de Gall et de ses successeurs (1843); L’amulette de Pascal (1846); Physiologie de la pensée (1862).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa