SEMMELWEIS VÀ BỆNH SỐT HẬU SẢN (C. HEMPEL, 1966)
Đưa lên mạng ngày 30-06-2020
Từ khóa: Sốt hậu sản – Nguyên nhân ; Semmelweis,
Ignace – Giả thuyết và Khám phá ; Hempel, Carl – Trích đoạn

C2

SOMMELWEIS
TÌM NGUYÊN NHÂN
BỆNH SỐT HẬU SẢN
(1858, 1966)

Tác giả: Carl Gustav Hempel[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ignace Semmelweis[2], một y sĩ gốc Hung, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Wien từ năm 1844 đến 1848. Như y sĩ thuộc một trong hai khu sản khoa – đầu tiên – của bệnh viện, ông điên đầu khi thấy một tỷ lệ sản phụ cao bị lây nhiễm căn bệnh nghiêm trọng và thường gây tử vong gọi là sốt hậu sản. Năm 1844, trong số 3.157 phụ nữ đã sinh trong khu số I, 260 hay 8,2% đã chết vì căn bệnh này; năm 1845, tỷ lệ tử vong là 6,4% và năm 1846 là 11,4%. Những số liệu này càng là đáng báo động hơn nữa khi ở khu sinh nở khác của cùng bệnh viện, nơi đón nhận cũng nhiều sản phụ như khu đầu, tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản thấp hơn nhiều: 2,3%; 2% và 2,7% cho cùng một năm. Semmelweis đã mô tả lại những nỗ lực của ông nhằm giải quyết vấn đề đáng sợ này trong một cuốn sách ông viết sau đó2 về nguyên nhân và cách phòng chống sốt hậu sản như sau.

Ông bắt đầu bằng cách kiểm tra những giải thích khác nhau thường được đưa ra nhất vào thời điểm này: sau khi loại bỏ ngay một số trong đó, bởi vì chúng không tương thích với những sự kiện đã được thiết lập chắc chắn, ông tìm cách kiểm chứng riêng biệt mỗi giải thích khác một cách cụ thể.

Một ý kiến ​​rộng rãi gán những tác hại của sốt hậu sản cho «ảnh hưởng của dịch bệnh», được mô tả một cách lỏng lẻo là «những thay đổi trong không khí, từ vũ trụ và từ lòng đất» đã lan đến khắp một khu vực nhất định và gây ra sốt hậu sản ở phụ nữ trong khi sinh. Nhưng Sommelweis tự hỏi, làm thế nào những ảnh hưởng như vậy lại có thể tập trung trên một khu sản khoa trong nhiều năm, và bỏ qua khu kia? Và làm thế nào có thể hòa giải ý kiến ​​này với sự kiện là, trong khi căn bệnh này đang hoành hành trong bệnh viện, chỉ một vài trường hợp xảy ra ở Wien và xung quanh? Một dịch bệnh thực sự như dịch tả sẽ không chọn lọc như vậy. Cuối cùng, Semmelweis lưu ý rằng một số phụ nữ, dù được nhận vào khu sinh nở đầu, nhưng do sống xa không đến bệnh viện kịp, đã sinh con trên đường đi: tuy nhiên, bất chấp những điều kiện bất lợi đó, tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản ở «trường hợp sinh dọc đường» vẫn thấp hơn mức trung bình của khu số I này.

Theo một luận điểm khác, tình trạng chật chội là nguyên nhân gây ra nhiều tử vong trong khu sản khoa đầu. Tuy nhiên, Semmelweis lưu ý rằng sự đông đúc ở khu thứ hai còn lớn hơn, một phần vì các bệnh nhân phấn đấu hết sức để tránh bị đưa vào khu thứ nhất! Ông cũng bác bỏ hai giả thuyết cùng loại đang được phổ biến lúc bấy giờ, bằng cách lưu ý rằng giữa hai khu dịch vụ không hề có sự khác biệt trong chế độ ăn uống hoặc chăm sóc. Năm 1846, một Ủy ban Điều tra kết luận: nguyên nhân của phần lớn số trường hợp mắc bệnh này ở khu sinh nở đầu là do những chấn thương mà sinh viên sản khoa đến thực tập tại bệnh viện đã có thể gây ra cho phụ nữ đến sinh, khi vụng về xem xét họ. Semmelweis bác bỏ luận điểm trên bằng cách lưu ý điều này: a) những tổn thương do chính sự sinh nở còn lớn hơn nhiều so với các xét nghiệm vụng về có thể gây ra; b) các bà đỡ, những người được đào tạo thực tiễn ở khu thứ hai, đã kiểm tra bệnh nhân của họ theo cùng một cách mà không hề gây ra những kết quả tai hại tương tự; c) sau báo cáo của Ủy ban, khi bệnh viện đã cắt giảm một nửa số sinh viên y khoa, và hạ xuống mức thấp nhất số xét nghiệm mà họ được phép thực hiện trên các sản phụ, thì tỷ lệ tử vong giảm xuống một lúc ngắn ngủi, rồi lại tăng đến một tỷ lệ chưa từng biết cho tới lúc đó.

Người ta còn dựng lên nhiều giải thích tâm lý khác nữa. Chẳng hạn như, do sự sắp xếp của khu sản khoa đầu, một linh mục đến làm lễ lâm chung cho một sản phụ sắp chết phải băng qua năm  phòng sinh trước khi đến căn phòng dành cho người hấp hối: cảnh tượng một linh mục chậm chạp bước sau kẻ phụ lễ lúc lắc chiếc chuông nhỏ hẳn đã để lại một ấn tượng tuyệt vọng đáng sợ trên các bệnh nhân của năm phòng sinh, do đó, khiến họ phát sốt dễ dàng hơn. Trong khu sinh nở thứ hai, yếu tố bất lợi này không đóng vai trò gì, vì vị linh mục có thể đến ngay căn phòng dành cho người hấp hối. Semmelweis quyết định kiểm tra giá trị của phỏng đoán này. Ông thuyết phục vị linh mục bỏ chuông, đi đường vòng, kín đáo đến phòng bệnh mà không để bị nhìn thấy. Nhưng tỷ lệ tử vong trong khu thứ nhất không hề giảm xuống.

Quan sát rằng trong khu sản khoa thứ nhất, phụ nữ sinh con trong  tư thế nằm ngửa, và ở khu thứ hai ở thế nằm nghiêng, Semmelweis nảy ra một ý tưởng mới: «như kẻ bị nước cuốn trôi cố bám vào một cọng rơm», ông quyết định kiểm tra hiệu lực của sự khác biệt về phương pháp này, dù đối với ông giả định trên có vẻ là không thể nào đúng. Ông đưa việc áp dụng tư thế nằm nghiêng khi sinh vào khu sinh nở thứ nhất, nhưng thêm một lần nữa, tỷ lệ tử vong không hề thay đổi.

Cuối cùng, vào đầu năm 1847, một tai nạn đã cho Semmelweis manh mối quyết định để giải quyết vấn đề của ông. Kolletschka, một trong những đồng nghiệp của ông đã bị con dao mổ của một sinh viên cắt sâu vào ngón tay trong cuộc xét nghiệm tử thi mà họ cùng thực hiện, và ông ta đã chết sau một căn bệnh rất đau đớn, với chính những triệu chứng mà Semmelweis đã nhìn thấy trên các bệnh nhân của sốt hậu sản. Mặc dù vào thời điểm đó, vai trò của vi sinh vật trong những vụ lây nhiễm thuộc loại này còn chưa được biết tới, Semmelweis chợt hiểu rằng chính thứ «vật chất chết» mà con dao mổ từ tay người sinh viên đưa vào máu của đồng nghiệp Kolletschka đã gây ra căn bệnh giết chết ông ta. Do bệnh trạng của Kolletschka và của những phụ nữ trong khu sản khoa của ông đã phát triển theo cùng một cách, Semmelweis đi đến kết luận rằng những bệnh nhân của ông cũng đã chết vì cùng một loại ngộ độc máu: chính ông, các đồng nghiệp, và sinh viên y khoa là những trung gian của yếu tố đã gây ra sự nhiễm độc. Bởi vì ông và các trợ lý thường vào các phòng sinh sau những cuộc mổ xẻ tử thi tại giảng đường của khoa giải phẫu, rồi sau đó vào xét nghiệm những phụ nữ đang chuyển dạ mà chỉ rửa tay qua loa, đến nỗi chúng thường còn giữ lại một thứ mùi rất đặc trưng.         

Semmelweis liền đem ý tưởng của ông ra thử nghiệm. Ông đã suy luận như sau: nếu ông đúng, có thể tránh được bệnh sốt hậu sản   bằng cách hủy hoại yếu tố truyền nhiễm dính vào tay bằng chất hóa học. Do đó, ông ra quy định rằng mọi sinh viên y khoa đều phải rửa tay trong dung dịch canxi clorua[3] trước khi xem xét một bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản bắt đầu giảm nhanh chóng, và vào năm 1848, nó đã giảm xuống chỉ còn 1,27% ở khu đầu tiên so với 1,33% ở khu thứ hai.

Như một xác nhận thêm cho ý tưởng, hay giả thuyết[4] của ông theo thuật từ thường dùng, Semmelweis lưu ý rằng nó cũng đồng thời giải thích sự kiện là tỷ lệ tử vong trong khu sản khoa thứ hai luôn luôn thấp hơn một cách đáng kể: lý do là vì các bệnh nhân ở đây được giao cho các bà đỡ chăm sóc, và trong quy trình đào tạo nữ hộ sinh về giải phẫu học, không có phần mổ xẻ xác chết. 

Giả thuyết này cũng giải thích tỷ lệ tử vong thấp hơn cho cả «trường hợp sinh dọc đường» nữa: những phụ nữ ôm con trong tay khi đến bệnh viện hiếm khi được kiểm nghiệm sau khi nhập viện, và do đó, có nhiều khả năng tránh nhiễm trùng hơn.

Tương tự như trên, giả thuyết còn giải thích sự kiện là những trẻ sơ sinh bị sốt hậu sản đều có mẹ là người mắc bệnh khi chuyển dạ, bởi vì lúc đó, sự nhiễm trùng có thể được truyền từ mẹ sang đứa bé trước khi nó sinh ra, do cùng dòng máu lưu thông trong cả hai mẹ con, trong khi nếu người mẹ vẫn khỏe mạnh thì sự lây nhiễm không thể xảy ra.

Nhiều kinh nghiệm lâm sàng khác đã khiến Semmelweis mở rộng mau chóng giả thuyết của ông. Chẳng hạn, một lần khác, ông và các trợ lý, sau khi đã khử trùng tay kỹ lưỡng, vào xem xét một phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có chảy mủ đang chuyển dạ, rồi liền sau đó xét nghiệm thêm mười hai sản phụ khác trong cùng một phòng sinh, mà chỉ lau tay như thường lệ chứ không khử trùng thêm, thì mười một trong mười hai phụ nữ ấy đã chết vì sốt hậu sản. Semmelweis kết luận rằng căn bệnh này có thể được gây ra, không chỉ bởi thứ «vật chất chết», mà còn do thứ «vật chất ung thối của các sinh vật» nữa.

Carl G. Hempel,
Triết Lý Của Khoa Học Tự Nhiên
(Philosophy of Natural Science,
Englewood Cliffs, N. J., Prentice-Hall, 1966 =
Eléments d'épistémologie,
A. Colin, 1972, tr. 5-9.


[1] Carl Gustav Hempel (1905-1997): nhà khoa học và triết gia khoa học người Đức theo chủ thuyết kinh nghiệm lô-gic. Tác phẩm (tiểu luận và tuyển tập): The Function of General Laws in History (1942); Studies in the Logic of Confirmation (1943); On the Nature of Mathematical Truth (1945); Geometry and Empirical Science (1945); The Logic of Functional Analysis (1959); Aspects of Scientific Explanation (1965); Philosophy of Natural Science (1966); Scientific Explanation (1967); Aspects of Scientific Explanation and Other Essays (1965); Selected Philosophical Essays (2000); The Philosophy of Carl G. Hempel: Studies in Science, Explanation, and Rationality (2001).

[2] Ignace Philippe Semmelweis (Ignác Fülöp Semmelweis, 1818-1865): y sĩ người Áo gốc Hung. Tác phẩm liên quan: A gyermekágyi láz kóroktana (1858) = Die Aetiologie, der Begriff und die Prophylaxis des Kindbettfiebers (1861) = L'Étiologie de la fièvre puerpérale (1961?) = On the Origin and Prevention of Puerperal Fever (1862).

[3] Calcium chloride = chlorure de calcium (CaCl2)

[4] Xem thêm các bài về vai trò của giả thuyết trong khoa học nói chung, trên trang mục Triết Lý Khoa Học, khi có thể tham khảo.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa