NGUYÊN TỬ LUẬN CỔ ĐẠI (LUCRETIUS, khg 60 tCn)

Đưa lên mạng ngày 15-06-2022
Từ khoá : Nguyên tử luận – tk I tCn ;
Titus Lucretius Carus (khg 94-49 tCn) – Trích đoạn 

C2

NGUYÊN TỬ LUẬN CỔ ĐẠI
(khg 60 tCn)

Tác giả: Titus Lucretius Carus[1]
Bản tiếng Anh: R. E. Latham & John Goodwin
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Bản gốc De Rerum Natura bằng tiếng La-tinh là một thiên trường thi. Khi được chuyển sang ngôn ngữ khác, các dịch phẩm tồn tại dưới cả hai thể, văn vần và văn xuôi. Ở chuyên trang này, để tránh mọi kiểu cách có thể làm tối nghĩa ý tưởng, chúng tôi chỉ sử dụng các bản văn xuôi, của R. E. Latham và J. Goodwin bằng tiếng Anh, và của H. Clouard bằng tiếng Pháp.

Mặc dù Lucretius không được kể là một trong các nhà sáng lập nguyên tử luận cổ đại như Dēmokritos (khg 460-370), Leukippos (tk V tCn), Epikouros (khg 341-270) nhờ tính chất giáo khoa và cách trình bày, diễn giải cặn kẽ của tác phẩm, De Rerum Natura thường được trích dẫn như văn bản trong sáng và thuyết phục nhất về luận thuyết trên. Mặt khác, giống như các nhà nguyên tử luận cổ đại kia, Lucretius cũng vượt ra ngoài phạm vi vật lý, cho rằng không chỉ cơ thể mà cả linh hồn cũng có thể hoàn toàn được giải thích bằng nguyên tử và khoảng không.

*

Về những gì tiếp theo đây, Memmius[2] kính mến, hãy gạt  sang một bên mọi bận tâm của Ngài, và chăm chú nghe, đừng để trí tuệ xao lãng trước chân lý. Đừng khinh miệt bác bỏ nó trước khi Ngài hiểu món quà mà tôi đã trân trọng trao tặng Ngài, với lòng tận tuỵ phục vụ. Tôi sẽ bắt đầu nói với Ngài về những thực tại tối hậu của Thiên Cầu và Chư Thần. Tôi sẽ tiết lộ mọi bí ẩn về những nguyên tử, từ đấy Thiên Nhiên đã tạo ra vạn vật, gia tăng và nuôi dưỡng chúng, để rồi khi chúng tiêu vong, lại phân giải chúng về đấy. Trong biểu văn của tôi, chúng thường được gọi dưới các tên như «nguyên liệu thô», «mầm sinh sản» hay «hạt giống» của sự vật. Hoặc tôi cũng có thể gọi chúng là «hạt cơ bản», bởi chúng có trước vạn vật, và mọi thứ khác đều được kết hợp từ chúng.

[...]

Khởi điểm của ta sẽ là nguyên lý này: không bao giờ một cái gì có thể được tạo ra bởi quyền lực linh thiêng từ hư vô. Lý do khiến mọi con người – những kẻ có thể chết – đều bị bóp nghẹt trong sự kinh sợ là vì họ nhìn thấy bao điều xảy ra trên mặt đất và trên bầu trời mà không có nguyên nhân rõ ràng nào, nên họ gán chúng cho ý chí của một vị thần. Vì vậy nên một khi chúng ta đã thấy rằng không gì có thể được tạo ra từ hư không, thì chúng ta mới có một bức tranh rõ rệt hơn về con đường trước mặt, là [phải giải thích] vấn đề vạn vật được sinh sản và gây ra mà không cần tới sự trợ giúp của các vị thần như thế nào.

Đầu tiên, nếu mọi vật đều được tạo ra từ hư vô, bất kỳ giống loài nào cũng có thể nảy sinh từ bất kỳ nguồn gốc nào, và không cái gì cần có mầm mống cả. Con người có thể phát sinh từ biển, cá có vảy từ đất, và các loài chim có thể nở ra từ bầu trời. Ngựa, bò, những gia súc khác, và các loại dã thú sẽ được nhân lên một cách bừa bãi, sẽ chiếm cứ mọi vùng đất đai như nhau, cả canh tác lẫn hoang trống. Các loại trái, quả bây giờ sẽ mọc liên tục, nhưng không ngừng thay đổi, trên cùng những cây giống nhau: bất cứ loại cây nào cũng có thể cho bất kỳ thứ trái nào. Nếu mỗi giống loài không nảy nở từ các mầm sinh sản của riêng nó, thì tại sao nó cứ luôn luôn phải được sinh ra từ một loại mẹ? Hiện nay, do mỗi giống loài đều được cấu tạo từ một mầm mống đặc thù, nó được sinh ra và lớn lên trong cái thế giới ngập nắng này, chỉ từ một nơi nào đấy có đúng thứ vật liệu thích hợp, có đúng loại nguyên tử. Đây là cái lý do khiến cho không phải bất cứ cái gì cũng có thể được sinh ra từ bất kỳ thứ gì, mà từ một năng lực sinh sản nội tại nơi các chất thể riêng biệt.

Tại sao chúng ta thấy hoa hồng xuất hiện vào mùa xuân, hạt giống hoặc chùm nho nảy nở dưới nắng nóng mùa hè hay theo lời mời gọi của mùa thu? Chắc chắn là vì, chỉ sau khi các hạt giống cụ thể đã tụm vào nhau ở mỗi thời điểm thích hợp riêng, thì mỗi mầm được tạo ra mới nhú lên, để rồi khi tới mùa thuận lợi, mẹ đất ban sự sống có thể đẩy những thân non yếu ấy ra thế giới ngập nắng. Nếu được tạo ra từ hư không, chúng sẽ mọc lên đột ngột sau những thời lượng khác nhau, vào các mùa bất thường, bởi vì tất nhiên sẽ chẳng có hạt nguyên thuỷ nào, để chúng có thể bị sự xung khắc của mùa này hoặc mùa kia cản trở sự kết tụm thành các mầm sinh sản. Tương tự như vậy, để cây trái có thể phát triển, có thể sẽ không cần bất kỳ một lượng thời gian nào cho sự tích tụ các loại hạt. Trẻ tí hon sẽ bất ngờ biến thành người trưởng thành, và cây cối sẽ tự nhiên phóng lên từ mặt đất. Nhưng rõ ràng là không cái gì trong số những điều trên xảy ra, vì mọi thứ đều phát triển dần dần, đúng lẽ tự nhiên, từ một hạt giống cụ thể, và luôn luôn giữ nguyên đặc trưng của nó. Vậy, cho rằng mỗi vật đều tăng trưởng và được nuôi dưỡng bằng nguyên liệu thô riêng của nó là một suy luận đúng đắn.

Còn một điểm này nữa. Nếu không có mưa theo mùa, mặt đất không thể gửi lên không những mầm tăng trưởng thích đáng. Thiếu lương thực, động vật không thể tái sinh giống loại của chúng, hoặc duy trì sự sống. Điều này dẫn đến kết luận rằng có nhiều yếu tố chung cho nhiều vật thể, như các con chữ trong những từ, hơn là thứ lý thuyết cho rằng bất cứ vật gì cũng có thể được sinh ra mà không có những nguyên tử.

[...]

Nguyên lý lớn thứ hai là: thiên nhiên phân giải mọi vật thành những nguyên tử thành tố của nó, chứ không bao giờ quy giản bất cứ vật gì thành hư vô. Nếu bất cứ vật gì cũng có thể tiêu vong trong mọi bộ phận của nó, đều có thể đột ngột tiêu tan và biến khỏi tầm nhìn, thì sẽ không cần có bất kỳ một lực nào để tách rời các bộ phận của nó, và nới lỏng những kết nối của chúng. Trong thực tế, bởi vì mọi vật đều được tạo ra từ những hạt giống bất hoại, rõ ràng là thiên nhiên không cho phép bất kỳ một vật nào tiêu vong, cho đến khi nó gặp phải một lực có thể đập tan nó bằng một cú táng hoặc lách vào các khe hở rồi tách rời nó.

Nếu mọi sinh vật bị trục xuất khỏi cuộc sống vì tuổi tác đều tiêu vong bởi sự cạn kiệt của thứ chất liệu làm ra chúng, thì liệu thần Vệ Nữ sẽ đưa những giống loại động vật trở lại ánh sáng cuộc đời từ các nguồn nào? Và, khi chúng được mang trở lại, liệu mặt đất sáng tạo sẽ tìm ở đâu ra thứ thức ăn đặc biệt cần thiết cho sự nuôi dưỡng và tăng trưởng của mỗi giống loại? Từ các nguồn nào biển cả lại làm đầy những lòng suối đã sinh ra nó, và những dòng nước chảy vào nó từ xa? Khí ether sẽ rút từ đâu ra chất dinh dưỡng để nuôi các vì sao? Bởi bất kỳ thứ gì có một cơ thể có thể chết đều phải bị hút cạn bởi những ngày dài của thời gian từ quá khứ vô hạn. Nếu qua suốt dòng thời gian vô tận mà những cơ thể từ đấy vũ trụ không ngừng được tái tạo vẫn còn mãi mãi, thì chắc chắn rằng chúng mang tính bất tử. Như vậy, vạn vật không thể nào bị rút lại thành hư không.

Hơn nữa, mọi vật thể đều thường bị hủy hoại bởi cùng một lực và cùng một nguyên nhân, nếu nó không được duy trì bởi thứ vật chất bất diệt ít nhiều gắn chặt vào nhau. Giả sử không có các cơ thể bất diệt mà sự kết hợp chỉ có thể bị phân tán bởi thứ lực thích hợp, thì một va chạm nhẹ là đủ để phá huỷ mọi vật, đúng không? Trên thực tế, bởi vì những nguyên tử được gắn kết vào nhau theo nhiều cách thức, trong khi chất thể của chúng là không thể bị huỷ hoại, nên các vật thể phức hợp luôn luôn còn nguyên vẹn cho đến khi một trong số chúng gặp phải thứ lực đủ mạnh để phá vỡ tổ chức đặc thù của nó. Như vậy, không vật gì trở về hư vô, nhưng mọi vật đều bị phân giải thành những cơ thể cấu thành nó...

Vâng, thưa Memmius, tôi đã chỉ cho Ngài thấy rằng vạn vật không thể được tạo ra từ hư không, cũng như một khi đã được sinh ra, có thể trở về hư vô. Tuy nhiên, có lẽ Ngài còn đang phân vân trước những lời của tôi, bởi vì loại nguyên tử tôi vừa nói không thể nhìn thấy bằng mắt được, phải không? Như vậy, xin Ngài hãy suy nghĩ thêm về điều hiển nhiên này nữa, có những cơ thể mà sự tồn tại phải được thừa nhận, mặc dù ta không thể nhìn thấy chúng.

Đầu tiên là gió chẳng hạn: một khi đã được đánh thức, cái lực của nó quất sóng dậy, đánh đắm tàu thuyền, và phân tán mọi đám mây. Đôi khi, phi qua đồng bằng với cái lực của cơn bão, nó bứng và rắc những thân cây khổng lồ trên mặt đất, chặt đứt các đỉnh núi, và quét đổ những cánh rừng. Trong cơn cuồng nộ của nó, gió là như thế đấy, khi nó rít lên trong đe dọa điên cuồng, với những hồi gầm thét. Như vậy, không còn nghi vấn nào nữa, phải có các hạt vô hình của gió thôi, chúng mới quét biển, quét đất, quét những đám mây tụ trên bầu trời, sà xuống và xoắn vào đấy trong cơn bão mù quáng được. Cứ theo cách chúng quét, và sự tàn phá gieo rắc, chúng chẳng khác gì một cơn lũ nước xối xả, khi nó từ phần núi cao đổ xuống thành một luồng đột ngột, trương phình lên do mưa lớn và chất những đổ nát từ cây và rừng thành các đống trôi giạt. Dù bản chất tự nhiên của nước là mềm mại, cú sốc đột ngột của cơn nước lũ ập tới là mạnh hơn cả những gì mà các chiếc cầu to lớn đủ sức chịu đựng, bởi cái lực mà luồng nước được bão quất xoáy đục đập vào các chân cầu là quá điên cuồng. Với một tiếng gầm dữ dội, cơn lũ xô chúng đổ xuống, lôi những khối đá to tướng dưới các lớp sóng, và đẩy sang bên mọi chướng ngại trên đường trôi của nó. Sự di chuyển của gió trong giông bão cũng giống như vậy thôi. Khi chúng ập tới trong một luồng như dòng sông cuồn cuộn, chúng sẽ đẩy lui các chướng ngại trước mặt, đập phá chúng bằng những cú táng liên tục, rồi đôi khi, xoay vòng vòng, còn giật chúng lên và lôi chúng theo trong cơn lốc vùn vụt. Đấy là những bằng chứng liên tiếp, rằng gió có những cơ thể vô hình, bởi vì trong hành vi cũng như tác động, chúng cho thấy rằng chúng có thể so sánh được với loại cơ thể trông thấy rõ ràng của các dòng sông lớn.

Một ví dụ khác nữa, chúng ta đều ngửi thấy mùi hương khác nhau của các vật thể, mặc dù ta không bao giờ nhìn thấy chúng đến gần lỗ mũi chúng ta. Tương tự như vậy, chúng ta cũng không nhìn thấy cái nóng thiêu đốt, không thể nắm bắt được cái lạnh trong đôi mắt, cũng không trông thấy tiếng động. Thế nhưng tất cả những thứ đó đều phải được cấu tạo từ loại cơ thể vật chất, một khi chúng có thể chạm vào các giác quan của ta. Bởi vì không gì có thể chạm vào hoặc được chạm vào, trừ phi là những cơ thể.

Thêm một ví dụ nữa, quần áo phơi nơi bờ biển sóng cồn sẽ ẩm, dưới nắng mặt trời sẽ khô. Nhưng chúng ta không hề thấy sự ẩm ướt đã ngấm vào chúng, cũng không thấy nó bị sức nóng đuổi đi, như nhế nào. Chỉ có thể suy ra rằng sự ẩm ướt đã bị cắt thành những hạt li ti mà mắt không thể nhìn thấy.

Chúng ta còn thấy nhiều ví dụ khác nữa. Theo quá trình quay hàng năm của Mặt Trời, một chiếc nhẫn đeo trên ngón tay sẽ mỏng đi do sự cọ xát liên tục. Nước nhỏ giọt liên hồi lên một hòn đá sẽ tạo trên nó một lỗ trũng. Dù là bằng sắt, các lưỡi cày sẽ cùn đi không dễ gì nhận thấy. Đá lát đường mòn dần dưới bước chân của bao bộ hành. Bàn tay tượng đồng chìa ra đón mừng du khách ở các cổng thành bị chà mỏng, khi khách viếng đi qua không ngừng nắm bắt nó. Chúng ta thấy rằng tất cả những thứ đó đều suy giảm, bị chà mòn. Nhưng để nhận thấy rằng, ở một thời điểm cụ thể nào, những hạt nào đã rơi ra, là một khả năng mà thị lực yếu kém của chúng ta bị từ khước.

Tóm lại, bất cứ cái gì được thiên nhiên và sự trôi qua của tháng năm dần dần thêm vào những vật thể, tạo ra một sự gia tăng tích lũy, đều vượt quá tầm giám sát chu đáo nhất của mắt ta. Ngược lại, ta cũng không thể nhìn thấy những gì sự vật đánh mất dần qua thời gian, hay vào thời điểm nào chúng xảy ra, như ở các vách đá biển thẳng đứng phơi thân suốt đời cho sự xói mòn của nước mặn chẳng hạn. Từ đấy, phải hiểu ra rằng thiên nhiên hoạt động qua trung gian của những cơ thể vô hình.

Mặt khác, mọi vật không bị bao vây dưới áp lực của những cơ thể bền chắc trong một khối lượng chặt chịa. Bởi vì trong mọi vật đều có khoảng không. Nắm được sự kiện này sẽ rất hữu ích cho Ngài dưới nhiều khía cạnh, và sẽ giữ cho Ngài khỏi nhiều nghi ngờ và bối rối về vũ trụ, khỏi tình trạng hoang mang mất tin tưởng vào lời giảng của tôi. Khi nói khoảng không, ý của tôi là một khoảng không gian trống rỗng, không sờ hay thấy được. Nếu nó không tồn tại, mọi vật đều không thể chuyển động được. Bởi vì hành động đặc trưng của vật chất – sự làm ngược lại và sự cản trở – luôn luôn hoạt động và có mặt ở khắp nơi. Không gì có thể di chuyển về phía trước, bởi vì không cái gì cho nó một điểm bắt đầu bằng sự thụt lùi. Vì sự thể vốn như thế, nên mắt chúng ta mới trông thấy đủ thứ vật thể và sinh vật di chuyển, bằng đủ mọi cách, trên biển hay trên đất liền và trên bầu trời. Nếu không có khoảng không, sẽ không thể có khả năng di chuyển liên tục của những vật thể và sinh vật ấy – đúng hơn nữa, chúng thậm chí còn không thể tồn tại, vì bị chôn cứng trong thứ vật chất bất động.

Ngoài ra, có những chỉ dấu rõ ràng rằng các vật thể được cho là rắn chắc, thực ra lại là xốp. Ngay cả trong các hang đá, nước vẫn rỉ qua được, và nhỏ giọt phủ đầy các mặt bằng. Thực phẩm thấm vào tận từng bộ phận của cơ thể động vật. Cây phát triển và trổ trái trong mùa, bởi vì thức ăn được phân phối suốt chiều cao của chúng, từ đầu rễ xuyên qua thân cây đến tận cùng mỗi nhánh. Tiếng ồn đi xuyên qua tường và bay vào mọi nhà dù được đóng cửa kín mít. Hơi lạnh thấm vào tận xương tuỷ. Không hiện tượng nào trong số kể trên có thể xảy ra, nếu không có những lỗ hổng để các cơ thể khác nhau kia có thể đi qua.

Lại nữa, tại sao chúng ta thấy một số vật thể nặng hơn những vật  khác, mặc dù khối lượng của chúng bằng nhau? Nếu có nhiều vật chất trong một quả cầu len như trong một quả cầu chì, thì tự nhiên là quả trước cũng phải cân nặng như quả sau, bởi vì chức năng của vật chất là đè mọi thứ xuống, trong khi chức năng của không gian là giữ nguyên sự không có trọng lượng. Vì vậy, khi một vật  thể, tuy không ít cồng kềnh hơn vật khác nhưng rõ ràng là nhẹ hơn, nó chỉ đơn giản nói rằng có nhiều khoảng không hơn trong nó, trong khi vật nặng hơn cho thấy rằng nó có nhiều vật chất và ít khoảng trống hơn bên trong. Như vậy, chúng ta đã đạt tới đích của cuộc điều tra cặn kẽ của ta, là có sự trộn lẫn vào bên trong mọi vật thể của cái mà ta gọi là chân không.

[...]

Bây giờ, hãy bắt lại mạch chính của bài thuyết giảng này. Tự bản thân chúng, mọi vật trong tự nhiên bao gồm hai thứ – các cơ thể và không gian trống trong đó chúng được đặt vào, và xuyên qua đó chúng di chuyển theo những đường hướng khác nhau. Sự tồn tại của những cơ thể được bảo đảm qua sự chứng thực của các giác quan của ta. Nếu một sự tin tưởng đặt trực tiếp trên cơ sở này là vô giá trị, thì sẽ không còn tiêu chuẩn nào khác để chúng ta có thể đưa bất kỳ một nghi ngờ nào về những vấn đề còn chưa sáng tỏ ra đối chiếu, nhằm xác định bằng lý tính. Nếu không có nơi chốn và không gian, cái chúng ta gọi là chân không, những cơ thể này không thể nằm ở bất cứ nơi nào, hoặc di chuyển về bất kỳ hướng nào. Điều này tôi vừa chứng minh xong.

Điều còn phải chỉ ra là, chẳng có gì tồn tại mà khác biệt với cơ thể và khoảng không, và có thể đứng ngang hàng với chúng, như một thể chất thứ ba. Bởi vì cái gì tồn tại, nó phải tồn tại như một cái gì đó. Nếu nó cản trở sự sờ mó, dù nhẹ và yếu tới đâu, nó sẽ làm tăng khối lượng của cơ thể, với tầm cỡ lớn hay nhỏ mà nó có thể đạt tới ấy, và sẽ được xếp vào cùng hạng như cơ thể. Mặt khác, nếu nó là vô hình, và vì vậy mà không cung cấp một sự cản trở nào cho bất cứ cái gì đi qua nó, thì nó sẽ là không gian trống mà ta gọi là khoảng không.

Ngoài ra, bất kể bản thân nó có thể là gì, thì hoặc là nó sẽ hoạt động một cách nào đấy hay sẽ phản ứng với những gì tác động lên nó, hoặc nó phải như thế nào để sự vật có thể tồn tại và xảy ra bên trong nó. Thế nhưng chẳng cái gì có thể hành động hay phản ứng, nếu không có cơ thể; và chẳng cái gì có thể cung cấp một nơi chốn ngoại trừ sự trống rỗng hay khoảng không. Vì vậy, bên cạnh vật chất và chân không, chúng ta không thể bao gồm vào số sự vật một chất thể thứ ba nào có khả năng tác động trên các giác quan của ta, hoặc có thể được nắm bắt bởi lý luận của trí tuệ ta.

Ngài sẽ thấy rằng bất cứ cái gì có thể được đặt tên đều là hoặc một thuộc tính hoặc một ngẫu nhiên của hai chất thể này. Thuộc tính là một cái gì đó không thể được tách rời hoặc chia ly khỏi một vật mà không hủy hoại nó — như trọng lượng là một thuộc tính của đá, sức nóng của lửa, tính lưu động của nước, tính sờ mó được của mọi cơ thể, tính không sờ mó được của chân không. Mặt khác, sự nô lệ hoặc tự do, đói nghèo hay giàu có, chiến tranh hoặc hòa bình, và tất cả những thứ mà sự xảy ra hoặc biến mất vẫn để  lại bản chất của một vật nguyên vẹn, tất cả những thứ đó chúng ta gọi chúng trong đời sống thực tiễn bằng cái tên thích hợp là những ngẫu nhiên.

Tương tự như vậy, thời gian không tồn tại tự thân nó, mà từ những sự vật vốn là kết quả của một cảm giác về những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và sẽ xảy ra. Không thể nói rằng một ai đó có thể cảm nhận được thời gian tự thân, bên ngoài sự chuyển động của những sự vật hoặc sự bất động yên tĩnh của chúng.

[...]

Cơ thể vật chất có hai loại, những nguyên tử và các kết hợp của nguyên tử. Bản thân những nguyên tử không thể bị làm mất tác dụng bởi bất kỳ một lực nào, do chúng được vĩnh viễn duy trì bởi sự rắn chắc tuyệt đối của chúng.

Phải thừa nhận rằng thật khó cho ta tin là một vật thể nào đó lại có thể tồn tại hoàn toàn rắn chắc. Tiếng sét đánh từ bầu trời thâm nhập vào các tòa nhà khép kín, tiếng la hét và những tiếng ồn khác cũng vậy. Miếng sắt trắng nóng chói sáng trong lửa, và tảng đá nứt vỡ dưới sức nóng thiêu đốt man rợ. Thỏi vàng cứng bị nung mềm và tan chảy ở nhiệt độ cao; mảnh đồng lạnh băng bị hóa lỏng bởi ngọn lửa. Cả cái nóng thiêu đốt lẫn cái lạnh buốt da đều xuyên qua bạc được, bởi vì chúng ta cảm thấy cả hai như nhau, khi một dòng nước mát lạnh được đổ vào chiếc cốc ta trịnh trọng cầm trong tay. Tất cả những sự kiện trên đều dẫn đến kết luận rằng chẳng có gì là thực sự rắn chắc hết.

Nhưng lý luận lành mạnh, và ngay chính thiên nhiên nữa, lại đẩy chúng ta tới cái kết luận trái ngược. Vì vậy, xin Ngài chú ý cho, trong khi tôi cố chứng minh trong vài dòng dưới đây, rằng dù sao vẫn có một số cơ thể hoàn toàn rắn chắc và không thể huỷ hoại được, cụ thể là những nguyên tử vốn là những hạt giống của loại đơn vị nguyên sơ của mọi sự vật từ đấy toàn bộ vũ trụ đã được xây dựng lên, theo học thuyết của chúng ta. 

Trước hết, chúng ta đã phát hiện ra rằng tự nhiên là nhị nguyên, bởi nó bao gồm hai loại vật thể hoàn toàn khác nhau, vật chất và không gian trong đó mọi sự vật xảy ra. Cho nên mỗi loại này phải tồn tại tự thân mà không có sự trộn lẫn vào của loại kia. Bởi vì, nơi nào là không gian trống (cái ta gọi là chân không), nơi đó không có vật chất; nơi nào có vật chất, nơi đó không thể là chân không. Như vậy, những đơn vị nguyên sơ của vật chất là rắn chắc chứ không trống rỗng.

Một lần nữa, bởi vì những sự vật hỗn hợp có chứa một số khoảng không, nên phần vật chất bao quanh chúng phải là rắn chắc. Bởi vì bạn không thể duy trì hợp lý bất cứ cái gì che giấu khoảng trống và giữ nó trong cơ thể, trừ phi bạn cho cái chứa đựng nó là rắn. Và cái chứa được chân không trong sự vật chỉ có thể là một sự tích lũy vật chất. Do đó, vật chất – cái vốn có sự vững chắc tuyệt đối – có thể là vĩnh cửu, trong khi những thứ khác đều bị phân hủy.

Lại nữa, nếu không có không gian trống rỗng, mọi vật sẽ là một khối rắn chắc; nếu không có những hữu thể vật chất với đặc tính là lấp đầy không gian chúng chiếm đóng, mọi không gian tồn tại sẽ hoàn toàn là chân không. Lúc đó, rõ ràng là vật chất và khoảng không xen kẽ nhưng  biệt lập với nhau, vì cái toàn thể không hoàn toàn là đầy đặn mà cũng không hoàn toàn là trống rỗng. Như vậy, có những cơ thể rắn tạo ra sự phân biệt giữa không gian trống với không gian đầy, và như tôi vừa trình bày, vừa không thể bị phá hủy bởi những cú đập từ bên ngoài, vừa không thể bị tháo vỡ từ bên trong, mà cũng không thể bị hủy hoại bởi bất kỳ một hình thức tấn công nào khác. Một vật không chứa chân không hầu như là không thể bị đập thành mảnh, không thể bị bẻ gãy hay chẻ đôi; nó cũng không thể bị độ ẩm, mức lạnh thấu xương hay sức nóng thiêu đốt hủy diệt, bởi vì một vật càng chứa nhiều khoảng trống bên trong, càng dễ  hàng phục những tác nhân phổ biến của sự tàn phá này. Như vậy, nếu các đơn vị của vật chất là rắn và không có khoảng trống, thì chúng phải tồn tại đời đời, như tôi đã trình bày.

Tuy nhiên, một lần nữa, nếu vật chất trong mọi vật không phải là vĩnh cửu, thì tất cả đều đã trở về hư không, và những gì chúng ta nhìn thấy bây giờ sẽ là sản phẩm của sự tái sinh từ hư vô. Nhưng, bởi vì như tôi đã chỉ ra, không vật gì có thể được tạo ra từ hư không, cũng không vật đang tồn tại nào có thể bị triệu hồi về hư vô, các nguyên tử phải được tạo ra từ thứ vật liệu không thể bị tiêu diệt mà mọi thứ rốt cuộc đều có thể được rút về, đến mức là có thể có cả một kho vật chất để xây dựng lại thế giới một lần nữa. Do đó, nguyên tử là những cái hoàn toàn không hỗn hợp và tuyệt đối vững chắc. Chúng không thể tồn tại xuyên suốt thời gian vô tận để giữ cho thế giới đổi mới bằng cách nào khác.

Hơn nữa, nếu thiên nhiên đã không đặt giới hạn cho sự nghiền nhỏ mọi vật, thì với bao thời đại từng trôi qua, những hạt vật chất đã bị nghiền nát tới mức không gì còn có thể được tạo ra từ chúng, để rồi có đủ thời gian từ đấy đạt tới tột đỉnh của sự tăng trưởng. Bởi vì chúng ta đều thấy rằng bất cứ vật gì cũng dễ bị phân hủy nhanh chóng hơn là tập hợp lại một lần nữa. Vì vậy mà những gì từng bị thời gian đăng đẵng sự vĩnh hằng trôi qua nhồi đập và tháo gỡ thành mảnh, sẽ không bao giờ có thể được tái tạo trong dư lượng thời gian. Như vậy, rõ ràng là có một giới hạn cho sự phá vỡ, vì ai trong chúng ta cũng thấy rằng mọi vật đều được làm mới lại, và tuỳ theo loại hình của nó, mỗi vật đều có một khoảng thời gian cố định để phát triển tới mức tốt nhất của nó.

Thêm một luận cứ nữa. Cứ cho rằng những hạt của vật chất là hoàn toàn vững chắc, chúng ta vẫn có thể giải thích sự cấu tạo và hành vi của những vật mềm – khí, nước, đất, lửa – bởi sự hòa trộn của chúng với không gian trống. Ngược lại, nếu giả định những nguyên tử là mềm, chúng ta sẽ không thể giải thích được nguồn gốc của đá lửa cứng và sắt. Bởi lúc đó sẽ không có nền tảng nào để thiên nhiên xây dựng lên trên. Như vậy, phải có những cơ thể vững chắc trong tính không hỗn hợp thuần khiết của chúng, và nhờ ở sự kết chặt của những cơ thể này mà các vật thể khác mới có thể đan xen vào nhau và phơi bày một mức bền bỉ không suy suyển như vậy.

Cho dù ta giả định rằng sự đập nhỏ vật chất là không có giới hạn, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng vật thể bao gồm những hạt đã đời đời chống lại các lực lượng của sự hủy diệt. Nói rằng chúng có thể bị đập vỡ là không đúng với thực tế là chúng đã sống sót qua vô tận thời gian dưới sự đánh phá không ngừng của vô số những cú đập.

Lại nữa, mỗi sự vật đều có một giới hạn đặc thù được đặt ra cho sự tăng trưởng cũng như thời gian sống của nó, đồng thời các quy luật của thiên nhiên còn xác định những gì nó có thể hoặc không thể làm. Không loài nào thay đổi bao giờ, nhưng mỗi loài còn mãi mãi là chính nó, đến mức là mỗi loài chim chẳng hạn đều phô bày trên cơ thể nó những đốm riêng biệt. Đây lại thêm một bằng chứng cho thấy rằng cơ thể của chúng được làm bằng thứ vật chất không thay đổi. Bởi vì, nếu các nguyên tử có thể thay đổi, sẽ không có sự chắc chắn về điều gì có thể hoặc không thể xảy ra, ở điểm nào sinh lực của một vật đạt tới đường ranh giới hạn không thể vượt qua của nó, các thế hệ tiếp theo cũng không còn có thể lặp lại đều đặn cái bản chất, những hành vi, thói quen và chuyển động của bố mẹ chúng nữa.

Hãy tiếp tục lập luận của chúng ta: có một điểm cuối cùng trong mọi sự vật có thể trông thấy được, nó là thứ nhỏ nhất có thể được nhìn thấy. Vì vậy, cũng phải có một điểm cuối cùng trong những sự vật nằm dưới giới hạn của nhận thức bằng giác quan của ta. Điểm này không có bộ phận và là thứ nhỏ nhất có thể tồn tại. Nó không bao giờ đã, đang và sẽ có thể tồn tại tự thân, nhưng chỉ như một phần nguyên sơ của một cái gì đó khác. Nó gồm những phần kết chặt vào nhau thành một khối vật chất đặc. Vì không thể tự tồn tại, chúng buộc phải dính vào nhau thành một khối, từ đấy chúng không thể bị tách rời bằng bất kỳ phương tiện nào. Do đó, các nguyên tử là hoàn toàn vững chắc và không pha trộn, bao gồm một khối nhỏ nhất những phần kết chặt vào nhau. Chúng không phải là thứ hợp chất được hình thành từ sự kết hợp những bộ phận mà là thứ cơ thể có sự vững chắc tuyệt đối và vĩnh cửu. Thiên nhiên giữ cho những cơ thể này không giảm sút hoặc biến mất, như hạt giống cho mọi vật. Nếu không có những bộ phận nhỏ nhất như vậy, ngay cả những cơ thể nhỏ nhất cũng bao gồm một lượng vô hạn những bộ phận, bởi vì chúng luôn luôn có thể bị cắt giảm một nửa, rồi lại một nửa nữa của nửa ấy, không có giới hạn. Khi điều này được chỉ ra, thì còn khác biệt nào nữa giữa toàn thể vũ trụ với cái vật nhỏ nhất trong mọi vật cơ chứ? Không còn gì nữa hết. Bởi vì dù vũ trụ có thể là vô tận đến đâu, những sự vật nhỏ nhất cũng vẫn sẽ bao gồm một lượng vô hạn những bộ phận. Do lý trí chân chính phản đối ý tưởng này, và phủ nhận rằng trí tuệ ta có thể tin điều ấy, Ngài cần phải từ bỏ nó, và thừa nhận rằng có những bộ phận (hạt) nhỏ nhất mà bản thân chúng là không có bộ phận nào. Và khi cho rằng những bộ phận (hạt) này tồn tại, Ngài nhất thiết phải thừa nhận rằng những nguyên tử mà chúng cấu thành cũng đều là rắn chắc và vĩnh cửu.

[...]

Titus Lucretius Carus,
 De Rerum Natura = Về Bản Thể Của Vũ Trụ
(On the Nature of the Universe,
Harmondsworth, Penguin, 1951, 1994,
q. I, tr. 11,13-27).


[1] Titus Lucretius Carus (94-49 tCn): nhà thơ và triết gia La Mã. Tác phẩm duy nhất: De Rerum Natura, một tác phẩm giáo khoa, được viết khg 60 tCn, về các nguyên lý và triết lý của Epikouros và nguyên tử luận cổ đại, được dịch sang tiếng Anh là On the Nature of Things hay On the Nature of the Universe, tiếng Pháp là De la Nature [des Choses].

[2] Caius Memmius (khg 99-46 tCn): nhà chính trị, nhà hùng biện và nhà thơ La Mã,   người bảo trợ của Lucretius trong quan hệ «Chủ - Khách» đương thời, một hệ thống trao đổi vật chất và dịch vụ nằm ngoài mọi khuôn khổ pháp lý giữa những cá nhân có nguồn lực không đồng đều. Mặc dù mang bản chất phi dân chủ, quan hệ này là một phương tiện nhằm chính trị hóa dân chúng, để bù đắp cho sự thiếu hụt những dịch vụ công, và nhằm giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, do đó là rất quan trọng để hiểu đời sống chính trị đương thời. Mặc dù nghĩa vụ của họ đối với nhau là tương hỗ, điểm cốt yếu của quan hệ chủ - khách là nó có thứ bậc. «Khách» là một cá nhân có vị trí xã hội khiêm tốn, nên tự đặt mình dưới sự bảo trợ của «Chủ», người bảo hộ giàu có, thế lực; «Chủ» cung cấp cho «Khách» sự trợ giúp vật chất thường xuyên để đổi lấy các dịch vụ khác nhau, như sự hỗ trợ trong những lúc phát biểu chính trị công cộng, các cuộc bầu cử và kiện tụng. Trong thời kỳ khủng hoảng của nền Cộng hòa La Mã, các chính trị gia mị dân nhiều khi ra diễn thuyết với một lực lượng «Khách» rất lớn, biến sự xuất hiện của họ tại diễn đàn thành những cuộc biểu tình quy tụ hàng trăm người.  

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa