Đưa lên mạng ngày 25-5-2019 Từ khóa: Con người và Môi trường |
C1 |
SỰ TƯƠNG TÁC
SINH LÝ VÀ VĂN HÓA
(1981)
Tác giả : François Jacob[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Mọi đứa bé bình thường đều có, ngay từ lúc mới sinh ra, cái khả năng trưởng thành trong bất kỳ cộng đồng nào, nói bất kỳ ngôn ngữ nào, chấp nhận bất kỳ tôn giáo hay bất kỳ quy ước xã hội nào. Điều có vẻ như đúng với sự thật nhất là chương trình di truyền đã bố trí ở đứa bé cái mà ta có thể gọi là những cấu trúc tiếp đón; chúng cho phép nó phản ứng lại trước các loại kích thích đến từ môi trường chung quanh, nhằm tìm ra, nhận biết và ghi nhớ những biến cố và sự kiện đều đặn, rồi sắp xếp lại các yếu tố ấy trong những kết hợp mới. Với sự học tập, các cấu trúc thần kinh phát triển và trở nên tinh vi dần. Chính là thông qua sự tương tác liên tục giữa cái sinh lý và cái văn hóa trong suốt quá trình trưởng thành của đứa bé mà các cấu trúc thần kinh làm nền tảng cho những thành tích tinh thần có thể được tổ chức và trở thành thực hiệu. Trong điều kiện này, gán một phần của tổ chức cuối cùng cho di truyền, và phần còn lại cho môi trường là vô nghĩa. Cũng vô nghĩa không kém gì tự hỏi xem liệu mối tình si của Romeo với Juliet có nguồn gốc di truyền hoặc văn hóa. Giống như bất kỳ một sinh vật nào khác, con người được lập trình về mặt di truyền, nhưng hắn được thiết kế để học tập. Cả một loạt khả thể được cung cấp bởi tự nhiên ở thời điểm sinh nở. Những gì được hiện thực hóa đều được xây dựng dần dần trong suốt cuộc sống thông qua sự tương tác với môi trường.
François Jacob,
Cỗ Bài Những Khả Thể
(Le Jeu des possibles,
Paris, Fayard, 1981, tr. 126).
[1] François Jacob (1920-2013): nhà sinh học và y sĩ Pháp, đoạt giải Nobel về sinh học và y khoa năm 1965 (chung với Jacques Monod và André Lwoff). Tác phẩm phổ biến khoa học: Les Bactéries lysogènes et la Notion de provirus (1954); Sexuality and the genetics of bacteria (với Élie Wollman, 1961); La Logique du vivant: une histoire de l’hérédité (1970); 1979 : L'évolution sans projet, trg: Le Darwinisme aujourd'hui (1979); Le Jeu des possibles: essai sur la diversité du vivant (1981); La Statue intérieure (1987); La Souris, la Mouche et l’Homme (1997).