Đưa lên mạng ngày 30-06-2020 Từ khóa : Khoa học – Lịch sử – Đối tượng và Phương pháp ; Bachelard, Gaston – Trích đoạn |
C2 |
PHẦN TIÊU CỰC, PHẦN TÍCH CỰC
TRONG LỊCH SỬ KHOA HỌC
(1951)
Tác giả: Gaston Bachelard*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Cháu chắt của chúng ta có thể sẽ còn không quan tâm gì đến thứ khoa học của những cụ cố của chúng nữa. Chúng sẽ không nhìn thấy ở đấy cái gì khác hơn là một viện bảo tàng những tư tưởng không còn tác động, hoặc ít ra chỉ còn là cái cớ để đòi hỏi cải cách giáo dục. Chưa chi, nếu chúng ta được phép dùng công thức này, quả bom nguyên tử đã làm nổ tung cả một lĩnh vực rộng lớn của lịch sử khoa học rồi, bởi những ý niệm cơ bản của nguyên tử luận truyền thống đã không còn dấu vết gì trong đầu của nhà vật lý hạt nhân nữa. Ngày nay, chúng ta phải suy nghĩ về hạt nhân nguyên tử trong quá trình động của năng lượng hạt nhân, chứ không phải trong một thứ hình học về sự sắp xếp các thành phần cấu tạo của nó nữa. Chưa bao giờ có một khoa học tương tự trong quá khứ. Nó cho ta một ví dụ đặc biệt rõ ràng về sự đứt đoạn trong lịch sử phát triển của các khoa học hiện đại. [...]
Đấy là lúc quan điểm hiện đại xác định một phối cảnh mới về lịch sử các khoa học, và phối cảnh này đặt ra vấn đề về tính hiệu quả hiện thời của cái lịch sử khoa học đó trong văn hóa khoa học. Thực vậy, vấn đề bây giờ là phải cho thấy tác động của một lịch sử đã được thẩm định, một lịch sử có bổn phận phải phân biệt cái sai với cái đúng, cái trơ lỳ với cái năng động, cái tai hại với cái phong phú. Nói chung, liệu chúng ta có thể nói rằng một lịch sử được hiểu thì không còn là lịch sử thuần túy nữa rồi chăng? Trong lịch sử các khoa học, điều thiết yếu là phải, không chỉ hiểu, mà còn đánh giá nữa. […]
Đối với tư duy khoa học, sự tiến bộ đã được chứng minh, có thể chứng minh được, và sự chứng minh nó thậm chí còn là một yếu tố giáo dục không thể thiếu cho sự phát triển văn hóa khoa học. Nói cách khác, sự tiến bộ chính là sự năng động của văn hóa khoa học, và chính sự năng động này mà lịch sử các khoa học phải mô tả. Nó phải mô tả thông qua sự thẩm định, đánh giá, bằng cách loại bỏ mọi khả năng quay trở lại những ý niệm sai lầm. Lịch sử các khoa học chỉ có thể đặt dấu nhấn trên những sai lầm của quá khứ như một trở lực. Lúc đó, chúng ta rơi vào tương quan biện chứng giữa chướng ngại với hành động nhận thức luận. Trong một tác phẩm trước, chúng tôi đã nghiên cứu sâu rộng về khái niệm chướng ngại nhận thức luận (obstacle épistémologique) này[1]. Ý niệm hành động nhận thức luận (acte épistémologique), mà chúng tôi đặt vào thế đối lập với nó, tương ứng với những cú hích từ các thiên tài khoa học đã tạo ra những xung lực bất ngờ trong quá trình phát triển khoa học. Vì vậy, trong lịch sử tư tưởng khoa học, có một yếu tố tiêu cực và một yếu tố tích cực. Và ở đây, bên tiêu cực và bên tích cực được tách biệt rõ ràng, tới mức là nhà khoa học nào chọn đứng về phía tiêu cực sẽ tự rút lui khỏi thành quốc khoa học. Bất cứ ai tự hạn chế vào việc sống trong sự chặt chẽ của hệ thống [thiên văn] Ptolemy (Klaudios Ptolemaios, khg 100-178)* sẽ chỉ còn là một sử gia[2]. Và từ quan điểm của khoa học hiện đại, cái gì là tiêu cực đều thuộc về phần phân tâm học của tri thức, cần phải bị cản đường nếu nó lăm le trở lại. Thay vào đó, những gì trong quá khứ mà còn ảnh hưởng tích cực vẫn tác động trên tư duy hiện đại. Phần di sản tích cực của quá khứ này là một thứ quá khứ trong hiện tại mà tác động trong tư tưởng khoa học ngày nay là hiển nhiên.
Vì vậy, chúng ta phải hiểu được tầm quan trọng của một thứ biện chứng lịch sử đặc thù của tư duy khoa học. Nói tóm tắt là ta phải liên tục định hình và tái định hình mối tương quan biện chứng giữa phần lỗi thời (phần tiêu cực) và phần được thừa nhận (phần tích cực) bởi các khoa học hiện đang hoạt động. Lịch sử của thuyết nhiên tố (phlogiston)[3] là lỗi thời, bởi vì nó được đặt trên một sai lầm cơ bản, trên một mâu thuẫn của hóa học trọng lượng[4]. Nhà khoa học duy lý chủ nghĩa không thể phiêu lưu vào đó mà không cảm thấy một sự bứt rứt lương tâm nào đấy. Triết gia khoa học có thể quan tâm đến nó, nhưng chỉ vì ông nhìn thấy ở đây một cơ sở để đặt tri thức khách quan dưới góc nhìn phân tâm học. Và sử gia khoa học nào còn thấy hứng thú với nó phải biết rằng, giống như nhà cổ sinh vật học, ông đang nghiên cứu một tinh thần khoa học đã biến mất; nghĩa là ông không thể hy vọng có tác động nào trên việc giảng dạy khoa học trong thời đại chúng ta.
Trái với giả thuyết về nhiên tố, các công trình khác như của [Joseph] Black[5] về chất nhiệt[6], tuy còn nhiều phần cần nghiên cứu lại, đã đạt mấp mé sự xác định những nhiệt dung riêng[7] trong các kinh nghiệm tích cực, trong khi nhiệt dung riêng là một ý niệm đã vĩnh viễn trở thành ý niệm khoa học – ta có thể khẳng định điều này một cách an toàn. Như vậy, những công trình của Black có thể được mô tả như các yếu tố thuộc phần đã được thẩm định của lịch sử khoa học. [Nay vẫn] có một quan tâm và hứng thú không đổi trong nỗ lực tìm hiểu chúng về mặt lý thuyết, soi sáng chúng về mặt triết lý khoa học, giám sát sự sáp nhập chúng vào một hệ thống khái niệm hợp lý hóa. Một thứ triết học quan tâm tới lịch sử, hướng về nhận thức khoa học, một thứ triết học duy lý, có thể tìm thấy ở đây một mẫu hình phân tích quang phổ, nơi các sắc thái của một thứ triết học đa ngành có thể tự phân bố.
Gaston Bachelard,
Hoạt Động Duy Lý Của Vật Lý Học Hiện Đại,
(L'activité rationaliste de la physique contemporaine,
Paris, P.U.F., 1951, tr. 24-26).
[1] La Formation de l'esprit scientifique, contribution à une psychanalyse de la connaissance objective (Paris, Ed. Vrin, 1938). Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, xin trân trọng giới thiệu: Gaston Bachelard, Sự Hình Thành Của Tinh Thần Khoa Học, Hà Dương Tuấn dịch, Nguyễn Văn Khoa hiệu đính. Hà Nội, nxb Tri Thức, 2010).
[2] Theo nghĩa không phải sử gia khoa học. Xem đoạn 2 ở trên.
[3] Thuyết nhiên tố là lý thuyết hóa học giải thích sự cháy bằng cách giả định sự tồn tại của một chất liệu gọi là «chất cháy» (phlogistón = phlogistique, do từ phlóx = ngọn lửa, phlogios = sự cháy) trong các cơ thể có thể cháy được. Tiếp nối học thuyết của Empedoklês (khg 495-435) từ thời Hy Lạp cổ đại, các nhà giả kim thời Trung cổ cũng cho rằng có bốn đại nguyên tố trong vũ trụ là: lửa, nước, khí, và đất. Năm 1667, Johann Joachim Becher (1635-1682) thay thế nước và lửa bằng ba dạng của đất gọi là: terra lapida (đất đá cứng), terra mercurialis (đất không kiên định), và terra pinguis (đất cháy được), trong quyển Physica Subterranea (1669). Theo ông, yếu tố không màu sắc, mùi vị, trọng lượng này tồn tại trong mọi vật thể có khả năng bốc cháy, là nguyên nhân chính của sự cháy; nó được giải phóng ra ngoài qua quá trình cháy với một mức độ thay đổi, để lại dạng nguyên thủy của vật thể gọi là calx, bao gồm terra lapida và terra mercurialis. Nhà hóa học người Đức Georg Ernst Stahl (1659-1734), học trò của Becher, đã đổi tên terra pinguis thành phlogiston (1697), và mở rộng học thuyết này trong các tác phẩm được xuất bản khoảng giữa 1703-1731, chủ yếu tập trung vào việc phân tích vai trò của phlogiston trong sự cháy và sự nung.
[4] Mâu thuẫn của hóa học trọng lượng nói ở đây là nghịch lý sau: một lượng lớn những thí nghiệm cho thấy rằng nhiều thứ kim loại, như magnésium, lại tăng khối lượng khi cháy, mặc dù chúng đã phải mất đi nhiều phlogiston theo thuyết nhiên tố. Trước khó khăn này, nhiều tác giả vẫn tiếp tục bênh vực thuyết nhiên tố bằng một số giả thuyết ad hoc (ý niệm «khối lượng âm = negative mass», hay ý tưởng phlogiston còn nhẹ hơn cả không khí). Trong những năm 1780, nhiều nhà hóa học còn gán sự nguội đi cho tác động của một chất liệu đối lập gọi là «chất hàn = frigoric = frigorique». Nhưng cũng vào thời gian này, Joseph Priestley (1733-1804) phát hiện ra nhiều thứ khí, trong đó có một thứ còn «tốt hơn không khí thường năm hay sáu lần» (nến cháy sáng hơn, chuột sống hai lần lâu hơn trong không khí thường) mà ông gọi là «dephlogisticated air», khí phi-phlogiston (1774). Ngày 05-09-1775, Antoine de Lavoisier tuyên bố trước Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp rằng thứ khí phi-phlogiston của Priestley là chất cháy thực sự; ông gọi nó là khí thuần chất, và đặt tên là dưỡng khí (oxygen), qua đó góp phần vào sự phổ biến một lý thuyết mới về sự cháy, với một ý niệm mới (xem chú thích 6).
[5] Joseph Black (1728-1799): nhà vật lý và hóa học người Scotland, chủ yếu được biết đến nhờ các công trình nghiên cứu về magnesium, điôxít cacbon và các khái niệm ẩn nhiệt (latent heat, 1761 – do ông phát hiện ra rằng khối băng thu nhận nhiệt, nhưng khi tan chảy không thay đổi nhiệt độ) và nhiệt dung riêng (specific heat [capacity] = chaleur spécifique). Tác phẩm: Experiments upon magnesia alba, quicklime, and some other alcaline substances (1755-1898); Lectures on the elements of chemistry, delivered in the University of Edinburgh (1804).
[6] Lý thuyết chất nhiệt (caloric = calorique) được đề xuất bởi Joseph Black trong nửa sau của thế kỷ XVIII, theo đó chất nhiệt là một thứ chất liệu được truyền từ các cơ thể nóng sang các cơ thể lạnh, một thứ khí không khối lượng có khả năng xuyên qua các chất rắn và chất nước. Mặc dù cũng tiếp thu lý thuyết cho rằng nhiệt là một chất liệu này, và còn là một trong các nhà hóa học đã dùng nhiệt lượng kế để đo những trao đổi nhiệt lượng xảy ra trong các phản ứng hóa học, Antoine de Lavoisier đã viết «Ta còn không bắt buộc phải giả định nhiệt như một chất liệu thực sự; chỉ cần [...] nó là một nguyên nhân có sức đẩy nào đó đủ để tách các phân tử của vật chất ra, và như vậy chúng ta có thể xem xét những hiệu lực của nó một cách trừu tượng và toán học = Nous ne sommes pas même obligés de supposer que le calorique est une matière réelle; il suffit [...] que ce soit une cause répulsive quelconque qui écarte les molécules de la matière, et on peut ainsi en envisager les effets d'une manière abstraite et mathématique» (Traité élémentaire de chimie, 1789, ph. I, ch. 1). Suốt hơn 50 năm sau đó, lý thuyết chất nhiệt tiếp tục được thử thách, điều chỉnh, triển khai qua nhiều giai đoạn, song song với một lý thuyết khác cũng đề cập tới những truyền tải nhiệt lượng đương thời, là thuyết động học chất khí (kinetic theory of gaz). Năm 1804, bá tước Rumford (Benjamin Thompson) đề xuất ý tưởng nhiệt là một dạng năng lượng; năm 1843, các thí nghiệm của James Joule cho thấy mặt tương đương cơ học của nhiệt; năm 1850, Rudolf Clausius đưa ra lý thuyết cơ học về nhiệt, và năm 1857 ông giải thích nhiệt bằng thuyết động học chất khí, cho rằng hai lý thuyết này có thể là tương hợp, nếu ta thay thế nguyên lý bảo toàn nhiệt (conservation of heat) của thuyết chất nhiệt bằng nguyên lý bảo toàn năng lượng (conservation of energy). Qua con đường này, phần tích cực của lý thuyết chất nhiệt đã được sáp nhập vào cơ thể của khoa vật lý học, để rồi cùng với các khám phá tích cực khác, phát triển thành nhiệt động lực học hiện đại, trong đó nhiệt là động năng của một số hạt (nguyên tử, phân tử) của chất thể.
[7] Nhiệt dung riêng (specific heat hay specific heat capacity) của một chất thể là nhiệt lượng cần phải cung cấp cho một đơn vị đo lường của chất thể đó để nhiệt độ của nó tăng lên một độ.