Đưa lên mạng ngày 15-08-2022 |
C1 |
SỰ THIẾT YẾU CỦA GIẢ THUYẾT
(1865)
Tác giả: Claude Bernard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Có hai thao tác phải xem xét trong một cuộc thí nghiệm. Cái đầu tiên là phải suy tính trước và thực hiện những điều kiện của cuộc thí nghiệm; cái thứ hai là phải ghi nhận kết quả của nó. Ta không thể tiến hành thí nghiệm mà không có một ý tưởng định trước; thiết lập một cuộc thí nghiệm là đặt ra một câu hỏi; và ta không bao giờ quan niệm một câu hỏi mà không có cái ý tưởng tìm câu trả lời
[1]. Do đó, tôi cho rằng, như nguyên tắc tuyệt đối, cuộc thí nghiệm phải luôn luôn hướng tới một ý tưởng tiên định, bất kể ý tưởng này ít nhiều còn mơ hồ hoặc ít nhiều đã được xác định rõ rệt. Còn về việc ghi nhận kết quả của cuộc thí nghiệm, do bản thân nó chỉ là một sự quan sát được gây ra, tôi cũng đặt như nguyên tắc rằng nó phải được thực hiện, ở đây như ở mọi cuộc quan sát nào khác, nghĩa là không có ý tưởng định trước. [...]
Những người lên án việc sử dụng giả thuyết và ý tưởng có trước trong phương pháp thực nghiệm đã sai lầm, bởi họ lẫn lộn giữa việc phát minh ra thí nghiệm với việc ghi nhận kết quả của nó. Nói rằng chúng ta phải ghi nhận những kết quả của cuộc thí nghiệm với một tinh thần đã được gột bỏ mọi giả thuyết và ý tưởng tiền định là đúng. Nhưng điều phải tránh là ngăn cấm việc sử dụng giả thuyết và ý tưởng trong công đoạn thiết lập cuộc thí nghiệm hoặc tưởng tượng ra những phương tiện quan sát. Ngược lại, chúng ta phải để trí tưởng tượng của mình hoàn toàn tự do; bởi ý tưởng là cái nguyên lý của lý luận và phát minh, và mọi loại sáng kiến đều xuất phát từ đấy. Ta không thể bóp nghẹt ý tưởng hay xua đuổi nó, với lý cớ rằng nó có thể gây hại, chúng ta chỉ phải điều chỉnh nó và cho nó một tiêu chí[2] mà thôi, và đây là điều này khác hẳn.
Claude Bernard,
Dẫn Vào Nghiên Cứu Y Học Thực Nghiệm,
(Introduction à l'étude de la médecine expérimentale,
Phần 1, Ch. VI, § I,
J.-B. Baillière, 1865, tr. 42-43).
[1] Ở trên, tác giả đã nói rằng, hiểu theo nghĩa trừu tượng, từ quan sát chỉ sự ghi nhận đơn thuần một sự kiện, trong khi từ thí nghiệm chỉ sự kiểm soát một ý tưởng bằng một sự kiện.
[2] Cl. Bernard đã tự hỏi sau đó cơ sở của tiêu chí này là gì, và ông đã trả lời: chắc chắn rằng, theo một nghĩa nào đó, một mặt, «chính sự kiện sẽ xác định giá trị của ý tưởng», nhưng mặt khác, do sự kiện tự nó không có nghĩa gì cả, bởi «nó chỉ có giá trị nhờ cái ý tưởng gắn liền với nó», rốt cuộc, «tiêu chí đích thực duy nhất là lý trí».