NHÂN HỌC VĂN HÓA (E. B. Tylor, 1871)
Đưa lên mạng ngày 5-8-2019
Từ khóa : Nhân học văn hóa ; Văn hóa học
C2

KHOA HỌC VỀ VĂN HÓA
(1871)

Tác giả: Edward B. Tylor[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Hiểu theo nghĩa dân tộc học rộng rãi của nó, Văn hoá hay Văn minh là cái toàn thể phức hợp bao gồm tri ​​thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và bất kỳ một khả năng, tập quán nào khác mà con người thu nhận được trong tư cách là thành viên của xã hội[2]. Trong chừng mức là nó có thể được nghiên cứu dựa trên các nguyên tắc tổng quát, điều kiện và mức độ văn hoá trong những xã hội con người khác nhau là một đối tượng thích hợp cho việc nghiên cứu về các quy luật tư duy và hành động của con người. Một mặt, một sự đồng dạng bao trùm nền văn minh rộng khắp dường ấy, trong một mức độ rất lớn, có thể được gán cho tác động nhất quán của cùng những nguyên nhân; trong khi các cấp bậc khác nhau của nó, mặt khác, có thể được xem là những giai đoạn của sự phát triển hay tiến hóa, mỗi cấp là kết quả của thời kỳ lịch sử trước đó, và sẽ có phần đóng góp đặc thù của nó cho việc định hình lịch sử trong tương lai[3]...

Giới nghiên cứu hiện đại của chúng ta trong các ngành khoa học tự nhiên vô cơ là những người đầu tiên công nhận, cả bên trong lẫn bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ, sự thống nhất của thiên nhiên, sự cố định của những quy luật của nó, và chuỗi nhân quả xác định qua đó mỗi sự kiện đều phụ thuộc vào cái đã xảy ra trước nó, và tác động trên cái xảy ra sau nó. Họ nắm vững lý thuyết của Pythagoras về cái trật tự bao trùm vũ trụ. Họ khẳng định, với Aristotelês, rằng thiên nhiên không chứa đầy những hồi, đoạn rời rạc như một bi kịch tồi. Họ nhất trí với Leibniz về cái mà ông ta gọi là «định đề của tôi», khi khẳng định rằng «tự nhiên không bao giờ hành động bằng những bước nhảy vọt (nature never acts by leaps)», cũng như về «nguyên tắc tuyệt vời» của ông, thường ít được sử dụng, theo đó «không có gì xảy ra mà không có cái lý do đủ của nó (nothing happens without its sufficient reason»).

Hơn nữa, khi nghiên cứu cấu trúc và thói quen của cây cỏ hay động vật, hoặc khi điều tra về những chức năng thấp hơn của ngay chính con người, đâu phải các ý tưởng dẫn đường này không được công nhận. Thế nhưng khi chúng ta nói về những tiến trình cao hơn về cảm xúc và hành động của con người – về tư duy và ngôn ngữ, tri ​​thức và nghệ thuật chẳng hạn – thì một sự thay đổi xuất hiện trong giọng điệu phổ biến của thông kiến. Thế giới nói chung hầu như chưa sẵn sàng chấp nhận việc nghiên cứu tổng quát về đời sống con người như một ngành khoa học tự nhiên, và thực hiện theo nghĩa rộng mệnh lệnh của nhà thơ là «Hãy giải thích luân lý đạo đức như mọi sự vật tự nhiên»[4]. Đối với nhiều tâm thức có giáo dục, có vẻ như có một cái gì đó quá tự phụ và làm ta dội ngược trong quan niệm cho rằng lịch sử nhân loại là một phần và bộ phận của lịch sử tự nhiên, rằng tư tưởng, ý chí và hành động của chúng ta tuân theo các quy luật cũng xác định như những quy luật cai quản sự chuyển động của sóng, sự kết hợp của axit và bazơ, và sự phát triển của thực vật và động vật.  

Nếu tìm kiếm, các lý do chính của tình trạng có những phán đoán phổ thông này không nằm đâu xa. Rất nhiều người sẵn sàng chấp nhận một khoa học lịch sử, nếu nó được đặt trước mắt họ với một sự xác định đáng kể về nguyên tắc và bằng chứng, nhưng họ cũng không hề vô lý khi bác bỏ những tổng hợp được đưa ra, nếu chúng còn cách biệt quá xa với các tiêu chuẩn khoa học. Bất chấp sự kháng cự này, sớm muộn gì tri thức thực sự cũng sẽ tiến lên, trong khi thói quen chống đối cái mới đã làm nhiệm vụ ngăn chặn sự xâm nhập của thứ chủ nghĩa giáo điều  tư biện một cách tuyệt vời, đến mức là đôi khi chúng ta thậm chí còn muốn nó mạnh hơn hiện nay nữa. Nhưng còn có những trở ngại khác cho việc nghiên cứu các quy luật về bản chất con người phát sinh từ loại suy tưởng siêu hình và thần học. Quan niệm phổ biến về ý chí tự do của con người không chỉ bao gồm quyền tự do hành động phù hợp với động cơ, mà cả cái quyền lực rứt ra khỏi sự liên tục, và hành động không có lý do, một sự kết hợp có thể được minh họa đại khái là giống như một cái cân đôi khi hành động bình thường, nhưng đôi khi cũng có thể tự lật ngửa mà không có hoặc chống lại trọng lượng của nó. Quan điểm về một hành động bất thường của ý chí, và không cần phải nói thêm là trái với lập luận khoa học này, luôn luôn tồn tại như một ý kiến hiển nhiên hoặc tiềm ẩn trong tâm thức con người, và ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan điểm lý thuyết của họ về lịch sử, mặc dù như một quy luật, nó không hề được đưa ra một cách lộ liễu trong hệ thống lý luận. Thật vậy, định nghĩa về ý chí của con người như luôn luôn hành động phù hợp với động cơ một cách chặt chẽ là cơ sở khoa học duy nhất có thể có trong loại nghiên cứu này. May mắn thay, không cần bổ sung thêm ở đây một yếu tố nào khác vào danh sách các biểu văn về sự can thiệp siêu nhiên và nguyên nhân tự nhiên – về tự do, về tiền định và trách nhiệm. Chúng ta có thể nhanh chóng trốn khỏi các khu vực triết học và thần học siêu nghiệm, để bắt đầu một cuộc hành trình có triển vọng hơn, trên nền tảng thực tế hơn. Không ai phủ nhận rằng các nguyên nhân xác định và tự nhiên quy định hành động của con người ở một mức độ rất lớn, như mỗi người đều biết nhờ sự hiển nhiên của ý thức của mình. Như vậy, hãy gác sang một bên những cân nhắc về sự can thiệp siêu nhiên và sự bộc phát không có lý do; hãy thừa nhận sự tồn tại của nguyên nhân tự nhiên và kết quả tự nhiên như cái mặt đất trên đó ta đang đứng và qua lại chừng nào nó còn chịu mang chúng ta. Chính là trên một cơ sở tương tự mà khoa vật lý học theo đuổi, với sự thành công ngày càng tăng, việc truy tìm các quy luật tự nhiên của nó. Cũng không cần để sự hạn chế này cản trở công cuộc nghiên cứu khoa học về đời sống của con người, nơi những khó khăn thực sự là những vấn đề thực tiễn vốn có độ phức tạp rất lớn về chứng cớ, và sự không hoàn hảo của các phương pháp quan sát.

Bây giờ, có vẻ như quan điểm cho rằng ý chí và hành vi của con người tùy thuộc vào những quy luật xác định đã thực sự được công nhận và vận dụng, bởi chính những người từng phản đối khi nó được ghi nhận một cách trừu tượng như một nguyên tắc tổng quát, đồng thời phàn nàn rằng nó đã triệt tiêu ý chí tự do, hủy hoại ý thức trách nhiệm cá nhân của con người, và hạ hắn xuống tầm một cỗ máy vô hồn. Tuy nhiên, kẻ nói ra những điều này sẽ dùng phần lớn cuộc đời của mình vào việc nghiên cứu những động cơ dẫn đến hành động của con người, tìm cách đạt được ước muốn của mình thông qua chúng, dựng lên trong đầu các lý thuyết về cá tính mỗi người, tính toán xem hệ quả của những kết hợp mới sẽ ra sao, và đội cho lập luận của mình chiếc vương miện mệnh danh là khoa học chân chính, bằng cách cho rằng nếu tính toán của ông ta hóa ra là sai, thì đấy hiển nhiên là vì, hoặc bằng chứng ông ta đưa ra là sai hoặc thiếu sót, hoặc phán đoán của ông ta về nó không được lành mạnh. Một người như vậy sẽ tổng kết những kinh nghiệm của mình suốt bao năm đã qua trong các quan hệ phức tạp với xã hội, bằng cách tuyên bố rằng ông ta hoàn toàn được thuyết phục là luôn luôn có một lý do cho mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống, và khi các sự kiện có vẻ như không thể giải thích được, thì nguyên tắc là chờ đợi và theo dõi với hy vọng rằng chiếc chìa khóa cho vấn đề có thể được tìm thấy một ngày nào đó. Quan sát của người này có thể là hạn chế, suy luận của ông là thô thiển và đầy thành kiến, nhưng dù sao ông ta cũng đã từng là một triết gia quy nạp «hơn bốn mươi năm mà không biết». Ông ta đã thừa nhận trên thực tế các quy luật được xác định về tư tưởng và hành động của con người, và chỉ đơn giản vất ra khỏi những nghiên cứu của ông về cuộc đời toàn bộ những kết cấu của thứ hành động ý chí không động cơ và bộc phát không nguyên do. Giả định ở đây là chúng chỉ nên bị vất bỏ trong các công trình nghiên cứu rộng lớn hơn, là triết lý lịch sử thực sự nằm ở việc mở rộng và cải tiến các phương pháp của người bình thường, loại người đặt các phán đoán của họ trên những sự kiện, và kiểm tra chúng dựa trên những sự kiện mới. Cho dù học thuyết này là đúng toàn bộ hay chỉ một phần, nó chấp nhận chính cái điều kiện chi phối việc truy tìm tri ​​thức mới từ những bài học kinh nghiệm của chúng ta và, để nói tóm gọn trong một từ, toàn bộ quy trình cuộc sống lý tính của ta là dựa trên nó.

«Một biến cố luôn luôn là con đẻ của biến cố khác, và chúng ta không bao giờ được phép quên quan hệ cha con ấy», đấy là lời lưu ý của một tù trưởng Bechuana[5] với Casalis của Hội Truyền giáo châu Phi. Như vậy, khi không chỉ bằng lòng làm nhà biên niên đơn thuần, các sử gia ở mọi thời đại đều cố gắng hết sức để thuật lại sự kết nối, chứ không chỉ đơn giản là sự tiếp nối, giữa những sự kiện trong các ghi chép lịch sử của họ. Hơn nữa, họ đã luôn luôn nỗ lực suy ra các nguyên lý tổng quát về hành động của con người, và qua đó giải thích những biến cố đặc thù, khẳng định một cách minh bạch, hoặc âm thầm giả định sự tồn tại của một triết lý lịch sử.  Nếu ai đó bác bỏ cái khả năng thiết lập được loại quy luật lịch sử tương tự, thì đã sẵn có câu trả lời mà [James] Boswell từng đáp trả [Samuel] Johnson: «Vậy thì, thưa Ngài, Ngài đang giản lược lịch sử thành một thứ niên giám đấy ạ»[6]. Tuy nhiên, sự kiện là, cho đến nay, những công trình của bao nhà tư tưởng ưu tú đã chỉ đưa được lịch sử đến ngưỡng của khoa học không thể gây ngạc nhiên cho những ai suy tư về sự phức tạp điên đầu của các vấn đề mà sử gia phải đối mặt. Những dữ kiện từ đó ông ta phải rút ra các kết luận tức thì trở nên đa dạng và đáng nghi, tới mức là một cái nhìn đầy đủ và rõ ràng về sự liên quan của chúng tới một vấn đề cụ thể là khó mà đạt được, và do đó sự cám dỗ bóp méo chúng để hỗ trợ cho một lý thuyết thô ráp và sẵn sàng để dùng về quá trình diễn ra các biến cố, trở nên không thể cưỡng lại được. Triết lý lịch sử nói chung, khi nó giải thích quá khứ và tiên đoán những hiện tượng tương lai của cuộc sống con người trên thế giới, bằng sự quy chiếu về các định luật tổng quát, thực chất là một đề án mà trong tình trạng tri thức hiện tại, ngay cả một thiên tài được hỗ trợ bởi những nghiên cứu rộng rãi, dường như cũng khó có thể đương đầu được. Tuy nhiên, vẫn có những bộ phận của nó, mặc dù thừa khó khăn, có vẻ tương đối còn nằm trong tầm với. Nếu lĩnh vực điều tra được thu hẹp, từ Lịch sử như một toàn thể vào một chi nhánh của nó mà ở đây được gọi là Văn hoá – lịch sử không phải của các bộ lạc hay quốc gia, mà về những điều kiện của tri thức, tôn giáo, nghệ thuật, tập quán, và những thứ tương tự ở chúng – thì công việc điều tra cho thấy là nó nằm bên trong một phạm vi khiêm tốn hơn rất nhiều. Chúng ta vẫn còn phải chịu cùng những khó khăn ngổn ngang trong lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn kia, nhưng chúng đã giảm đi rất nhiều. Những dữ kiện không còn hỗn tạp quá mức nữa, mà có thể được phân loại và so sánh một cách đơn giản hơn, trong khi cái khả năng loại bỏ những chất liệu không liên quan, và xử lý mỗi vấn đề dựa trên loại sự kiện đặc thù của nó, khiến cho chuỗi lý luận chặt chẽ hơn, và nói chung dễ tiếp cận hơn là trong lịch sử tổng quát.  

Edward Burnett Tylor
Văn Hóa Sơ Khai I
(Primitive Culture I,
New York: Holt, Rinehart and Winston, 1877, tr. 1-6).


[1] Edward Burnett Tylor (1832-1917) là một trong những người sáng lập ra nhân học văn hoá. Tác phẩm chính: Anahuac (1861), Researches into the Early History of Mankind (1865), Primitive Culture (1871).

[2] Mặc dù có rất nhiều định nghĩa về «văn hóa», định nghĩa trên của Tylor  được xem là đầy đủ nhất, và được trích dẫn nhiều nhất, bởi ông có vẻ là người đầu tiên đã nắm bắt rõ ràng ý niệm văn hóa như một quá trình tự túc và tự quy định, đồng thời đã trình bày được nội dung văn hóa trong một biểu thức ngắn gọn, cũng như đã phác thảo được phạm vi của môn học trong những nét chính.

[3] Quan tâm chính của Tylor là thử nghiệm thiết lập một học thuyết tiến hóa tiệm tiến về phát triển văn hóa. Trong Nghiên Cứu Buổi Bình Minh Của Lịch Sử Nhân Loại (Researches into the Early History of Mankind, 1865), ông thiết lập sự tương đồng cơ bản của tinh thần con người qua khái niệm «sự đơn nhất tâm lý của loài người = psychic unity of mankind» (cf.  khái niệm «não trạng sơ khai = mentalité primitive» của Lucien Lévy-Bruhl). Mặt khác, trong Văn Hóa Sơ khai (Primitive Culture, 1871), ông chứng minh sự ưu tiên của Con người Sơ khai trong sơ đồ về thứ tự niên đại của sự tiến bộ, nghĩa là xem Con người Sơ khai là tiêu biểu cho giai đoạn sớm hơn trong sự thay đổi ở thuyết tiến hóa.

[4] «Hãy giải thích luân lý đạo đức như mọi sự vật tự nhiên = Account for moral as for natural things», câu thơ của Alexander Pope (1688-1744) vọng lại khẳng định sau của Newton (1642-1727): «Nếu mọi bộ phận của triết lý tự nhiên đều sẽ được hoàn thiện bằng sự theo đuổi cùng một phương pháp này trong lâu dài, thì ranh giới của triết lý đạo đức cũng sẽ được mở rộng = If natural philosophy in all its parts, by pursuing this method, shall, at length, be perfected, the bounds of moral philosophy will also be enlarged» (Optics). Pope ngưỡng mộ Newton không bờ bến, và là người đã để lại trên mộ chí của nhà vật lý học 2 câu thơ: «Tự nhiên và Định luật của Tự nhiên nằm ẩn khuất trong Đêm tối: Thượng Đế phán, ‘Hãy để Newton xuất hiện!’ Và tất cả bừng sáng = Nature and Nature’s Laws lay hid in Night: God said, “Let Newton be!” and all was light».  

[5] Bechuanaland (Béchouanaland hay Bétchouanaland) là một lãnh thổ bảo hộ do Vương quốc Anh thiết lập ngày 31-3-1885 ở nam Phi châu, sau trở thành Cộng hòa Botswana ngày 30-9-1966.

[6] Về sự ích lợi của sử học, Samuel Johnson (1709-1784) từng than: «Chúng ta phải thấy là còn ít sử học biết bao, ý tôi là sử học chân chính. Các vị vua nào đã trị vì, các trận chiến nào đã xảy ra, đấy là những gì ta có thể dựa vào như sự thực; còn những thứ tô vẽ màu mè, toàn bộ triết lý lịch sử đều chỉ là ước đoán mà thôi (We must consider how very little history there is; I mean real authentic history. That certain Kings reigned, and certain battles were fought, we can depend upon as true; but all the colouring, all the philosophy of history is conjecture)». James Boswell (1740-1795) đã phản biện: «Như vậy thì, thưa Ngài, Ngài sẽ giản lược sử học thành chẳng hơn gì một thứ niên giám mất (Then Sir, you would reduce all history to no better than an almanack)» (James Boswell, The Life of Johnson, 1791). Cả hai vị đều đúng, nhưng chỉ ở cái nửa họ phủ nhận: sử học không phải là triết lý lịch sử hay tiểu thuyết lịch sử, và sử học cũng không phải là một thứ niên giám hay biên niên. Xem các bài liên quan trong trang mục Sử học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa