Đưa lên mạng ngày 15-05-2020 Từ khóa: Khoa học – Đặc trưng |
C1 |
ĐỊNH LUẬT VÀ SỰ KIỆN
(1879)
Tác giả: Louis Liard[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Khoa học đích thực đề xuất việc giải thích những hiện tượng bằng các định luật, và các quy luật này là những quan hệ bất biến kết hợp những hiện tượng lại với nhau. Một khi đã xác định như vậy, đặc trưng của khoa học là gì? – Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét cụ thể và phân tích một nhóm sự kiện với cái định luật giải thích chúng.
Tôi buông một hòn đá kẹp giữa các ngón tay: nó rơi xuống; tôi cũng thả một mảnh kim loại, một mảnh gỗ như vậy: chúng đều rơi xuống; tôi làm đổ một cái bình đầy nước: chất lỏng chảy ra. – Trong không khí, một quả bóng chì và một quả bóng nút chai rơi với tốc độ không đều; trong chân không, chúng rơi với cùng một vận tốc. – Ở cực, tại xích đạo, ở giữa cực và xích đạo, tuyến theo đó các vật thể rơi xuống là thẳng góc với mặt nước tĩnh lặng, và nếu được kéo dài, nó sẽ gặp tâm của trái đất. – Một cơ thể rơi tự do di chuyển trong các thời gian liên tiếp bằng nhau những không gian ba lần, chín lần lớn hơn. Đấy là những sự kiện. – Đây là quy luật: Mọi cơ thể đều rơi về phía trung tâm của trái đất, và vận tốc tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian trôi qua từ khi bắt đầu rơi.
Đặc trưng của thao tác mà chúng ta vừa ghi nhận điểm bắt đầu với điểm kết thúc là gì? – Trước tiên, sự di chuyển từ những sự kiện đến cái định luật chi phối và giải thích chúng là một sự quy giản từ cái phức hợp tới cái đơn giản. Hãy xem xét những sự kiện; không có gì đa dạng hơn. Tôi đã thử nghiệm với các vật thể rắn, một hòn đá, một mảnh sắt, chì, gỗ, v.v.; với cơ thể lỏng; Tôi nhận thấy rằng chính các khí cũng chịu tác động của trọng lực. Tôi đã làm thí nghiệm: 1) trong các môi trường khác biệt (trong khí quyển với nhiều mức độ nén đặc khác nhau, trong không khí loãng, trong chân không hoàn hảo nhất mà các dụng cụ của ta cho phép đạt được) ; 2) ở những nơi khác nhau (gần cực, xa cực, ở hai điểm hoàn toàn đối lập trên địa cầu); 3) ở các độ cao khác nhau (tại đồng bằng, ở trên núi). Trong mọi trường hợp, dù là hay có thể là đa dạng tới đâu, tôi đều tìm thấy một yếu tố chung: sự rơi về phía trung tâm trái đất, và tốc độ tỷ lệ thuận với thời gian trôi qua kể từ khi bắt đầu rơi. Khi tôi ngừng xem xét những sự kiện để suy nghĩ về thứ định luật chi phối chúng, tôi bỏ qua mọi tình huống, mọi dị biệt cá thể và cục bộ, để chỉ giữ lại cái đặc tính chung.
Bước di chuyển từ cái phức hợp sang cái đơn giản cũng đồng thời là sự quy giản từ cái cá biệt sang cái tổng quát. Mỗi sự kiện mà định luật phải giải thích đều xuất hiện tại một điểm xác định trong không gian, vào một lúc xác định trong thời gian; những quan hệ mà chúng có với nhau cũng được định vị trong không gian và thời gian như vậy. Những quan sát mà chúng ta có thể thực hiện về nó không, và không thể nào, nhắm tới mọi trường hợp tương tự đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra, cho dù ta có đẩy những nghiên cứu thử nghiệm của chúng ta đi xa tới đâu, không gian và thời gian vẫn luôn luôn mở ra xung quanh và trước mặt ta. Định luật [khoa học] là đúng, bất chấp không gian và thời gian; nếu nó nói lên một quan hệ với không gian và thời gian như trường hợp của quy luật mà chúng ta đang xem xét, nó đúng ở mọi nơi, mọi lúc; nó tập trung trong bản thân nó mọi khả năng lặp lại có thể xảy ra của cùng một sự kiện.
Sự quy giản từ cái cá biệt sang cái tổng quát này cũng là bước chuyển từ cái ngẫu nhiên sang cái tất yếu. Hòn đá mà tôi đã thả xuống này rơi bình thường; tốc độ rơi của nó tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian; đấy là những sự kiện. Nhưng không có gì đảm bảo với tôi rằng nó không thể nằm lơ lửng trong không khí, hoặc vẽ ra một đường cong nào đó khi rơi, hoặc rơi với một chuyển động [vận tốc] đồng đều hay chậm đều. Nhưng một khi đã có định luật về sự rơi, thì sự kiện và những tình huống khác nhau cốt yếu của nó dường như là tất yếu đối với tôi; trí tuệ tôi từ chối tưởng tượng là trường hợp trái ngược với những gì đang xảy ra lại có thể xuất hiện. Sự xảy ra của một sự kiện mà quy luật đã được biết là thiết yếu đối với định luật này.
Louis Liard,
Khoa Học Thực Chứng Và Siêu Hình Học
(La Science positive et la métaphysique,
Paris, Germer–Baillière, 1879, tr. 4–6).
[1] Louis Liard (1846-1917) : triết gia và nhà giáo dục người Pháp. Tác phẩm chính: Des définitions géométriques et des définitions empiriques (1873), Les Logiciens anglais contemporains (1878), La Science positive et la Métaphysique (1879), Descartes (1882, 1911), L’Enseignement supérieur en France, 1789-1889 (2 q., 1888-1894), L’Université de Paris (2 q., 1909).