SINH HỌC & ĐỊNH ĐỀ VỀ TÍNH KHÁCH QUAN (J. MONOD, 1970 & 1973)

Cập nhật ngày 15-8-2022
Từ khóa: Mục đích (Khái niệm) – Sinh học ;
Nguyên nhân mục đích ;
Monod
 (Jacques) – Trích đoạn

C2

SINH HỌC

ĐỊNH ĐỀ VỀ TÍNH KHÁCH QUAN

Tác giả: Jacques Monod[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Quyển Le Hasard et la Nécessité[2] của Jacques Monod được xuất bản năm 1970. Sự sâu sắc, tính mới mẻ của khái niệm, văn phong của tác giả... đã tạo ra nhiều phản ứng trái ngược quyết liệt, khiến ông phải trở lại một số luận điểm căn bản của tác phẩm trong một bài viết tay khoảng 10 trang, sau được trình bày tại Société Médicale de l’O.M.S (18-06-1973) dưới tên là Tự Phê (Autocritique), và cuối cùng đăng lại trong tập san Prospectives et  Santé (1977) với tựa đề Cước Chú (Notes en bas de pages).

Xin mời độc giả theo dõi ý kiến của tác giả về tính mục đích nơi các sinh vật trong hai trích đoạn dưới đây, được trích và dịch từ tác phẩm chính và từ bản bổ túc của Jacques Monod. 

*

(1970)

Nền tảng của phương pháp khoa học là định đề về tính khách quan của Tự nhiên. Nghĩa là sự từ chối có hệ thống việc xem bất kỳ một giải thích nào về các hiện tượng bằng cụm từ nguyên nhân cuối cùng [nguyên nhân mục đích] nói cách khác, bằng từ «dự phóng» là có khả năng dẫn đến một tri ​​thức «chân thực». Và chúng ta có thể khẳng định chính xác thời điểm phát hiện ra nguyên lý này. Công thức của Galileo và Descartes, về nguyên lý quán tính[3], không chỉ thiết lập khoa cơ học, mà còn dựng lên cả phần triết lý nhận thức của khoa học hiện đại nữa, thông qua sự hủy bỏ nền vật lý và nền vũ trụ học của Aristotelēs. Chắc chắn, không chỉ có lý trí, lô-gic học, kinh nghiệm, mà cả cái ý tưởng về sự đối đầu có hệ thống giữa các yếu tố này với nhau đều đã cùng có mặt ở những nhà tư tưởng trước Descartes.

Nhưng khoa học, như chúng ta hiểu ngày nay, cũng không thể được hình thành trên chỉ những cơ sở ấy. Nó còn cần đến sự kiểm tra (censure) nghiêm khắc mà định đề về tính khách quan đặt ra. Định đề thuần túy, vĩnh viễn không thể chứng minh, vì rõ ràng là không thể tưởng tượng được một thí nghiệm có thể chứng minh sự không-tồn-tại của một dự án, một mục đích được theo đuổi, ở bất cứ nơi đâu trong tự nhiên.

Thế nhưng định đề về tính khách quan là cùng thể chất với Khoa học, và đã hướng dẫn khoa học xuyên suốt sự phát triển thần kỳ của nó qua ba thế kỷ nay. Không thể nào gạt bỏ nó, dù chỉ là tạm thời hoặc trong một lĩnh vực hạn chế, mà không bước ra khỏi ngay chính khoa học.

Tuy nhiên, tính khách quan buộc chúng ta phải nhận thức đặc trưng hướng đích (téléo-nomique)[4] này của sinh vật – nghĩa là phải thừa nhận rằng chúng theo đuổi và thực hiện một dự phóng thông qua những cấu trúc và hiệu năng của chúng. Như vậy là có một mâu thuẫn khoa học luận sâu sắc ở đây ít ra bề ngoài là như thế. Bản thân mâu thuẫn này là vấn đề trung tâm của sinh học, nó phải được giải quyết nếu chỉ là bên ngoài, hoặc chứng minh là hoàn toàn không thể giải quyết nếu sự thật đúng là như vậy.

Jacques Monod,
Cái Ngẫu Nhiên Và Cái Tất Yếu
(Le Hasard et la Nécessité,
Paris : Seuil, 1970, tr. 37-38).

(1973)

Chúng ta không thể biện minh, cũng không thể đặt nền cho tri thức khoa học trên chính bản thân nó; điều này hiển nhiên là không thể được, bởi vì nó sẽ là một cái vòng luẩn quẩn. Việc xây dựng tri ​​thức khoa học bao hàm một định đề cơ bản, một định đề không phải là khoa học, không phải là vật lý, mà cốt yếu là siêu hình [...], đấy là cái mà tôi gọi là định đề về tính khách quan [...], một định đề hạn chế và mang tính phủ định – tôi muốn nói là nó đặt ra, trên nguyên tắc, các giới hạn cho loại diễn giải mà khoa học có thể đưa ra về những hiện tượng. 

Phải loại trừ bất kỳ diễn giải nào dùng từ nguyên nhân mục đích. Nói cho cùng, đấy chính là khác biệt giữa khoa học hiện đại và khoa học của Aristotelēs: khoa học của Aristotelēs chấp nhận nguyên nhân mục đích như một giải thích lý thuyết có giá trị về các hiện tượng; thế nhưng từ Galileo và Descartes, từ sự phát hiện ra nguyên lý quán tính, cái chúng ta gọi là tri ​​thức khoa học lại loại trừ mọi diễn giải mục đích bởi chính định nghĩa của nó là khoa học. Nhưng lối giải thích này, theo tôi, là vấn đề cơ bản của sinh học. Tôi tin rằng nếu bạn trở thành nhà sinh học, nếu bạn được thúc đẩy ngay từ thời trẻ để học sinh học, thì đấy là do bạn cũng từng ít nhiều nhận thức được cái nghịch lý sâu sắc mà việc nghiên cứu các sinh thể đặt ra. Bởi vì cuối cùng, nếu chúng ta thừa nhận rằng không có dự phóng nào trong vũ trụ, rằng bất kỳ một diễn giải nào dùng ngôn từ dự phóng cũng đều không thể được xem là «khoa học», thì chúng ta sẽ giải thích sự tồn tại của những sinh vật vốn là đối tượng nghiên cứu của nhà sinh vật học như thế nào đây, khi chúng hiển nhiên là những sinh vật được lập trình, và trở nên vô nghĩa và thậm chí là không thể phân tích được bằng phương pháp khám phá (heuristic = heuristique)* nếu chúng ta không thừa nhận rằng cặp mắt được tạo ra để nhìn, và đôi bàn chân để bước đi chẳng hạn.

Như vậy, vấn đề cơ bản và thiết yếu của sinh học – và đây chính là luận điểm tôi muốn bênh vực – là tìm hiểu xem phải chăng ở đây có một nghịch lý không thể nào vượt qua được, nghịch lý gọi là «định luật hướng đích» của mọi sinh thể; tôi đã tự nguyện chọn «téléo-nomiques» để không phải nói «téléo-logiques»4, vì thuật từ sau thuộc về khoa học của Aristotelēs; do đó, khi chúng ta muốn thoát khỏi nó, chúng ta phải tìm một danh pháp khác. Đây chính là vấn đề thiết yếu của sinh học. [...] Chúng ta cũng có thể biện minh cho việc lựa chọn định đề này bằng các cân nhắc khác nữa, nhưng mang tính kỹ thuật hơn nhiều. Ở đây chúng ta có thể sử dụng cái tiêu chuẩn mà Karl Popper gọi là đường phân ranh giữa hai loại mệnh đề khoa học và phi khoa học chẳng hạn. Các tiêu chí định ranh của Popper cho một mệnh đề khoa học dựa trên bản chất có thể sai trật của nó, nghĩa là trên sự kiện ta có thể chứng minh được rằng nó là có thể sai[5] (falsifiable), là ít ra nó tự để ngỏ cho ta cái khả năng phản bác chính nó, trong khi một mệnh đề không thể bị bác bỏ từ định nghĩa thì không thuộc về lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, thứ mệnh đề sau này không phải là vô nghĩa, như các nhà thực chứng lô-gic cổ điển của Trường phái Wien đề xuất, nhưng nó là một cái gì đó khác hơn là khoa học, và nó không đóng góp gì cho công việc xây dựng tri ​​thức khoa học hết.

Chúng ta có thể chỉ ra, nhưng tôi sẽ không triển khai khả năng  này ở đây, rằng nếu ta phải lựa chọn giữa hai định đề cơ bản, một định đề mục đích luận và một định đề về tính khách quan, thì định đề mục đích luận là cái không thể bị phản bác, nên không thể được sử dụng cho việc xây dựng một tri ​​thức được cấu thành từ những mệnh đề tự chúng là có thể phản bác được, và như vậy, chúng ta buộc phải chọn cái định đề kia mà thôi [...]  

Nói tóm lại, sau khi đã đặt định rằng bản chất của khoa học hiện đại được xây dựng trên định đề về tính khách quan suốt từ đầu thế kỷ XVII đến nay, đồng thời xác nhận rằng mọi sinh vật dường như đều vi phạm định đề về tính khách quan này, bởi chính những cấu trúc cũng như hoạt động và thành tích của chúng, thì quan tâm của sinh học ngày nay là tìm hiểu xem liệu chúng ta có thể giải quyết nghịch lý này chăng [...].  Kể từ thời Darwin, sinh học đã nỗ lực tìm giải đáp cho câu hỏi cơ bản này [...], nhưng ta chỉ tìm thấy một cơ sở vật lý để giải thích, và chỉ thực sự giải quyết được nó, nhờ bộ phận gọi là sinh học phân tử trong sinh học hiện đại [...]. Ở đây, chương có thể gọi là lý thuyết phân tử về bộ mã di truyền chính là một giải thích vật lý về nguồn gốc các đặc tính của định luật hướng đích nơi sinh vật: nó cho phép chúng ta hiểu cái hiện tượng hầu như tiên thiên không thể xảy ra này, đó là từ một vũ trụ khách quan nghiêm ngặt, nghĩa là hoàn toàn không hề có dự án nào, lại có thể nảy sinh những sinh vật có một dự phóng, như chúng ta chẳng hạn.

Jacques Monod,
Autocritique (1973)
«Notes en bas de page»,
Trg : Prospective et santé,
Số l, 1977, tr. 12-15.


[1] Jacques Monod (1910-1976): nhà sinh học và sinh hóa học người Pháp, đoạt giải Nobel về sinh lý học và y học năm 1965 (chung với François Jacob và André Lwoff). Tác phẩm: Le Hasard et la nécessité (1970). NVK

[2] Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, xin trân trọng giới thiệu: Jacques Monod, Ngẫu Nhiên Và Tất Yếu, Hà Dương Tuấn và Đặng Xuân Thảo dịch, Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2017.

[3] Theo một số tác giả, Descartes cũng phải được kể là người đã phát hiện ra nguyên lý quán tính, chỉ khác với Galileo là ông đã không xây dựng trên sự phát biểu nguyên lý này một khoa cơ học như tác giả sau.

[4]  Đối với Jacques Monod, téléonomique (do các từ Hy Lạp : los = mục đích, cứu cánh ; nomos = luật, định luật) chỉ một sinh vật mà sự tổ chức và cấu trúc đáp ứng một mục đích hay cứu cánh, nghĩa là «theo đuổi và thực hiện một dự phóng», như cá được cấu tạo «để» sống trong môi trường nước,  «để» bơi trong nước, «để» rút dưỡng khí từ nước, «để» săn bắt mồi trong nước.  

Theo các tác giả của quyển từ điển La Biologie : Les êtres vivants (Les Dictionnaire Marabout Université), téléonomique được cấu tạo bởi từ Hy Lạp telos = mục đích, và từ La-tinh nomen = tên), và giải thích thêm :  «Từ này... chỉ sự kiện là thế giới có vẻ tiến hóa như thể nó được điều khiển bởi một nguyên lý lý tính. Nhưng thật ra không phải như vậy. Nguyên lý này không phải là cứu cánh của sự tiến hóa, mà chỉ là hệ quả của sự thích nghi chậm chạp của những sinh thể vào môi trường, và của hiện tượng siêu hiện (émergence)*. Các lý thuyết biến dạng (transformistes) có sự can dự của khái niệm téléonomie đối lập với các lý thuyết mục đích luận (finalistes, [téléologiques]) trong học thuyết tiến hóa, bởi [các lý thuyết mục đích luận] phơi bày ý tưởng theo đó sự thích nghi được xúc tiến theo một con đường chính xác cho tới khi đạt được một mục đích đặt định trước».

Đoạn văn ngắn trên giúp ta hiểu hơn nội dung của ngộ nhận mà Jacques Monod là nạn nhân. Tác giả chỉ xác định rằng các sinh vật có vẻ như đều tuân theo «định luật hướng đích», chứ không khẳng định rằng quá trình tiến hóa, nhìn trong toàn thể, cũng đi theo một con đường chính xác nhằm đạt tới một trạng thái, một mục đích cho sẵn, như những người phản bác ông đã hiểu lầm – hơn nữa, một hiểu lầm không thiếu những hàm nghĩa nguy hiểm, bởi qua đấy thuyết tiến hóa có thể trở thành một thứ học thuyết giống như các triết lý lịch sử (kiểu Comte, Hegel, Marx) ngay trong sinh học.  

[5] Xem trên trang mục TLKH khi có thể tham khảo: Karl Popper, Tính Khả Phản Nghiệm Như Tiêu Chuẩn Phân Ranh Giữa Khoa Học Và Giả-Khoa-Học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa