Đưa lên mạng ngày 15-10-2022 |
C2 |
QUY GIẢN LUẬN
(2000)
Tác giả: John Dupré[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Thuật từ «quy giản luận» (reductionism) được sử dụng rộng rãi cho bất kỳ đòi hỏi nào khẳng định rằng một số lĩnh vực hiện tượng có thể được đồng hóa hoàn toàn với một số lĩnh vực hiện tượng khác, rõ ràng là khác biệt[2]. Luận điểm của chủ nghĩa thực chứng lô-gic, rằng chân lý khoa học có thể được phân tích đầy đủ thành những báo cáo kinh nghiệm tức thì, là một luận điểm quy giản luận rút gọn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử của triết lý khoa học. Ở đây và gần đây, «quy giản luận» còn thường được sử dụng cụ thể hơn nữa, để chỉ luận điểm cho rằng, cuối cùng mọi chân lý khoa học đều phải có thể giải thích được, ít ra là về nguyên tắc, bằng sự viện dẫn các định luật cơ bản cai quản hành vi của những hạt vi vật lý.
Một giải thích kinh điển về loại quy giản luận này là giải thích của Oppenheim* và Putnam* (1958). Oppenheim và Putnam đề xuất một sự phân loại theo cấp bậc của đối tượng, ở mỗi cấp độ các đối tượng được cấu tạo hoàn toàn bởi những thực thể từ cấp thấp hơn kế tiếp. Họ đề xuất các cấp bậc sau: hạt cơ bản, nguyên tử, phân tử, tế bào sống, sinh vật đa bào và nhóm xã hội. Việc điều tra ở mỗi cấp độ là nhiệm vụ của một lĩnh vực khoa học cụ thể, nhằm mục đích phân biệt các quy luật điều chỉnh hành vi của những đối tượng ở cấp bậc đó. Thao tác quy giản (rút gọn) bao gồm sự dẫn xuất các quy luật ở mỗi cấp độ cao hơn (cái được quy giản) từ các định luật cai quản những đối tượng ở cấp độ thấp hơn (cái quy giản) kế tiếp. Việc quy giản như vậy cũng sẽ đòi hỏi cái gọi là các nguyên tắc bắc cầu, đồng nhất hóa những đối tượng ở cấp bị quy giản với cấu trúc đặc thù của các đối tượng ở cấp quy giản. Vì sự dẫn xuất diễn dịch như vậy phải có tính bắc cầu, điểm kết của chương trình này sẽ tiết lộ rằng toàn bộ khoa học phải được suy ra từ những định luật của cấp bậc thấp nhất — vật lý của các hạt cơ bản — và các nguyên tắc bắc cầu, chứ chẳng phải từ cái gì khác hơn. (Một nguồn cổ điển khác về quy giản luận là từ Nagel, 1961: xem thảo luận và phê bình ở Dupré 1993, ch. 4).
Có thể phân biệt hai động lực chính ở quan niệm khoa học quy giản luận. Đầu tiên là luận điểm cho rằng, trên thực tế, lịch sử khoa học đã biểu hiện những ví dụ quy giản trong số các thành tựu chính của nó. Thứ hai, sự liên kết với quy giản luận cũng có thể dựa trên một lập luận triết học tiên nghiệm nữa: do sự tin tưởng chung của hầu hết các nhà khoa học và triết gia rằng mọi sự vật tồn tại đều được cấu tạo hoàn toàn từ loại hạt vật chất cơ bản, và do cái ý tưởng là hành vi của những hạt cơ bản được mô tả đầy đủ bởi các định luật ở cấp độ vật lý cơ bản nhất, dường như hành vi của các cấu trúc từ những hạt vật chất (những vật thể cao hơn trong hệ thống phân cấp Oppenheim-Putnam) cuối cùng phải được xác định đầy đủ bởi hành vi của những bộ phận vật chất cấu thành của chúng. Cơ sở đầu tiên cho quy giản luận đã trở nên «có vấn đề» hơn, dưới sự soi rọi từ khá nhiều công trình nghiên cứu gần đây trong lịch sử và triết lý khoa học. Ngay cả các trường hợp được xem là biểu mẫu (paradigm)* của quy giản luận, chẳng hạn như mẫu hình* từ nhiệt động lực học đến cơ học thống kê, đã trở nên phức tạp và gây tranh cãi hơn nhiều, so với những suy nghĩ trước đây. Rất nhiều công trình nghiên cứu về quan hệ của di truyền học Mendel — về sự trao truyền các tính trạng (traits) từ những sinh vật sang con cháu của chúng — với di truyền học phân tử, đã khiến cho phần lớn các triết gia sinh học kết luận rằng trường hợp đầy hứa hẹn cho quy giản luận này không thể được xếp vào bất kỳ cái gì giống như kiểu mô hình của Oppenheim-Putnam (Hull, 1974; Kitcher, 1984; nhưng xem Waters, 1990).
Một giải đáp cho khó khăn này là sự chuyển sang một quan niệm rất khác về quy giản. Một số triết gia đã gợi ý rằng ta không thể quy giản nhiều lý thuyết cấp cao hơn xuống các cấp thấp hơn là bởi vì, nói một cách chính xác, những lý thuyết trước là sai. Vì vậy, họ đề xuất rằng thay vì suy ra các lý thuyết cấp cao hơn từ các lý thuyết cấp thấp hơn, chúng ta nên liệu đoán sự bác bỏ cuối cùng của thứ (lý thuyết) trước và ủng hộ các phiên bản mở rộng của thứ (lý thuyết) sau. Một ví dụ nổi tiếng của chiến lược này là đòi hỏi rằng sự hiểu biết qua thông kiến của chúng ta về tinh thần — bằng loại ngôn từ của cảm giác, tin tưởng, tình cảm, v. v… — cũng như các lý thuyết tâm lý từng nỗ lực nghiên cứu và tinh chỉnh loại khái niệm từ thông kiến này, cuối cùng sẽ bị một khoa học tương lai về sinh lý học thần kinh làm cho thành lỗi thời (Churchland, 1986). Một quy giản luận loại bỏ như vậy, và quy giản luận dẫn xuất được mô tả ở trên, có thể được coi là hình thành một quang phổ các trường hợp có thể xảy ra. Ở giữa các thái cực đó, chúng ta có thể tưởng tượng rằng các lý thuyết cuối cùng được rút ra từ loại khoa học quy giản sẽ ít nhiều bị thay đổi đáng kể trong quá trình này, bởi những phát triển trong khoa học quy giản.
Một trắc trở cho quan niệm loại trừ là, để tìm và đưa ra những ví dụ có vẻ đúng về quy giản loại bỏ trong lịch sử khoa học là điều khó khăn hơn nhiều. Các lý thuyết khoa học thường được thay thế bằng các lý thuyết đối thủ ở cùng cấp độ cấu trúc. Sự rườm rà của các khái niệm tinh thần truyền thống vẫn là giả định, và còn cần được chứng minh. Do đó, người theo chủ trương loại trừ có xu hướng đặt các đòi hỏi của họ trên những luận cứ triết học thuộc loại được phác thảo ở trên, và trên những phát biểu về các triển vọng hạn chế của thứ khoa học bị loại bỏ. Các triết gia khác, tin rằng sự thất bại thực tế của quy giản luận cho thấy những khó khăn sâu sắc của chương trình này, đã lui lại thái độ nhấn mạnh trên khả năng của phép quy giản về nguyên tắc, nhưng phủ nhận tính khả thi hiện thời của nó trong thực tiễn khoa học. Một vị trí phổ thông như vậy được gọi là «siêu hiện» (mặc dù tương quan giữa nó với quy giản luận vẫn còn gây tranh cãi)[3]. Một lĩnh vực hiện tượng được cho là siêu hiện trên một lĩnh vực khác — trong trường hợp này, các hiện tượng cấp cao hơn được cho là siêu hiện trên các hiện tượng cấp thấp hơn — khi không có khác biệt nào ở cấp siêu hiện là có thể mà không có một khác biệt nào đấy ở cấp độ thấp hơn từ đó nó siêu hiện (nhưng không ngược lại) (Kim, 1978). Như vậy, các hiện tượng siêu hiện được xác định đầy đủ bởi trạng thái của những hiện tượng trên đó chúng siêu hiện. Các trạng thái tinh thần thường được cho là siêu hiện trên các trạng thái của bộ não, hoặc các hiện tượng sinh học siêu hiện trên các quá trình hóa học cơ bản.
Người ta còn có thể bác bỏ triệt để hơn nữa luận cứ triết học của quy giản luận. Đặc biệt, ta có thể đặt nghi vấn về giả định rằng hành vi của những hạt vi vật lý được mô tả hoàn toàn bằng các định luật vi vật lý. Bằng chứng cho các định luật vi vật lý có nguồn gốc từ những thiết lập thí nghiệm không thông thường và chuyên biệt, và sự mở rộng các định luật này tới những hạt chìm chặt trong các cấu trúc phức tạp đòi hỏi một bước nhảy quy nạp cần phải tranh cãi. Trong sự thiếu vắng giả định này, ta có thể xem khoa học như bao gồm nhiều khái quát hóa tự lập như nhau, mặc dù không đầy đủ, ở nhiều cấp độ. Tôi đã từng bảo vệ một quan điểm như vậy (Xem: Dupré, 1993, pt 2 ; xem thêm: Cartwright, 1983).
TÁC PHẨM QUY CHIẾU
Cartwright, N. 1983: How the Laws of Physics Lie (Oxford: Oxford University Press).
Churchland, P. S. 1986: Neurophilosophy (Cambridge, MA: Bradford Books/MIT Press).
Dupré. J. 1993: The Disorder of Things: Metaphysical Foundations of the Disunity of Science (Cambridge, MA: Harvard University Press).
Hull, D. L. 1974: The Philosophy of Biological Science (Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall).
Kim, J. 1978: Supervenience and nomological incommensurables, American Philosophical Quarterly, 15, 149-56.
Kitcher, P. 1984: 1953 and all that: a tale of two sciences. Philosophical Review, 93, 335-76. Nagel, E. 1961: The Structure of Science: Problems in the Logic of Scientific Explanation ( New York: Harcourt, Brace, and World).
Oppenheim, P., and Putnam, H. 1958: The unity of science as a working hypothesis. In: Minnesota Studies in the Philosophy of Science, vol. 2., ed. H. Feigl, M. Scriven, and G. Maxwell (Minneapolis: University of Minnesota Press), 3-36.
Waters, K. 1990: Why the anti-reductionist consensus won't survive: the case of classical Mendelian genetics. In PSA 1990, vol. 1, ed. A. Fine, M. Forbes, and L. Wessels (East Lansing, MI: Philosophy of Science Association, 1990), 125-39.
John Dupré,
Reductionism
(In: A Companion to the Philosophy of Science,
Ed. by W. H. Newton-Smith,
Oxford, Blackwell, 2001, tr. 402-404).
[1] John A. Dupré (1952-….): triết gia khoa học người Anh. Tác phẩm: The Disorder of Things: Metaphysical foundations of the disunity of science (1993); Humans and Other Animals (2002); Human Nature and the Limits of Science (2003); Darwin's Legacy: What Evolution Means Today (2005); Value-Free Science: Ideal or Illusion (với Harold Kincaid và Alison Wylie, 2007); The Constituents of Life (the Spinoza lectures, 2008); Genomes and What to Make of Them (với S. B. Barnes, 2008); Nature After the Genome (với S. Parry, 2010); Processes of Life: Essays in the Philosophy of Biology (2012); Everything Flows: Towards a Processual Philosophy of Biology (với D. J. Nicholson, 2018).
[2] Ở đây, để làm rõ nghĩa của khái niệm quy giản (rút gọn) và quy giản luận hơn nữa, chúng ta có thể tham khảo thêm một số định nghĩa khác, chẳng hạn như:
«Quy giản luận là luận điểm cho rằng các kết quả điều tra trong một lĩnh vực — bất kể là khái niệm, phương pháp khám phá (heuristics), định luật hay lý thuyết — đều có thể được hiểu hoặc giải thích bằng các nguồn của một lĩnh vực khác, cơ bản hơn. Do đó, hóa học có thể được quy giản vào vật lý; nhiệt động lực học vào lý thuyết động học; di truyền học Mendel vào di truyền học phân tử; v. v... Quy giản luận có thể được xem, vừa như mô tả một chiến lược nghiên cứu hay khám phá (việc nghiên cứu phải được tiến hành như thế nào), vừa như một đòi hỏi là kết quả của công trình nghiên cứu đó biện minh cho khẳng định rằng một lĩnh vực đang được quy giản vào một lĩnh vực khác» (W. C. Wimsatt & S. Sarkar - Philosophy of Science: An Encyclopedia, 2006).
«Động từ tiếng Anh 'reduce', bắt nguồn từ tiếng La-tinh 'reducere', có nghĩa đen là 'mang lại', cho ta biết cách sử dụng như ẩn dụ của nó trong triết học. Nếu người ta khẳng định rằng có thể quy giản tinh thần vào vật chất, nhiệt vào động năng phân tử, hoặc một lý thuyết vào một lý thuyết khác, thì người ta ngụ ý rằng, theo một ý nghĩa hữu quan nào đó, lý thuyết bị quy giản có thể được đưa trở lại lý thuyết quy giản, tinh thần trở lại vật chất, hoặc nhiệt trở lại động năng phân tử. Như được sử dụng trong triết học, thuật từ 'quy giản' diễn đạt ý tưởng rằng nếu có thể quy giản một thực thể x vào một thực thể y, thì theo một nghĩa nào đó, y là có trước x, cơ bản hơn x, nghĩa là x hoàn toàn phụ thuộc vào y hoặc được cấu thành bởi y. Nói rằng có thể quy giản x vào y thường hàm ý rằng x chẳng là gì khác y, hoặc x chẳng là gì hơn và trên y» (Raphael Van Riel & Robert Van Gulick - Stanford Encyclopedia of Philosophy, 2019).
«Các nhà quy giản luận là những người cho rằng có thể quy giản một lý thuyết hoặc hiện tượng vào một lý thuyết hoặc hiện tượng khác — một nhà toán học cho rằng có thể quy giản bất kỳ lý thuyết toán học đã cho nào vào lô-gic học hoặc lý thuyết tập hợp, hoặc nhà sinh học cho rằng có thể quy giản những thực thể sinh học như tế bào vào các tập hợp những thực thể hóa lý như nguyên tử và phân tử, chẳng hạn. Loại hình quy giản luận đang được quan tâm nhiều nhất trong siêu hình học và triết học tinh thần hiện nay bao hàm đòi hỏi quy giản mọi ngành khoa học vào vật lý học. Điều này thường được hiểu là mọi hiện tượng (kể cả các hiện tượng tinh thần như ý thức) đều đồng nhất với loại hiện tượng vật chất» (Alyssa Ney - Internet Encyclopedia of Philosophy, n.d.)
[3] A: 'Supervenience' (Ph: 'subvenance'), do 'super' có nghĩa là trên ('on, above'), thêm vào ('additional'), và 'venire' có nghĩa là đến, xảy ra, trong tiếng La-tinh. Hiểu như vậy, ‘supervenience’ có thể được xem là từ hầu như tương đương với ‘emergence’ (do động từ ‘emergo’, có nghĩa là vươn lên, xảy ra). Như vậy, ‘supervenience’ hoặc ‘emergence’ chỉ sự xảy ra của một cái gì đó mới, thêm vào, hoặc bất ngờ, nói cách khác, sự xuất hiện ở một cấp độ cao hơn, và có thể được dịch, tuỳ trường hợp, là 'siêu hiện' hoặc 'đột hiện'. Định nghĩa như vậy, ‘supervenience’ và ‘emergence’ chỉ một quan điểm đối lập với quy giản luận, và thường gọi là siêu hiện luận (emergentism).
Nói chung, sự quy giản được gắn liền với ý tưởng rằng các ngành khoa học là thống nhất và được sắp xếp theo cấp bậc. Như một luận điểm phổ quát, quy giản luận xem vật lý học là khoa học cơ bản nhất, theo nghĩa là các định luật và định đề của mọi ngành khoa học khác đều có thể được rút ra từ, và giải thích bởi, khoa vật lý — ít ra là về nguyên tắc. Về mặt siêu hình, điều này ngụ ý rằng những sự vật như phân tử, tế bào, ghế bàn và ý thức chẳng hạn, không là gì khác hơn là thứ vật liệu từ đó chúng được tạo ra. Mặt khác, sự siêu hiện thường được gắn liền với ý tưởng rằng các ngành khoa học đặc biệt, và những thực thể, thuộc tính, v. v… đặt định của chúng, một cách nào đó, đều là mới mẻ và độc lập phần nào với khoa vật lý. Theo quan điểm này, trong khi các ngành khoa học đặc biệt tuân theo các quy luật vật lý, dù sao chúng vẫn độc lập, và những thực thể đặt định của chúng đều vượt lên trên loại thực thể vật lý. Trong bối cảnh này, người ta không thể giải thích bay biến các phân tử, tế bào và những đặc tính tương ứng của chúng chỉ bằng sự quy chiếu về chất liệu vật lý (Vanessa A. Seifert - Internet Encyclopedia of Philosophy, n.d.)