SỰ KIỆN XÃ HỘI HỌC SƠ ĐẲNG (G. TARDE, 1894)

Đưa lên mạng ngày 01-11-2020
Từ khóa: Sự kiện (Khái niệm) – Xã hội học ;
Nhóm xã hội (Khái niệm) – Xã hội học ;
Bắt chước – Tâm lý xã hội học ;
Gia đình – Xã hội học ; Xã hội học vi mô ; 
Tâm lý học và Xã hội học ; Tarde, Gabriel – Trích đoạn

C2

SỰ KIỆN XÃ HỘI HỌC
SƠ ĐẲNG
(1894)

Tác giả : Gabriel Tarde[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Gabriel Tarde* và Émile Durkheim* là hai nhà xã hội học đầu đàn trong thời kỳ xây dựng môn học này ở Pháp (cuối thế XIX - đầu thế kỷ XX). Do trường phái duy xã hội luận (sociologism)[2] của Durkheim và môn đồ nắm vai trò thống trị ở các đại học, quan điểm của Tarde đương thời không phát triển nổi trên quê hương của ông, nhưng lại được hưởng ứng nhiều ở Hoa Kỳ, nơi ông được xem là một trong những tác giả đã khai sinh ra bộ môn tâm lý xã hội học (social psychology).

Ngày nay, ngay tại Pháp, uy tín và vai trò của Tarde như nhà xã hội học cũng được phục hồi, thông qua những tác phẩm đã tái bản: ông được xem là nhà xã hội học tiên phong trong khuynh hướng xã hội học vi mô (microsociology), của trường phái tương tác biểu trưng (symbolic interaction) và cá nhân luận phương pháp (methodological individualism).

*

[Bài viết này đã được tác giả đọc trong phiên họp tối thứ Tư ngày 3 tháng 10 năm 1894, tại Hội Triết Học]

Như vậy, chúng ta hãy tự hỏi: 1°) sự kiện hay đúng hơn các sự kiện xã hội sơ đẳng là gì, và đặc trưng của nó (chúng) là gì?; 2°) hữu thể hay đúng hơn các hữu thể xã hội sơ đẳng là gì và – bởi vì hữu thể ở đây chỉ tập hợp – các nhóm xã hội sơ đẳng là gì?

Trước hết, hãy xử lý vấn đề đầu tiên. Tôi từng trả lời câu hỏi này khá dài và từ lâu rồi, trở lại nó là điều tôi chẳng thích gì; nhưng vì giải đáp tôi đã đưa ra thường không được hiểu rõ lắm, nên hãy cho phép tôi nói thêm đôi lời về nó. 

Sự kiện cơ học sơ đẳng là gì? Phải chăng là sự chuyển động?   Không, cũng như sự kiện xã hội sơ đẳng không phải là ý thức. Ý thức là định đề của xã hội học, cũng như chuyển động là định đề của cơ học. Sự kiện cơ học sơ đẳng là sự truyền tải hoặc biến đổi  bất kỳ của một chuyển động cụ thể nào, bởi tác động của một phân tử hoặc một khối lượng trên một phân tử hoặc một khối lượng khác; đặc biệt, sự kiện thiên văn học sơ đẳng là sự hấp dẫn của một tinh cầu đối với một tinh cầu khác, đồng thời cũng là hiệu ứng của những hấp dẫn lặp đi lặp lại này, [tức là] sự chuyển động tự lặp lại theo hình ê-lip của các thiên thể. Tương tự, sự kiện xã hội sơ đẳng là sự giao tiếp hoặc biến đổi trạng thái ý thức bằng hành động của hữu thể có ý thức này đối với một hữu thể có ý thức khác.

Nhưng bản chất của hành động này là gì? Hãy nói rõ hơn. Không phải tất cả những gì các thành viên của một xã hội làm đều mang tính xã hội học cả. Nhiều hành động của họ, tôi muốn nói hầu hết, hoàn toàn là sinh lý, thậm chí là thuần túy tâm lý [...] Nhưng trò chuyện với ai đó, cầu nguyện một vị thần, dệt quần áo, cưa xẻ cây, đâm chém kẻ thù, đẽo khắc đá,… đấy là những hành động xã hội, bởi vì chỉ có con người trong xã hội mới hành động theo cách này, và nếu không có ví dụ về những người khác mà hắn đã cố ý hoặc vô tình sao chép từ lúc còn trong nôi, thì hắn cũng sẽ không hành động như vậy. Trên thực tế, đặc trưng chung của mọi hành vi xã hội là sự bắt chước. Chỉ chúng mới có đặc tính này; và khi một hành động thông thường mang tính sinh vật hoặc tinh thần trở thành xã hội do ngoại lệ, thì chính là trong tính cách nó đã nhận được một dấu ấn đặc biệt từ sự bắt chước [...] Còn đối với những hành động bao gồm một sáng kiến ​​mới, một khám phá hoặc phát minh lớn hay nhỏ, thì chúng chỉ rời khỏi phạm vi cá nhân để bước dần vào thế giới xã hội trong chừng mức là chúng  lan truyền dần như ví dụ, và rơi dần vào lĩnh vực công cộng.

Như vậy, đây là một đặc trưng rõ ràng và, hơn nữa, khách quan. Bởi vì trước tiên, tôi không quan tâm tới động lực của hành vi; nó có thể bắt nguồn từ thiện cảm hoặc thậm chí ác cảm, từ ganh ghét hoặc ngưỡng mộ, từ sự phục tùng ngoan ngoãn hoặc một tính toán lý trí và tự do; bất kể từ đâu, bỏ ra ngoài yếu tố chủ quan, cái còn lại là cùng một sự kiện khách quan.

[Sau khi nhắc lại luận điểm của địch thủ – theo Émile Durkheim, sự kiện xã hội bắt nguồn từ tập hợp trước khi tự áp đặt lên cá nhân – Tarde tiếp tục]:

Sự thật là bất kỳ một sự vật xã hội nào, một từ vựng ngôn ngữ, một nghi thức tôn giáo, một bí mật nghề nghiệp, một phương pháp nghệ thuật, một điều luật, một châm ngôn đạo đức, tất cả đều được truyền tải và chuyển dịch, không phải từ nhóm xã hội xem như tập thể sang cá nhân, mà thật ra là từ một cá nhân – cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp – sang một cá nhân khác, và thật sự là, trong cuộc di chuyển từ tinh thần này sang tinh thần khác, nó biến dạng [như hiện tượng khúc xạ]. Tất cả mọi biến dạng  từ một xung lực ban đầu này – do một nhà phát minh, người khám phá, nhà cải tiến, người chỉnh sửa nào bất kỳ, ẩn danh hay tăm tiếng –… chúng là toàn bộ hiện thực của một sự kiện xã hội tại một thời điểm nhất định; một hiện thực luôn luôn thay đổi như mọi hiện thực, thông qua những sắc thái khó nhận thấy. Nhưng điều này không ngăn cản những biến thiên cá nhân ấy cùng phát tán một kết quả chung hầu như không đổi; chính sự kiện này đã đập vào mắt ta trước tiên, và có thể làm nảy sinh cái ảo tưởng về tính bản thể nơi ông Durkheim. Bởi vì, không còn nghi ngờ gì nữa, nhà văn bác học này đã nỗ lực thay thế phần tâm lý học mà ông bài bác trong xã hội học bằng một thứ bản thể học kinh viện thực sự.

[Tiếp theo là một đánh giá dài 9 trang viết tay về xã hội học của Durkheim].

Xin thêm đôi lời về các đặc tính được cho là bên ngoài và xa lạ với những cá nhân. Toàn bộ hệ thống này dựa trên một sự lập lờ nước đôi. Từ sự kiện là ngôn ngữ của tôi, luật pháp của tôi, nghề nghiệp của tôi, tôn giáo của tôi đều tồn tại trước tôi, và tồn tại bên ngoài tôi – ít nhất là trong một ý nghĩa ẩn dụ nào đó của các từ bên ngoài –, và từ sự kiện là chúng ta có thể nói y hệt như vậy về mỗi thành viên của một xã hội xét riêng biệt, liệu chúng ta có thể rút ra kết luận rằng một ngôn ngữ, một tôn giáo, một nền luật pháp, một ngành công nghiệp, v. v… có thể được xem là tồn tại độc lập với những người nói ngôn ngữ này, thực hành tôn giáo này, tuân thủ nền pháp luật này, thực hiện ngành công nghiệp này chăng? Nếu chúng ta có thể nói rằng những thiết chế xã hội này là độc lập với mỗi thành viên, theo nghĩa là, nếu thành viên này biến mất, chúng cũng vẫn sẽ không biến mất, thì phải chăng chỉ đơn giản là vì, dù không có hắn ta, sự hiện diện của chúng vẫn là hiện thực TRONG ý thức hoặc trí nhớ của mọi thành viên khác? Tôi nói trong, bởi vì chúng nằm sâu bên trong chứ không hề ở bên ngoài họ; và nếu lúc  đầu chúng là bên ngoài đối với mỗi thành viên mới chưa từng tham gia vào tập hợp, thì chúng sẽ dần dần thực sự thâm nhập vào anh ta theo mức độ anh thu nhận chúng vào bản thân mình, và kết thúc bằng cách trở thành những gì mật thiết, riêng tư và quý giá nhất đối với anh ta.

[...] Trong xã hội học, do một đặc cách riêng, chúng ta có tri ​​thức sâu sắc về cái yếu tố vốn là ý thức cá nhân của ta, cũng như về cái hợp chất là sự tập hợp của các ý thức, và ở đây, không ai có thể khiến chúng ta nhầm lẫn chữ nghĩa với sự vật. Thế nhưng, trong trường hợp này, ta thấy rõ rằng xã hội không là gì cả một khi loại trừ cá nhân ra, rằng không có gì, hoàn toàn không có gì trong xã hội mà không tồn tại ở trạng thái phân mảnh và trong sự lặp đi lặp lại liên tục nơi những cá nhân đang sống, hoặc từng tồn tại trong những người đã chết nhưng từ họ những kẻ đang sống này được sinh ra.

Tôi nói rằng đấy là một đặc cách, bởi vì ở mọi yếu tố  khác, chúng ta hoàn toàn không biết chi về những gì xảy ra nơi thâm sâu của nó. Có gì ở đáy sâu của cái phân tử hóa học, của cái tế bào sống? Chúng ta hoàn toàn không thể biết được. 

[Sau một phê phán khác về lập trường khoa học của Durkheim, Tarde đề xuất các quan điểm triết học của ông, theo định hướng một chủ thuyết đơn tử mới].

Hãy lưu ý tới cái định đề to tướng bao hàm trong các ý tưởng phổ thông mà ông Durkheim dựa vào để biện minh cho quan niệm huyền ảo của mình; định đề đó cho rằng cái quan hệ đơn giản giữa nhiều hữu thể có thể tự nó trở thành một hữu thể mới, và thường là vượt trội hơn với những hữu thể khác kia[3]. Thật là lạ lùng khi ta thấy những đầu óc lúc đầu tự cho mình là thực chứng,  là làm việc có phương pháp, là khoa học trước hết, bây giờ lại săn đuổi khắp nơi chính cái bóng của chủ nghĩa thần bí, và bám chặt vào một ý niệm huyền ảo như vậy.

Thế nhưng, trong trường hợp duy nhất mà các yếu tố được chúng ta biết, chúng tôi quan sát thấy rằng chúng mang trong lòng lời giải thích hoàn chỉnh, và sự tồn tại trọn vẹn của cái phức hợp. Phải kết luận như thế nào đây? Rằng chúng ta phải, bằng một suy luận hoàn toàn trái ngược với học giả đối thủ, suy ra rằng mọi trường hợp khác cũng đều phải giống như vậy. Và nếu cả tôi nữa, tôi cũng dám đẩy ý tưởng này đến cùng, nếu tôi cũng mạo hiểm chỉ ra cái khả năng tổ chức lại khoa học phổ quát trong cảm hứng xã hội học, thì có lẽ, đến lượt mình, tôi cũng sẽ bị dẫn vào những bí ẩn kiểu như thế giới các đơn tử của Leibniz chẳng hạn, nơi mà ngày nay tư duy của các ngành nghiên cứu từ bao đại lộ đều có vẻ như đang hội tụ. Lúc đó, có thể tôi cũng sẽ bị thúc đẩy để nói rằng, giữa cái huyễn hoặc bản thể học của Durkheim và giả thuyết đơn tử mới của chúng tôi, ta phải chọn; rằng cái trước phải bị vất bỏ, bởi quan điểm sau đã tự áp đặt [...].

Do đó, như Auguste Comte*, như John Stuart Mill*, như Herbert Spencer*, chúng ta hãy hỏi khoa tâm lý học, nhưng là môn tâm lý học tập thể và môn tâm lý học tích lũy này – môn tâm lý học của những người đã khuất vốn gọi là lịch sử này – về cái bí mật của xã hội học [...].

Sau khi đã tìm hiểu xem bản chất của sự kiện xã hội cơ bản là gì, dù một cách tôi thú nhận là không đầy đủ, chúng ta hãy hỏi: bản chất của nhóm xã hội cơ bản là gì. Đây không phải là cùng một vấn đề. Sự thật là mọi hành vi xã hội – nói năng, tuyên xưng tín ngưỡng, làm việc, vâng lệnh, nhảy múa, ca hát, v. v... – đều bao hàm một quan hệ bắt chước giữa người đời với nhau, một số là người mẫu, những người khác là kẻ bắt chước, hoặc tất cả đều là kẻ sao chép, song gắn kết vào một khuôn mẫu cổ xưa chung [...].

Nhưng một nhóm được hình thành từ mỗi liên kết nói trên, xét   biệt lập, chỉ có một hiện thực không đầy đủ và trừu tượng; một nhóm cụ thể và sống động giả định sự chồng chất của nhiều nhóm, một bó những liên kết như vậy, giống như một sợi dây được tạo thành từ nhiều sợi xoắn tích hợp. Như thế vẫn chưa đủ. Để nhóm có được sự linh hoạt và phong phú, ít ra và ngay từ đầu, nó phải thêm vào các loại bắt chước khác nhau này một cái gì khác nữa, đó là hành động của sự di truyền, của quan hệ máu mủ, đúng thực hoặc hư cấu, cần thiết để gắn kết mọi thứ lại với nhau. Như vậy, giống như chúng ta đã phải định nghĩa sự kiện xã hội bằng thứ ngôn từ cơ bản là tâm lý học, bây giờ ta cũng buộc phải định nghĩa nhóm xã hội bằng thứ ngôn từ vừa tâm lý vừa sinh lý học, nhằm phơi trần gốc rễ sâu xa của chúng trong tinh thần và trong cuộc sống.

Tôi có nên nói rằng nhóm xã hội cơ bản là gia đình chăng? Đây   sẽ là một sự táo bạo lớn lao về phía tôi, bởi không có gì là lỗi thời và bị các nhà xã hội học nhìn xuống rẻ rúng hơn là giải pháp đơn giản này...

Đối với Ô. Durkheim, hẳn ông ta sẽ xua đuổi dứt khoát mọi can dự của một ý niệm sinh học vào môn xã hội học tinh tế mà ông đang thêu dệt. Đối với ông, nhóm xã hội cơ bản không phải là gia đình, nó là thứ bầy lũ được tập hợp bất kỳ cách nào mà vẫn liên kết được, chẳng ai biết như thế nào và vì sao...

Phải thừa nhận rằng nhóm, gia đình, tự bản thân nó là một cái gì đó rất mơ hồ và không xác định, nếu không có một yếu tố khác lạ nào để xác định và giới hạn.

Chúng ta thấy ở khắp nơi chuỗi liên kết sống còn giữa các thế hệ. Nó ràng buộc, thắt chặt mạnh mẽ từng bó quan hệ xã hội thành các nhóm cụ thể, hiện thực, linh hoạt.

... Không có các gia đình, sẽ không thể có băng nhóm, bầy đàn, bộ lạc, quân đoàn nào hết cả...

(Chúng ta đang nói về) gia đình, hãy nói các hộ gia đình thì đúng hơn. Ở mọi thời điểm và trên mọi châu lục, tại thế giới cũ cũng như nơi thế giới mới, một dân số nào bất kỳ luôn luôn xuất hiện trước mắt ta như được phân bố trong những ngôi nhà, hoặc, ở một thành phố lớn như Paris, cái cũng tương đương với nhà ở, trong các căn hộ tách biệt và riêng rẽ.

Như vậy, gia đình là chiếc nôi của sự bắt chước, bởi vì động lực bắt chước đầu tiên và luôn luôn chính yếu là thiện cảm, tin cậy thậm chí cả tin, mà nếu không có sự chân thực và yêu kính trong gia đình, không có sự tận tâm của bà mẹ, không có sự dịu dàng giữa những người trong nhà, sẽ không bao giờ xảy ra được. Nghĩ rằng với sự tiến bộ của nền văn minh, với sự nảy nở của những nhóm hời hợt sinh ra từ đời sống công nghiệp và chính trị, giá trị xã hội của những gắn bó sâu sắc này, tầm quan trọng của các nhóm tự nhiên này sẽ suy giảm đi, sẽ là một sai lầm nghiêm  trọng. Thật ra, khác xa quan điểm này, trở thành người văn minh có nghĩa là cảm thông hơn mỗi ngày; lĩnh vực xã hội rộng lớn hơn muốn có một trái tim con người tốt lành hơn, mềm dịu hơn, rộng lượng hơn; như một khu vườn lớn hơn cần được tưới nhiều nước hơn; và chúng ta đi tìm chúng ở đâu, nếu không phải bằng cách múc ngày càng sâu hơn từ cái nguồn duy nhất không bao giờ cạn kiệt này? Như vậy, rõ ràng là, với cùng một số dân như nhau, bằng cách đơn giản hóa, tán nhỏ hiện tượng đại gia đình, nền văn minh đang nhân lên các hộ, các bếp lửa gia đình, thuần nhất chúng, củng cố chúng thông qua khía cạnh dịu dàng và thiết yếu nhất của chúng!

(Sau đó), phẩm chất hay đức tính gắn liền với quan hệ huyết thống không biến mất, thậm chí cũng không suy giảm, mà nó đã phát triển như những lực lượng được cho là mới này, nhưng trong thực tế, là đồng thời với nó (kể cả những nhóm nghề nghiệp).

[Đến đây, Tarde phát triển ý tưởng này và mở rộng nó tới loại nhóm chuyên nghiệp].

... Nhóm chuyên nghiệp đã luôn luôn phát triển từ đấy, từ lúc còn phôi thai trong gia đình nguyên thủy, cho đến khi thành những  công đoàn to lớn của chúng ta ngày nay...

… Còn quốc gia hiện đại, mặc dù có khả năng phát triển bằng con đường nhập tịch nhưng lại sử dụng nó tương đối ít, liệu quốc gia có là cái gì khác hơn là một gia đình rộng lớn, một cây phả hệ mênh mông chăng?

... Sự phát triển dần dần của vòng xã hội di truyền [gia đình] đã được thực hiện cùng một lúc với sự mở rộng của vòng nghiệp vụ.

... Ngay từ đầu, sự kiện sống trong cùng một hang động hoặc nhà sàn, sau đó trong cùng một lều trại, sự kiện đi qua cùng một khu vực như kẻ du mục mỗi ngày, rồi tới các chuyến viễn du định kỳ không đổi,… tất cả đều đã được thêm vào – chứ không phải thay thế, như Summer Maine[4] đã lầm tin – sự kiện có cùng một dòng máu trong huyết quản, để tạo thành nhóm xã hội....

Như vậy, từ sâu trong nguyên tắc, cái ý tưởng quốc gia, ý tưởng quê hương, ý tưởng giai cấp, ý tưởng Giáo hội, ý tưởng Nhà nước,… đều cùng tồn tại, để sẽ được triển khai, phơi bày rõ nét cùng một lúc. Đấy là một hiện thực cụ thể và sống động, đối tượng của mọi công trình nghiên cứu của chúng ta, và do đó, không chỉ các sử gia, triết gia, luật gia, nhà đạo đức, nhà văn học, mà cả các nhà tự nhiên học, nhân học và y sĩ cũng đều phải đóng góp vào. Mọi ngành khoa học đều hẹn hò nhau trong xã hội học, dù rằng môn học này chắc chắn vẫn có một phạm vi riêng biệt, nhưng không phải là một cõi miền nào đấy trong không khí, trong sương mù của bản thể học. 

Xã hội học có thể được quan niệm, và từng lần lượt được quan niệm, như: 10) một thứ vật lý xã hội (các nhà kinh tế, Auguste Comte); 20) một môn sinh học xã hội (Spencer);  30) một thứ tâm lý xã hội học. Và mỗi quan niệm này đều có mặt hợp lý của nó, mặc dù theo tôi, quan điểm thứ ba là toàn diện cũng như sâu sắc nhất. Tuy nhiên, cái ý niệm tệ hại nhất mà người ta có thể gán cho khoa học của chúng ta, theo tôi, là hình dung nó 4°) như một hệ tư tưởng xã hội.

Gabriel Tarde,
Các Trước Tác Về Tâm Lý Xã Hội Học
(Écrits de psychologie sociale,
Toulouse, Privat, 1973, tr. 132-137).


[1] Jean-Gabriel de Tarde hay Gabriel Tarde (1843-1904): thẩm phán, nhà xã hội học, tội phạm học, tâm lý học xã hội, đôi khi là nhà văn Pháp. Tác phẩm: Contes et poèmes (1879); La Criminalité comparée (1886); Les Lois de l’imitation (1890); La Philosophie pénale (1890); Études pénales et sociales (1892); Les Transformations du droit (1893); Essais et mélanges sociologiques (1895); La Logique sociale (1895); Fragment d'histoire future (1896); L'Opposition universelle (1897); Études de psychologie sociale (1898); Les Lois pénales: essai d'une sociologie (1898); Les Lois sociales: esquisse d'une sociologie (1898); Les Transformations du pouvoir (1898); L'Opinion et la Foule (1901); Psychologie économique (2 q., 1902).

[2] Xem bản dịch các trích đoạn của Émile Durkheim và về duy xã hội luận trên cùng trang mục này.

[3] Đây là điểm đối kháng căn bản giữa toàn thể luận và xã hội học vĩ mô, với cá nhân luận và xã hội học vi mô, nhưng không chỉ giới hạn vào khoa học này. Trong xã hội học của Tarde, ý tưởng «cái toàn thể là lớn hơn tổng số các thành phần của nó = Le tout est plus que la somme de ses parties» là một định đề; trong xã hội học của Durkheim nó là một nguyên lý. Xem trên trang mục này các bài khác của Auguste Comte và Émile Durkheim. 

[4] Sir Henry James Sumner Maine (1822-1888): nhà chính trị, nhà luật học và nhân học người Anh. Tác phẩm chính: Ancient Law: Its Connection with the Early History of Society and Its Relation to Modern Ideas (1861); Village-Communities in the East and West (1871); The Early History of the Property of Married Women (1873); Lectures on the Early History of Institutions (1875); Dissertations on Early Law and Custom (1883); Popular Government: Four Essays (1885); International Law: A Series of Lectures  (1888).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa