«SỰ SỐNG KHÔNG TỒN TẠI» (E. KAHANE, 1962)

LM : 15-12-2022
Từ khoá : Sự sống (Khái niệm)

 C2

«SỰ SỐNG KHÔNG TỒN TẠI» (1962)

Tác giả: Ernest Kahane
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Dưới khẳng định nghịch lý đầy khiêu khích – Sự Sống không tồn tại! – này, Ernest Kahane[1] thật ra chỉ đặt dấu nhấn trên điểm gặp nhau của hai luận thuyết: quy giản luận* trong sinh học (những biểu hiện của sự sống có thể được giải thích bằng các quy luật vật lý và hoá học ở cơ sở) và duy vật biện chứng trong triết học của Marx-Engels (sự sống là phương thức vận động của vật chất khi đạt tới mức độ phức tạp và tổ chức phù hợp).

*

Hãy đi trước một vài thế kỷ hay thiên niên kỷ. Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đã tạo ra được một hệ thống nhân tạo có khả năng lặp lại một hệ thống sống điển hình nào đấy, bao gồm cùng những chất thể và được sắp xếp theo cùng một cách như vậy. Liệu nó có phải là một hệ thống sống chăng? Không phải, nếu nó vẫn ở trạng thái yên nghỉ. Phải, nếu được đặt trong một môi trường và những điều kiện thích hợp, nó phát động một chuỗi phản ứng, và qua quá trình tự đổi mới, tự tái tạo, tự điều chỉnh, chuỗi phản ứng này đảm bảo được cho hệ thống khả năng tự bảo tồn.

Khó khăn nằm ở đây. Hệ thống nhân tạo sẽ là ‘sống’ khi chuyển động được kích hoạt trong nó, sẽ là ‘không sống’ khi chuyển động chưa được kích hoạt. Tuy nhiên, trước và sau sự kích hoạt này, nhìn từ quan điểm thành phần vật chất và cấu trúc, hai hệ thống là giống hệt nhau. Nó trơ trơ hay sống động tùy thuộc vào việc nó có nhận được hay không một cái gì đó từ nơi khác, xa lạ với nó, cái mang lại xung lực sống.

[…]

Công thức đáng ngưỡng mộ của Friedrich Engels sẽ là kim chỉ nam cho chúng ta: sự sống là phương thức vận động của vật chất khi đạt tới mức độ phức tạp và tổ chức phù hợp. Nếu bản sao nhân tạo của sinh vật sống là chính xác, nếu về thành phần và cấu trúc, nó lặp lại được cái hệ thống vật chất là mô hình của nó, thì không có kết quả nào khác, hệ thống mới chẳng thể nào không thể hiện phương thức vận động tương ứng với mức độ tổ chức của nó.

Tự nó, hệ thống tự lay chuyển, tự đổi mới, tự tái tạo và đảm bảo sự điều hành của nó dựa vào môi trường bên ngoài. Đối với một hệ thống như vậy, dù nó là tự nhiên hoặc nhân tạo (hay để nói đúng hơn, là tự phát hoặc được chế tạo), không có phương thức tồn tại nào khác ngoài phương thức tồn tại mà chúng ta gán cho cái tên là sự sống.

[...]

Quan sát khoa học cho chúng ta thấy những sinh vật, vật chất sống, những hiện tượng sống, nên chúng ta vội vàng định nghĩa và nghiên cứu các đặc điểm của chúng. Không có gì cho phép ta nghĩ rằng chúng tuỳ thuộc vào sự can thiệp của một hơi thở[2], vào một nguyên lý nào đó, không thể được quy giản* vào những định luật của thế giới vật chất và sự diễn giải khoa học chúng.

Phương pháp của chúng tôi dựa trên sự tiết kiệm các phương tiện. Nó muốn rằng chúng ta chỉ mời gọi một khái niệm đặc biệt hay bổ sung như phương sách cuối cùng, nếu nó tự áp đặt lên ta với sự hiển nhiên, hoặc nếu nó là thiết yếu cho việc xây dựng một hệ thống, và chỉ khi nào ta đã sẵn sàng, nghĩa là đã được trang bị để kiểm tra nó  bằng thí nghiệm.

Tri thức của ta về những hiện tượng sống đã được nâng cấp đủ cao để chúng ta bắt đầu biết các đặc điểm của chúng, và thấy đặc trưng của chúng trong sự phụ thuộc vào một cơ cấu vật chất với mức độ phức tạp và tinh tế kỳ diệu. Bên ngoài các cơ cấu như vậy, ta không thấy một biểu hiện nào gọi là những hiện tượng của sự sống, và rốt cuộc chúng ta buộc phải xem các hành vi sống vừa như điều kiện, vừa như hậu quả của sự tiến hóa đã dẫn đến những cấu trúc này mà thôi.

Quan hệ thiết yếu này, sự tương liên chặt chẽ này, dường như là yếu tố cơ bản của một thứ quyết định luận đặc thù chủ trì loại hiện tượng mà sinh vật sống là trung tâm.

Cho đến khi có bằng chứng trái ngược, không có một nguyên lý sống, một chất sống, một lực sống nào cả. Cho dù đã tìm kiếm bao lâu và bao xa, chúng ta cũng chỉ thấy cùng những định luật đang chi phối phần còn lại của tự nhiên, chúng chỉ đơn giản được thích nghi vào sự phức tạp – về thành phần, cấu trúc và chức năng – của những vật thể ta gọi là sinh vật.

Chúng ta có thể từ bỏ sự sử dụng thuật từ sự sống để đặc trưng hoá phương thức tồn tại và hoạt động này – phương thức cao cấp của vận động vật chất – và chính theo nghĩa này mà chúng tôi đã tạo ra khẳng định nghịch lý: Sự Sống [viết hoa] không tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có tự do chỉ định dưới cái tên sự sống mọi biểu hiện cụ thể ở mức độ cao của sự tổ chức mà những sinh vật thể hiện, và trong ý nghĩa này, chúng tôi công nhận như một sự hiển nhiên là sự sống [viết thường] tồn tại.

Để tránh lẫn lộn, lúc đó cần phải xác định ý nghĩa hạn chế được đưa ra cho từ sự sống. Ý nghĩa hạn chế này được đề xuất bởi đại đa số các nhà sinh vật học – các nhà duy vật do thiết yếu khoa học, và cũng bởi khá nhiều triết gia – các nhà duy vật do lựa chọn. Nhưng đối với một bộ phận lớn trong công chúng, đối với nhiều nhà triết học và một số nhà khoa học, quan niệm khoa học về sự sống này ở vào thế phải cạnh tranh với sức ép của cả một truyền thống nặng trĩu tính siêu hình học. Chính là trong một nỗ lực để chống lại sự lẫn lộn trên mà tác phẩm này mang tựa đề: Sự Sống không tồn tại!

Ernest Kahane,
Sự Sống Không Tồn Tại!,
(La Vie n'existe pas!,
Paris, Ed. Rationalistes, 1962,
tr. 223-224, 228-229, 252-254.


[1] Ernest Kahane (1903-1996): nhà hoá sinh học người Pháp theo chủ nghĩa Marx. Tác phẩm: L'Action de l'acide perchlorique sur les matières organiques et ses applications analytiques (1934), Biochimie de la choline et de ses dérivés (với  Jeanne Lévy, 1938), Pasteur (1957), Pierre Teilhard de Chardin (1960), Claude Bernard (1961), La vie n'existe pas! (1962), Dictionnaire rationaliste (1964), Les Détectives de la science (với Jean Salvinien, 1968), Lavoisier (1974), Parmentier (1978), Boussingault entre Lavoisier et Pasteur (1988).

[2] «Hơi thở» hay «nguyên lý» là các từ khác để chỉ «sinh lực» hay «sức sống» (vital force = force vitale; vital impetus=élan vital), những thuật từ căn bản của trường phái sinh lực luận (vitalism = vitalisme, do vis vitalis trong tiếng La-tinh). Sinh lực luận là học thuyết cho rằng, sinh vật sống khác cơ bản với những vật thể không có sự sống ở chỗ chúng chứa một hay vài yếu tố phi vật chất, hoặc bị chi phối bởi các nguyên lý khác với loại vật thể sau. Riêng về hơi thở, xem trên trang mục này khi có thể tham khảo: Lavoisier (Antoine de), Sự Hô Hấp.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa