NGUYÊN NHÂN, LÝ DO, NGẪU NHIÊN (A.-A COURNOT, 1875)
Cập nhật ngày 15-12-2020
Từ khóa: Ngẫu nhiên (Khái niệm) ; Nguyên nhân (Khái niệm);
Lý do (Khái niệm) ; Cournot, Antoine-Augustin – Trích đoạn 

C2

NGUYÊN NHÂN, LÝ DO, NGẪU NHIÊN
(1875)

Tác giả: Antoine-Augustin Cournot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Các triết gia đã bàn luận rộng rãi về ý tưởng nguyên nhân, nhưng hầu hết đều chỉ quan tâm tới ý tưởng lý do của sự vật một cách hời hợt, như thể nhân dịp nên bàn thêm mà thôi, mặc dù chính ý tưởng lý do mới là tổng quát hơn, và thực sự là cái ý tưởng điều tiết mà ta phải lấy làm chuẩn mực cho cả ý tưởng nguyên nhân nữa, nếu muốn xác định phạm vi và quy định giá trị của nó[1]. [...] Hãy thử xem xét những sự kiện trong trình tự vật lý, nơi cả hai ý tưởng này đều hiện rõ, nhưng trong sự tương phản rõ rệt. 

Khi chơi trò sấp ngửa, cứ mỗi lượt ta ném đồng tiền ra, chắn chắn đều có sự can thiệp của các nguyên nhân vật lý – nguyên nhân theo đúng nghĩa của từ này – như cái lực được dùng để ném đồng tiền xuống (với độ mạnh và hướng lăn khác nhau một cách hoàn toàn bất đồng ở mỗi lần ném), sức lay động và ma xát cũng không đều như vậy của không khí bao quanh, và cuối cùng là lực hấp dẫn mà định hướng cũng như cường độ là không đổi. Chính những lực này đã kết hợp khác nhau, để làm cho khi mặt sấp, lúc mặt ngửa xuất hiện, mà chúng ta – những người biết tính toán sự vận hành của các thiên thể – cũng không thể nào tính trước được kết quả. Vả lại, chính vì không nhận thấy một bất thường quan trọng nào về cấu trúc trên mặt chạm rất ít lồi lõm của đồng tiền, chúng ta mới tin rằng không có lý do gì để chờ đợi mặt này xuất hiện nhiều hơn mặt kia, nên đã lấy đồng tiền làm một công cụ để chơi hay đánh cược. Tuy nhiên, phán đoán bốc đồng này có thể sai, và chúng ta sẽ được cảnh báo ngay bởi sự xuất hiện thường xuyên đáng kể hơn của một trong hai mặt, sau một lượng lớn các lần ném. Lúc đó, chúng ta sẽ tìm hiểu, và có thể sẽ nhìn thấy lý do của sự xuất hiện thường xuyên hơn này trong một bất thường nào đó về cấu trúc của đồng tiền trên mặt chạm, trong sự không đồng nhất của thứ kim loại sử dụng. Nhưng các lý do này, tất cả đều liên quan tới nguyên tắc quán tính của vật chất, đều không phải là những lực, cũng không phải là các nguyên nhân đúng nghĩa.

Trong trình tự các hiện tượng sống, sự ăn khớp giữa cấu trúc hữu cơ và những chức năng của cơ quan, giữa cứu cánh và phương tiện khiến chúng ta phải giật mình. Ta có thể, thậm chí buộc phải công nhận, theo chính các quy tắc của ta về sự hiểu biết, rằng sự ăn khớp này là hệ quả của một nguyên nhân hay một chuỗi nhân quả: hoặc giả chính Nguyên nhân đầu tiên[2] đã thích nghi tức thì cơ quan vào chức năng theo sự đòi hỏi của thiết kế tổ chức; hoặc giả xuyên suốt thời gian mênh mông, các nguyên nhân thứ yếu đã móc xích lôi cuốn nhau làm biến đổi dần dần cả cơ cấu lẫn chức năng, để cuối cùng tạo ra sự hài hòa ở bất cứ nơi nào có thể, và bỏ những thứ bất trị lại cho sự hủy hoại. Thế nhưng khoa học không có cách nào vươn tới nguyên nhân đầu tiên với hành động sáng tạo bất thần của nó1, hoặc các nguyên nhân thứ cấp với hành động tạo dựng chậm chạp của chúng. Nguyên nhân không còn là nguyên lý có thể cung cấp đường dây hướng dẫn cho sự nghiên cứu khoa học nữa: lý do tự đứng ra thay thế như nguyên tắc. Nếu động vật có răng thích hợp để xé con mồi, đấy chính là bởi nó sống nhờ ăn mồi, nên hệ quả là mọi bộ phận cơ thể của nó, nội tạng cũng như ngoại tạng, phải phù hợp – hoặc trước kia từng phù hợp, nếu là loài đã tuyệt chủng – với lối sống này[3]. Do đó, các nhà giải phẫu học sẽ biết phải hướng việc nghiên cứu của mình về ngả nào, để chứng minh sự hiện diện trong cơ thể của tất cả những gì mà lý trí của ông đã báo trước rằng ông ta sẽ nhìn thấy ở đấy; và nhà cổ sinh vật học sẽ có thể tái tạo lại hầu như hoàn toàn loài vật tuyệt chủng từ một số mảnh xương khai quật được, trong khi chờ những khám phá đầy đủ hơn. Còn việc dựng lại, dù chỉ như một sự mô phỏng thô sơ, mạng lưới những nguyên nhân đã dẫn tới sự hình thành hoặc sự hủy hoại của loại sinh vật, thì ông ta phải từ bỏ hoàn toàn trong nhiều trường hợp.

Trong lịch sử đích danh, kẻ hiếu kỳ các giai thoại bỏ công tìm kiếm những nguyên nhân, đặc biệt là nhằm cho thấy thường có những chênh lệch như thế nào giữa sự nhỏ bé của nguyên nhân so với sự lớn lao của hệ quả[4] – hạt cát[5] trong niệu quản của Cromwell chẳng hạn. Nhưng lịch sử triết học, lịch sử lớn ít khi dừng lại ở loại nguyên nhân cỏn con. Nó tìm kiếm một lý do đủ lớn cho những biến cố lớn, nghĩa là một lý do mà tầm quan trọng tương ứng với sự trọng đại của các biến cố, và mặc dù không có tham vọng luôn luôn với tới, vì lý do này có thể nằm ngoài phạm vi điều tra, nó cũng thường đạt được. Một cấu hình địa lý, sông núi… không phải là nguyên nhân theo đúng nghĩa của từ này, tuy nhiên, sẽ không ai ngạc nhiên khi tìm thấy ở đấy chiếc chìa khóa, lời giải thích hoặc lý do của sự phát triển lịch sử một quốc gia trong các nét chính của nó – những nét xứng đáng được ghi khắc trong trí nhớ con người[6]. Sự thành công của một âm mưu, một vụ bạo loạn, một lần đầu phiếu có thể sẽ quyết định một cuộc bùng nổ cách mạng mà lý do phải được truy tìm trong sự lỗi thời của những thiết chế hủ lậu, trong sự thay đổi tập tục và tín ngưỡng, hoặc ngược lại trong nhu cầu thoát khỏi rối loạn và trấn an những lợi quyền hốt hoảng. Đấy là những gì các nhà sử học triết gia có trách nhiệm đưa ra, đồng thời vất những sự kiện không đáng kể lại cho kẻ tò mò phù phiếm lấy làm thức ăn, bởi vì ta hoàn toàn có cơ sở gán những sự kiện không đáng kể ấy cho sự ngẫu nhiên, mặc dù chúng được liệt kê trong chuỗi các nguyên nhân.

Ngẫu nhiên! Phải chăng từ này tương ứng với một ý tưởng có nội dung nhất quán riêng, có cứu cánh nằm ngoài chúng ta và những hậu quả mà chúng ta không thể né tránh, hay nó chỉ là một âm thanh trống rỗng, một hơi thở thì thào[7], cái được sử dụng để che giấu sự dốt nát có nguồn gốc thực sự từ chính chúng ta, như Laplace[8] từng tuyên bố? Về điểm này, xác tín của chúng tôi đã hình thành từ lâu, và đã có dịp nhắc qua trong quá trình nghiên cứu này. Không! Ngẫu nhiên không phải là một từ không có liên hệ gì với thực tế bên ngoài; nó diễn tả một ý tưởng có biểu hiện trong các hiện tượng quan sát được, và với một hiệu quả mà sự điều hành thế giới phải ghi nhận; một ý tưởng đặt trên lý trí – ngay cả đối với một sự thông minh cao hơn trí thông minh của con người nhiều – và thâm nhập vào vô số nguyên nhân mà chúng ta không biết tới. Ý tưởng này là sự độc lập và sự giao thoa bất ngờ của các chuỗi nhân quả khác nhau: hoặc vì khi vươn lên, chúng ta có thể tìm thấy cái khoen chung chúng được móc vào, và từ đó chúng bị tách ra; hoặc vì chúng ta giả định (bởi vì đây chỉ có thể là một giả thuyết) rằng các chuỗi nhân quả luôn luôn duy trì sự độc lập với nhau, dù ta vươn cao đến đâu2. Một viên ngói rơi xuống từ mái nhà, dù tôi có đi qua con phố đó hay không; không có sự kết nối, không có sự liên đới, không có sự tùy thuộc nào giữa các nguyên nhân đã khiến hòn ngói rơi xuống và các nguyên nhân đã khiến tôi ra khỏi nhà để đến bưu điện gửi thư. Viên ngói rơi ngay vào đầu tôi, thế là nhà lôgic học cổ điển bị vô hiệu hóa vĩnh viễn: đây là một cuộc gặp gỡ tình cờ, hay đã xảy ra một cách ngẫu nhiên. Mệnh đề này có cùng một ý nghĩa, đúng cho cả người biết, lẫn kẻ không biết các nguyên nhân nào đã khiến hòn ngói rơi xuống, và các nguyên nhân nào đã khiến tôi ra khỏi nhà. Những sự kiện xảy ra một cách tình cờ hay bởi sự kết hợp ngẫu nhiên chẳng những không phải là ngoại lệ đối với ý tưởng nhân quả, không phải là những hiệu ứng không có nguyên nhân, mà còn đòi hỏi sự tham gia của nhiều nguyên nhân hay chuỗi nhân quả để được sản sinh ra. Tính ngẫu nhiên chỉ do sự độc lập của các chuỗi nhân quả cùng tác động một lúc. Nếu sự ngẫu hợp cho thấy một sự kỳ quặc nào đó, thì chính sự kỳ quặc này cũng có một nguyên nhân, nhưng nó không có lý do, và chính vì vậy mà nó khiến ta ngạc nhiên – chúng ta những kẻ mà ngay từ thời thơ ấu đã quen thói luôn luôn tìm kiếm và đôi khi cũng tìm thấy lý do của mọi sự vật. Ở một cuộc rút thăm trái phiếu, tôi giành được một trăm nghìn quan tiền thưởng, và tôi đã thắng một cách tình cờ: bởi vì người ta đã sắp xếp để không thể có một liên hệ nào giữa các nguyên nhân có ảnh hưởng tới vị trí của những con số, và các nguyên nhân khiến con số trúng được bốc ra. Thế nhưng, bởi vì phải có ai đó trúng thưởng, nên sự kết hợp ngẫu nhiên đã dành nó cho tôi, và nếu nó luôn luôn là đáng kể đối với tôi, nó sẽ chỉ được quần chúng lưu ý nếu, bởi một ngẫu nhiên khác, tôi là tên kiết xác hay nhà triệu phú, thằng vá giày hay nhà tài chính.

Antoine-Augustin Cournot, 
Duy Vật, Duy Sinh, Duy Lý
(Matérialisme, vitalisme, rationalisme, 1875),
Trg: A. A Cournot Toàn tập, q. V,
Paris, 1979, tr. 173-176


[1] Sự phân biệt nguyên nhân (sự kiện đã xảy ra trước) với lý do (cái nguyên lý khiến sự vật là hiểu được), đã khiến các nhà khoa học theo chủ nghĩa thực chứng chủ trương rằng, khi một hiện tượng bất kỳ nào xảy ra, nhà khoa học chỉ cần tìm hiểu cái «như thế nào», chứ không cần phải tìm biết cái «tại sao (pourquoi)» của sự kiện. (Xem trên trang mục này: Auguste Comte, Sự Phù Phiếm Của Việc Truy Tìm Nguyên Nhân và phản biện của Antoinette Virieux-Reymond, Định Luật Và Nguyên Nhân). Trong bài viết ở đây, A. A. Cournot cũng cho thấy rằng sự giải thích đơn thuần bằng nguyên nhân là vô hiệu đối với những hiện tượng phức hợp, như trong các lĩnh vực sinh học và sử học.

[2] Giả thuyết Thượng Đế tạo lập vũ trụ. 

[3] Sự tìm giải đáp cho câu hỏi «để làm gì?», như nguyên nhân cuối cùng, là thiết yếu trong các khoa sinh học, ít ra như một hướng dẫn khám phá. Nếu áp dụng «định đề khách quan» của vật lý học (nhà vật lý không quan tâm đến câu hỏi: vì sao lực hấp dẫn tồn tại?) vào sinh học, thì có vẻ như ta đã tự ngăn cấm mình nghiên cứu các loại sinh vật (loại hữu thể có dự phóng mà cả tổ chức lẫn hành vi đều như muốn thích nghi vào một mục đích). Xem các bài về «nguyên nhân mục đích» trên trang mục Sinh Học.

[4] Ở đây, tác giả minh họa bằng 3 ví dụ lấy từ lịch sử Âu châu. Chúng tôi chỉ giữ lại trường hợp hạt cát trong niệu quản của Cromwell, và thay hai trường hợp kia bằng thí dụ về chiếc mũi của Cléopâtre.

[5] Oliver Cromwell (1599-1658), nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Anh theo Thanh giáo, người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nền Cộng hòa ở Anh và sau đó là Huân tước bảo hộ của Anh, Scotland và Ireland. Ông chết vì bị sỏi đường niệu, cái chết của ông đã dẫn đến sự chấm dứt nền Cộng hòa và tái lập nền Quân chủ. Điều này khiến B. Pascal viết ra câu bình luận nổi tiếng: «Cromwell sắp tàn phá đạo Cơ Đốc; hoàng gia đã lụn bại trong khi dòng họ ông chưa bao giờ hùng mạnh như thế, nếu một hạt cát không chui vào niệu quản của ông ta = Cromwell allait ravager toute la chrétienté ; la famille royale était perdue, et la sienne à jamais puissante, sans un petit grain de sable qui se mit dans son uretère».

Một thí dụ nổi tiếng khác là cái mũi của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. Cũng chính B. Pascal đã viết: «Diện mạo mặt đất có thể đã thay đổi, nếu cái mũi của Cleopatra ngắn hơn một chút = Le nez de Cleopâtre, s'il eût été plus court, toute la face de la terre aurait changé». Dù giải thích kiểu nào theo nghĩa đen, câu văn vẫn luôn luôn được hiểu nhất quán theo nghĩa bóng như ở trên.

[6] Trong sử học, để hiểu rốt ráo ý nghĩa của một sự kiện lịch sử, sử gia không thể chỉ quan tâm đến những sự kiện đã xảy ra trước, mà còn phải vừa cân nhắc ý đồ và tâm lý của nhân vật lịch sử (yếu tố chủ quan), vừa phân tích mọi tình huống chính trị, kinh tế, xã hội và điều kiện nặng tính cấu trúc (mà ngày nay nhiều sử gia gọi là nguyên nhân sâu xa hay nguyên nhân cấu trúc). Xem thêm trên trang mục Sử Học: Antoine-Augustin Cournot, Nguyên Nhân, Lý Do, Ngẫu Nhiên Trong Sử Học.

[7] Flatus vocis, thành ngữ la-tinh do flatus (hơi thở) và vox (tiếng nói) hợp thành.

[8] Bình thường, khi lý do của một sự kiện không hiện ra rõ ràng, ta có xu hướng gọi những gì đã xảy ra là «tình cờ», hiểu ngầm là «không có nguyên nhân». Và Laplace tưởng đã vĩnh viễn biến ý niệm ngẫu nhiên thành vô nghĩa trong khoa học, khi ông giản lược nó vào biểu hiện của sự bất lực nhằm xác định mọi thông số hữu quan trong hệ thống vũ trụ. Nhưng trái với giả định ngầm của Laplace, Thiên nhiên không hề là một khối liền thân mà giống như sự ghép mảnh của nhiều hệ thống – khi độc lập, lúc liên đới với nhau. Và nếu luật nhân quả thực sự cai quản mỗi hệ thống, nó không chi phối sự giao thoa tình cờ giữa các hệ thống này. Xem thêm trên trang mục này: Antoine-Augustin Cournot, Ngẫu Nhiên Là Sự Giao Thoa Của Các Chuỗi Nhân Quả Độc Lập, và trên trang mục Vật Lý & Thiên văn Học: Pierre-Simon Laplace, Quyết Định Luận Phổ Quát.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa