Đưa lên mạng ngày 15-04-2021 Từ khóa: Tâm lý học hành xử ; Hành xử (Khái niệm) |
C1 |
TÂM LÝ HỌC HÀNH XỬ[1]
(1926)
Tác giả: Pierre Janet[2]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Mặc dù ủng hộ chủ thuyết hành vi, Pierre Janet không tin rằng chúng ta có thể loại ý thức ra khỏi phạm vi tâm lý học, và đề xuất một quan điểm mang tên là tâm lý học hành xử (psychologie des con như một hình thức mở rộng và cao cấp của tâm lý học hành vi mà theo ông là bắt buộc trong nghiên cứu bệnh học.
*
Nghiên cứu cơn mê sảng ở một bệnh nhân bắt buộc chúng tôi không những phải thu nhận một phương pháp, mà hầu như cả một thứ tâm lý học đặc biệt. [...] Khoa tâm lý học này phải khách quan và chỉ có khả năng nghiên cứu hành động, thái độ, ngôn ngữ của bệnh nhân. Thật là không thận trọng, thậm chí đôi khi thật vô lý khi chúng ta cố gắng thể hiện những suy nghĩ mật thiết của người bệnh, bằng cách tự đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và tưởng tượng ra những gì ta sẽ phải cảm thấy trong cùng một số hoàn cảnh. [...] Thoát thai từ chủ thuyết Descartes, thứ tâm lý học Descartes này xem tư tưởng của ta như hiện tượng nguyên sơ mà hành động là hệ quả hoặc biểu hiện thứ yếu. Nói cho cùng, đây là một quan điểm chỉ có thể được thực hiện đối với những người bình thường, những con người mà chúng ta thừa nhận ít nhiều giống với bản thân mình; nó hoàn toàn là bất khả thi đối với kẻ không bình thường. Chúng ta buộc phải quan niệm một thứ tâm lý học khác, ở đó hành động nhìn thấy từ bên ngoài là hiện tượng cơ bản, trong khi tư tưởng bên trong chỉ là sự tái tạo, sự kết hợp những hành động bên ngoài này dưới những hình thức suy giảm và đặc thù.
Chính là cùng một vấn đề này đã ngăn chặn quá lâu bước tiến của khoa tâm lý động vật học, khi chúng ta không ngừng tranh luận xem nên chấp nhận hoặc phản bác ý tưởng ý thức nơi động vật. Những nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ trở nên khả thi và phong phú khi ta từ bỏ việc xem cái ý thức bên trong giả định của động vật như điều kiện cơ bản, và kiên quyết đưa loại nghiên cứu về chuyển động, hành động bên ngoài trong nhiều hoàn cảnh khác nhau lên hàng đầu: đấy là quan điểm mà chúng ta gọi là tâm lý học hành vi (behaviorism). Thuật từ «hành vi» ở đây chỉ toàn bộ những hành động thuộc trình tự sơ đẳng mà chúng ta có thể đặt bên cạnh những phản xạ, và một khoa tâm lý học về những phản ứng tương tự dường như là đủ cho động vật, vì ở đây không có chỗ cho một tư duy phức tạp. Nhưng liệu ta có thể áp dụng cho con người một thứ tâm lý học như vậy chăng? Bản thân tôi đã nỗ lực thực hiện điều này trong các giáo trình suốt ba mươi năm nay.
Khoa tâm lý học [hành xử] này có thể được áp dụng cho con người với hai điều kiện. Trước hết, trong thứ tâm lý hành động này, phải có chỗ cho ý thức, bởi cùng lắm chúng ta có thể gạt bỏ nó ở loại động vật thấp kém, nhưng không thể bỏ qua nó nơi con người hoặc thậm chí ở loại động vật cao cấp. Nhưng ở đây ta phải nói về hiện tượng ý thức như một hành động đặc thù, như một sự phức tạp hóa hành động được thêm vào các hành động sơ đẳng. Điều này có thể đạt được bằng cách nghiên cứu những ứng xử xã hội cơ bản, và đặc biệt là những tình cảm vốn là những điều chỉnh hành động, những phản ứng của cá nhân đối với các hành động của chính mình.
Một điều kiện thứ hai là trong khi mô tả những ứng xử, chúng ta phải quan tâm đến những ứng xử cao cấp – tin tưởng, suy tư, lý luận, kinh nghiệm. Những sự kiện này thường được thể hiện dưới dạng tư tưởng, và để giữ cùng một ngôn ngữ trong mọi ngành khoa học tâm lý, chúng phải được diễn đạt dưới dạng hành động. Khiếm khuyết lớn của nhiều ngành tâm lý học đương đại là sự thiếu vắng hoàn toàn tính thống nhất trong ngôn ngữ khoa học. Trong cùng một chương, về cùng một sự kiện, chúng sử dụng ngôn ngữ giải phẫu, ngôn ngữ sinh lý và ngôn ngữ triết học trong tư tưởng của Descartes. Diễn tả một cách lộn xộn như vậy là biến khoa tâm lý thành mớ bòng bong không thể hiểu được. Trong tâm lý học, chúng ta phải từ bỏ các tham vọng về giải phẫu và sinh lý học, và khiêm tốn tự giới hạn mình vào vai trò nhà tâm lý học, bằng cách luôn luôn nói thứ ngôn ngữ của ứng xử và hành động. Điều này là hoàn toàn khả thi ngay cả đối với loại ứng xử cao cấp nhất, chỉ cần lưu ý tới một ứng xử thiết yếu, đặc trưng của con người là ứng xử ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một hành động cụ thể, đặc thù của con người, lúc đầu còn là một hành động thực sự hướng ngoại, nghĩa là hành động quyết định phản ứng ở người khác của một chủ thể. Nhưng ngôn ngữ có thể rất dễ dàng trở thành một hành động nội tại, nghĩa là một hành động quyết định phản ứng trong chính bản thân của một chủ thể. Tôi đã tìm hiểu những ứng xử rất đa dạng trong đó có sự can thiệp của ngôn ngữ như trung gian giữa ứng xử bên ngoài với tư tưởng; chúng cho phép tôi tiếp cận một cách khách quan và diễn đạt những hiện tượng tâm lý cao cấp nhất, đặc trưng nhất của con người trong ngôn từ hành động. Chúng ta có thể đặt khoa tâm lý học này dưới tên gọi là tâm lý học hành xử1 để chỉ ra rằng nó là một hình thức mở rộng và cao cấp của tâm lý học hành vi.
Pierre Janet,
De l'Angoisse à l'Extase,
Paris, PUF, 1926,
q. 1, tr. 202-205.
[1] Psychologie de la conduite. Trong tiếng Pháp, ngoài ý nghĩa là hạnh kiểm, conduite còn có nghĩa là «hành động tự điều khiển mình, cách thức hành động (action de se diriger soi-même, facon d’agir)». Do đó, chúng tôi đã kết hợp «hành» (trong hành động) với «xử» (trong cư xử, ứng xử), và đề nghị «hành xử» như thuật từ để dịch ý này ở đây, mặc dù nó chưa có trong từ điển, do ta đã có sẵn hành động, hành thiện, hành hung, hành vi, hành tác, hành giả…
[2] Pierre Marie Félix Janet (1859-1947): nhà tâm lý học, triết gia và y sĩ người Pháp. Ông được xem là một trong những người đã khai sinh ra môn tâm lý học khoa học, cùng với William James và Wilhelm Wundt. Tác phẩm: L'Automatisme psychologique (1889); L'État mental des hystériques (2q., 1893-1894); Névroses et idées fixes (2 q., 1898); The Major Symptoms of Hysteria (1907); Les Névroses (1909); Les Médications psychologiques (3 q., 1919); La Médecine psychologique (1923); Les Stades de l'évolution psychologique (1926); De l'Angoisse à l'extase (2 q., 1926-1928); La Pensée intérieure et ses troubles (1927); L'Évolution de la mémoire et de la notion du temps (1928); L'Évolution psychologique de la personnalité (1929); La Force et la faiblesse psychologiques (1932); L'Amour et la haine (1932); Les Débuts de l'intelligence (1935); L'Intelligence avant le langage (1936).