LM : 15-4-2024 |
C1 |
QUAN NIỆM CỔ ĐIỂN VỀ HIỆP THÔNG
(1660)
Tác giả : Antoine Arnauld*, Claude Lancelot[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Cho đến nay, chúng ta chỉ xem xét, trong lời nói, cái vốn là phần vật chất của nó, và là phần mà con người và con vẹt cùng có chung, ít ra là về âm thanh.
Bây giờ ta còn phải xem xét phần tinh thần của nó nữa, cái đã tạo ra những lợi thế lớn nhất cho con người trên mọi loài động vật khác, và là một trong các bằng chứng lớn nhất của lý trí: đấy là sự kiện chúng ta sử dụng lời nói nhằm biểu thị những suy nghĩ của ta, và phát minh tuyệt vời này là cái khả năng cấu tạo, từ hai mươi lăm hoặc ba mươi âm thanh, vô số từ khác nhau. Mặc dù, tự bản thân chúng, số từ này không có gì giống với những điều đang diễn ra trong tinh thần ta, chúng vẫn cho phép người khác khám phá mọi bí ẩn của nó, và làm cho những kẻ không thể thâm nhập vào nó nghe và hiểu tất cả những gì chúng ta quan niệm, cũng như mọi chuyển động khác trong tâm hồn ta.
Như vậy, chúng ta có thể định nghĩa từ [là] những thanh giọng tách biệt, và được cấu âm để từ đấy con người tạo ra các dấu hiệu nhằm phát biểu những suy nghĩ của mình.
Đấy chính là lý do khiến chúng ta không thể nào hiểu đầy đủ các loại ý nghĩa khác nhau được bao bọc trong các từ, trừ phi trước đó ta đã hiểu những gì diễn ra trong suy nghĩ của ta, bởi vì các từ chỉ được phát minh ra nhằm làm cho chúng được biết.
Mọi triết gia đều dạy rằng trí tuệ của chúng ta có ba thao tác: quan niệm, phán đoán, lý luận.
Quan niệm chẳng có gì khác hơn là, bằng một cái nhìn đơn giản, đặt lý trí của ta lên mọi sự vật, hoặc một cách hoàn toàn trí tuệ — như khi tôi biết hữu thể, thời lượng (durée), tư tưởng, Thượng Đế là gì —, hoặc với những hình thể — như khi tôi tưởng tượng ra một hình vuông, hình tròn, con chó, con ngựa.
Phán đoán là sự khẳng định rằng một sự vật mà chúng ta quan niệm là như thế này, hoặc không phải là như thế kia: chẳng hạn khi đã quan niệm Trái Đất là gì, và thế nào là tròn, tôi khẳng định về Trái Đất rằng nó là tròn.
Lý luận là sử dụng hai phán đoán để làm ra một phán đoán thứ ba: chẳng hạn khi đã phán đoán rằng mọi đức tính đều đáng ca ngợi, và sự kiên nhẫn là một đức tính, tôi kết luận rằng sự kiên nhẫn là đáng ca ngợi.
Từ đấy, chúng ta thấy rằng thao tác thứ ba của lý trí [lý luận] chỉ là phần mở rộng của cái thứ hai [phán đoán]; và như vậy, cho chủ đề của chúng ta, chỉ cần xem xét hai thao tác đầu tiên là đủ, hoặc những gì của thao tác thứ nhất [quan niệm] bị nhốt trong thao tác thứ hai [phán đoán]; bởi vì người đời không nói để chỉ đơn giản biểu đạt những gì họ quan niệm, mà hầu như luôn luôn nhằm biểu đạt những phán đoán họ đưa ra về những sự vật họ quan niệm.
Phán đoán mà chúng ta đưa ra về sự vật, chẳng hạn như khi tôi nói Trái Đất là tròn được gọi là mệnh đề; và do đó, mọi mệnh đề nhất thiết phải kèm theo hai hạn(g) từ[2] (terme); một gọi là chủ thể, đấy là cái được chúng ta khẳng định về nó, như Trái Đất; và một gọi là thuộc tính, đấy là điều chúng ta khẳng định, như tròn; và hơn nữa, cái kết nối hai hạn(g) từ này, là.
Bây giờ thật dễ dàng thấy rằng cả hai hạn(g) từ đều đúng thực thuộc về thao tác đầu tiên của lý trí, bởi vì đấy là những gì chúng ta quan niệm, và đấy là đối tượng của tư duy của ta; đồng thời thấy rằng cái kết nối [là] thuộc về hạn(g) từ thứ hai, mà chúng ta có thể nói đúng thực là hành động của lý trí của ta, và là cách chúng ta tư duy.
Và như vậy, sự phân biệt lớn nhất về những gì xảy ra trong lý trí của ta là nói rằng, chúng ta có thể xem xét ở đấy cái đối tượng, và cái hình thức hay cách thức tư duy của ta mà phần chính là sự phán đoán: nhưng chúng ta còn phải thêm vào đấy các kết hợp, tách rời và những hoạt động tương tự khác của lý trí, và mọi chuyển động khác trong tinh thần ta nữa, chẳng hạn như ham muốn, sai khiến, nghi vấn, v. v...
Hệ quả từ sự kiện này là, vì người đời cần có những dấu hiệu để đánh dấu mọi điều xảy ra trong tâm trí họ, nên sự phân biệt tổng quát nhất của ngôn từ cũng phải là: một số từ biểu thị những đối tượng của tư tưởng ta, trong khi những từ khác biểu thị cái hình thức và cách thức tư duy của chúng ta, mặc dù thường thì chúng không biểu thị chúng đơn độc mà cùng với đối tượng, như chúng tôi sẽ chỉ ra sau.
Những từ thuộc loại thứ nhất là những từ người ta gọi là danh từ, mạo từ, đại danh từ, động tính từ, giới từ và phó (trạng) từ; những từ thuộc loại thứ hai là động từ, liên từ và thán từ; tất cả đều được rút ra, theo một trình tự thiết yếu, từ cách thức tự nhiên qua đó chúng ta thể hiện những suy nghĩ của mình.
Antoine Arnauld & Claude Lancelot
Grammaire générale et raisonnée, II, ch. I, 1660
(Paris, Republications Paulet, 1969, tr. 22-24)
[1] Claude Lancelot (1615-1695): nhà thần học và ngôn ngữ học người Pháp theo giáo phái Jansenisme (gọi theo tên của Giám mục Hà Lan Cornelius Jansen hay Jansenius, 1585-1638). Tác phẩm: Grammaire générale et raisonnée contenant les fondements de l'art de parler, expliqués d'une manière claire et naturelle (với Antoine Arnauld, 1660); Le Jardin des racines grecques (với Louis-Isaac Lemaistre de Sacy, 1660).
Quyển Grammaire générale et raisonnée (gọi tắt là Ngữ Pháp Học Port-Royal), được xem hầu như là tác phẩm sinh đôi với quyển Logique ou l’Art de pensée. Đây là một thứ ngữ pháp không đặt nền trên sự tương hợp với cách sử dụng ngôn từ phổ biến nhất, mà trên lý trí: từ «générale» trong tựa có nghĩa rằng đối tượng của nó là ngôn ngữ nói chung chứ không phải là một ngôn ngữ đặc thù nào cả; từ «raisonnée» có nghĩa là nó nhằm giải thích sự vận hành của ngôn ngữ thông qua lý trí. Cho rằng mỗi ngôn ngữ chỉ biểu hiện trong hệ thống riêng của nó những cơ cấu lô-gic phổ quát, nghĩa là giả định có một thứ ngữ pháp phổ quát, tác phẩm được đánh giá là một công trình tiên phong về triết lý ngôn ngữ: do chịu ảnh hưởng sâu đậm từ quyển Règles pour la direction de l’esprit của Descartes, nó được Noam Chomsky xem là tác phẩm điển hình của ngôn ngữ học cartesian (cartésien-ne, do tên họ của Descartes xưa có thể viết là René Des Cartes).
[2] Xem trên trang mục Lô-gic Học, chú thích thứ 5 trong bản dịch trích đoạn: Antoine Arnauld & Pierre Nicole, Bốn Thao Tác Của Trí Tuệ.