SỰ SỐNG (ARISTOTELÊS, khg 335-323 tCn)

LM : 15-9-2020 ; CN : 15-12-2022
Từ khóa : Sự sống (Khái niệm) 
Hy Lạp – tk IV tCn 
; Aristotelēs – Trích đoạn

C1

SỰ SỐNG
(khg 335-323 tCn)

Tác giả: Aristotelēs,
Bản tiếng Pháp: Jules Barthélémy Saint-Hilaire,
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ta thường nghe rằng đối tượng của sinh học là sự sống. Nhưng sự sống là gì? Câu hỏi này đã phân chia các nhà sinh học thành hai khuynh hướng mà đường ranh chính là sự kiện có thể hoặc không thể định nghĩa được bí ẩn này.

Dưới đây là một trích đoạn của Aristotelēs, người phát ngôn đầu tiên của khuynh hướng thứ nhất.

*

Như vậy, ta đặt như điểm khởi đầu cho cuộc điều tra của chúng ta rằng sự sống chính là cái phân biệt vật sinh động với vật bất động. Nhưng từ sự «sự sống» có nhiều nghĩa, và chỉ cần một trong các nghĩa này được thể hiện nơi một chủ thể là chúng ta có thể nói rằng nó sống [là một sinh vật]: chẳng hạn như trí tuệ, cảm giác, sự chuyển động và tĩnh yên tùy cơ địa, hoặc vận động dinh dưỡng (sự tăng trưởng và suy vong). Chính bởi nghĩa [cuối cùng] này mà mọi loài thực vật dường như đều có sự sống, bởi vì trong hiện thực, có vẻ như chúng đều mang trong bản thân một năng lực và một nguyên lý qua đó chúng nhận được sự tăng trưởng và suy vong theo các hướng cục bộ trái ngược. Thật vậy, chúng không chỉ tăng trưởng lên phía trên và loại trừ hẳn phía dưới, mà theo cả hai hướng như nhau; do đó, chúng phát triển dần dần về mọi phía, và khi nào còn có thể hấp thụ thức ăn thì chúng còn tiếp tục sống như vậy. Khả năng này có thể được tách rời khỏi các năng lực khác, mặc dù những năng lực khác không thể tách rời khỏi nó, ít ra nơi những sinh vật có thể chết. Thực tế này là hiển nhiên ở giới thực vật, vì chúng không sở hữu một bộ phận nào khác của linh hồn. Do đó, chính bởi nguyên lý này mà mọi sinh vật đều có sự sống. Còn đối với động vật, thì chính cảm giác là cái nằm ngay tại cơ sở tổ chức của nó: thực vậy, những sinh vật dù không cử động và không di chuyển được miễn là có cảm giác, chúng ta đều gọi chúng là động vật chứ không chỉ là sinh vật nữa. Bây giờ, trong số những cảm giác khác nhau, có một cảm giác thuộc về mọi loài động vật trước tiên: đấy là xúc giác. Và giống như khả năng dinh dưỡng có thể được tách rời khỏi xúc giác và mọi cảm giác khác, bản thân xúc giác cũng có thể được tách rời khỏi các cảm giác và giác quan khác như vậy (chúng ta hiểu khả năng dinh dưỡng là cái bộ phận của linh hồn mà bản thân cây cỏ cũng cùng chia sẻ; còn động vật thì rõ ràng là chúng đều có xúc giác). Nhưng tại sao lại như thế ở mỗi trường hợp trên, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Hiện giờ, chúng ta hãy tạm nói rằng linh hồn là nguyên lý của các chức năng mà chúng ta đã chỉ ra, và được xác định bởi chúng, cụ thể là các khả năng: dinh dưỡng, cảm xúc, suy tư và chuyển động.

Aristotelēs,
Về Linh Hồn
(Peri Psychēs = De l'âme,
II, 2, 413 a-b).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa