Đưa lên mạng ngày 15-08-2021 |
C2 |
SỰ SỬ DỤNG THỐNG KÊ
TRONG
TƯ TƯỞNG XÃ HỘI HỌC
(1967)
Tác giả: Jack D. Douglas[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Mục đích cơ bản, lộ liễu nhất của các khoa học nhân văn luôn luôn là đạt tới một tri thức có hệ thống và lý tính về con người. Mục đích này hiếm khi là đề tài tranh cãi nội bộ giữa các trường phái tư tưởng bên trong các môn học khác nhau. Những tranh cãi cơ bản trong giới các nhà thực hành thường chỉ tập trung trên vấn đề xác định «tri thức thuần lý về con người» là cái gì?, hoặc «khoa học» là gì? Trong lĩnh vực chung của các khoa học xã hội, dường như có một số ý nghĩa nền tảng cho «thuần lý» hay «khoa học», thường không được các nhà thực hành xem xét kỹ lưỡng hoặc cho là hiển nhiên. Chúng thực sự có bản chất là loại ý tưởng siêu hình của khoa học, bởi vì mặc dù chưa được kiểm tra nghiêm túc, chúng lại xác định phần lớn cái tiêu chí rõ rệt hơn, và được kiểm tra, về sự hữu quan và chân lý[2].
Những ý tưởng siêu hình đều có xác xuất cao là sẽ được các tác giả khác nhau định nghĩa theo cái cách đã đẩy bản thân họ vào thế xung đột – như điều thường là đúng cho bất kỳ một tập hợp ý tưởng siêu hình, trừu tượng nào. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở đây là sự kiện hiển nhiên sau: những diễn giải cụ thể (dựa vào tình huống) về các ý tưởng trừu tượng như «thuần lý» hoặc «khoa học» đã dẫn tới nhiều cuộc xung đột lớn và liên tục giữa các nhà khoa học xã hội về ý nghĩa của chúng. Bất cứ xã hội nào – kể cả ở Thế giới phương Tây – cũng có khả năng triển khai một hình thức tư duy «hợp lý hóa» về con người trong xã hội mà không lệ thuộc các phạm trù của hình thức tư duy này vào bất kỳ một mức độ định lượng nào. Trên thực tế, một hình thức tư duy hợp lý hoá nhưng không định lượng như vậy về con người trong xã hội đã được phát triển ở Thế giới phương Tây, và từng là hình thức thống trị trong các học thuyết xã hội suốt nhiều thế kỷ. Các học thuyết hữu cơ về con người trong xã hội bắt nguồn từ những ý tưởng trừu tượng, hợp lý hóa về «chuỗi hữu thễ vĩ đại»[3] có lẽ là ví dụ quan trọng nhất thuộc loại lý thuyết này; và các học thuyết hữu cơ như vậy nay vẫn còn có thể được nhìn thấy trong một số lý thuyết có ảnh hưởng nhất về «các hệ thống xã hội». Một lần nữa, chắc chắn là bất cứ xã hội nào cũng có thể triển khai những hình thức tư duy thuần lý, định lượng, liên quan tới con người như một thành viên của xã hội, mà không buộc phải lệ thuộc chúng vào loại hình thức đo đếm. Các lý thuyết như vậy chỉ đơn giản liên quan tới những trình tự có thể được quy giản vào sự phân biệt lớn hơn và nhỏ hơn. Trong khi các hình thức tư duy duy lý không định lượng về xã hội vẫn tiếp tục phát triển cho đến nay, loại hình thức tư duy định lượng về con người, mặc dù bị tấn công ráo riết như có thể xảy ra, vẫn mỗi ngày một trở nên quan trọng hơn, và hầu như luôn luôn dưới dạng thống kê trong các hình thức cụ thể của chúng. Có một số lý do cơ bản cho dòng phát triển lịch sử này.
Trong khi các xã hội cổ đại đã triển khai những hình thức thống kê kinh tế và xã hội đủ bao quát để giúp quản lý loại vấn đề của chúng[4], những hình thức thống kê xã hội của các xã hội phương Tây thời kỳ đầu lại phát triển khá độc lập, nhưng trong cùng một mục đích thực tiễn. Những hồ sơ định lượng sớm nhất được lưu giữ về các vấn đề nhân sự (việc đếm số lượng hầm nấp bom trong một khu vực và tại một thời điểm nhất định, những cuộn ống số liệu của Bộ Tài Chính, v. v…) liên quan tới các vấn đề kinh tế. Trong khi những hồ sơ cá nhân, thậm chí những ghi chép thành cột số, được thu thập và lưu giữ trên nhiều loại vấn đề nhân sự khác nhau, cho nhiều mục đích khác nhau, và những nỗ lực không liên tục từ thời La Mã này chỉ lấy dạng định lượng trước hết trong các vấn đề kinh tế thực tiễn. Vào khoảng thế kỷ XV và XVI, như ta có thể thấy rõ qua một số tiểu luận của Niccolo Machiavelli*, nhiều tác giả Ý đã bắt đầu so sánh các thành quốc Ý với các quốc gia châu Âu, về số lượng các loại tác phẩm nghệ thuật, về dân số, sức mạnh quân sự, sự thịnh vượng, v. v... Như Jacob Burckhardt* từng chỉ ra, trước tiên họ đã thực hiện những so sánh định lượng về tác phẩm nghệ thuật này vì lòng tự hào (và chắc chắn là để «huênh hoang» nữa); nhưng những so sánh định lượng giữa các nhóm xã hội về sự giàu có, dân số và lực lượng quân sự còn được thực hiện nhằm mục đích thẩm định sức mạnh quốc gia. Và hình thức so sánh thống kê trước chủ nghĩa trọng thương này vẫn tiếp tục phát triển trong các thế kỷ sau.
Số học chính trị, được phát triển như một trường phái tư tưởng riêng biệt từ quyển Những Quan Sát Tự Nhiên Và Chính Trị Về Tờ Khai Tử (Natural and Political Observations Upon the Bills of Mortality, 1662) của John Graunt, và quyển Vài Tiểu Luận Về Số Học Chính Trị (Several Essays in Political Arithmetic, 1682) của William Petty là bước đầu của nỗ lực phát triển có hệ thống các phương pháp thống kê so sánh và phân tích những vấn đề xã hội (hoặc «chính trị»). Hình thức phân tích thống kê xã hội này sẽ được mở rộng hơn nữa ở Anh – bởi King, Davenant, Wallace, Derham, Maitland, Smart, Simpson, Hodgson, Short và nhiều tác giả khác[5]; rồi sau đó nó còn được phát triển một cách có hệ thống hơn thế nữa ở Đức – bởi Conring, Achenwall và Sussmilch, khi họ lập luận rằng loại phân tích thống kê như vậy phải là tầng tri thức cơ bản của bất kỳ nhà nước nào. Trong khi phần chi tiết (phương pháp luận) vẫn chưa được rõ ràng, và nhiệt tình đối với lối phân tích này dường như trở nên suy yếu hơn trong thế kỷ XVIII, trường phái số học chính trị vẫn tiếp tục tiến vào thế kỷ XIX, gián tiếp góp phần xây dựng các hình thức cơ bản của tư duy thống kê xã hội cho những người làm thống kê về đạo đức, y tế, vệ sinh công cộng, dân số học và các lĩnh vực phân tích thống kê xã hội khác.
Dường như có hai lý do cơ bản cho việc áp dụng những ý tưởng định lượng vào các vấn đề xã hội. Trước hết, có cái lý do rõ ràng của niềm tin mới vào các phương pháp của khoa học tự nhiên, đặc biệt là khoa vật lý học định lượng (Newton) ở Anh. John Graunt đã viết bài tiểu luận hết sức quan trọng của ông (Quan Sát Tự Nhiên Và Chính Trị, 1662) cho Hội Khoa Học Hoàng Gia (Royal Society). Đối với ông và rất nhiều người khác, phân tích định lượng là chiếc chìa khóa mới cho mọi thứ tri thức. Tới một mức độ nào đó, nó là một mục đích tự tại, và một cách nào đó, nó có mặt linh thiêng, như ta có thể thấy trong các quyển sách của Derham (Vật Lý Thần Học = Physico-Theologie), và của Sussmilch (Trật Tự Thiêng Liêng Trong Những Đổi Thay Của Loài Người = Die gottliche Ordnung in den Veranderungen des menschlichen Geschlechts). Thế nhưng cũng rõ ràng ngang bằng là các nhà tư tưởng xã hội này đã dấn sâu vào sự sử dụng những so sánh thống kê vì họ tin rằng cái phương pháp này sẽ mang lại những kết quả thực tiễn nhất – tính toán sức mạnh của một quốc gia so với các quốc gia khác, tính toán tỷ lệ tử vong cho việc thiết lập tỷ lệ bảo hiểm có lợi nhuận, tìm hiểu nguyên nhân của sự gia tăng nhân khẩu cho chính sách tăng hoặc giảm dân số quốc gia, v.v... Một số công trình này, đặc biệt là của Sussmilch, thậm chí còn được sự hỗ trợ tài chính của các chính phủ[6].
Đến thế kỷ XIX, các nhà thống kê thuộc lĩnh vực đạo đức, những người có thể được định nghĩa đại khái như các nhà phân tích thống kê xã hội chuyên tâm phân tích những hiện tượng (giả định thuộc lĩnh vực) tinh thần (đạo đức) như hiện tượng tự sát và phạm tội, đã có những đóng góp cơ bản cho truyền thống tư tưởng xã hội thống kê này. De Guerry và Quételet* là hai người sáng lập quan trọng nhất của trường phái, và các công trình của mỗi người là ví dụ tuyệt vời về hai lý do cơ bản đã khiến Durkheim chọn mẫu hình thống kê-đạo đức cho tác phẩm Tự Sát (Le Suicide) của ông.
Chắc chắn Adolphe Quételet, người trước hết là một nhà thống kê và vật lý thiên văn nổi tiếng, là nhà tư tưởng thống kê xã hội có ảnh hưởng và được biết tới nhiều nhất trong thế kỷ XIX. Nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là quyển Về Con Người (Sur l’Homme, 1832) và Vật Lý Xã Hội (Physique sociale, 1835)[7] đã đẩy truyền thống khoa học nghiêm ngặt của tư duy thống kê xã hội tiến tới. Trong khi vẫn không thể tránh khỏi bị lôi kéo vào cuộc tranh luận siêu hình với giới triết gia, về các vấn đề như ý chí tự do, v. v... Quételet rõ ràng còn quan tâm đến việc phát triển khoa vật lý xã hội của ông, và lĩnh vực con của nó là thống kê đạo đức, trong quan hệ loại suy nghiêm ngặt với vật lý thiên văn (từ đấy ông đã vay mượn trực tiếp những ý tưởng cơ bản của mình về hệ thống xã hội) và tương đối không bận tâm mấy tới các ý nghĩa triết học và chính trị bao hàm trong đó. Ý tưởng cơ bản của Quételet, cho rằng xã hội là một hệ thống sản xuất ra những tỷ lệ hoặc xác suất của riêng nó, độc lập với các yếu tố khác (nhưng thông qua trung gian của «con người trung bình»*), và phải được nghiên cứu với số lượng lớn về mặt thống kê, có tầm quan trọng sâu sắc tới sự phát triển lý thuyết xã hội học của Durkheim trong quyển Tự Sát.
Tác phẩm lớn duy nhất của De Guerry, Tiểu Luận Về Thống Kê Đạo Đức Của Nước Pháp (Essai sur la Statistique morale de la France, 1828), chỉ đóng góp ít thôi vào những ý tưởng cơ bản của tư duy thống kê xã hội; nhưng nó có tầm quan trọng lớn như là một trong những ví dụ sớm nhất, và có ảnh hưởng nhất tới lý do cơ bản thứ hai và quan trọng nhất để Durkheim chọn mẫu hình thống kê đạo đức. Không giống như Quételet, De Guerry hầu như chỉ hoàn toàn đặc biệt quan tâm phân tích những số liệu thống kê chính thức về tội phạm, tự sát, hôn nhân, ly hôn, giáo dục – tức là các thống kê đạo đức trong danh nghĩa là những hiện tượng đạo đức. Song song với quan tâm trọng điểm ấy, ông nhiệt tình chấp nhận những giả định ngầm của các quan chức xây dựng loại dữ liệu này, rằng những hiện tượng trên (mà họ biết không chút thắc mắc) là trái với đạo đức, rằng mục đích của những ghi nhận này là để sử dụng trong việc xây dựng chính sách xã hội nhằm chính thức kiểm soát những hiện tượng trái đạo đức nói trên[8]. De Guerry, và hầu hết các nhà thống kê đạo đức kế tiếp mà phần đông đều là công chức[9] (như Tarde* và Bertillon*), không chỉ chấp nhận những mục tiêu này của bộ máy hành chánh chính thức về thống kê đạo đức, ông còn tiến thêm một bước quyết định nữa. Ông đã sử dụng các phân tích xã hội thống kê của mình cho mục đích luận chiến chính trị và triết học. Hầu hết các nhà thống kê đạo đức đều đã từng sử dụng các phân tích thống kê xã hội của họ để «chứng minh» sự không tồn tại của ý chí tự do (do đó «chứng minh» khả năng của một khoa học thực chứng về con người và xã hội), sự tồn tại (hoặc không tồn tại) của các «giai tầng nguy hiểm»[10], những nguy hiểm (hoặc giá trị) của sự tan rã xã hội, và một lượng lớn những lập trường khác mà họ, với tư cách cá nhân, đã chọn lấy trong các cuộc xung đột xã hội lớn của thế kỷ XIX.
Mặt khác, các nhà thống kê đạo đức sống trong một thời đại xã hội ở phương Tây, khi các ngành khoa học vật lý thậm chí còn được coi là có uy tín cao hơn so với ngày nay nữa, ít ra là bởi hầu hết những người có học và các giới chỉ đạo tri thức. Ở châu Âu trong thế kỷ XIX, nhất là ở Pháp, các phương pháp và ý tưởng của khoa vật lý học được chấp nhận một cách tổng quát như con đường thực hiệu duy nhất dẫn tới tri thức. Đối với kẻ có học, thế kỷ XIX là Thế kỷ Vĩ đại của Khoa học Tây phương. Các phương pháp và ý tưởng cơ bản của khoa học cổ điển kiểu Newton của thế kỷ XVII đã dần dần giành chiến thắng trước khoa học kiểu Descartes; đến thế kỷ XIX, những thắng lợi ấy là rất nhiều và đầy ấn tượng. Lý tính và tính khách quan của khoa vật lý học được nhìn nhận dưới góc độ và ngôn từ của sự lý tưởng hóa. Vào thời điểm đó, có rất ít ý tưởng cách mạng cơ bản trong tư duy khoa học hầu đặt vấn đề về bức tranh lý tưởng hóa này, ít người trong giới trí thức nghi ngờ về khả năng mở rộng phương pháp vật lý sang các lĩnh vực tư tưởng khác – thậm chí sang các «khoa học đạo đức (tinh thần)» – và những thử nghiệm áp dụng các phương pháp vật lý vào hiện tượng xã hội còn đủ hiếm để cho phép hy vọng thấy những thành công nhanh chóng nổi lên, không bị kiềm chế bởi ý thức về những thất bại trước đó.
Trong một thời đại như vậy, những ẩn dụ toán học và vật lý học áp dụng vào xã hội – «hệ thống xã hội» và «cấu trúc xã hội» chẳng hạn – đã gây kinh hãi cho chính các nhà khoa học xã hội. Khi kết hợp với các phương pháp thống kê để phân tích thông tin chính thức (do La Place*, De Guerry, Quételet, và hàng trăm nhà thống kê đạo đức, thống kê y tế, vệ sinh học công cộng… khác phát triển), những ẩn dụ và phương pháp thống kê này đã tự chứng tỏ chúng là thứ ngôn ngữ xã hội hùng biện nhất đương thời trong văn hóa phương Tây. Trong một thời đại bị giằng xé bởi nhiều xung đột cơ bản trong tư tưởng xã hội, những cuộc xung đột được biểu thị rõ ràng qua vô số phong trào và cuộc chiến cách mạng, nhà xã hội học trung thực nào mà không gặp bối rối sâu sắc, bởi sự thiếu chắc chắn trong hành trình tìm hiểu con người và hành động của con người trong xã hội, bởi sự khó khăn thuyết phục cả các nhà xã hội học khác lẫn công chúng về sự đúng đắn hay không của bất kỳ một lập trường nào? Nhưng cả hai vấn đề đều có thể được giải quyết tốt nhất bằng sự sử dụng những ý tưởng và phương pháp của toán học và các khoa học vật chất: còn gì có thể chắc chắn hơn những ý tưởng và phát hiện dựa trên tiêu chuẩn cuối cùng của các phương pháp và tri thức khoa học? Còn gì có tính thuyết phục hơn chúng, đối với cả kẻ đồng môn phái lẫn đối thủ? Ai có thể phủ nhận chân lý của một phát hiện hay một giải thích rõ ràng là dựa trên các hình thức khoa học như vậy?
Auguste Comte, nhà phổ biến vĩ đại của phong trào khoa học xã hội (ít ra là ở châu lục) vào cuối thế kỷ XIX, đã bắt đầu sự nghiệp của mình như một nhà cải cách xã hội tận tụy, mãi về sau mới hiểu được rằng thuật hùng biện khoa học có thể là một đồng minh hùng mạnh đến mức nào cho tinh thần cải cách[11]. Nhưng ông vẫn mắc phải sai lầm cơ bản là từ chối công cụ hùng biện mạnh mẽ (và có thực chất) nhất của khoa học dưới các dạng toán học. Vì lý do này, và có lẽ vì cả lòng hăng say cách mạng của mình nữa, ông đã không trở thành một mẫu mực đối với hầu hết các nhà khoa học xã hội nghiêm túc hoặc các nhà hoạch định chính sách chính thức.
Émile Durkheim bắt đầu giống như Comte. Ông là một sinh viên triết học tại École normale. Các tác phẩm đầu tiên của ông thuộc lĩnh vực lịch sử, triết học và theo chương trình. Quyển Phân Công Lao Động Xã Hội quan tâm sâu sắc đến những xu hướng lịch sử của các xã hội phương Tây, và tới những vấn đề xã hội lớn đương thời, như ông nhìn thấy. Các công trình đầu tay này đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi xã hội học của Comte, bao gồm cả sự áp dụng cái tên còn bất thường là «xã hội học».
Trong các tác phẩm trước quyển Tự Sát này, Durkheim đã đưa ra những ý tưởng cơ bản của toàn bộ hệ thống triết lý xã hội của ông, cái phương pháp khoa học (thực chứng) cần được sử dụng để chứng minh tính chân lý của triết lý xã hội này, và sự cần thiết của một khoa học xã hội độc lập nhằm thực hiện sự chứng minh đó. Tất cả những gì cần phải làm bây giờ là bản thân sự chứng minh ấy, cái bằng chứng cuối cùng về triết lý, phương pháp, và khoa học chuyên biệt này. Tự Sát chính là cái bằng chứng của thống kê đạo đức đó. Và nó thực sự là tràng hùng biện mạnh mẽ trong mắt những người có thiện cảm.
Xén đi cái lý thuyết về người trung bình[12] của nó nhằm củng cố cho giả định trước đây của Durkheim về sự tách rời có tính bản thể giữa xã hội với cá nhân, lập luận của Adolphe Quételet đã chứng minh rằng hệ thống xã hội là nguyên nhân cơ bản của hành động xã hội, và phải được nghiên cứu một cách độc lập bằng ngôn ngữ của những tỷ lệ thống kê. Nhiều công trình thống kê-đạo đức đã cung cấp bằng chứng khoa học, hiển nhiên tựa như sự vật, về tương quan thống kê giữa hiện tượng tự sát và các hiện tượng xã hội khác, và tất cả đều có thể được chỉ ra bằng phân tích thích hợp để chứng minh cho triết lý xã hội tổng quát của Durkheim. Và sức mạnh thuyết phục của các hình thức thống kê sẽ khiến những kẻ chế giễu phải câm lặng.
Ở Pháp, những người không phải là đệ tử của Durkheim thường công nhận rằng các quan tâm triết học, thậm chí là siêu hình học, nắm ưu thế trong trước tác của ông, rằng những sự kiện đã được sử dụng một cách hùng biện, nhằm biện minh cho những ý tưởng siêu hình đã trở thành định kiến nơi ông. Felix Pecaut đã khéo léo gọi hệ thống triết học của Durkheim là một thứ «chủ nghĩa duy linh khoa học»[13], và phân tích xuất sắc của Roger Lacombe trong quyển Phương Pháp Xã Hội Học Của Durkheim đã dẫn ông tới kết luận rằng «bận tâm với ý muốn giải quyết những vấn đề trọng yếu về triết học, Durkheim không thể nào giải phóng khoa học xã hội, dù ông đã cố gắng bao nhiêu đi nữa để tạo cho nó sự độc lập. Ông ta không thể rũ bỏ bộ áo nhà siêu hình học. Vì vậy, tác phẩm của ông đã hiện ra trước mắt chúng ta hoàn toàn như vừa là một lý thuyết triết học, vừa là một công trình khoa học»[14]. Ngay cả Halbwachs cũng thừa nhận rằng quyển Tự Sát đôi khi có sức thuyết phục nhờ tính «biện chứng» nhiều hơn là những con số thống kê[15].
Xã hội học Mỹ trong những thập kỷ gần đây hầu như không biết tới nhà siêu hình Durkheim này. Ý tưởng là dị giáo, một kiểu nào đấy. Nhưng không phải luôn luôn như vậy.
Jack D. Douglas,
Nguồn Gốc Tư Duy Thống Kê Xã Hội
(The Origins of Statistic Social Thought,
Trg: The Phenomenon of Sociology,
New York: Appleton-Century Crofts, 1971, tr . 45-49.
[1] Jack D. Douglas (1937-….): nhà xã hội học người Mỹ. Tác phẩm chính: The Social Meanings of Suicide (1967, 1973); Youth in turmoil (1970); Investigative social research (1976); Existential sociology (1977); The myth of the welfare State (1989). Chủ biên: Deviance and respectability (1970); Understanding everyday life (1974); Everyday life (2010).
[2] Xem: E. A. Burtt, The Metaphysical Foundations of Modern Science (New York: Doubleday, 1954); Jack D. Douglas, «The Sociological Analysis of Social Meanings of Suicide», Archives Europeennes de Sociologie 7 (1966, tr. 249-75); và ]ack D. Douglas, «Suicide: The Social Element», International Encyclopedia of the Social Sciences (New York: Macmillan, 1968).
[3] «Chuỗi hữu thễ vĩ đại» (La-tinh: Scala Naturae, «Ladder of Being = Bậc Thang Hữu Thể») là một khái niệm được rút ra từ Platōn, Aristotelēs (Historia Animalium), Plōtinos và Proklos. Được triển khai thêm suốt thời Trung Cổ, khái niệm đạt tới ý nghĩa đầy đặn nhất trong học thuyết Tân-Platon. Giới tín hữu Ki-tô giáo Trung Cổ tin rằng đây là một cấu trúc thứ bậc của cả sự sống lẫn vật chất, được Thượng Đế ban xuống. Từ tột đỉnh là Thượng Đế, ngay nấc dưới là các Thánh Thần (hoàn toàn là tinh thần, không có cơ thể vật chất, do đó, không bao giờ thay đổi), chuỗi hữu thể hạ dần xuống và nối liền với mọi giới khác: con người (có cả tinh thần và vật chất, nên có sống có chết, bản chất là vô thường), động vật và thực vật, tận cùng dưới đáy là những thứ chỉ là vật chất. Như vậy, hữu thể càng ở trên cao càng có nhiều thuộc tính, kể cả những thuộc tính của mọi cấp bên dưới. Tuy nhiên, trong đầu của người Trung Cổ, có một ngoại lệ về tính không biến đổi của hữu thể vật chất trong giới khoáng vật, vì họ tin rằng thuật giả kim có khả năng biến những kim loại thấp kém hơn thành bạc hoặc vàng. Xem: A. O. Lovejoy, The Great Chain of Being (New York: Harper, 1952).
[4] Một trong các nguồn tốt nhất về điểm này là: Antonio Gabaglio, Teoria Generale delia Statistica : Parte Storica, Vol. I (Milano: Hoepli, 1888), tr. 1-36.
[5] F. Pecaut, «Un Spiritualisme scientifique», Revue de L'Enseignement Français (Paris, 1920 ), tr. 49-57.
[6] Roger Lacombe, La Méthode sociologique de Durkheim (Paris: Alcan, 1926).
[7] Adolphe Quételet, Sur l'homme et le développement de ses facultés ou Essai de physique sociale (2 q., 1832-1835).
[8] Một công trình nghiên cứu gần đây về việc xây dựng và sử dụng loại ghi nhận này là: Aaron Cicourel, The Social Organization of Juvenile Justice (New York: Wiley, 1968).
[9] Xem Terry Clark, «Discontinuities in Social Research», History of the Behavioral Sciences 3 (January 1967), tr. 3-16.
[10] Về cuộc tranh luận chung quanh ý tưởng «giai tầng nguy hiểm» này, xem: L. Chevalier, Classes laborieuses et classes dangereuses à Paris (Paris: Plon, 1958).
[11] Xem: F. A. Hayek, The Counter-Revolution of Science (Glencoe, Ill.: Free Press, 1952).
[12] Xem trên trang mục này khi có thể tham khảo: André Quételet, Con Người Trung Bình và các bài liên quan.
[13] F. Pecaut, «Un Spiritualisme scientifique», Revue de L'Enseignement Français (Paris, 1920 ), tr. 49-57.
[14] Roger Lacombe, La Méthode sociologique de Durkheim (Paris: Alcan, 1926).
[15] M. Halbwachs, Les Causes du suicide (Paris: Felix Alcan, 1930), tr. 30.