Cập nhật ngày 15-06-2022 Từ khóa : Quyết định luận phổ quát ; Nhân quả (Khái niệm) ; Laplace, Pierre-Simon – Trích đoạn |
C2 |
QUYẾT ĐỊNH LUẬN PHỔ QUÁT
(1825)
Tác giả: Pierre-Simon Laplace[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Tất cả mọi biến cố, ngay cả những cái có vẻ như không hề bị chi phối bởi các quy luật lớn của thiên nhiên do sự nhỏ bé của chúng, đều thuộc về cùng một loại sự kiện luật định[2] cũng tất yếu như những vòng quay của mặt trời. Vì không biết những quan hệ ràng buộc chúng vào toàn bộ hệ thống vũ trụ, người ta từng cho rằng chúng tùy thuộc vào loại nguyên nhân cuối cùng[3], hoặc vào sự ngẫu nhiên[4], tùy theo chúng đã xảy đến hay tiếp nối nhau một cách đều đặn, hoặc có vẻ như vô trật tự. Tuy nhiên, các nguyên nhân tưởng tượng này đều liên tiếp bị đẩy lùi, cùng với những giới hạn của ta về hiểu biết, rồi biến mất hoàn toàn trước cái triết lý lành mạnh chỉ nhìn thấy nơi chúng biểu hiện của sự thiếu hiểu biết của ta về những nguyên nhân thực sự.
Mọi biến cố hiện thời đều có với những biến cố trước nó một liên hệ đặt nền trên cái nguyên lý rõ ràng là không một sự vật nào có thể bắt đầu tồn tại mà không có một nguyên nhân đã sản sinh ra nó. Định đề này, được biết tới dưới cái tên là «nguyên lý túc lý»[5], được mở rộng ra đến cả những hành động mà ta cho là không đáng kể. Theo Leibniz*, cả thứ ý chí tự do nhất cũng không thể tạo ra những cái không đáng kể ấy mà không có lý do quyết định nào; bởi nếu mọi tình tiết của hai tình huống là hoàn toàn giống nhau, mà ý chí chọn chỉ tác động trên một tình huống và tránh mọi động thái trên tình huống kia, thì đấy sẽ là một hiệu quả không có nguyên nhân, sẽ chỉ là sự ngẫu nhiên mù quáng[6] theo kiểu nói của Epikouros* và các môn đồ của ông. Ý kiến trái ngược cũng là một ảo tưởng của tinh thần, khi nó tự thuyết phục rằng mình đã tự quyết định ngoài mọi lý do, chỉ vì đã sơ suất để cho các lý do ẩn hiện thấp thoáng của chọn lựa ý chí về những cái không đáng kể ấy vượt khỏi tầm mắt.
Vì vậy, chúng ta phải xem hiện trạng của vũ trụ là hệ quả của trạng thái trước đấy, và là nguyên nhân của trạng thái tiếp theo. Nếu một trí thông minh biết được tất cả những lực mà thiên nhiên khởi động, và tình trạng của từng hữu thể đã cấu tạo nên thiên nhiên ở một thời điểm nào đó, hơn nữa nếu trí thông minh ấy lại đủ lớn rộng để đưa tất cả những dữ kiện trên vào phân tích [tính toán], thì nó sẽ bao gồm trong cùng một công thức, những vận động của vừa các vật thể lớn nhất, vừa các nguyên tử nhẹ nhất trong vũ trụ: lúc đó sẽ không còn gì là bất định đối với nó nữa, và tương lai cũng như quá khứ, sẽ hiện ra trước mắt nó[7]. Trí tuệ con người từng cống hiến một phác họa còn yếu của thứ trí thông minh này qua sự hoàn hảo mà nó đã có thể cung cấp cho thiên văn học. Những khám phá của nó trong cơ học và hình học, cộng thêm sự phát hiện ra lực hấp dẫn phổ quát, đã đặt vào tầm với của con người[8] cái khả năng bao gồm, trong cùng những biểu thức phân tích, các trạng thái quá khứ và trạng thái tương lai của hệ thống thế giới (vũ trụ). Áp dụng phương pháp tương tự vào một số đối tượng tri thức khác của mình, con người đưa được những hiện tượng quan sát vào các quy luật tổng quát, và tiên đoán[9] được những hiện tượng mà các hoàn cảnh nhất định phải sản sinh ra. Tất cả mọi nỗ lực trong việc cầu tìm chân lý đều có xu hướng không ngừng đưa con người đến gần thứ trí thông minh mà ta vừa quan niệm, mặc dù hắn sẽ luôn luôn còn vô cùng cách xa nó. Nhưng chính khuynh hướng đặc trưng này của con người là nét đã đặt hắn cao hơn muôn loài động vật khác, và cũng chính những tiến bộ thuộc loại này của con người mới là điểm đã tạo nên sự vinh quang thực sự cho các quốc gia và thời đại, đồng thời phân cấp chúng trên trường quốc tế.
Pierre-Simon Laplace,
Tiểu Luận Triết Học Về Khoa Xác Suất
(Essai philosophique sur les probabilités (1825),
Paris, Christian Bourgois, 1986, tr. 32-33).
[1] Pierre-Simon Laplace (1749-1827): nhà thiên văn, vật lý, toán học và nhà chính trị Pháp. Tác phẩm: Exposition du système du monde (1796), Théorie analytique des probabilités (1812), Traité de mécanique céleste, 4 q. (1799-1805), Œuvres complètes de Laplace, 14 q. (1878-1912).
[2] Ủng hộ hoàn toàn xác tín nền cơ học của Newton, Laplace cho rằng thế giới được cấu tạo bởi vô số hạt tác động lên nhau, và chúng chỉ tác động theo quy luật của chuyển động mà thôi. Vì vậy, mọi biến cố đều có thể được xem như hệ quả của các biến cố trước nó, và như nguyên nhân của các biến cố sau nó: những trạng thái liên tiếp của tự nhiên cái này cuốn xích cái kia theo như một sự tất yếu. Lý thuyết cho rằng định luật nhân quả chi phối tất cả trong vũ trụ này được gọi là quyết định luận, và vào đầu thế kỷ thứ XIX này, nó không còn là một «giả thuyết» tôn giáo nữa, mà được xem như chân lý khoa học.
[3] Ở Aristotelēs, nguyên nhân cuối cùng chỉ cái cứu cánh mà một vật hay một hiện tượng hướng tới sự thực hiện, trong ngôn từ của ông, «cái mục đích của một vật, cái để làm gì của nó». Xem trên trang mục Triết Lý Khoa Học: Aristotelēs, Bốn Loại Nguyên Nhân.
[4] Từ quan điểm quyết định luận nghiêm ngặt, nhà khoa học chỉ cầu viện tới ý tưởng ngẫu nhiên khi ông ta không có được toàn bộ những dữ kiện cần thiết để đoán trước sự tiến hóa của hệ thống. Như vậy, ngẫu nhiên không xuất phát từ cái bất thường của tự nhiên, mà từ cái dốt của chính chúng ta. Xem các bài phản biện trên trang mục Triết Lý Khoa Học: Antoine-Augustin Cournot, Ngẫu Nhiên Như Sự Giao Thoa Của Các Chuỗi Nhân Quả Độc Lập & Nguyên Nhân, Lý Do, Ngẫu Nhiên.
[5] Nguyên lý được Leibniz khẳng định, theo đó không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân. Đây là một tên gọi khác của nguyên lý nhân quả.
[6] Triết lý vật lý của Epikouros thành hình từ một số yếu tố của các nhà nguyên tử luận trước ông (Leukippos, Dēmokritos), như nguyên tử, khoảng không, trọng lực, chuyển động, va chạm. Nhưng nét độc đáo của Epikouros là ông đã đưa vào bức tranh vũ trụ này khái niệm clinamen (chuyển động nội tại và bộc phát nhờ đó các nguyên tử có thể đi chệch khỏi đường rơi thẳng đứng do trọng lực của chúng áp đặt), và rơi theo đường chéo, thay vì những đường thẳng song song, khiến vô số nguyên tử va vào nhau, liên miên và tứ tung (ngẫu nhiên mù quáng theo chữ dùng ở trên), trước khi kết hợp với nhau thành đủ loại thực thể. Như vậy, clinamen là đầu mối của một chuyển động đã «phá vỡ các quy luật bất di bất dịch bằng độ nghiêng của chúng, và ngăn cản cùng những nguyên nhân liên tiếp tác động đến vô tận». Nói cách khác, clinamen là nguồn gốc của một thứ tự do cơ học, nền tảng vật chất của tự do nơi con người. Xem trên trang mục này: Titus Lucretius Carus, Chuyển Động Lệch Của Những Nguyên Tử hay Bất Định Luận Cổ Đại, khi có thể tham khảo.
[7] Trí thông minh lớn rộng đó không phải là vị Thượng Đế đã an bài mọi việc. Laplace từng tặng Napoléon một bản in quyển Exposition du système du monde (Trình bày Hệ thống Thế giới) của ông, và khi Bonaparte nhận xét: «Newton có nói tới Thượng Đế trong sách của ông ta. Tôi đã đọc qua quyển sách của ông về vũ trụ, mà không thấy ông nhắc tới Đấng Sáng Tạo ra nó một lần nào». Laplace điềm nhiên trả lời: «Thưa Ngài, tôi không cần đến giả thuyết ấy» (Xem thêm trên cùng trang mục này, khi có thể tham khảo: Isaac Newton, Hypothesis No Fingo). «Bậc đại trí» mà Laplace gợi ý không có một bản chất khác với trí năng của con người và không đòi hỏi một quyền lực hay một năng khiếu nào mà con người không được phú bẫm, mà chỉ đủ «lớn lao» để có thể xác định, tại một thời điểm nhất định, tất cả những điều kiện ban đầu của hệ thống do toàn bộ thế giới tạo ra, và nhờ biết tất cả mọi quy luật của tự nhiên cũng như hiện trạng của vũ trụ trong mọi chi tiết, sẽ có khả năng tính toán mọi trạng thái của vũ trụ trong tương lai, với một độ chính xác tuyệt đối.
[8] «Bậc đại trí» hay «con tinh của Laplace» nói đây chính là cái mà ngày nay khoa học gọi là một «thử nghiệm bằng tư duy» hay «thí nghiệm tưởng tượng» (thought experiment = expérience de pensée = Gedankenexperiment), chính xác là lối tìm giải đáp cho vấn đề phải giải quyết thông qua sức thuyết phục của trí tưởng tượng, bằng câu hỏi: nếu … thì điều gì sẽ xảy ra? Kỹ thuật này được dùng trong nhiều lĩnh vực, nhưng đặc sắc nhất là những áp dụng trong triết học (từ Hy Lạp cổ đại, với các huyền thoại của Platōn), và khoa học (từ thế kỷ thứ XVII, với những lập luận của Galileo Galilei). Xem thêm các bài về chủ đề này trên trang mục Triết Lý Khoa Học khi có thể tham khảo.
[9] Thú vị với câu trả lời của Laplace ở trên, Napoléon thuật nó lại cho nhà bác học Josephe-Louis Lagrange*. Lagrange kêu lên: «Ủa! Thượng Đế là một giả thuyết tuyệt vời, nó giải thích được rất nhiều chuyện». Napoléon lại kể câu bình luận của Lagrange cho Laplace nghe, ông này vẫn trả lời không nao núng: «Cho dù giả thuyết này giải thích được tất cả, nó vẫn không cho phép tôi tiên đoán gì hết, nên vẫn nằm ngoài lĩnh vực nghiên cứu của tôi». Xem thêm trên trang mục Triết Lý Khoa Học các bài khác về các khái niệm nguyên nhân và nhân quả.