NGUYÊN NHÂN MỤC ĐÍCH (ARISTOTELÊS, khg 335-323 tCn)
Cập nhật ngày 15-9-2020
Từ khóa : Nguyên nhân (Khái niệm) ;
Mục đích luận ; Aristotelês – Trích đoạn

C2

NGUYÊN NHÂN MỤC ĐÍCH
(khg 335-323 tCn)

Tác giả: Aristotelês*
Bản tiếng Pháp: Jules Barthélémy Saint-Hilaire
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[…] Hơn nữa, chúng ta đều thấy, có nhiều nguyên nhân khác nhau[1] cho mọi chuyển biến trong tự nhiên, như nguyên nhân mà sự chuyển biến nhắm tới (nguyên nhân cuối cùng) và nguyên nhân từ đó nó xảy ra (nguyên nhân khởi động) chẳng hạn. Phải quan tâm đến cả những nguyên nhân này, và xác định trong số đó, cái nào là chính yếu và cái nào là thứ yếu chăng? Có thể tin rằng nguyên nhân chính, trên tất cả mọi thứ, là cái «để làm gì» hay nguyên nhân cuối cùng, bởi vì nó là cái «lý do» tối hậu[2] của mọi vật – và lý do là một nguyên lý. Mặt khác, nhìn dưới khía cạnh này, sản phẩm của con người (kỹ thuật và nghệ thuật)[3] và sản phẩm của tự nhiên hoàn toàn không có gì khác nhau. Bởi vì, chỉ sau khi đã xác định, hoặc bằng lý luận, hoặc bằng quan sát, sức khỏe là gì, cái nhà là gì, thì y sĩ cũng như kiến trúc sư mới nhận thức được lý do và nguyên nhân của mỗi thao tác họ làm, và tại sao họ đã hành động như thế này hay như thế kia, trong mỗi trường hợp.

Thế nhưng nguyên nhân mục đích, và sự tốt đẹp cho sự vật, được biểu hiện trong loại sản phẩm của thiên nhiên nhiều hơn là trong những chế tác của con người. Bởi vì, ngay cả trong thế giới tự nhiên, tính «thiết yếu» cũng không áp dụng đồng nhất cho mọi sản phẩm của thiên nhiên, và chính vì không chịu khó phân tích tất cả những nghĩa khác nhau của «thiết yếu»[4], mà nhiều người vẫn còn đang nỗ lực rút gọn mọi lý do của mọi sự vật vào lý do duy nhất là tính thiết yếu. Nói một cách tuyệt đối, Thiết yếu chỉ áp dụng cho những hữu thể vĩnh hằng, trong khi cái thiết yếu giả định (có điều kiện)[5] hiển hiện nơi mọi hữu thể chịu lẽ biến dịch như những vật thể nhân tạo – chẳng hạn nhà cửa, hoặc bất cứ thứ gì tương tự. Ví dụ, nếu ta muốn xây một căn nhà (hay một đối tượng gì khác tương tự), thì thiết yếu phải dùng một vật liệu thuộc một loại nào đó; đầu tiên, thiết yếu là phải có một vật gì đó tồn tại trước, hay được chuyển động một cách nào đấy, để sau đó một vật gì khác được sản xuất ra, và cuối cùng, liên tục bằng cùng một cách thức, người ta đạt đến mục đích theo đuổi và cái kết quả5 vì nó mà mỗi vật được làm ra tồn tại.

Cho các hiện tượng tự nhiên[6], tuyệt đối cũng là như thế. Chỉ có phương thức chứng minh và hình thức thiết yếu là thay đổi trong khoa học tự nhiên, và nó khác với trong khoa học lý thuyết thuần túy. Nhưng đây là một vấn đề đã được xử lý trong các tác phẩm khác4. Như vậy, cái nguyên lý (điểm khởi đầu) của nghiên cứu thiên nhiên là cái đang tồn tại[7], trong khi cho loại sản phẩm nhân tạo3, thì đấy là cái phải tồn tại. Chẳng hạn, vì cái chưa tồn tại – sức khỏe hay con người – có những đặc tính như thế, nên thiết yếu là một vật gì đó phải tồn tại hay được sản sinh ra, chứ không phải vì vật gì đó tồn tại hay được sản sinh ra mà cái chưa tồn tại – sức khỏe hay con người – nhất thiết phải tồn tại. Và cũng không thể nào truy nguyên chuỗi sự kiện thiết yếu đã xảy ra trước đó về một điểm khởi đầu, để tự cho phép mình nói rằng, vì khởi điểm này hiện hữu từ vô tận rồi, nên nó đã quy định sự tồn tại của tất cả chuỗi sự kiện thiết yếu ấy như hệ quả[8]. Đây cũng là những vấn đề đã được đào sâu ở nơi khác; và ở đấy4 chúng tôi cũng đã chỉ ra đâu là những trường hợp mà tính thiết yếu tuyệt đối và sự thiết yếu có điều kiện có thể áp dụng, trong trường hợp nào chúng không thể, đồng thời cũng chỉ ra lý do của sự khác biệt này.

Aristotelês,
Peri zôôn moriôn, khg 335-323 tCn.
(Các Bộ Phận Của Động Vật =
Les parties des animaux,
                q. I, 639b-640a)


[1] Theo Aristotelês, có tất cả bốn loại nguyên nhân, dù trích đoạn này chỉ nhắc đến hai. Xem thêm ở trang mục Triết Lý Khoa Học: Aristotelês, Bốn Loại Nguyên Nhân.

[2] Vì mục đích là cái khiến cho tất cả các phần còn lại của một vật được thực hiện hoặc làm ra.

[3] Art, ở đây bao gồm cả hai lĩnh vực mà ngày nay ta phân biệt thành kỹ thuật và nghệ thuật, nói chung là những sản phẩm nhân tạo. Trong loại sản phẩm này, tất cả đều tùy thuộc vào mục đích nhắm tới, giống như trong những sản phẩm của tự nhiên («tự nhiên không làm gì vô ích cả = la nature ne fait rien en vain», Aristotelês, Peri zôôn geneseôs (Sự Sinh Sản Của Động Vật = La Génération des animaux, ch. 7).

[4] Về sự phân biệt các nghĩa khác nhau của khái niệm thiết yếu ở tác giả, xem: Aristotelês, Ta metá ta physiká* (Siêu Hình Học = Métaphysique, q. V, ch. 5) và Physikê akroasis* (Vật Lý Học = Physique, q. II, ch. 8-9).

[5] Khi một mục đích được đề ra, thiết yếu phải thực hiện một số điều kiện để thực hiện nó. Để xây nhà, ta cần phải có một số nguyên liệu xây dựng, nếu không ngôi nhà sẽ không thành hình. Nhưng nếu số nguyên liệu đó là thiết yếu, ta  không thể nói rằng ngôi nhà là thiết yếu. Không có gì là thiết yếu trong cả hai, nhưng các phương tiện sử dụng là thiết yếu để đạt được mục đích đề ra.

[6] Cho các sự kiện tự nhiên cũng có sự thiết yếu giả định (có điều kiện). Khi thiên nhiên nhắm tới một cứu cánh, thì bắt buộc nó phải tạo ra và sử dụng một số cơ quan hay phương thức nào đó để đạt mục đích (những thứ mà về sau Georges Cuvier* gọi là «điều kiện tồn tại»).

[7] Nói cách khác, đấy là sự quan sát hiện thực. Trong loại sản phẩm nhận tạo, con người là kẻ sáng tạo thứ hai (sau Thượng Đế), và hắn được ban cho cái khả năng tạo tác một sản phẩm gì đó như kẻ dưới quyền.

[8] Câu này và câu trước được dịch theo bản tiếng Anh của William Ogle (1882).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa