Đưa lên mạng ngày 17-8-2019 Từ khóa : Sự kiện (Khái niệm) – Sử học ; Tài liệu (Khái niệm) – Sử học Febvre, Lucien – Trích đoạn |
C2 |
SỰ XÂY DỰNG SỰ KIỆN TRONG
SỬ HỌC
(1933)
Tác giả: Lucien Febvre*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Mục đích của sử học là phát hiện ra những sự thật về quá khứ, và công trình nghiên cứu lịch sử là một tập hợp những sự kiện[1] được thiết lập dựa trên các quy tắc của phương pháp kiểm chứng, rồi kết nối với nhau trong một bức tranh tổng hợp về một thời kỳ, hay một chủ đề lịch sử nào đấy. Theo một cách phân chia nghiêm ngặt, việc phê phán tài liệu và thiết lập sự kiện thể hiện phần khoa học đặc thù của lịch sử, còn cách thức chúng được kết nối – phần gọi là tổng hợp lịch sử[2] – thuộc về nghệ thuật viết sử (quan điểm, kiến thức, kỹ thuật, bút pháp, v. v…) của mỗi sử gia.
Các sử gia thực chứng của thế kỷ XIX quan tâm đặc biệt tới công đoạn thiết lập sự kiện. Về điểm này, họ hoàn toàn có lý về một mặt: dù quan điểm triết lý của sử gia nghe hợp lý đến đâu, tổng hợp lịch sử mà ông ta thực hiện sẽ chẳng có giá trị gì hơn là tiểu thuyết, nếu nó được xây dựng trên những sự kiện thiếu sót, lệch lạc, thậm chí tưởng tượng. Vấn đề như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào việc phát hiện ra «sự kiện lịch sử», và bảo đảm tính khách quan, chân thực của nó. Tuy nhiên, cũng về điểm này, quyển giáo trình kinh điển của chủ nghĩa thực chứng trong sử học Pháp vào đầu thế kỷ thứ XX – Charles Seignobos* và Charles-Victor Langlois*, Dẫn Vào Nghiên Cứu Sử Học (Introduction aux études historiques, 1897) – có vẻ đã để lại một vài công thức bị thế hệ sử gia sau đả phá kịch liệt, như ta có thể thấy trong trích đoạn của Lucien Febvre[3] dưới đây.
Thông qua các phê phán của tác giả, mặc dù cái ý chí vận dụng những phương pháp của các khoa học cứng vào việc nghiên cứu các khoa học xã hội và nhân văn vẫn được theo đuổi, thì ít ra một quan niệm ít ngây thơ hơn về quá trình khám phá và phân tích «sự kiện lịch sử» đã được định hình. Các biến cố lịch sử không còn là những sự kiện tự chúng tồn tại, với tầm quan trọng và ý nghĩa hiển nhiên được rút ra từ văn bản mà sử gia chỉ cần thu thập và sắp xếp nữa; «sự kiện lịch sử» cần phải được xây dựng, không phải như trò hư cấu, mà từ các giả thuyết làm việc và kiến thức của sử gia.
Sự phân chia nghiên cứu sử học thành hai công đoạn như đã nói ở trên – 1) phê phán tài liệu, thiết lập sự kiện và 2) tổng hợp lịch sử – do đó, là hoàn toàn tương đối, thậm chí là độc đoán. Sử gia buộc phải can thiệp và thực sự luôn luôn can dự vào công trình sử học, xuyên suốt từ giả thuyết làm việc cho đến kết quả chung cuộc.
Các tiểu tựa và chú thích trong trích đoạn đều là của người dịch.
*
Không có định nghĩa tiên thiên: sử học là lịch sử[4]... Tuy nhiên, nếu chúng ta ra công tìm cách định nghĩa sử học thì, điều khá lạ lùng là nó đã được định nghĩa, không phải bởi đối tượng mà bởi vật liệu của nó, thậm chí bởi chỉ một phần trong số vật liệu phong phú của nó, để nói chính xác ý của tôi hơn.
1 - «Sử học được thực hiện với các văn bản» ư?
«Sử học được thực hiện với các văn bản»[5]. Công thức nổi tiếng mà phẩm chất, chắn chắn là lớn lao, cho đến nay vẫn chưa cạn kiệt (chưa được phát huy hết). Đối với các sử gia lao động tốt, ý thức và tự hào chính đáng về sự uyên bác của mình trong cuộc chiến chống lại những tác phẩm dễ dàng và lỏng lẻo, nó đã đóng vai trò của một khẩu hiệu và điểm tập kết. Nhưng công thức nguy hiểm nếu thiếu cẩn trọng, bởi vì dường như nó đi ngược lại, một cách thô bạo, trào lưu liên đới chặt chẽ chung trong những công trình nghiên cứu về khoa học nhân văn.
Bằng một liên kết chặt chẽ, nó gắn liền sử học vào chữ viết, lại đúng vào lúc mà tiền sử, cái tên có ý nghĩa lạ lùng thay, đang nỗ lực viết ra, không văn bản, cái chương dài nhất trong lịch sử loài người. – Một lịch sử kinh tế vừa ra đời, nó muốn là lịch sử về lao động của con người trước hết, và cái lịch sử lao động này, mà François Simiand đã xác định điều kiện tồn tại ngay tại đây một năm trước, làm thế nào thực hiện nó chỉ với giấy cói hoặc da thuộc, trong sự dốt nát về kỹ thuật? – Một địa lý nhân văn vừa thành hình; nó thu hút sự chú ý của những thanh niên, vốn đã dễ mau chóng bị lôi cuốn bởi loại nghiên cứu thực tế và cụ thể, về các môn học dường như muốn đưa, nào trời xanh nước biếc, nào làng mạc rừng hoang, tóm lại là toàn thể thiên nhiên sống động, vào những phòng lớp âm u ảm đạm. «Sử học được thực hiện với các văn bản»: thế là đột nhiên dường như tất cả đều biến mất: sự quan sát sâu sát những địa hình, những hiểu biết sắc sảo về các quan hệ địa lý gần xa, việc điều tra những vết tích để lại trên mặt đất đã được nhân hóa bởi sự cần lao của bao thế hệ, từ khi những con người của thời đồ đá mới bắt đầu phân ranh, đâu còn là rừng đâu sẽ trở thành đất cày, để thiết lập cho đời sau mãi mãi các loại hình lịch sử đầu tiên được biết đến về những thiết chế nguyên thủy chủ yếu của nhân loại.
Chắc chắn rồi, những sử gia thám hiểm các xã hội cổ đại đã may mắn thoát nạn: họ không phải vật lộn với một công thức thu hẹp và cắt xén như vậy, do việc nghiên cứu của họ liên tục được đổi mới và làm sống động bởi các cuộc khai quật, những di tích và di vật của con người tìm thấy. Các công trình của họ, nhờ sự tiếp xúc với những hiện vật (rìu kim loại, bình đất nung hay thô, bàn cân với quả cân – tất cả những gì người ta có thể sờ mó, nắm trong tay) mà người ta có thể thử nghiệm độ bền cứng, và rút ra từ sự phân tích hình dạng hàng trăm dữ kiện cụ thể về chính cuộc sống của con người và xã hội đương thời. Các công trình của họ, nhờ bị bắt buộc phải bám sát đối tượng nghiên cứu với sự chính xác, lại được dẫn dắt bởi ý thức về địa hình, địa lý, nên không lệ thuộc vào các quy định của một bộ quy tắc được xác định nghiêm ngặt.
Ngược lại, trong lĩnh vực lịch sử hiện đại, do được đào tạo về mặt trí tuệ bởi một thứ văn hóa hoàn toàn dựa trên văn bản (phân tích văn bản, giải thích văn bản), các thanh niên đã bước thẳng từ cấp trung học (nơi thiên tư của họ chỉ được xếp hạng dựa trên năng lực văn bản) lên cấp đại học (các Phân khoa đại học, Sorbonne, Quốc gia Sư phạm) với một sự liên tục trong thói quen, bởi vì ở đây, họ cũng vẫn được đề nghị cùng một chương trình, phân tích và giải thích văn bản. Thứ công việc ngồi một chỗ, văn phòng và giấy tờ; thứ công việc của cửa đóng và rèm kéo. Từ đó, một lớp nhà nông dường như chỉ biết cày xới trên những sổ sách cũ kỹ thay vì đất đai màu mỡ. Từ đó, một lớp chủ nhân các lãnh địa mà chẳng ai thấy cần phải biết họ sẽ làm gì với lượng sản phẩm chất trong kho trữ, hoặc các lãnh địa ấy có giá trị gì đối với họ ở các thời đại khác nhau, tính bằng dịch vụ hoặc hiện vật, lòng trung thành của con người hoặc tiền bạc. Sử học là bà mệnh phụ tuyệt vời, trước mặt bà hiện thực kinh tế khiêm tốn có vẻ chỉ như ông Dimanche[6]. Ở đây, người ta sống không tiền bạc, không tín dụng. Ở đây, người ta thực hành một nền nông nghiệp, công nghiệp, thương mại trừu tượng. Và qua đó, sử học còn khẳng định tốt hơn nữa sự tham gia của nó vào phẩm giá, sự đáng kính, tính vô vị lợi hoàn hảo và tính quý phái của các công trình nghiên cứu văn bản và văn học. Nó thừa hưởng sự trân trọng cao quý mà loại nghiên cứu này từng được hưởng ở Pháp từ thời Phục Hưng. Nếu, cả thời nay nữa, nghĩa là ngay vào năm 1933 này, để đào tạo cấp thạc sĩ sử học của mình, mà nền Đại học của ta vẫn không đòi hỏi các thí sinh phải làm gì khác hơn là viết bốn bài luận văn tiếng Pháp và làm bốn bài thuyết trình («xuất sắc» nếu có thể được!) trên các chủ đề lịch sử, thì ta hãy nhớ lại cái công thức «sử học được thực hiện với các văn bản». Nếu để giao cho các sử gia nhiệm vụ khôi phục lại cuộc sống của các xã hội đã qua – toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần, chính trị, kinh tế và xã hội của chúng – mà nền Đại học của ta vẫn không đòi hỏi họ: a) phải biết đọc và xây dựng, hay ít ra là bình giảng, một bản thống kê khi cần thiết; b) phải nắm được những điều sơ đẳng về luật pháp và sự tiến hóa của nó; c) phải có khả năng – khoan nói tới năng lực nghe và hiểu những mâu thuẫn giữa các lý thuyết gia về kinh tế chính trị với nhau, mà chỉ đơn giản là – giải thích chính xác đồng tiền và giao dịch là gì trong sự vận dụng hàng ngày, những gì đang thực sự xảy ra đằng sau mặt tiền của một sàn chứng khoán hay quầy ngân hàng; d) thậm chí – nghịch lý tối đa – phải có khả năng giải thích văn bản với tinh thần phê phán, thay vì hầu như đã tự thấy hoàn toàn thỏa mãn rồi, với chỉ từ ngữ, ngày tháng, tên người, địa danh,… thì lúc đó chúng ta hãy nhớ lại cái công thức «sử học được thực hiện với các văn bản». Và ngay lúc đó, chắc chắn ta sẽ hiểu.
Thế nhưng qua văn bản, liệu ta đạt đến sự kiện được chăng? Mọi người đều nói: sử học là thiết lập sự kiện, sau đó vận dụng chúng. Sự thật là như vậy, rõ ràng là như vậy, nhưng cũng chỉ đại khái mà thôi, nhất là nếu lịch sử chỉ được dệt nên, duy nhất hoặc gần như thế, bằng những biến cố. Có phải vị vua này được sinh ra ở đấy, năm đó chăng? Có phải ông ta đã giành được một chiến thắng quyết định trên các quốc gia láng giềng tại nơi đây chăng? Truy tìm tất cả các văn bản đề cập đến sự ra đời này hay trận chiến kia; chỉ lựa ra trong số đó những cái đáng tin cậy nhất; rồi với những tài liệu tốt nhất, viết lại một bản tường thuật đúng và chính xác: há tất cả những việc ấy đều có thể được thực hiện mà không gặp một khó khăn nào ư?
Nhưng rồi, qua nhiều thế kỷ, đồng tiền đúc ở thành Tours ngày càng mất giá; suốt chuỗi năm tháng ấy, liệu đồng lương đã giảm chăng, hay cuộc sống đã lên giá? Đấy chắc chắn là những sự kiện lịch sử, và trong mắt chúng tôi, còn quan trọng hơn là cái chết của một vị vua, hay việc ký kết một hòa ước phù du nhiều. Những sự kiện này, chúng ta có thể bắt được chúng bằng một cú chụp trực tiếp chăng? Không đâu: bao nhiêu người làm việc kiên nhẫn, thay phiên nhau, tiếp sức nhau, đã làm ra chúng, chậm chạp, nhọc nhằn, dựa trên hàng nghìn quan sát đã được thẩm tra thận trọng, và hàng vạn số liệu được trích xuất từ đủ loại tài liệu: được cung cấp sẵn bởi chúng ư, thật ra, chẳng bao giờ! Xin đừng cãi lý: «Đấy là các bộ sưu tập sự kiện chứ đâu phải là sự kiện...» Bởi vì sự kiện tự thân, cái được cho là nguyên tử của lịch sử này, chúng ta sẽ lấy nó ra từ đâu? Vụ ám sát Henry IV bởi Ravaillac[7], một sự kiện ư? Chỉ cần muốn phân tích nó, chia nó ra thành những yếu tố vật chất hay tinh thần riêng biệt, kết quả tổng hợp của các định luật tổng quát, nhiều hoàn cảnh thời gian và địa điểm cụ thể, cuối cùng, các tình huống riêng của từng cá nhân, biết hay không biết, đã đóng một vai trò trong thảm kịch, thì sẽ mau chóng thấy ngay là nó sẽ bị chia cắt, tách rời, phân rã thành một phức hợp chằng chịt... Những thứ cho sẵn đấy ư? Không đâu, những cái đã được sử gia tạo ra, và bao nhiêu lần? Được sáng tạo và chế biến, bằng giả thuyết và phỏng đoán, qua một công trình tinh tế, đầy lý thú.
Từ đó, nhân tiện nói trong ngoặc đơn, sức hấp dẫn mạnh mẽ của những thời kỳ khởi nguồn đối với giới sử gia: đấy là vì những bí ẩn đầy ở đấy còn chờ được làm sáng tỏ, và những cuộc hồi sinh phải thử thực hiện. Giữa sa mạc vô tận, nếu có khả năng, còn gì lý thú hơn là làm phun lên các mạch nước – và, bằng sức mạnh của những cuộc điều tra kiên trì, làm nảy sinh từ nơi hầu như chẳng có gì những ốc đảo mới của tri thức.
2 - «Sử gia không được chọn lựa sự kiện» ư?
Và thế là đủ để làm lung lay một học thuyết khác, thường vẫn còn được dạy gần đây. «Sử gia không được chọn lựa sự kiện. Lựa chọn ư? Lấy thẩm quyền gì? Nhân danh nguyên tắc nào? Chọn lựa là phủ nhận sự nghiên cứu khoa học»... Thế nhưng, toàn bộ lịch sử là lựa chọn.
Sử học là lựa chọn, do chính sự ngẫu nhiên đã tàn phá ở đây, và lưu giữ đằng kia, những vết tích của quá khứ. Sử học là lựa chọn, do chính bản tính con người: khi có nhiều tài liệu thì hắn sẽ rút ngắn lại, đơn giản hoá đi, đặt dấu nhấn trên điểm này, xem nhẹ điểm kia. Sử học còn là lựa chọn, chủ yếu là vì sử gia tạo ra, hay nếu muốn, tái tạo vật liệu của mình: người viết sử không tình cờ lượn quanh quá khứ, như kẻ nhặt nhạnh lảng vảng tìm những vật rơi, mà lên đường với, luẩn quẩn trong đầu, một ý đồ rõ ràng, một vấn đề phải giải quyết, một giả thuyết cần kiểm chứng… Nói «như thế không phải là một thái độ khoa học», phải chăng chỉ đơn giản là tiết lộ rằng chính ta không biết chi về khoa học, về những điều kiện và phương pháp của nó?... Khi đặt một mắt lên thị kính của ống kính hiển vi, nhà mô học nắm bắt được tức thì những sự kiện thô ráp chăng? Nội dung cốt lõi của công việc ông ta làm là tạo ra, nếu có thể nói như thế, các đối tượng quan sát nhờ những kỹ thuật rất phức tạp. Rồi sau đó, khi đã sở hữu chúng, là «đọc» những vết cắt và chuẩn bị chúng. Công đoạn đặc biệt khó khăn, bởi vì mô tả những gì ta nhìn thấy còn dễ, chứ nhìn ra phải mô tả cái gì, đấy mới là điều khó khăn.
Thiết lập các sự kiện, và sau đó vận dụng chúng... Đúng thôi, nhưng hãy cẩn thận: đừng qua đó dựng lên một sự phân công tai hại, một sự phân cấp nguy hiểm. Chớ khuyến khích những kẻ, dưới vẻ ngoài khiêm tốn và ngờ vực, nhưng thực chất là thụ động và theo đuôi, tích lũy không mục đích những sự kiện, rồi sau đó khoanh tay miệt mài chờ một ai đó có khả năng sắp xếp chúng xuất hiện. Vì vậy mà hàng đống đá từng được các thợ nề đục đẽo miễn phí, rồi vất bừa trên các thao trường nghiên cứu lịch sử... Rủi có nhà kiến trúc nào đó – kẻ họ hằng trông ngóng không ảo tưởng – bỗng dưng xuất hiện, tôi nghĩ rằng có lẽ ông ta nên trốn khỏi những cánh đồng đá táp nham này, để tới một nơi còn trống trải và thông thoáng là hơn. Thao tác chống phát minh ư?; lao động chân tay ở đây, kiến trúc sư đằng kia ư? Không! Nhà sáng tạo phải có mặt ở khắp nơi, để không chút vất vả nào của con người bị lãng phí. Truy ra một sự kiện, đấy chính là xây dựng. Hay nếu ta muốn, là cung cấp một câu trả lời cho một câu hỏi. Bởi nếu không có câu hỏi nào, thì chỉ có hư vô.
Đấy là những sự thật đã quá thường xuyên thoát khỏi tầm mắt của quá nhiều sử gia. Họ đã dạy dỗ các môn đồ của mình sống với một thánh lệnh là sự kinh tởm giả thuyết, được coi như là thứ tội lỗi tồi tệ nhất chống lại những gì họ gọi là Khoa học. Mồm không dứt những lời tuyệt vời về phương pháp và chân lý khoa học, nhưng họ ghi bằng chữ vàng trên trang sử của họ một Hypotheses non Fingo[8] đầy tự cao. Và để phân loại các sự kiện, một câu châm ngôn: tuân thủ nghiêm ngặt thứ tự thời gian... Nghiêm ngặt ư? [Jules] Michelet[9] nói một cách tinh tế. Nhưng mọi người đều biết rằng Michelet và lịch sử không có gì chung. Thứ tự thời gian: không phải là trò lừa bịp sao? Bởi vì thứ sử học chúng tôi đã được dạy (và nếu tôi đặt các động từ của mình ở thì quá khứ chưa hoàn toàn đã qua, xin đừng xem đấy là một sự thật thà quá đáng), thứ sử học chúng tôi được hướng dẫn thực hiện, trên thực tế chỉ là một sự thần thánh hóa hiện tại với sự hỗ trợ của quá khứ. Nhưng nó từ chối nhìn nhận, và nói ra như vậy.
Lucien Febvre,
Bài học mở đầu, Trường Quốc Học Pháp, 1933
(Leçon inaugurale au Collège de France, 1933),
Trg : Cuộc Chiến Vì Sử Học
(In: Combats pour l'histoire,
A. Colin, 1992, tr. 3-9).
[1] Xem trên trang mục này: Charles-Victor Langlois & Charles Seignobos, Sự Kiện Lịch Sử (1898).
[2] Xem trên trang mục này: Léon Halkin, Phê Phán Sử Liệu (La Critique historique) và Henri Berr, Tổng Hợp Lịch Sử
[3] Lucien Paul Victor Febvre (1878-1956): sử gia Pháp, người sáng lập tập san Annales với Marc Bloch (1929), và Ban Khoa học Kinh tế và Xã hội - Trường Cao học Thực hành (École Pratique des Hautes Études - VIe section, 1947). Tác phẩm tiêu biểu: Histoire de la Franche-Comté (1912); La Terre et l'évolution humaine (1922); Un Destin: Martin Luther (1928); Civilisation: Évolution d'un mot et d'un groupe d'idées (1930); Le Rhin (với Albert Demangeon, 1935); Le problème de l’incroyance au XVIe siècle: la religion de Rabelais (1942); Combats pour l'histoire (1952); Au cœur religieux du XVIe siècle (1957); L’Apparition du livre (với Henri-Jean Martin, 1958, 1971, 1999); Pour une histoire à part entière (1962).
[4] Trong tiếng Anh và Pháp, history và histoire chỉ, vừa môn học, vừa đối tượng của môn học. Lịch sử trong tiếng Việt cũng có thể được dùng và hiểu theo nghĩa kép trên. Do đó, mỗi khi có thể hoặc cần thiết, chúng tôi dùng sử học phân biệt với lịch sử (đối tượng), trên chuyên trang TLGD này.
[5] Thật ra, Langlois và Seignobos chỉ viết: «Sử học được thực hiện với tài liệu. Tài liệu là những dấu vết mà tư tưởng và hành động của người xưa để lại…»; như vậy, dù có chung đặc trưng là chỉ có thể được tiếp cận ở trạng thái dấu vết, tài liệu không nhất thiết phải là văn bản. Tuy nhiên, sự đánh đồng tài liệu với văn bản ở Febvre cũng không quá đáng, vì dù sao văn bản vẫn là phần sử liệu chính yếu vào đầu thế kỷ XX, và có thể cả cho đến nay. Điều cần được làm bớt nặng nề hơn là lời phê phán của L. Febvre về cách tiếp cận sự kiện của sử gia lớp trước. Thật ra, ở Langlois và Seignobos, sử gia không tìm kiếm sự kiện đơn thuần như một sự sưu tập không mục đích (như Febvre ám chỉ), mà để từ sự kiện đi tới giải thích, từ sự việc tới ý tưởng, từ ý tưởng tới hiểu biết. Phê phán của L. Febvre không thực sự xác đáng, nếu một ý tưởng khác không đi kèm theo nó: sự chuyển hóa từ sử-tự-sự (histoire-récit) sang sử-vấn-đề (histoire-problème).
[6] Ông Dimanche (ô. Chúa Nhật – Chúa Nhật là ngày diện quần áo đẹp đi diễu phố). Đây là một nhân vật trong vở hài kịch Dom Juan của Molière (chủ nợ đi đòi nợ, nhưng bị con nợ lưu manh hơn phỉnh, rốt cuộc ra về tay không), tiêu biểu cho kẻ thượng lưu đương thời trong mắt Molière: giàu có, thô lỗ, ham danh tước, ngốc nghếch.
[7] Vua Pháp Henri IV bị François Ravaillac đâm chết ngày 14-5-1610. Biến cố này đã gây xáo trộn lớn trong vương quốc. Trái với kết luận chính thức của cuộc điều tra, cho rằng đây chỉ là hành động đơn độc của một tín hữu Cơ Đốc giáo cuồng tín, giả thuyết âm mưu – liên quan tới nhiều nhân vật quan trọng tại Pháp và ở các nước ngoài – vẫn còn là một nghi vấn lịch sử chưa hết gây tranh cãi cho đến nay.
[8] Hypotheses non fingo («I feign no hypotheses», trong tiếng Anh, có nghĩa là «Tôi không lập giả thuyết». Câu văn La-tinh này của Newton nằm trong General Scholium, một Chú Giải Tổng Quát được thêm vào quyển Principia Mathematica trong lần tái bản năm 1713.
[9] Jules Michelet (1798-1874): sử gia Pháp, từng được xem là một trong những sử gia lớn nhất trong thế kỷ XIX, nhưng là đối tượng tranh cãi trong thế kỷ XX (ông bị xem là đã xây dựng, qua các tác phẩm sử học của mình, một phần của bộ «tiểu thuyết quốc gia» mà sự phát triển của nền sử học Pháp vào cuối thế kỷ XX không đánh giá là chuẩn xác). Có vẻ phần trước tác sử học của ông nay bị xem là nặng tính văn học hơn là khoa học. Ông cũng để lại nhiều tiểu luận và tác phẩm về tập tục, một số gặp khó khăn với Giáo Hội và chính quyền đương thời. Tác phẩm chính: Précis de l'histoire de France jusqu'à la Révolution (1833); Histoire de France (6 q., 1833-1844); Histoire de la Révolution française (7 q., 1847-1853); Histoire de France au XVIe siècle (5 q., 1855-1857); Histoire de France au XVII siècle (3 q. 1857-1860); Histoire de France au XVIIIe siècle (4 q., 1862-1867); La France devant l'Europe (1871); Histoire du XIXe siècle (1872-1875); Les Soldats de la Révolution (1878).