QUAN HỆ NHÂN QUẢ (R. CARNAP, 1966)
Cập nhật ngày 15-9-2020 
Từ khóa: Nhân quả (Khái niệm) ; Tính có thể tiên đoán (khái niệm) ;
Carnap, Rudolf – Trích đoạn
C2

QUAN HỆ NHÂN QUẢ[1]

Tác giả: Rudolf Carnap*
Người dịch: Nguyễn văn Khoa

*

Cách tiếp cận của nhà lô-gic học Rudolf Carnap nằm trong dòng phê phán quan hệ nhân quả của David Hume. Thực vậy, đối với Hume, không có tương quan thiết yếu giữa cái mà ta gọi là «nhân» với cái mà ta chỉ định là «quả». Từ sự kiện ổ bánh mì tôi ăn ngày hôm qua đã nuôi dưỡng tôi, không tất yếu sự kiện tiếp theo phải là ổ bánh mì tôi ăn ngày mai cũng sẽ nuôi dưỡng tôi y như vậy. Tất nhiên tôi phải thừa nhận rằng, cho đến nay, sự lắng dịu cơn đói đã thực sự theo sau việc nhai nuốt bánh mì. Thế nhưng không có một lý luận tiên nghiệm nào cho phép tôi nói rằng sự kiện đầu đã kéo sự kiện sau theo một cách tất yếu[2].

Đã vậy, Carnap còn nói thêm rằng ta không thể nào phát hiện ra nguyên nhân của một hiện tượng. Bởi bất kỳ một thay đổi nào trong thiên nhiên cũng đều phát xuất từ một «chùm hoàn cảnh», và ta không được phép lựa ra một trong số đó như «nguyên nhân», nếu không muốn đơn giản hóa quá đáng những quy luật trong cuộc.

Phải từ bỏ khái niệm nguyên nhân trong việc giải thích các hiện tượng vật lý chăng? Không, bởi vì yêu cầu nhân quả là đầu nguồn của hoạt động khoa học nhưng điều này không hề bao hàm, bất kỳ bằng cách nào, rằng thế giới là sự móc cuốn những cái nhân vào những cái quả. Chúng ta còn phải làm cho rõ nghĩa cái mệnh đề: «Biến cố A là nguyên nhân của biến cố B». Một khi đã thanh lọc mọi dấu vết của chủ nghĩa nhân hình ngây thơ ra khỏi khái niệm nguyên nhân thứ đã cho biến cố A cái khả năng «sản xuất ra», «sinh ra», «mang lại», biến cố B điều còn lại là cái khả năng đoán trước sự kiện B từ sự kiện A cho một quan sát viên tiềm tàng. Như vậy, quan hệ nhân quả không thể được diễn giải như một thuộc tính của hiện tượng, mà như cái khả năng cho phép nhà khoa học đưa ra những dự báo, với ít nhiều cơ hội được thực hiện. Kết luận rằng toàn bộ vũ trụ tuân theo định luật nhân quả có nghĩa là ta quên rằng khoa học chỉ nhìn thấy tương quan nhân quả trong tự nhiên trong chừng mực là, nói một cách chính xác, nó coi thường những gì không đáp ứng được nhu cầu tiên đoán của nó.

*

I - TỪ KHOA HỌC ĐẾN TRIẾT LÝ KHOA HỌC

1 - Khoa học và triết lý khoa học

Khái niệm về quan hệ nhân quả, một trong những chủ đề trọng tâm trong triết lý khoa học ngày nay, đã chiếm được sự quan tâm của nhiều triết gia lỗi lạc suốt từ thời Hy Lạp cổ đại cho đến nay. Trong các thời kỳ trước, nó cũng từng là một đề tài lớn trong triết lý tự nhiên. Lĩnh vực này bao gồm cả phần nghiên cứu thực nghiệm lẫn phần triết học soi sáng loại tri thức đó. Và thời nay, ngày càng rõ ràng là công việc nghiên cứu thiên nhiên là nhiệm vụ của các nhà khoa học thực nghiệm, chứ không phải của giới triết gia trong phẩm cách này.

Tất nhiên, một triết gia có thể vừa là nhà triết học, vừa là nhà khoa học. Trong trường hợp đó, ông ta cần phải nhận thức một khác biệt cơ bản giữa hai loại vấn đề mà ông có thể đặt ra. Nếu các câu hỏi của ông ta đại loại là: «Những miệng núi lửa trên Mặt Trăng đã hình thành như thế nào?», hoặc «Có hay không một thiên hà được cấu tạo hoàn toàn bởi phản vật chất?», thì đúng là ông đang đặt vấn đề với các nhà thiên văn và vật lý học đấy. Ngược lại, nếu ông ta hướng các câu hỏi của ông về sự phân tích khách quan những khái niệm nền tảng của một khoa học, thay vì về bản chất của thế giới, thì đúng là ông đang đặt vấn đề với các triết gia khoa học vậy.

2 - Siêu hình học của tự nhiên và triết lý khoa học

Trước kia, giới triết gia tin rằng có một lĩnh vực tri thức gọi là siêu hình học của tự nhiên, sâu hơn và căn bản hơn bất kỳ một khoa học thực nghiệm nào, và nghĩa vụ của triết học là phơi bày loại chân lý siêu hình này. Ngày nay, giới triết gia khoa học không còn tin rằng có một thứ siêu hình học như vậy nữa. Triết lý của khoa học nay đã thay thế cho triết lý [siêu hình] của tự nhiên xưa. Thứ triết lý mới này không liên quan tới sự khám phá ra sự kiện và định luật (đấy là nhiệm vụ của các nhà khoa học thực nghiệm), cũng không bận tâm xây dựng một công thức siêu hình về thế giới. Thay vào đó, nó tập trung toàn bộ sự chú ý lên chính bản thân khoa học – khảo sát loại khái niệm và phương pháp được sử dụng, những kết quả đạt được, hình thức của các báo cáo nghiên cứu, và các loại hình lô-gic học có thể được áp dụng. Nói cách khác, nó chỉ liên quan tới loại vấn đề được thảo luận trong quyển sách này1. Triết gia khoa học nghiên cứu về nền tảng triết lý (nghĩa là về lô-gic và phương pháp) của tâm lý học, chứ không phải về «bản chất của trí tuệ (mind)», ông ta nghiên cứu về cơ sở triết lý của nhân học, chứ không phải về bản chất của văn hóa. Trong bất kỳ mỗi ngành học thuật nào, mối quan tâm chính yếu là với các khái niệm và phương pháp của lĩnh vực liên hệ.

Một số triết gia đã cảnh báo chớ lập ra một đường phân biệt quá sắc nét giữa công việc của nhà khoa học trong một lĩnh vực nào đấy, với công việc của một triết gia khoa học cũng quan tâm tới cùng lĩnh vực này. Trong một nghĩa nào đó, đây là một cảnh báo tốt. Cho dù công việc của nhà khoa học thực nghiệm và công việc của triết gia khoa học phải luôn luôn được phân biệt, trong thực tế, hai công việc này thường trộn lẫn vào nhau. Một nhà vật lý học đang làm việc có thể phải liên tục đối phó với các vấn đề phương pháp, tự đặt cho mình một số câu hỏi. Tôi phải dùng loại khái niệm nào đây? Những khái niệm đó tuân theo định luật nào? Bằng phương pháp lô-gic nào tôi có thể định nghĩa loại khái niệm ấy? Phải đưa những khái niệm đó vào các mệnh đề, rồi kết nối lô-gic những mệnh đề này thành một hệ thống lý thuyết như thế nào? Rõ ràng là ông ta phải trả lời các câu hỏi này như một triết gia khoa học, chứ không phải bằng các thủ tục[3] thực nghiệm. Mặt khác, ta cũng không thể thực hiện được gì có ý nghĩa trong triết lý khoa học, nếu không có nhiều tri thức về những kết quả thực nghiệm của khoa học. Trong quyển sách này chẳng hạn, một số đặc tính của thuyết tương đối đã được luận bàn dài dòng vì chúng là cần thiết, trong khi những chi tiết khác không được đề cập tới, bởi vì thuyết tương đối chỉ được giới thiệu ở đây trước hết nhằm làm sáng tỏ sự phân biệt quan trọng giữa hình học thực nghiệm với hình học thuần túy hay hình học toán học. Trừ phi hoàn toàn thông thạo về một khoa học, các sinh viên theo đuổi môn triết lý khoa học cũng khó lòng nêu lên được những câu hỏi quan trọng về khái niệm và phương pháp của nó.

3 - Quan hệ nhân quả trong các lĩnh vực

Lý do khiến tôi phân biệt nghiệp vụ của các triết gia khoa học với công việc siêu hình của những người đi trước họ (các triết gia về tự nhiên) chính là vì sự khác biệt trên rất quan trọng cho chủ đề của chương này: sự phân tích tương quan nhân quả. Các triết gia thời xa xưa đều quan tâm tới bản chất siêu hình của chính loại quan hệ nhân quả này. Quan tâm của chúng ta ở đây là tìm hiểu xem các nhà khoa học thực nghiệm sử dụng khái niệm nhân quả ra sao, nghĩa là làm rõ ra rằng, khi họ nói «Cái này là nguyên nhân của cái kia», thì ý nghĩa chính xác của điều được phát biểu, tương quan nguyên nhân-và-hệ quả, này là gì? Vậy thì, quan hệ nhân quả là gì, nói một cách chính xác? Trong cuộc sống hàng ngày, chắc chắn đây là một khái niệm mơ hồ. Ngay cả trong khoa học, không phải lúc nào cũng rõ ràng là nhà khoa học cho nó ý nghĩa gì khi ông ta nói rằng biến cố này đã «gây ra» biến cố kia. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của triết lý khoa học là phân tích khái niệm nhân quả và làm sáng rõ cái nghĩa của nó.

Bởi ngay từ nguồn gốc lịch sử của khái niệm này, nó đã hơi mơ hồ. Có vẻ như nó đã xuất hiện như một sự phóng chiếu kinh nghiệm của con người vào thế giới tự nhiên. Khi đẩy một cái bàn, ta cảm nhận được sự căng của cơ bắp. Nên khi một cái gì đó tương tự cũng được quan sát trong thiên nhiên, như khi một hòn bi đụng vào một hòn bi khác chẳng hạn, thật dễ tưởng tượng rằng nó đã có một kinh nghiệm giống như khi ta đẩy cái bàn. Hòn bi đẩy là tác nhân, nó đã làm một cái gì đó trên hòn bi kia, khiến cái sau chuyển động. Thật dễ thấy rằng con người trong các nền văn hóa sơ khai có thể giả định mọi yếu tố trong thiên nhiên đều được kích hoạt, như chính bản thân họ, như thế nào – bởi những linh hồn có thể sai khiến cho một số điều xảy ra theo ý muốn! Điều này là đặc biệt dễ hiểu đối với loại hiện tượng tự nhiên gây thiệt hại lớn. Hòn núi đã gây ra nạn lở đất, cơn lốc xoáy đã tàn phá làng mạc, cả hai đều đáng bị trách mắng. 

Ngày nay, lối tiếp cận thiên nhiên đầy tính nhân hình này không còn được lưu giữ bởi những người văn minh nữa, và chắc chắn không phải bởi các nhà khoa học. Tuy nhiên, các yếu tố của tư duy vật linh vẫn tồn tại lây lất. Một hòn đá đập vỡ cửa sổ. Nó có chủ ý chăng? Tất nhiên là không, nhà khoa học sẽ nói như thế. Hòn đá là hòn đá, nó không có linh hồn, có ý đồ. Mặt khác, hầu hết mọi người, kể cả chính các nhà khoa học nữa, cũng sẽ không ngần ngại nói rằng biến cố b (chuyện vỡ cửa kính) có nguyên nhân là biến cố a (sự va chạm của hòn đá với mặt kính). Nhà khoa học có ý nghĩ gì khi nói biến cố a là nguyên nhân của biến cố b ? Có thể ông ta muốn nói rằng biến cố a «mang lại» biến cố b, hay «sản xuất» ra biến cố b.  Như vậy, bạn thấy ngay rằng, khi cố gắng giải thích ý nghĩa của thuật từ «nguyên nhân», ông ta rơi trở lại những cụm từ như «mang lại», «đem tới», «tạo ra», «sản xuất ra». Chúng  thuộc loại cụm từ ẩn dụ, được rút ra từ những sinh hoạt của con người. Theo nghĩa đen, một sinh hoạt của con người có thể mang lại, tạo nên và sản xuất ra đủ thứ biến cố khác biệt khác; thế nhưng, trong trường hợp của hòn đá, điều này lại không thể được được hiểu theo nghĩa đen ấy. Bởi nó không phải là một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi : «Khi nói một biến cố là nguyên nhân của một biến cố khác, thì điều này có nghĩa là gì?».

Điều quan trọng là phải phân tích khái niệm nhân quả mơ hồ này, để thanh tẩy khỏi nó mọi phần tử cũ kỹ, phản khoa học có thể còn vướng mắc trong đó. Nhưng trước tiên, cần làm sáng tỏ một điểm: tôi không tin rằng có bất kỳ một lý do nào để vất bỏ khái niệm nhân quả. Một số triết gia cam đoan rằng David Hume có ý bác bỏ toàn bộ khái niệm nhân quả trong bài phê bình nổi tiếng của ông về quan hệ này. Tôi không tin đấy là ý định của Hume. Ông không hề có ý từ bỏ khái niệm trên, mà chỉ muốn thanh lọc nó. Vấn đề này sẽ được xem xét một lần nữa2 sau, bây giờ tôi chỉ cần nói rằng điều mà Hume muốn bác bỏ chỉ là cái phần về tính thiết yếu trong khái niệm nhân quả. Phân tích của ông ta đã đi đúng đường hướng, tuy rằng nó chưa đi đủ xa và cũng chưa đủ sáng tỏ, theo ý kiến ​​của nhiều triết gia khoa học ngày nay. Theo ý kiến ​​của  tôi, không cần thiết phải nhìn nhân quả như một khái niệm tiền khoa học, siêu hình trong nghĩa lăng mạ, và do đó phải vất bỏ ngay. Sau khi khái niệm này được phân tích và diễn giải đầy đủ, ta sẽ thấy «một cái gì đó» còn lại ở đấy có thể được gọi là tương quan nhân quả; và «cái gì đó» này đã biện minh cho việc sử dụng nó suốt bao thế kỷ nay, bởi cả người đời lẫn các nhà khoa học.

II - QUAN HỆ NHÂN QUẢ LÀ GÌ?

1 – Tương quan nhân quả là một quá trình

Hãy bắt đầu cuộc phân tích bằng câu hỏi: quan hệ nhân quả xảy ra giữa các loại thực thể nào? Nói một cách chặt chẽ, thì không phải là một vật thể đã tạo ra một biến cố, mà là một quá trình. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nói rằng vật này tạo ra biến cố kia. Nhưng điều ta thực sự nói là có những quá trình hay biến cố đã tạo ra những quá trình hay biến cố khác. Ta nói rằng Mặt Trời làm cho cây lớn lên. Nhưng điều ta thực sự nói là sự phát quang từ Mặt Trời – và đây là một quá trình – là nguyên nhân của sự tăng trưởng ấy. Nhưng nếu chúng ta muốn xem «quá trình» và «biến cố» như những thực thể hữu quan trong chuỗi nhân quả, thì các từ này phải được hiểu trong một nghĩa hết sức rộng, nghĩa là phải bao hàm trong định nghĩa cả những quá trình tĩnh, điều ta không làm trong ngôn ngữ hàng ngày.

Thử lấy thí dụ một cái bàn. Tôi không thấy một sự thay đổi nào đang xảy ra ở nó cả. Có thể là nó đã đổi chỗ so với hôm qua, và sẽ bị đập gẫy ngày mai này, nhưng vào cái lúc đang quan sát thì tôi không thấy một thay đổi nào ở nó hết. Biến cố này – sự tồn tại không thay đổi của cái bàn – cũng là một quá trình, có điều đây là một quá trình tĩnh, với những kích thước đáng quan tâm không biến đổi trong thời gian. Nếu quá trình và biến cố phải được xem là hữu quan trong chuỗi nhân quả, thì ta phải công nhận rằng các từ này bao gồm cả những quá trình tĩnh, nghĩa là chúng thay mặt cho bất kỳ một chuỗi trạng thái nào của hệ thống vật chất, dù có hay không có những thay đổi ở đấy.

2 - Nguyên nhân và chùm điều kiện

Ta cũng thường nghe rằng hoàn cảnh hay điều kiện là nguyên nhân hoặc hệ quả. Đây cũng là một lối nói được chấp nhận, và ở đây không có  rủi ro các từ này bị hiểu trong một nghĩa quá hẹp, vì một điều kiện tĩnh hay liên tục vẫn là một điều kiện. Giả sử chúng ta muốn xác định nguyên nhân của một vụ va chạm giữa hai chiếc xe trên đường cao tốc. Ta phải xem xét không chỉ các điều kiện có thể thay đổi (chẳng hạn như cách thức di chuyển của các xe, cách cư xử của các người lái xe, v. v…), mà cả những điều kiện không thay đổi lúc xảy ra tai nạn. Ta cần tìm hiểu tình trạng đường xá: nó ẩm ướt hay khô ráo? mặt trời có chiếu thẳng vào mắt một trong hai tay lái không? Những câu hỏi tương tự có thể cũng quan trọng khi phải truy tìm nguyên nhân của vụ va chạm. Để thực sự đầy đủ, một phân tích nhân quả đòi hỏi chúng ta phải xác định mọi điều kiện hữu quan của tình hình, cả những cái bất biến lẫn những thứ có thể biến đổi. Nhiều điều kiện khác nhau hóa ra cùng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên kết quả cuối cùng. 

Khi có người chết, y sĩ phải lập biên bản về nguyên nhân của cái chết. Ông có thể viết: «lao phổi», như thể chỉ một sự kiện đã gây ra cái chết. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường đòi hỏi một nguyên nhân duy nhất cho mỗi biến cốcái nguyên nhân của vụ tử vong, cái nguyên nhân của tai nạn va chạm. Nhưng khi xem xét tình hình kỹ hơn, ta thấy rằng có thể đưa ra nhiều câu trả lời, tùy theo người đặt câu hỏi đứng trên quan điểm nào. Một kỹ sư cầu đường có thể nói: «Thấy chưa, tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng mặt đường này đã hư hao quá nặng đối với một tuyến giao thông tấp nập như xa lộ này. Nó trở thành trơn trợt khi ướt. Bây giờ, lại có thêm một tai nạn nữa để chứng minh». Theo kỹ sư trên, tai nạn là do sự trơn trợt của xa lộ gây ra. Ông quan tâm tới biến cố từ quan điểm của ông. Ông đưa nó ra như cái nguyên nhân. Về một khía cạnh nào đó, ông nói đúng. Nếu người ta nghe theo lời khuyên của ông mà làm một mặt đường khác cho xa lộ, thì nó đã không trơn trợt như thế. Giả định rằng mọi yếu tố khác của tình huống đều giống nhau[4], thì tai nạn cũng có thể đã không xảy ra. Dù thật khó lòng biết chắc chắn như vậy trong bất kỳ một trường hợp cụ thể đặc thù nào, ít ra có một khả năng tốt [xác suất cao] là vị kỹ sư ấy đã nói đúng. Khi ông quả quyết «đây là nguyên nhân», ông muốn nói rằng: đây là một điều kiện quan trọng thuộc vào loại, nếu như nó không có mặt ở đấy, thì tai nạn có thể đã không xảy ra.

Khi được hỏi về nguyên nhân của tai nạn, người khác có thể nói khác. Điều tra về nguyên nhân của các tai nạn giao thông, ông cảnh sát giao thông sẽ muốn biết bác tài xế có vi phạm bất cứ một luật đi đường nào chăng. Bởi vì công việc của họ là giám sát loại hành xử tương tự, nên nếu thấy rằng luật đi đường đã bị vi phạm, họ sẽ quy nguyên nhân của tai nạn xe vào sự vi phạm đó. Nhưng nhà tâm lý học phỏng vấn một trong hai bác tài xế có thể kết luận rằng ông ta đã lái xe trong tình trạng âu lo, và vì quá đắm sâu vào những lo âu ấy, nên đã không tập trung đủ đến sự kiện một chiếc xe khác đang tiến tới ngã tư đường. Và nhà tâm lý sẽ nói rằng nguyên nhân của tai nạn là trạng thái bất an của người lái xe: từ toàn thể bối cảnh, ông ta đã lấy ra cái nhân tố có liên quan nhiều nhất tới ông ta. Đối với nhà tâm lý, đây là nguyên nhân đáng lưu ý, là nguyên nhân quyết định. Cả ông ta nữa cũng có thể đã nói đúng, bởi vì nếu một bác tài xế không sống trong trạng thái lo âu, thì tai nạn có thể, có xác suất cao, là sẽ không xảy ra. Một kỹ sư chế tạo ô tô có thể còn nhìn thấy một nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn như một khuyết tật nào đó trong cấu trúc của một trong hai chiếc xe. Rồi một người chủ xưởng chữa xe cũng có thể chỉ ra rằng cái phanh của một chiếc đã bị mòn. Nghĩa là mỗi người, khi nhìn vào bức tranh tổng thể từ quan điểm của mình, đều sẽ tìm thấy một điều kiện nào đó cho phép ông ta kết luận một cách đúng đắn rằng, nếu điều kiện này không tồn tại, thì tai nạn có thể đã không xảy ra.

3 - Nguyên nhân là toàn bộ cái tình hình trước biến cố

Tuy nhiên, chẳng ai trong số các vị này đã trả lời cái câu hỏi tổng quát hơn: cái nguyên nhân của tai nạn là gì? Họ chỉ đưa ra một loạt những câu trả lời cục bộ, nghĩa là chỉ ra các điều kiện đặc biệt đã đóng góp vào kết quả cuối cùng. Không có nguyên do duy nhất có thể được chọn ra như cái nguyên nhân. Thật vậy, hiển nhiên là không có cái gì là nguyên nhân hết. Chỉ có nhiều thành phần của một trạng thái phức tạp, mỗi thành phần đều góp phần vào tai nạn, theo nghĩa là nếu cái thành phần đó vắng mặt, thì vụ va chạm có thể đã không xảy ra. Nếu một tương quan nhân quả phải được tìm thấy giữa tai nạn kia và một biến cố trước đó, thì cái sự kiện xảy ra trước đó phải là cái toàn bộ của tình hình lúc trước. Khi nói rằng cái tình hình lúc trước «đã gây ra» tai nạn, điều ta muốn nói là, nếu biết cái tình hình lúc trước trong hàng vạn chi tiết của nó, và nếu biết mọi quy luật hữu quan, thì vụ va chạm đã có thể được  đoán trước. Tất nhiên, không ai thực sự biết, hay có thể biết, tất cả mọi sự kiện và mọi định luật liên quan; nhưng nếu có ai đó đã biết được, thì hắn đã có thể đoán trước vụ va chạm. «Qui luật hữu quan» nói đây bao trùm không chỉ các định luật vật lý và công nghệ (liên quan tới sự ma sát trên mặt đường, sự chuyển động của ô-tô, thao tác của phanh, v. v…), mà cả những định luật sinh lý và tâm lý nữa. Tri thức về tất cả mọi qui luật này, cũng như về mọi sự kiện đơn lẻ hữu quan cần phải được giả định, trước khi ta có thể nói rằng kết quả là có thể được dự đoán. 

4 - Quan hệ nhân quả chỉ tính có thể đoán trước được

Có thể phát biểu ngắn gọn câu kết của phân tích trên như sau: tương quan nhân quả có nghĩa là tính có thể đoán trước được. Khả năng tiên đoán nói đây không chỉ một khả năng thực tế (bởi vì chẳng ai có thể đã biết tất cả mọi sự kiện và định luật liên quan), nó chỉ có nghĩa là nếu biết được toàn bộ tình hình trước một biến cố, thì biến cố ấy đã có thể đoán trước được. Vì lý do này, khi sử dụng thuật từ «tính có thể được dự đoán (predictability)», tôi đã phát biểu nó đôi chút như một ẩn dụ. Nó không có nghĩa là một người nào đó có khả năng thực sự đoán trước một biến cố nào đấy, mà chỉ là một tiềm năng đoán trước thôi. Khi biết tất cả mọi sự kiện và tất cả các định luật tự nhiên có liên quan tới một biến cố, thì ta có thể dự đoán nó trước khi nó xảy ra. Sự tiên đoán này là một hệ quả lô-gic của những sự kiện và quy luật. Nói cách khác, có một quan hệ lô-gic giữa sự mô tả đầy đủ các điều kiện trước đó, các định luật liên quan, và sự đoán trước được của biến cố.

Trên nguyên tắc, các sự kiện đơn lẻ có liên quan bao gồm trong tình trạng trước đó đều có thể được biết. (Chúng tôi bỏ qua ở đây những khó khăn thực tế của việc thu thập tất cả mọi sự kiện, cũng như những hạn chế nguyên tắc mà lý thuyết lượng tử áp đặt trên khả năng biết mọi sự kiện ở mức độ dưới nguyên tử). Đối với việc hiểu biết các định luật hữu quan, nảy sinh một vấn đề lớn hơn nhiều. Khi một tương quan nhân quả được xác định bởi phát biểu rằng một biến cố có thể được suy ra một cách lô-gic từ một tập hợp các sự kiện và quy luật, thì «quy luật» có nghĩa là gì? Ta rất dễ bị cám dỗ trả lời rằng đấy là những định luật có thể được tìm thấy trong mọi sách giáo khoa của các ngành khoa học khác nhau bao hàm trong các tình huống liên hệ, nói chính xác hơn nữa, mọi định luật đã được biết vào thời điểm sự kiện xảy ra. Trong ngôn ngữ hình thức, một biến cố Y vào thời điểm T được gây ra bởi một biến cố X trước nó, nếu và chỉ nếu Y có thể được suy ra từ X, với sự trợ giúp của các định luật LT đã được biết vào thời điểm T.

Dễ thấy rằng đây không phải là một định nghĩa rất hữu ích về quan hệ nhân quả. Hãy xét phản ví dụ sau. Có một báo cáo lịch sử chẳng hạn, về một biến cố B nào đó đã xảy ra thời xa xưa, sau một biến cố A. Những người sống vào thời điểm T1 không thể giải thích được B. Bây giờ B có thể được giải thích, nhờ sự hiểu biết một số định luật, L*, bằng cách chỉ ra rằng B theo sau A và L* một cách lô-gic. Thế nhưng vào thời điểm Tl, thì các định luật L* chưa được biết, nên biến cố B không thể được giải thích như hệ quả của biến cố A. Giả sử tại thời điểm T1 trên, một nhà khoa học nào đấy đã khẳng định, dù chỉ như một giả thuyết, rằng biến cố B được gây ra bởi biến cố A, thì nhìn lại, giả thuyết của ông ta có thể được cho là đúng, mặc dù nhà khoa học đó không thể chứng minh nó. Và ông ta không thể chứng minh nó là vì những quy luật mà ông ta biết, LT1 đã không bao gồm các định luật L* vốn thiết yếu như chứng cớ. Tuy nhiên, nếu định nghĩa về tương quan nhân quả trong đoạn trước được chấp nhận, thì ta nhất thiết phải nói rằng khẳng định của nhà khoa học là sai. Và nó sai, bởi vì ông ta đã không thể suy ra B từ biến cố A và định luật LT1. Nói cách khác, sự khẳng định của ông ta phải bị gọi là sai, ngay cả nếu ngày nay nó được biết là đúng.

Những bất cập của định nghĩa được đưa ra cũng rõ ràng, khi chúng ta suy nghĩ về sự kiện là hiểu biết của ta ngày nay về các quy luật khoa học vẫn còn rất xa với sự đầy đủ. Các nhà khoa học ngày nay biết nhiều hơn đồng nghiệp ở bất kỳ thời nào trước đây, song chắc chắn là họ sẽ biết ít hơn các nhà khoa học của một trăm năm tới (giả sử rằng nền văn minh không bị tiêu diệt bởi một cuộc hủy diệt hàng loạt nào). Chẳng bao giờ khoa học có thể có tri thức đầy đủ về tất cả mọi định luật của tự nhiên. Thế nhưng, như đã được trình bày ban nãy, để có một định nghĩa thích đáng về tương quan nhân quả, thì hệ quy chiếu phải là toàn bộ hệ thống những định luật của tự nhiên, chứ không phải chỉ những quy luật được biết đến ở một thời điểm đặc thù.

5 - Phán đoán đúng và mệnh đề có nghĩa

Khi ta nói biến cố B có nguyên nhân là biến cố A (hay biến cố A là nguyên nhân của biến cố B) thì ý nghĩa của xác định này là gì? Ý nghĩa của nó là có một số quy luật trong tự nhiên từ đấy biến cố B có thể được suy ra một cách lô-gic, khi chúng được kết hợp với sự mô tả đầy đủ biến cố A. Cho dù định luật L có thể được phát biểu hay không là điều không hữu quan (irrelevant). Tất nhiên, nó là điều hữu quan nếu ta đòi hỏi cái bằng cớ rằng khẳng định là đúng. Nhưng để phát biểu cái ý nghĩa của khẳng định thì nó không liên hệ. Chính đây là điều khiến cho phân tích nhân quả là một công việc khó khăn, bấp bênh đến như vậy. Khi một quan hệ nhân quả được nói ra, thì luôn luôn có một quy chiếu ngầm về những định luật chưa được xác định của thiên nhiên. Đòi hỏi rằng cứ mỗi lần ai đó khẳng định «A là nguyên nhân của B», thì ông ta phải có khả năng phát biểu mọi định luật bao hàm trong khẳng định này có thể là điều quá khắt khe, quá đi chệch ra ngoài lẽ thường. Tất nhiên, nếu ông ta có thể nói rõ mọi định luật liên quan, thì ông đã chứng minh rằng phán đoán của ông là đúng. Nhưng không thể đòi hỏi một bằng chứng như vậy trước khi khẳng định của ông được chấp nhận như một mệnh đề có nghĩa.

Giả sử có cuộc đánh cược rằng sẽ có một trận mưa to đúng 4 tuần sau kể từ ngày hôm nay. Không ai biết được dự báo này là đúng hoặc sai. Phải đợi 4 bốn tuần lễ nữa trước khi vấn đề được xác định. Tuy nhiên, tiên đoán rõ ràng là một mệnh đề có nghĩa. Tất nhiên, các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đã nói đúng, khi họ cho rằng một khẳng định chẳng có ý nghĩa gì cả, trừ phi có một khả năng phát hiện ra, ít nhất là trên nguyên tắc, một sự kiện hiển nhiên nhằm xác nhận hay phủ nhận nó. Điều này không có nghĩa rằng một mệnh đề chỉ có nghĩa, nếu và chỉ nếu, ta có khả năng xác định là nó đúng hoặc sai ngay ngày hôm nay. Dự báo về trận mưa to là có ý nghĩa, cho dù khả năng là đúng hoặc sai của nó không thể được xác định ngay bây giờ. Khẳng định A là nguyên nhân của B cũng là một mệnh đề có nghĩa, cho dù người phát biểu có thể không có khả năng xác định những quy luật cần thiết để chứng minh điều được khẳng định. Ý nghĩa của nó là, nếu ta biết mọi sự kiện có liên quan bao quanh A, cùng với mọi định luật hữu quan, thì sự xuất hiện của B có thể được đoán trước.

Điều này dẫn tới một câu hỏi khó. Phải chăng định nghĩa tương quan nhân quả này bao hàm ý tưởng rằng hệ quả tất yếu phải theo sau nguyên nhân? Định nghĩa không hề nói tới tính thiết yếu. Nó chỉ đơn giản nói rằng biến cố B có thể được tiên đoán, nếu mọi sự kiện và định luật  liên quan đều được biết. Nhưng đây có lẽ là trường hợp đặt câu hỏi tức là đã trả lời[5]. Các nhà siêu hình học muốn đưa tính thiết yếu vào định nghĩa của quan hệ nhân quả có thể lập luận: «Đúng là từ “thiết yếu” đã không được sử dụng. Thế nhưng các quy luật đã được nói tới, và quy luật là những phát biểu về sự thiết yếu. Vì vậy, rốt cuộc, tính thiết yếu cũng đã được đưa vào định nghĩa. Bởi nó là phần không thể thiếu của bất kỳ một khẳng định nào về quan hệ nhân quả».

Trong chương tới, chúng ta sẽ xét xem ta có thể nói gì để trả lời luận cứ này.   

Xem tiếp bản dịch sau khi có thể tham khảo:

Rudolf Carnap, Quan Hệ Nhân Quả Và Tính Thiết Yếu

Rudolf Carnap,
Nền Tảng Triết Lý Của Vật Lý Học
(Philosophical Foundations of Physics,
ch. 19, Causality,
New York, Basic books, 1966, tr. 187-195).


[1] Rudolf Carnap, Philosophical Foundations of Physics, New York, Basic books, 1966, ch. XIX, tr. 187-195. Bản dịch tiếng Pháp của Jean-Mathieu Luccioni và Antonia Soulez: Rudolf Carnap, Les Fondements philosophiques de la physique, Paris, A. Colin, 1973, tr. 183-190. NVK

[2] Về vấn đề trên, xem bài sau của tác giả trên cùng trang mục này, khi có thể tham khảo: Rudolf Carnap,  Quan Hệ Nhân Quả Và Tính Thiết Yếu (Does Causality Imply Necessity?) NVK.

[3] Chúng tôi dịch từ procedures là thủ tục, dù người Việt chúng ta quen thấy từ thủ tục trong ngữ cảnh hành chính hay tư pháp hơn, bởi vì ở đây, cả hai từ cũng đều chỉ có nghĩa là làm một số việc cụ thể theo một trật tự và quy định nào đấy. Theo chúng tôi, nới rộng lĩnh vực áp dụng của một từ cũ, để độc giả có thể hiểu trong bối cảnh mới nhờ liên tưởng, có thể dễ được chấp nhận và ít rủi ro hơn là tạo thêm từ mới. Trong quyển Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, thủ tục được định nghĩa một cách tổng quát là: «cái trình tự và phương pháp làm việc (procédure)». NVK

[4] «Other things being the same» (Anh), «toutes choses égales d’ailleurs» (Pháp), đều do thành ngữ La-tinh «ceteris paribus sic stantibus», thường được viết tắt là «ceteris paribus», có nghĩa là: ta chỉ xem xét mỗi lần một thông số, và bỏ ra ngoài những tham số khác của trường hợp, xem như chúng không thay đổi. NVK

[5] Beg the question (Anh) = pétition de principe (Pháp). NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa