Cập nhật ngày 15-12-2020 Từ khóa: Giải thích – Sử học ; Ngẫu nhiên (Khái niệm) – Sử học ; Cournot, Antoine-Augustin – Trích đoạn |
C2 |
NGUYÊN NHÂN, LÝ DO, NGẪU NHIÊN[1]
TRONG SỬ HỌC
(1872)
Tác giả: Antoine-Augustin Cournot*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Cournot, nhà toán học của thế kỷ XIX, đã đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo liên quan đến lịch sử và triết lý sử học. Nhưng do sự tách biệt truyền thống giữa khoa học và triết học, cũng như tính đa dạng trong sinh hoạt tri thức của ông, đóng góp của Cournot chỉ được các sử gia và nhà xã hội học tham gia vào cuộc tranh luận về nền tảng phương pháp của các khoa học xã hội và khoa học nhân văn hồi cuối thế kỷ này khám phá lại và đề cao, sau một tiếp xúc ban đầu lạnh nhạt.
Ngày nay, ông được nhìn nhận như một trong các triết gia hàng đầu, và (cùng với A. Comte) một trong hai triết gia khoa học lớn của Pháp trong thế kỷ XIX, người đã để lại dấu ấn đậm nét trên tư duy sử học của thế kỷ XX, và là nhân vật bản lề đã góp phần đẩy dần mối quan tâm triết học về sử từ quan điểm siêu hình thống trị đương thời (Comte, Hegel, Marx) sang quan điểm phê phán, thông qua việc xem xét lại các phương thức giải thích và vấn đề nhân quả trong sử học – mặc dù triết lý sử học của ông cũng không hoàn toàn vắng bóng một số ý tưởng siêu hình! Ông đã để lại ảnh hưởng đáng kể trên nhiều sử gia Pháp lớn của thế kỷ XX, như Henri Berr*, Lucien Febvre*, và Fernand Braudel*.
*
1 – CÁI NGẪU NHIÊN, SỰ KIỆN TỰ NHIÊN
Chúng tôi tin mình đã làm sáng tỏ trong các tác phẩm khác, và định nghĩa chính xác hơn những người đi trước cái ý tưởng ngẫu nhiên[2], bằng cách vạch ra rằng: 1) nó không phải là một con ma được tạo ra để chúng ta tự che mắt về sự dốt nát của chính mình, cũng không phải là một ý tưởng nảy sinh từ trạng thái vô thường của vạn vật và tri thức không hoàn hảo của ta, như chúng ta vẫn thường nghe lặp đi lặp lại; 2) ngược lại, ngẫu nhiên là ý niệm về một sự kiện tự nó có thật, và chân tướng có thể được thiết lập bằng lý luận trong một số trường hợp, hay bình thường hơn, có thể được nhận diện qua sự quan sát, như bất kỳ một sự kiện tự nhiên nào khác. Nội dung của sự kiện tự nhiên, được thiết lập hoặc nhận diện như vừa nói, bao gồm sự độc lập với nhau của nhiều chuỗi nhân quả đã bất ngờ cùng tác động, để tạo ra một hiện tượng, dẫn đến một sự kết hợp, và quy định một biến cố nào đó, mà chính vì lý do này được gọi là tình cờ. Sự độc lập giữa các khâu nhân quả riêng biệt không hề loại trừ ý tưởng rằng tất cả mọi khâu này đều là những khoen được móc vào cùng một cái vòng nguyên sơ thiết yếu, vượt qua bên kia hoặc thậm chí nằm bên này giới hạn của mức suy luận hoặc quan sát mà ta có thể đạt tới. Từ sự kiện Tự nhiên phát động không ngừng và khắp nơi cái ngẫu nhiên, từ sự giao kết liên tục của các chuỗi nhân quả thứ yếu và độc lập với nhau, đã triền miên xảy ra những thứ mà ta gọi là kết hợp tình cờ hay thời vận. Nhưng điều này không có nghĩa rằng Thượng Đế đã không nắm tất cả trong tay Ngài, đã không khiến cái này hay cái kia sinh ra từ cùng một phán quyết nguyên thủy[3]. Ta không thiếu tôn kính với Thượng Đế, khi khảo sát loại quy luật của ngẫu nhiên hơn là khi nghiên cứu loại quy luật của thiên văn học hay vật lý học, bởi vì ngẫu nhiên cũng có những quy luật của nó mà sự đa tạp của các dạng thử nghiệm đã phơi bày một cách hiển nhiên. Ngay cả lý trí cũng áp đặt ý tưởng ngẫu nhiên cho ta; và sai lạc đáng gán cho sự dốt nát của chúng ta không phải là đã hun đúc ra ý tưởng này, mà là đã áp dụng nó tồi và hỏng, ngay cả bởi những người khôn ngoan nhất, như có thể thấy qua quá nhiều ví dụ. Ý tưởng ngẫu nhiên là nguyên lý của tất cả mọi dạng phê phán, dù thuộc loại hình nào – suy tư triết lý hay tìm tòi bác học cao nhất, hoặc thực tiễn hành động thông thường nhất trong cuộc sống. Ngẫu nhiên là ý niệm chìa khóa trong thống kê học. Ý tưởng này cũng mang lại ý một ý nghĩa không thể tranh cãi cho bộ môn gọi là triết lý sử học, mà chúng tôi thích gọi là căn do luận sử học hay hệ nguyên nhân lịch sử1 (étiologie historique) hơn, đồng thời định nghĩa như sự phân tích và tranh luận về các nguyên nhân (causes) và chuỗi nguyên nhân đã góp phần mang lại những biến cố tạo nên bức tranh lịch sử; các nguyên nhân này cần phải được nghiên cứu từ quan điểm xem chúng như vừa độc lập, vừa liên đới với nhau. Muốn cho rất nhiều hệ thống tư tưởng mà triết lý sử học từng là đối tượng đôi chút giá trị, cần phải luôn luôn trở về với những nguyên lý của sự phê phán hay của căn do luận sử học.
2 – SỰ KIỆN NGẪU NHIÊN, ĐỐI TƯỢNG CỦA THỐNG KÊ HỌC
Trong loại sự kiện chi tiết vốn là đối tượng thường ngày của thống kê học, và là nơi số lần thử của cùng một sự ngẫu nhiên có thể lên tới hàng nghìn, hàng triệu lượt, hiệu quả của sự tích tụ những lần thử là để thực hiện việc bù qua sớt lại tất cả những đặc trưng ngẫu nhiên, tình cờ, đồng thời nhằm làm nổi bật tác động của các nguyên nhân, tuy yếu ớt song ảnh hưởng thường xuyên lại phát xuất từ những điều kiện chủ yếu của sự sản sinh ra hiện tượng này, và về lâu về dài, sẽ chiếm ưu thế trên tác động của các nguyên nhân tuy mạnh mẽ hơn, song không thiết yếu và bất thường. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa thiết yếu và tình cờ không hoàn toàn dựa trên sự lặp lại của các lần thử; nó vẫn luôn luôn tồn tại, dù trong trường hợp một lần thử duy nhất hay một lượng lớn những lần thử của cùng một ngẫu nhiên, mặc dù chúng ta không còn tiêu chí thực nghiệm của khoa thống kê để tính toán phần hiện diện của mỗi bên. Nhưng không có tiêu chuẩn này thì lý trí vẫn còn cái khác, cụ thể là cái tiêu chí xuất phát từ ý tưởng rằng nó đã được thực hiện (đã xảy ra) hay phải được thực hiện (phải xảy ra), nghĩa là về sự đều đặn của quy luật, và về sự không đều đặn của sự kiện hay cái ngẫu nhiên.
3 – CÁI DO NGẪU NHIÊN VÀ CÁI LÀ HỆ QUẢ CỦA QUY LUẬT TỰ NHIÊN
Khắp vũ trụ, và ở mọi tầm cỡ lớn nhỏ, thiên nhiên phơi bày trước mắt ta sự tương phản giữa quy luật và sự kiện, giữa cái tất yếu và cái ngẫu nhiên. Một tinh vân chẳng hạn, thứ thiên thể chỉ là một tập hợp sao thất thường khi phân giải qua kính viễn vọng, được cấu tạo tình cờ như vậy bởi một sự ngẫu nhiên, mà quy mô về cả kích thước lẫn thời gian tồn tại đều vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta; ngược lại, sự cấu tạo của Mặt Trời và của các hành tinh thành những phỏng cầu dẹt (sphéroïdes), là kết quả của một quy luật hoặc một sự tất yếu của tự nhiên. Mặt khác, khi thông tin về những tầng địa chất và thời kỳ tiến hóa đều đặn có thể thấy được ở khắp nơi, địa chất học dạy ta rằng, ở khắp nơi và vào mọi thời đại, lớp vỏ của Trái Đất, nơi ta đang ở, đã chịu tác động của những nguyên nhân địa phương và tình cờ, khiến nó khi rời ra, lúc trồi lên, khi sụp xuống, để rồi kết thúc bằng sự tạo ra các châu lục với địa hình lồi lõm và vòng vo như hiện nay, đồng thời rắc khắp các vùng biển của ta nào đảo, bán đảo, quần đảo, giống như vô số sao, chòm sao đã được rải khắp bầu trời. Có khi sự rung chuyển chỉ có tác động rất hạn chế; có khi nó được cảm thấy tận những nơi rất xa, trong các vòng tròn có bán kính lớn, hoặc dọc theo những đường nứt khổng lồ, nghĩa là nó đã có thể giăng ra khắp địa cầu và để lại những dấu vết không bao giờ phai, mà vẫn không mất đi tính ngẫu nhiên, và qua đó, sự tương phản với các quy luật của những cấu tạo địa chất đều đặn. Nhân loại có thể sẽ biến mất trong một cơn đại hồng thủy toàn cầu, nhưng vẫn đúng với sự thật là nó đã bị hủy diệt bởi một tai nạn tình cờ, y hệt như khi một cá nhân chết đuối trong một trận lũ; và phán đoán này chẳng có gì là không dung hòa được với niềm tin khiến ta nhìn tai biến ấy như một sự trừng phạt giáng xuống đầu một cá nhân hay một giống loài nào đó3. Ngược lại, khi các giống loài đã tuyệt chủng mà không bị bất cứ một chấn động địa chất nào đã tình cờ xảy ra và làm thay đổi hẳn điều kiện môi trường sống, thì chúng đã tiêu vong bởi một sự tất yếu, y hệt như khi mọi cá nhân đều phải chết già vậy.
4 – SỰ KIỆN NGẪU NHIÊN KHÔNG PHẢI LÀ CÁI TỰ NÓ KHÔNG THỂ ĐOÁN TRƯỚC
Hãy lưu ý rằng ý tưởng về sự ngẫu nhiên không hề bao hàm giả thuyết vô lý về một hiệu ứng không có nguyên nhân, hoặc ý tưởng về một sự kiện mà hiểu biết của người đời đã có thể ngăn chặn hay ít ra cũng đoán trước được, hoặc ngược lại, một sự kiện vượt quá mọi dự đoán. Nếu thừa nhận rằng cả sức nóng của Mặt Trời lẫn nhiệt độ riêng của địa cầu đều đang tiêu tán dần, nên một ngày phải đến kia – thực ra còn rất xa – Trái Đất sẽ mất hết khả năng nuôi sống mọi sinh vật trên đó, thì ta sẽ có ý tưởng về một hiện tượng được xác định dựa trên loại nguyên nhân bình thường, đều đặn, liên quan chủ yếu đến sự cấu tạo của hệ thống mà chúng cai quản. Nếu ngược lại, như đôi khi ta cũng tưởng tượng ra, và giả định rằng trong không gian vô tận và bên kia hệ Mặt Trời này, hiện có một sao chổi đang bay tới, để rồi một ngày kia sẽ va vào Trái Đất và hủy diệt mọi sinh vật sống trên đó qua ảnh hưởng tai hại của cuộc va chạm, thì ta sẽ có một ví dụ về loại nguyên nhân tình cờ, và nó sẽ không mất đi tính ngẫu nhiên, cho dù các nhà thiên văn hiện nay đã có thể trù tính thời điểm của cuộc va chạm. Ta còn có một ví dụ khác về cùng một sự tương phản giữa hai loại nguyên nhân, nếu đối lập hiện tượng thủy triều, mà những tính toán lên xuống đều đặn được ghi nhớ trong lịch sao (éphémérides), với nạn sụp tan của một băng hà hay hồ băng trên núi; và cho dù hiện tượng sau có được các tiến bộ về khí tượng học và địa thức học (géognosie) cho phép ấn định trước ngày tháng xảy ra, hay dù người ta có thể đề phòng được họa lũ lụt bằng tường chống, đập ngăn, rừng trồng… chăng nữa, thì chúng cũng không vì thế mà không phải là ngẫu nhiên.
5 - SỰ PHÂN BIỆT NGẪU NHIÊN – QUY LUẬT ÁP DỤNG VÀO LỊCH SỬ
Nếu không kể những khó khăn đặc thù của sự áp dụng trên thực tế, có thể áp dụng cùng những nhận xét như trên vào trình tự của sự kiện lịch sử. Điều kiện xã hội từ từ thay đổi suốt dòng tiến hóa của các thế kỷ, bởi những nguyên nhân mật thiết và tổng quát nói chung, mà tác động được gỡ mối qua bao nhiêu sự cố lịch sử; đồng thời loại chấn động mà ta đặt tên là cách mạng, được xác định bởi những nguyên nhân địa phương và tình cờ, cũng thực hiện đây đó những hành động với phạm vi ảnh hưởng khác nhau tùy lĩnh vực. Thường thì các phong trào này bắt đầu và kết thúc mà không tạo ra thay đổi nào đáng kể trong điều kiện xã hội; và từ khi đạo Hồi được gây dựng, châu Á Hồi giáo cung cấp cho ta cả ngàn ví dụ về loại cách mạng như thế. Những lần khác, khi các cuộc cách mạng đã khuấy động xã hội liên hệ ở mức độ đủ sâu, diện mạo và kết quả của các cuộc cách mạng này mang dấu ấn của một thời đại, làm rõ nét từng thời kỳ mà trình độ văn minh và tình trạng xã hội đã đạt đến trong cuộc tiến hóa chậm rãi hàng trăm năm đăng đẵng dưới thế lực của những nguyên nhân gọi là thường kỳ, bởi vì chúng là đơn giản – và chính sự đơn giản này chỉ rõ rằng chúng bám sát nguyên lý hay bản chất của sự vật. Do chính những bước tiến của nền văn minh, và sự thắt chặt quan hệ liên đới giữa các dân tộc, cú sốc cách mạng có thể tạo hậu quả gián tiếp ở khắp nơi trong thế giới văn minh: tuy nhiên, đây cũng sẽ chỉ là một sự kiện – thật ra là một sự kiện hàng đầu, một tình cờ khổng lồ – và dẫu nó có để lại những dấu vết không thể xóa nhòa, người biết lý luận sẽ không bao giờ lẫn lộn chúng với những hiệu ứng xuất phát từ loại nguyên nhân tổng quát và lâu đời, do một sự tất yếu của tự nhiên.
6 – ĐỊNH NGHĨA LỊCH SỬ : MÔ HÌNH VÁN CỜ
Nếu không có sự phân biệt giữa tất yếu và ngẫu nhiên, giữa thiết yếu và tình cờ, chúng ta thậm chí không có cả ý tưởng về bản chất thực của sử học. Hãy tưởng tượng một quyển sổ như thứ sổ mà các vị tư tế thời thượng cổ hay thầy tu thời man rợ dùng để ghi nhớ những ngày tháng từng xảy ra loại sự kiện được xem là huyền diệu hay lạ lùng – quái vật sinh nở, sao chổi bay ngang, sét đánh, động đất, lũ lụt, dịch bệnh. Nó sẽ không phải là sử ký. Vì sao? Bởi vì các sự kiện được liên tiếp báo cáo hoàn toàn độc lập cái này với cái kia, không cho thấy một quan hệ nhân quả nào; nói cách khác, bởi vì sự tiếp nối của chúng là hoàn toàn tình cờ, đơn thuần là kết quả của sự ngẫu nhiên. Nhưng nếu đấy là một quyển sổ ghi nhớ những quan sát thiên thực (nhật và nguyệt thực), những lúc đối vị hay gặp gỡ của các hành tinh, những lần quay lại định kỳ của sao chổi hay các hiện tượng thiên văn đồng loại, đặt dưới các quy luật thường kỳ, thì sao? Nó cũng không phải là sử ký nốt, song vì một lý do trái ngược, đấy là bởi sự ngẫu nhiên đã không có vai trò nào trong sự phân bố chuỗi sự kiện, và bởi vì mỗi kỳ của chuỗi này, do những quy luật chi phối loại hiện tượng trên, quy định hoàn toàn tất cả các kỳ tiếp theo[4].
Trong một trò chơi may rủi thuần túy, như trò ba-mươi-bốn-mươi[5] chẳng hạn, trong điều kiện mỗi ván chơi đều độc lập với ván trước và không ảnh hưởng gì tới các ván sau, sự tích tụ các ván bài có thể cho ta một bảng thống kê, nhưng không hề tạo ra lịch sử. Ngược lại, trong một ván xúc xắc[6] hay cờ vua mà các nước đi đều cuốn móc nhau, mỗi nước có ảnh hưởng tới nước sau tùy theo mức độ gần xa, tuy không quy định nó hoàn toàn, hoặc vì con thò lò còn tiếp tục can thiệp vào các cú ném sau, hoặc do phần tự do quyết định của mỗi tay chơi, thì ngoài sự phù phiếm về lợi tiền và tự ái mà kẻ thắng người thua đem đặt cược, người ta thấy hội đủ mọi điều kiện của một lịch sử đích thực, với các thời điểm mấu chốt, những hồi thăng trầm, những lúc tháo gỡ khúc mắc[7].
7 – LỊCH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ TÍCH LŨY ĐƠN THUẦN, CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ TẤT YẾU TUYỆT ĐỐI
Nếu những khám phá khoa học có thể nối đuôi nhau bất kể theo thứ tự nào, thì các khoa học sẽ chỉ có một thứ ký biên niên (annales) chứ không hề có lịch sử: bởi vì nội dung của sự siêu việt của sử học so với biên niên là nó cho một sợi chỉ dẫn đường, nhờ đó người ta có thể nắm bắt một số khuynh hướng tổng quát, và tuy chúng không loại trừ kiểu thay đổi thất thường của ngẫu nhiên trong những tình cờ chi tiết, về lâu về dài các khuynh hướng này sẽ thắng thế, bởi vì chúng thoát thai từ cái thường xuyên và tinh yếu nhất trong bản chất của sự vật. Trong giả thuyết cực đoan sau, khi một khám phá nhất thiết phải dẫn đến cái khác, và khám phá thứ hai này cũng lại tất yếu phải đưa đến cái thứ ba, theo một trật tự được quy định một cách lô-gic, thì thật ra cũng sẽ không có lịch sử khoa học đúng nghĩa, mà chỉ có một bảng niên đại (table chronologique) những khám phá: phần đóng góp của cái ngẫu nhiên sẽ bị rút gọn vào việc nới rộng hoặc thu hẹp khoảng thời gian từ phát hiện này tới khám phá khác. Điều may mắn cho sự quan tâm về lịch sử là cả giả thuyết cực đoan trước lẫn cái sau đều không thể được chấp nhận; tuy nhiên, khi các công trình khoa học ngày càng được tổ chức, khi số lượng người nghiên cứu ngày càng tăng, khi các phương tiện thông tin liên lạc giữa họ với nhau ngày càng hoàn hảo, thì rõ ràng là ta đang tiến gần hơn tới giả thuyết thứ hai; ở đây, do sự loại bỏ hầu như hoàn toàn cái ngẫu nhiên, các khoa học sẽ thực sự thoát ra khỏi cái mà ta có thể gọi là thời kỳ lịch sử (phase historique)[8].
8 - LỊCH SỬ CHÍNH TRỊ VÀ LỊCH SỬ CÁC KHOA HỌC
Có nhiều lý do khiến cho phần tham dự của yếu tố ngẫu nhiên luôn luôn là lớn hơn trong lịch sử chính trị so với lịch sử của các khoa học: tuy nhiên, ta có thể quan niệm rằng phần này sẽ phải giảm dần, khi sự quan trọng của các vĩ nhân cũng lần hồi nhạt nhòe trước sự tham dự và tỏa sáng của tất cả mọi người – nghĩa là khi các thế lực có số lượng và kích thước dần dần chiếm ưu thế ở khắp nơi trên trên những cảm xúc và đam mê, vốn là những hứng khởi ngẫu nhiên hơn, ít bền vững hơn. Vào thời xa xưa, trước khi những con người hùng vĩ đã sáng lập ra nền văn minh của các dân tộc xuất hiện, thì những dân tộc này chưa hề có sử học, không chỉ vì họ thiếu những sử gia, nhưng bởi vì dưới khối ảnh hưởng của các thứ lực bản năng mà quần chúng tuân theo, những điều kiện để lịch sử (theo nghĩa chúng ta hiểu) xuất hiện là hoàn toàn thiếu vắng. Nếu không có gì chặn đứng nền văn minh nói chung trên bước đường phát triển tiệm tiến của nó, thì ở một thời điểm nào đấy cũng phải đến thôi, các quốc gia sẽ chỉ còn có báo chí thay vì sử học, và có thể nói là thế giới văn minh sẽ bước ra khỏi thời kỳ lịch sử8, và sẽ không còn chất liệu gì cho những Hume, Macaulay, Titus Livius hay Tacitus[9] tác nghiệp cả, trừ phi trở đi trở lại trên một quá khứ xa xăm.
Lịch sử chính trị (và cũng phải nói như thế về lịch sử của ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật và các định chế dân sự) còn khác với lịch sử của các khoa học ở một điểm quan trọng nữa. Chúng ta có thể nói rằng trong các khoa học mà đối tượng tồn lưu độc lập, trong mọi nét thiết yếu của nó, với sự cấu tạo và những phát minh của tinh thần con người, thì không có gì tùy thuộc vào tính thất thường hoặc thị hiếu đặc biệt của người phát minh, vào sự tình cờ của những phát hiện khoa học hay vào trật tự liên tiếp của những khám phá, lại có thể tồn lưu vô thời hạn. Vì được đặt trên bản chất của sự vật, điều tốt nhất rốt cuộc rồi cũng phải luôn luôn được nhận ra, và sớm được đặt vào vị trí hiển nhiên không thể chống đối. Ngược lại, trong trình tự sự kiện chính trị xã hội, cũng như trong trình tự sự kiện tự nhiên, cái tuy nguồn gốc tùy thuộc vào loại tình huống ngẫu nhiên nhưng có khả năng để lại những dấu vết luôn luôn còn tồn tại, hay thậm chí chế ngự toàn bộ chuỗi biến cố tiếp theo, như trong các ván xúc xắc hay cờ vua, thì có bản chất không bao giờ thay đổi và thoát khỏi quyền lực của con người, như thể nó là một dữ kiện tự nhiên vậy. Vì sao sao Mộc lại có bảy mặt trăng thay vì sáu? Tại sao bán cầu Bắc của ta lại cho thấy nhiều vùng đất nhô lên hơn là ở Nam bán cầu? Tại sao bộ răng của loài bốn tay ở lục địa mới [Mỹ châu] lại có 4 răng nhiều hơn loài bốn tay ở lục địa cũ [châu Âu]? Có lẽ chỉ là chuyện tình cờ thôi: nhưng hậu quả của những ngẫu nhiên tương tự có thể tồn lưu cũng lâu dài như thế giới này. Đối với loại thiết chế nhân sự cũng thế; và vì vậy, nhất là trong lịch sử chính trị, có những khoảnh khắc nghiêm trọng, mang tính quyết định như ta vẫn nói, và tuy không phải lúc nào cũng là tụ điểm của những quan tâm bi hùng nhất hay kích thích sự tò mò của kẻ góp nhặt giai thoại nhất, chúng luôn luôn là các thời điểm phải thu hút ưu tiên sự chú ý của triết gia, nếu họ muốn nghiên cứu bằng căn do luận sử học.
9 – GIẢI THÍCH SỬ HỌC PHẢI TỰ BẰNG LÒNG VỚI NHỮNG XÁC SUẤT
Thật vậy, một mặt, triết gia bị ràng buộc bởi thiên chức vào việc tìm hiểu lý do của mọi sự vật; mặt khác (như được chỉ ra bởi từ aïtia, nguyên nhân, lý do), căn do luận sử học bao gồm việc nghiên cứu và thảo luận về các nguyên nhân mà sự kết chuỗi tạo thành cái nền của lịch sử. Nhưng ta phải đồng ý về các loại nguyên nhân đã[10]. Một tướng lãnh quân đội bỗng đau yếu đúng vào ngày phải ra trận sau một cảm giác khó chịu nào đó mà chỉ kẻ hầu cận của ông ta mới biết tại sao, hoặc một quyết định quan trọng đã được chính phủ thông qua như thế nào sau một âm mưu sa-lông nào đấy chẳng hạn, đều thuộc loại nguyên nhân được giới săn giai thoại ưa chuộng, đồng thời cung cấp thêm cho các nhà đạo đức một cơ hội bàn ra tán vào về sự yếu đuối và khốn khổ của con người, nhưng chúng không xứng đáng chút nào với căn do luận sử học hay triết lý sử học, như chúng tôi hiểu. Trong hoàn cảnh nào thì chỉ cần sự can thiệp của một ngẫu nhiên thất thường cũng đủ để thay đổi hay hủy hoại cả một chuỗi biến cố dài? Trong hoàn cảnh nào khác thì một kết quả tất yếu không thể tránh né sẽ xảy ra, vì ở đó những dữ kiện tinh túy của tình thế cuối cùng đã thắng thế, vượt lên mọi tai nạn bất ngờ? Đó mới là mối bận tâm, chúng tôi không nói là của khoa học lịch sử, bởi vì sự chứng minh khoa học không phải là món đặt cược ở đây, nhưng của triết lý sử học, cái bị bắt buộc phải tự bằng lòng với những loại suy, quy nạp, tức là với phép tính xác suất, như mọi thứ triết lý khác – dù phải sử dụng nó một cách thận trọng và tỉnh táo mà sự nghiêm túc của chủ đề đòi hỏi. Khi thảo luận về điều trị y học, trong một số trường hợp, ta sẽ không ngần ngại quy sự phục hồi hoặc tử vong của bệnh nhân cho liệu pháp, mặc dù có thể chẳng bao giờ có được bằng cớ chứng minh rằng bệnh nhân sẽ chết hay sẽ được chữa lành bệnh nếu, hoặc theo một liệu pháp khác, hoặc không theo bất kỳ lối trị liệu nào. Đối với căn do luận sử học chỉ vừa mới ra đời, dám tự đưa ra một sự so sánh nào đó với bệnh căn học, vốn được trau dồi từ rất lâu, đã là quá nhiều.
10 – GIẢI THÍCH SỬ HỌC : TÌM LÝ DO HƠN LÀ NGUYÊN NHÂN
Nếu muốn bám sát tính chính xác của ngôn ngữ, ta phải nói rằng căn do luận hay triết lý sử học tìm hiểu lý do của sự kiện hơn là nguyên nhân của sự kiện2,10. Bởi vì ý tưởng nguyên nhân hàm chỉ một hành động, một động lực có năng lượng riêng của nó; nhưng những gì công việc phê phán sử học phải làm nổi bật lên lại thường là các kháng cự thụ động, những điều kiện về cấu trúc và hình thức, những thứ về lâu dài và trong toàn bộ các biến cố, sẽ chiến thắng các nguyên nhân đúng nghĩa, những thứ đã can thiệp bằng phương thức riêng của mình vào việc sản sinh ra mỗi biến cố cụ thể đặc thù. Nếu sau nhiều lần ném xúc xắc mà con át vẫn xuất hiện thường hơn các con số khác, thì đấy là dấu hiệu có sự bất thường trong cấu trúc và sự phân bố của cả khối con thò lò, điều duy nhất có thể giải thích tần số được quan sát, nhưng do quán tính vật chất của con xúc xắc, nó chỉ can thiệp một cách thụ động, và do đó không phải là một nguyên nhân theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Nếu ta cứ dùng từ nguyên nhân ngay cả trong trường hợp đó, và nói rằng sự bất thường về cấu trúc nói trên đã tác động trong chiều hướng thuận lợi cho sự xuất hiện của con át, thì đấy chỉ có thể là một trong những ẩn dụ hoặc chuyển tiếp mà chúng ta đã tìm đủ mọi cách để trục xuất ra khỏi ngôn ngữ nhưng vô vọng. Thực ra, ta sẽ loại bỏ như tình cờ và ngẫu nhiên, hay như xa lạ với đối tượng nghiên cứu, tất cả những gì liên quan đến hành động của các nguyên nhân đúng nghĩa, nghĩa là của những xung lực cứ mỗi lần lại biến thiên về cường độ và phương hướng một cách thất thường.
11 - GIẢI THÍCH SỬ HỌC PHẢI KHÔNG TỰ GIỚI HẠN VÀO LỊCH SỬ CHÍNH TRỊ
Tương tự như vậy, nếu có thể so sánh trái núi với con chuột[11], thì các nhân vật được mời gọi xuất hiện trên sân khấu lịch sử (lịch sử như thường được hiểu và như ta phải hiểu), quốc vương, chiến tướng, nhà hùng biện, lập pháp, ngoại giao, đều có vai trò tích cực, đều can thiệp trong danh nghĩa nguyên nhân hiệu năng (causes efficientes)[12] vào việc xác định mỗi sự kiện rời rạc. Họ chiến thắng hay thua trận, họ kích động hoặc đàn áp các cuộc nổi dậy, họ thảo ra những luật lệ và thỏa ước, họ xây dựng và phê chuẩn các hiến pháp. Và vì chính họ đã bước lên sân khấu sau những dàn xếp chính trị, nên trước tiên có vẻ như chính trị đã tạo ra và dẫn dắt tất cả các phần còn lại. Tuy nhiên, trong mọi lĩnh vực lịch sử, chính trị sử rõ ràng là nơi xảy ra nhiều ngẫu nhiên, tình cờ và bất ngờ nhất: đến nỗi mà đối với các triết gia «xem thường sự kiện» (những kẻ chẳng quan tâm gì đến cái tình cờ và cái ngẫu nhiên, cho dù vì sao băng có tỏa sáng cỡ nào, vụ nổ bom có vang dội đến đâu), toàn bộ sử học cũng rơi vào cùng một nguy cơ bị khinh thị như các trò cuồng ngông của chính trị, nếu không chỉ có nhiều biểu hiện bên ngoài hơn là hiện thực trong sự dẫn dắt lịch sử bởi chính trị như một thứ bánh xe chủ đạo này, và nếu ta không phân biệt giữa nguyên nhân của những sự kiện (cái thất thường của người đời) với lý do của các biến cố (thứ rốt cuộc sẽ thắng thế trên cái thất thường của số phận và của con người). Một hoàng tử yếu đuối như món đồ chơi yêu thích trong tay tình nhân hoặc sủng thần thì cũng chẳng khác gì con xúc xắc mà một làn gió có thể xáo lộn các vòng lăn; nhưng nếu tên của ông ta là Louis XV hoặc Charles IV[13], thì phán quyết về triều đại của ông đã được viết ra, cho dù những trò đồng bóng của tình nhân hay sủng thần lúc đó làm nghiêng ý chí bệnh hoạn của ông ta về hướng nào.
Chính vì vai trò lớn hơn của ngẫu nhiên trong kết cấu dọc ngang của những biến cố chính trị, mà chính trị luôn luôn đứng sau và hầu như là thứ yếu trong phác thảo về phê phán sử học hay căn do luận sử học này, trong khi nó luôn luôn dẫn đầu như đối tượng chính yếu của sử học trong thuật ký sử thông thường[14].
12 – GIẢI THÍCH SỬ HỌC KHÔNG LOẠI TRỪ TỰ DO CÁ NHÂN
Bất kỳ ai nắm bắt được ý nghĩa của các suy tư trên sẽ nhận ra rằng đòi hỏi muôn đời chống lại mọi triết lý lịch sử của những kẻ mà chúng tôi sẵn sàng gọi là «đệ tử của Molina[15] trong lịch sử» là vô căn cứ biết bao nhiêu, khi họ cho rằng thứ triết lý này sẽ dẫn đến cái gọi là thuyết định mệnh trong sử học, không phù hợp với ý tưởng rằng người đời phải coi ý chí tự do của con người như một tác nhân đạo đức. Thật ra, không hơn gì thống kê học, sử học và [các thứ] triết lý lịch sử cũng chẳng nhằm chống lại tự do của con người, và trút bỏ trách nhiệm về hành vi người đời của họ chút nào. Bởi vì số liệu thống kê tư pháp cho thấy xu hướng phạm tội biến thiên như thế nào theo giới tính, tuổi tác, điều kiện xã hội, và số liệu tội phạm ít biến thiên như thế nào trong nhiều môi trường quần chúng khi điều kiện xã hội không thay đổi, liệu người ta sẽ hết thù ghét và hết trừng phạt kẻ phạm tội chăng? Thà là làm ngược lại, như ở các sắc dân trẻ con, là gán những thất thường, một ý chí tốt hay xấu, cho cái lực cơ học đã ném con thò lò ra, hay cho luồng gió đã thổi quay chiếc chong chóng chỉ hướng gió – một thứ cuồng tưởng theo đúng nghĩa của từ này. Lý thuyết về sự kết hợp các loại hình của lực là một lý thuyết lô-gic và trừu tượng, độc lập với tính chất cụ thể của từng lực riêng biệt. Khi đấy là một thứ lực mà khoa thống kê loại bỏ được các hiệu ứng biến thiên một cách bất thường nhờ sự đa tạp của những lần thử, thì dù cái lực đó có thuộc vào loại hình nào đi nữa – cơ học, sinh lý và bản năng, hay tinh thần – cũng không thành vấn đề. Trong mỗi trường hợp đặc thù, khi nó xuất hiện như nguyên nhân thực thụ, như lực tác động, bản chất của nó là rất quan trọng, hoặc thậm chí là tất cả vấn đề. Bồi thẩm đoàn muốn biết nhân vật đứng trước mặt họ là thằng ngốc, người điên hay kẻ phải chịu trách nhiệm tinh thần về hành động của mình; họ không cần sử dụng thống kê tư pháp để ra phán quyết; trong khi đó, các nhà lập pháp tham khảo số liệu thống kê để xác định giá trị của một định chế, không cần nhìn tới những dị thường quái gở, và không bận tâm về trường hợp cụ thể mà gánh nặng xét xử thuộc về bồi thẩm đoàn. Thực tế là sử học không dựa trên loại số liệu thống kê với hàng nghìn hay hàng triệu trường hợp đặc thù độc lập với nhau như ở thống kê học; vì vậy mà môn thống kê là một khoa học được xem là thực chứng một cách chính đáng, trong khi triết lý sử học chỉ là một triết lý; nhưng nếu nó không loại bỏ được loại nguyên nhân vẫn còn là tình cờ, bất chấp tính chất nguyên nhân hiệu năng hay tác động của chúng, bằng cùng một cách thức và tới cùng một mức độ như trong thống kê học, thì ta vẫn có thể áp dụng vào triết lý sử học cùng những nhận định liên quan tới các phán xét về bản chất nội tại của loại nguyên nhân tác động. Triết lý sử học không theo Jansen hơn là Molina[16], không độ lượng hơn là nghiêm ngặt; nó không được giao cho nhiệm vụ kết tội hoặc tha bổng, ân xá hay đày ải. Bằng cách thức riêng và trong giới hạn khả thi của mình, triết lý sử học tách biệt loại nguyên nhân cơ hội khỏi loại nguyên nhân thường kỳ, phân định đâu là phần của cái ngẫu nhiên, đâu là phần của cái tất yếu – một nhiệm vụ tự nó đã đủ khó khăn; và nhường lại cho lịch sử đúng nghĩa cái nghĩa vụ tuyên đọc các phán xét về những con người được số mệnh của mình gọi ra đứng trước thứ tòa án đáng sợ này của nó.
13 – LỊCH SỬ NỀN VĂN MINH VÀ LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI
Ta không được nhầm lẫn căn do luận sử học – đối với chúng tôi, đó là triết lý của sử học – với lịch sử của nền văn minh[17], hoặc với một thứ lịch sử tổng quát của loài người hay nhân loại sử như người ta nói bây giờ. Nền văn minh có một lịch sử và một căn do luận sử học, như các tôn giáo, các thiết chế dân sự, như triết học và nghệ thuật, như khoa học, như thương mại và công nghiệp chẳng hạn; vì nền văn minh bao gồm tất cả những thứ đó. Đặc biệt, lịch sử của nền văn minh cho thấy nhiều nét tương đồng với lịch sử của các khoa học, ở điểm nếu nền văn minh riêng của một dân tộc nào đó có thể suy thoái, vẫn có một vốn liếng văn minh chung [của nhân loại] luôn luôn phát triển, theo kiểu các bộ môn khoa học và các ngành công nghiệp. Mặt khác, giống như lịch sử của khoa học có những sa mạc của nó, như chúng được gọi, lịch sử của nền văn minh cũng có những sa mạc của mình. Có nhiều thời điểm lịch sử cực kỳ rối rắm trong chi tiết, và các dân tộc tuy dao động hết sức nhộn nhịp vẫn không tiến được một bước đáng kể nào, về bất cứ hướng nào, đến mức có vẻ như ta có thể vùi tất cả bao chi tiết ấy vào quên lãng mà sự hiểu biết về toàn bộ thời kỳ vẫn không mất mát gì, như người ta đã từng vùi bao cuộc phiêu lưu của các bộ tộc đã mai một, hoặc sẽ biến khỏi mặt đất mà vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc sống hoang dã, và chưa hề biết đời sống lịch sử là gì. Như vậy, một triết gia sẽ có thể lập nghiệp, nếu muốn, bằng cách tách riêng ra và làm nổi bật lịch sử của nền văn minh lên, qua bao nhiêu chi tiết chẳng mấy quan trọng, nhưng nó sẽ không đích xác là triết lý sử học, và tuyệt đối ta không bao giờ được lẫn lộn mối bận tâm về sự phát triển tiệm tiến của một nền văn minh, với mối quan tâm nảy ra từ lịch sử của mọi dân tộc thực sự đạt đến giai đoạn lịch sử trong tồn tại của mình.
Còn những ý tưởng mà chúng ta thích đặt ra về số phận của loài người, về cứu cánh cuối cùng của nền văn minh, về vai trò của vài dân tộc được ưu đãi trong việc theo đuổi cái mục đích tối hậu đó – loại ý tưởng đã khiến vô số đầu óc ưu tú phải trăn trở mà vẫn không đạt được bao nhiêu đồng thuận –, tất nhiên, chúng cũng thuộc về triết lý của lịch sử nếu ta muốn, nhưng đây lại là một thứ triết lý siêu nghiệm, đầy tham vọng, mang tính giả thuyết[18], chứ không phải là thứ triết lý phê phán mà chúng ta nghe nói, và chúng tôi muốn cống hiến, trong giới hạn khả thi của một phác thảo nhanh gọn, thông qua một số tiểu luận. Nếu được phép sử dụng ngôn từ của Kant*, chúng tôi sẽ nói một đằng là căn do luận (étiologie) sử học, một đằng là mục đích luận (téléologie) lịch sử*.
14 – THUYẾT CỨU CÁNH TRONG LỊCH SỬ VÀ Ý NIỆM TIẾN BỘ, HAI Ý TƯỞNG CÓ VẤN ĐỀ
Một so sánh sẽ làm rõ ngôn ngữ trừu tượng này. Nghĩ rằng nhân loại đáng có một lịch sử diễn tiến phù hợp với một dự án toàn thể – được nhận biết hay tuyên phán – mà triết học lịch sử phải có nhiệm vụ gỡ mối, là điều chúng tôi không có ý định bài bác; thế nhưng khi nhìn toàn thể, trong sự đa tạp và sự tiếp diễn các thời kỳ đầy kinh ngạc của nó, thế giới sinh vật cũng là một đối tượng khá quan trọng, đáng cho ta đặt dưới những quy luật tổng quát và biểu lộ một ý tưởng cơ bản. Ở đây cũng vậy, với một vẻ ngoài cực kỳ hợp lý, người ta thường đưa ra các ý tưởng về sự thống nhất trong quy hoạch và cấu tạo hữu cơ, ý tưởng về sự tiến bộ hay hoàn chỉnh dần của các cơ cấu, hoặc trong sự phát triển cá thể, hoặc trong chuỗi các loài tồn tại đồng thời, hoặc trong sự xuất hiện liên tiếp và sự thay thế nhau của các loài. Tuy nhiên, trong số tất cả các ý tưởng trên, dù không cái nào đáng bị coi thường hay xóa bỏ hoàn toàn, cũng không ý tưởng nào là biểu hiện thích đáng và đầy đủ của những sự kiện, không cái nào có thể là cơ sở cho một hệ thống không thể kích bác, không cái nào cho ta chiếc chìa khóa vạn năng, cái công thức đúng và tối cao của Hóa Công – điều có lẽ vượt quá phạm vi tư tưởng, quan sát và suy luận của chúng ta. Được sử dụng thích hợp ở nơi này, nhưng lại có vẻ bất cập ở chỗ khác, theo sự giải mã của chúng tôi, các tư tưởng trên là sợi chỉ đỏ dẫn đường cho một vài bộ phận của hệ thống hơn là cho tất cả hệ thống; sự mạch lạc nằm trong các chương hơn là trong toàn bộ quyển sách. Bên cạnh rất nhiều dấu hiệu không thể phủ nhận được của sự tiến bộ*, cũng có triệu chứng của những thoái hóa từng phần và cục bộ. Và nếu phải công nhận những quy luật dù hiểu được hay bí ẩn, vẫn còn lại cái chương của sự ngẫu nhiên hay những tai nạn tình cờ; và đây không phải là một chương riêng biệt mà là một chương trộn lẫn mật thiết vào toàn bộ lịch sử. Dù sao đi nữa, chẳng có nhà tự nhiên học nào lại không xem như ảo tưởng và vô vọng cái ý đồ xây dựng tức thì một triết lý tự nhiên từ vài nguyên lý lô-gic mệnh danh là dữ kiện trực tiếp của lý trí, để từ đó làm nẩy ra cái khoa học cao nhất gọi là triết học này, thay vì kiên nhẫn vươn dần tới nó, từ những quy nạp mà các dữ kiện khoa học cung cấp. Chúng tôi không dám đẩy xa đến mức đó sự quên lãng các nguyên lý khác mà sự tiến bộ tinh thần thực sự của con người từ ba thế kỷ nay đã tùy thuộc.
15 – TÍNH HÃO HUYỀN CỦA MỌI HỌC THUYẾT SIÊU HÌNH VỀ LỊCH SỬ
Về mục đích luận* trong lịch sử hay triết lý [tư biện] của lịch sử như người ta vẫn hiểu, có lẽ ta cũng nên hành xử như thế chăng? Phải cùng với Hegel* «khởi hành từ giả định rằng, trong lịch sử thế giới, tinh thần con người tự biểu hiện, trong thực tế, dưới một loạt những hình thức mà mỗi dạng đều tương ứng với một dân tộc thực sự tồn tại» chăng? Nhưng tại sao lại giả định như vậy? Và nếu nó biểu hiện một cái gì đó khác hơn là sự thật tầm thường này – các nét tinh thần nổi trội của một dân tộc được thể hiện trong lịch sử của mình – thì nó biểu hiện cái gì? Liệu chúng ta sẽ làm cho lịch sử sáng tỏ hơn nhiều chăng, sau khi đã cùng với triết gia vĩ đại này phát biểu rằng «ở Ba Tư, cái bất định trở thành khả tri trong ánh sáng»? Hoặc giả cùng với [Victor] Cousin* «ân xá cho lịch sử tại mọi điểm trên độ dài thời gian của nó»? Hoặc nói rằng ở phương Đông mọi thứ đều bị hy sinh cho cái vô hạn, trong khi ở thời cổ đại Hy Lạp - La Mã thì cái vô hạn tạo ra phản đề là cái hữu hạn, còn thời nay thì cả cái hữu hạn và cái vô hạn đều cùng tồn tại chăng? Với uy tín của hành động, những khám phá tương tự đã làm nổ ra hàng tràng pháo tay xung quanh một bục giảng, nhưng chúng không có giá trị gì trước sự phê phán, nghĩa là trước thứ triết lý nghiêm túc.
16 - TÍNH VÔ SINH CỦA MỌI KHOA HỌC LỊCH SỬ
Hegel nhìn thấy trong lịch sử của nhân loại và nền văn minh một loại sử thi, ở đấy chỉ một số ít dân tộc là tinh hoa, và mỗi dân tộc đều có vai trò riêng biệt của nó, với danh nghĩa là đại diện cho một ý tưởng. Thay vì làm như thế, nếu ta lại giả định cùng với Vico*, rằng có những quy luật không đổi, áp dụng cho lịch sử của mỗi dân tộc hay mỗi thời đại cá biệt, ở đấy chúng quy định sự lặp đi lặp lại cùng một số thời kỳ giống nhau theo một trật tự bất biến, gần như là sự quay lại của các kỳ nhật thực hay nguyệt thực trong một chu kỳ Mặt Trăng Mặt Trời che khuất nhau, thì chúng ta lại càng rời xa nhiều hơn nữa cái ý tưởng mà ta phải có về triết lý sử học. Vì trong giả định này, ngay cả cái từ triết lý cũng sẽ là không thích hợp; bởi lúc đó ta đã phát hiện ra một lý thuyết, một khoa học, một thứ sinh lý học lịch sử[19]. Sử học đã thành công trong việc loại bỏ hẳn cái ngẫu nhiên, cái tình cờ, cái đúng nghĩa là sự kiện [biến cố], để chỉ còn xem xét loại quy luật thường xuyên và bất biến. Thế nhưng, tất cả những điều đó lại hoàn toàn trái với những gì việc nghiên cứu lịch sử đã dạy ta, khi nó được tiến hành ngoài những thành kiến được đan thành hệ thống. Như chúng tôi sẽ gắng trình bày trong các chương sau.
Antoine-Augustin Cournot,
Cân Nhắc Về Bước Tiến Của Những Ý Tưởng
Và Sự Kiện Trong Thời Hiện Đại
(Considérations sur la marche des idées
et des événements dans les temps modernes,
Paris : Hachette, 1872, q. 1, ch. 1).
[1] Từ Cournot dùng ở đây là «étiologie» (do từ Hy Lạp aïtia, có nghĩa là nguyên do; xem thêm ct3 của bài: Aristotelês, Bốn loại nguyên nhân, trong phần TLKH). «Étiologie» chỉ sự nghiên cứu các nguyên nhân, được dùng chính yếu trong y học, và thường được dịch là «bệnh căn học». Do sự phân biệt nguyên nhân và lý do của Cournot trong bài (như một số sử gia khác phân biệt nguyên nhân trực tiếp, và nguyên nhân sâu xa) có thể dịch «étiologie» là căn do luận sử học, hay hệ nguyên nhân lịch sử, như chúng tôi nghĩ chăng? Cuối cùng, chúng tôi chọn đổi từ étiologie trong tựa của nguyên bản thành Nguyên Nhân, Lý Do, Ngẫu Nhiên Trong Sử Học, nhằm bao trùm mọi khía cạnh tác giả muốn đề cập tới và phân biệt ở đây, đồng thời kết nối với bài Nguyên Nhân, Lý Do, Ngẫu Nhiên đã đăng trên trang mục TLKH và nên được đọc trước bài này. NVK
[2] Aron đã tóm tắt lại định nghĩa và minh họa về cái ngẫu nhiên của Cournot như sau: «Sự kiện viên ngói rơi khỏi mái nhà trong cơn gió lớn có thể hiểu được theo các quy luật đã biết, sự kiện một người nào đó đi qua dưới mái nhà vì công việc cũng có thể hiểu được, nhưng sự kiện viên ngói rơi đúng vào đầu người ấy là một gặp gỡ vừa tất yếu, vừa phi lý. Tất yếu vì nó là kết quả của những quy luật tất định chi phối các chuỗi sự kiện; phi lý – ngay cả đối với trí tuệ thần linh – vì nó không tuân theo một quy luật nào cả» (Raymond Aron, Introduction à la philosophie de l’histoire, Paris, Gallimard, 1948, tr. 20). Xem thêm: Nguyên Nhân, Lý Do, Ngẫu Nhiên, và Ngẫu Nhiên Như Sự Giao Thoa Của Các Chuỗi Nhân Quả Độc Lập, của Cournot trên trang mục TLKH. NVK
[3] Là nhà khoa học, Cournot cũng rất sùng đạo. Ông thường được đánh giá là người có thái độ hiện thực phê phán trong các vấn đề khoa học và triết học, nhưng lại bảo thủ về tôn giáo và chính trị. Về điểm này, đọc thêm bài: Antoine-Agustin Cournot, Biến Dịch Lịch Sử… khi có thể tham khảo. NVK
[4] Như vậy, theo Cournot, sử học không phải là «khoa học về quá khứ» như trong định nghĩa thông thường, bởi vì một mặt, trong sử học không thể có những quy luật như trong các khoa học thực chứng, mặt khác, thời gian không phải là cái yếu tính có thể định nghĩa sử học đầy đủ.
Một mặt, có những chuỗi sự kiện thuộc về quá khứ nhưng không thể được gọi là sử, vì các biến cố cấu thành của chuỗi sự kiện này nối đuôi nhau xảy ra một cách hoàn toàn tình cờ, không liên quan gì tới nhau (nếu gọi đây là sử, thì sử học sẽ chỉ là một đống hỗn độn không thể hiểu và tường thuật lại, vì được kết hợp từ những sự kiện cá biệt, độc nhất, cái sau không có quan hệ nhân quả gì với cái trước, nên những gì xảy ra là hoàn toàn không liên hệ, không lô-gic, không lý do). Mặt khác, có những chuỗi sự kiện khác cũng thuộc về quá khứ nhưng cũng không thể được gọi là sử, vì các biến cố cấu thành của chuỗi sự kiện này cũng nối đuôi nhau xảy ra, nhưng một cách hoàn toàn bắt buộc, theo luật định; ở đây, ta trở về với một phiên bản cục bộ của quyết định luận phổ quát kiểu Laplace, qua đó vai trò của thời gian là hoàn toàn thứ yếu (bởi các biến cố tiếp theo đã được ngầm chứa trong quy luật, và chỉ còn chờ đúng lúc để thoát ra).
Trong lịch sử, ngược lại, ngay cả khi ta biết tường tận một hoàn cảnh nào đó, ta cũng không thể đoán trước được hướng phát triển của hệ thống đang quan sát, bởi vì luôn luôn có một phần ngẫu nhiên – cái có thể vắng mặt, thay vì tồn tại để can thiệp vào đấy – khiến cho biến cố xảy tới là cái không hề được bao gồm trong hoàn cảnh lúc đầu. Như vậy, sử học có lý tính của nó, nhưng lý tính này không hề được cho sẵn, bởi sử học là điểm giao thoa giữa các chuỗi nhân quả quyết định và cái mà ta có thể gọi là sự tình cờ.
Như vậy, lịch sử là gì? Lịch sử là một chuỗi những biến cố, vừa có tổ chức hay cấu trúc (được kết nối bằng loại quan hệ quy định lẫn nhau), vừa không tất yếu; nói cách khác, lịch sử là loại biến dịch vừa biểu thị một vận động toàn thể, vừa để chỗ cho sự ngẫu nhiên. Do đó, mô hình lý thuyết đúng nhất cho sử học là trò chơi chiến lược (một ván cờ chẳng hạn), bởi vì điểm chung giữa hai đối tượng này nằm ở sự kiện là những biến cố quá khứ, hiện tại, vị lai không chỉ nối đuôi nhau (se succéder), mà thật sự cuốn móc nhau (s’enchaîner).
Tóm lại, Cournot có khuynh hướng xem sử học như một dạng thức hiểu biết liên kết các sự kiện đặc thù: lịch sử không phải là một chuỗi những sự kiện độc lập nối đuôi nhau (tình cờ, ngẫu nhiên), cũng không phải là một sự cuốn móc tất yếu những biến cố (luật định); nó chiếm một vị trí nằm giữa hai dạng trên. Và dạng thức này, hiểu biết lịch sử (connaissance historique, hiểu biết về sự kiện), cùng với dạng thức hiểu biết lý thuyết kia (connaissance théorique, hiểu biết về quy luật), chính là hai yếu tố cấu thành của tri thức con người. Xem thêm, ở đây, A. A. Cournot, Yếu Tố Lịch Sử Trong Hệ Thống Tri Thức. NVK
[5] Trong trò chơi bài này, nhà cái chia bài thành hai hàng mà số điểm tích tụ được không thể dưới 31 song cũng không thể trên 40. Tay chơi được hay thua sau mỗi lượt chia, và kết quả này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới lần chia sau.
[6] Trò chơi mà người Hy Lạp và La Mã xưa cũng từng biết. Các tay chơi thay phiên di chuyển con ngựa của mình vượt qua số ô mà con thò lò ghi sau mỗi lượt lăn, khi được ném ra. Rồi vị trí đạt được là điểm khởi đầu cho lần ném tiếp theo, như trong trò chơi cờ đam và cờ vua. Mỗi bước đi tạo ra một hoàn cảnh mới và ảnh hưởng tới bước đi sau.
[7] « […] trong cuộc cờ, khi quyết tâm có suy nghĩ của tay chơi thay thế sự ngẫu nhiên của con thò lò, nhưng một cách nào đó khiến cho ý tưởng của anh ta, khi gặp ý tưởng của địch thủ, cùng tạo ra hàng loạt những cuộc chạm trán ngẫu nhiên, ta thấy xuất hiện các điều kiện của một kết chuỗi lịch sử. Câu chuyện một ván xúc xắc hay cuộc cờ, nếu ta nảy ra ý nghĩ thuật lại kỷ niệm về nó cho đời sau, sẽ là một thứ sử ký, in hệt như bất cứ thứ lịch sử nào khác, với các cơn khủng hoảng, những hồi tháo gỡ khúc mắc, bởi vì ở đây, những nước đi không chỉ nối đuôi nhau mà còn móc xích lôi cuốn nhau, theo nghĩa là mỗi nước đi ít nhiều ảnh hưởng tới loạt nước đi sau và chịu ảnh hưởng của loạt nước đi trước. Nếu điều kiện của trò chơi được phức tạp hóa hơn nữa, thì về mặt triết lý, ta có thể so sánh lịch sử của một cuộc cờ với lịch sử của một trận đánh hay một chiến dịch, trừ sự quan trọng về hậu quả ở mỗi loại hình. Có lẽ người ta còn có thể không ngại hóm hỉnh mà nói rằng đã từng có nhiều trận chiến và chiến dịch mà lịch sử còn ít xứng đáng được ghi lại ngày nay hơn là lịch sử của một cuộc cờ». Antoine-Augustin Cournot, Essai sur les fondements de la connaissance et sur les caractères de la critique philosophique (1851).
[8] Nếu thời tính và sử tính không trộn lẫn vào nhau, thì sự tồn tại của các xã hội người trong thời gian có thể bao gồm cả những yếu tố phi lịch sử (anhistorique), hay chỉ ít nhiều có sử tính, tùy theo thời tính của chúng có mang lấy một hình thức rõ rệt và bền vững không, hoặc chỉ tự thu mình thành một thứ biên niên hay niên đại thuần túy. Nói cách khác, theo Cournot, không phải mọi lĩnh vực xã hội đều phát triển theo cùng một nhịp, mà hơn nữa, lịch sử theo nghĩa ông hiểu (và gọi là thời kỳ lịch sử = phase historique) chỉ là một thời đại trong sự phát triển của loài người.
Với sự phân biệt hai thời đại – lịch sử và phi lịch sử mà ông gọi là «hậu lịch sử» (posthistoire) – này, vô hình trung Cournot đã góp mặt vào cuộc tranh luận phức tạp và đa nghĩa đã kéo dài từ Hegel đến Francis Fukuyama, về «sự kết thúc của lịch sử». Nhưng trước hết, ở Cournot, «hậu lịch sử» không phải là một tiên đoán khoa học, mà chỉ là một tin tưởng mang tính «xác suất triết lý» (probabilité philosophique – khi không thể dùng thống kê, «xác suất triết lý» là thứ phán đoán của lý trí qua đó ta có thể cân nhắc mức độ phù hợp của các tin tưởng của ta với hiện thực; nó thay đổi theo hiểu biết của kẻ phát biểu), và như một xu hướng hơn là một hiện thực.
Mặt khác, từ «kết thúc» ở đây cũng không phải là một điểm dừng vĩnh viễn, nó chỉ đơn giản là đặt thời đại của ta như giai đoạn cuối của lịch sử loài người, khi những sinh lực trong xã hội (bản năng, nhiệt tình, đam mê) rơi vào một trạng thái đờ đẫn, dẫn tới sự phục tùng tiệm tiến loại nguyên tắc tổ chức cố định (kinh nghiệm, luật lệ, tính toán, hợp lý hóa…). Người ta thường cho rằng, để có lịch sử: phải có sự thay đổi, có ý thức về sự thay đổi đó, và ý thức này phải chủ yếu quay về đối chiếu với quá khứ; và để có thay đổi: phải có biến cố, phải có một cái gì mới, cái mới đó phải đơn nhất và đặc biệt, phải khó dự đoán và bàng bạc không nơi chốn nhất định. Ở đây, con người tưởng mình đang tiến lên, nhưng thật ra chỉ giẫm chân tại chỗ; ở đây, lịch sử và sử học sẽ nhường chỗ cho thời sự và báo chí. Hình ảnh thường được dùng để minh họa phần nào ý tưởng «hậu lịch sử» của tác giả là chiếc xe đạp đổ, dù bánh xe tiếp tục quay bao lâu đi nữa, chiếc xe vẫn không di chuyển, vì bánh xe không còn bám lên mặt đường. Dù sao, «sự kết thúc của lịch sử» là một đề tài phổ biến và quen thuộc của giới triết gia và sử gia Âu châu ở thế kỷ XIX. Xem thêm ở ct10. NVK
[9] Bốn sử gia nổi tiếng, hai của nước Anh trong thế kỷ thứ XVIII (Hume, Macaulay) và hai của thời La Mã cổ đại (Titus Livius, Tacitus).
[10] Triết lý sử học của Cournot được đặt trên hai nguyên lý, một mang tính phương pháp (dựa trên sự phân biệt nguyên nhân với lý do), và một mang tính biểu tượng (dựa trên nhận thức rằng xã hội con người vừa là sinh thể = organismes, vừa là cơ chế = mécanismes).
Về nguyên lý thứ nhất, Cournot xác định rằng vai trò của sự giải thích trong sử học là, giữa vô vàn sự kiện và biến cố đã tác động lên sự tiến hóa của xã hội, phát hiện ra và phân cấp, đâu là nguyên nhân tình cờ hay hời hợt, đâu là lý do sâu xa, đâu là sự kiện thống trị, đâu là tiểu tiết ngẫu nhiên,… đã định ra cái xu hướng tiến hóa tổng quát, đã tạo nên cái dáng dấp (allure) chung của một thời kỳ. Mọi sự kiện, biến cố lịch sử, do đó, sẽ được sắp xếp theo mức độ tổng quát, và tầm ảnh hưởng của chúng đối với phần còn lại.
Về nguyên lý thứ hai, mặc dù dùng mô hình sinh học để nghiên cứu xã hội, Cournot chỉ quan tâm đến khía cạnh động của nó, và xem mọi hiện tượng xã hội (ngôn ngữ, tín ngưỡng, truyền thống, tập quán…) như những biểu hiện của một năng lượng sống – một thứ bản năng bộc phát để tự tổ chức và bảo tồn của cá thể và giống loài, nhằm đối phó với những gì cản trở hành động của chúng. Như vậy, Cournot phân biệt hai dạng thức tồn tại và phát triển của hiện tượng xã hội, với xu hướng là phần cơ chế (tác động của những sản phẩm khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, những thành tố của nền văn minh cơ giới và vật chất, hướng về sự ổn định hóa và đồng nhất hóa) sẽ dần dần đạt ưu thế trên phần sinh động. Đấy chính là khuynh hướng toàn cầu hóa của nền văn minh xuất phát từ Âu châu. Xem thêm ở ct8. NVK
[11] Trong nguyên bản: Si magna licet componere parvis = Si l’on peut comparer les grandes choses aux petites = Nếu ta có thể so sánh những sự vật lớn với sự vật nhỏ. NVK
[12] Cournot còn có một quan niệm và quy chiếu khác về những «cá nhân vĩ đại». Xem thêm, ở đây: A. A. Cournot, Lịch Sử, «Sàn Diễn Của Những Cá Nhân Vĩ Đại».
[13] Charles IV (tv 1322-1328, vua cuối cùng của triều đại Capet trực tiếp) và Louis XV (tv 1715-1774, vua cuối cùng của nhà Bourbon) đều là hai vị vua mà số phận hầu như đã được định trước là sẽ tiêu vong cùng với triều đại của dòng họ, do sự yếu đuối của bản thân và các tình huống vượt khỏi khả năng đối phó của mỗi người, hơn là do sự lũng đoạn của vài kẻ thân cận, sủng thần hay ái phi.
[14] Lịch sử chính trị là bộ phận sử học được triển khai nhiều nhất ở Âu châu (suốt từ tk thứ V tCn đến đầu tk XX sCn, và đôi khi rất chính thống), với các đặc tính sau: xoay quanh hai thực thể, hoặc thế quyền (Nhà nước, quốc gia), hoặc thần quyền (Giáo hội); tập trung trên loại cá nhân xuất sắc được Cournot liệt kê ở trên; được trình bày như những chuỗi biến cố nối tiếp nhau; với mục đích là giáo dục kẻ lãnh đạo về kinh nghiệm chính trị.
Chỉ từ tk Khai Sáng, thứ sử học chật hẹp này mới bước đầu bị phê phán – nhất là ở Pháp từ 1789 trở đi, nhờ những quan điểm phát sinh từ đòi hỏi diễn giải mọi biến cố trước và sau cuộc Cách mạng. Tuy rằng qua ngả đó, chính trị sử đã được mở dần sang nhiều lĩnh vực khác (ngoại giao, xã hội, kinh tế, văn hóa), vào thời Cournot, lịch sử chính trị vẫn giữ được ưu thế nhờ «trường phái phương pháp (école méthodique)»* với ảnh hưởng hiển nhiên của chủ nghĩa thực chứng đương thời vẫn còn ở thế áp đảo.
Và chỉ từ 1930 trở đi, với sự ra đời của tạp chí và trường phái Annales*, nền sử học ở Pháp mới thực sự mở dần sang mọi lĩnh vực học thuật, theo từng bước phát triển của trường phái này. Từ tk XX, có thể xem như sử học đã lột xác hoàn toàn tại mọi quốc gia văn hóa lớn, với những đổi mới về quan điểm, thời gian, chủ đề, và cả về phương pháp, dụng cụ nghiên cứu. Tuy nhiên, nhận định trên của Cournot vẫn còn đúng ở một số quốc gia khác, nơi chẳng những người ta không cải cách nổi lối viết và học sử, mà còn có xu hướng biến quốc sử thành tiểu thuyết lịch sử vì mục đích chính trị, với hậu quả tai hại là chẳng còn ai tin sử, học sử nữa cả. NVK.
[15] Luis de Molina (1535-1600), một trong các nhà thần học Dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên) nổi tiếng nhất của thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha. Ông là đầu mối của một học thuyết đặc biệt về quan hệ giữa ân sủng của Thượng đế và tự do của con người, một thứ thuyết trung dung nhằm biện minh cho tự do ý chí của con người, sau được gọi là chủ thuyết Molina (Molinism). NVK
[16] Ám chỉ cuộc tranh luận thần học trong nội bộ Kitô giáo ở thế kỷ 17. Ngược với quan điểm của phái Molina như đã nói ở trên, phe theo quan điểm của Giám mục Hà Lan Cornelius Jansen (Jansenius, 1585-1638) khẳng định rằng sự giải thoát của mỗi cá nhân hoàn toàn là ân sủng tiền định của Thượng Đế. NVK
[17] Lịch sử của nền văn minh = Histoire de la civilisation, thuật từ của thế kỷ XIX. Nếu viết bài này ngày nay, Cournot có lẽ sẽ phải dùng Lịch sử của CÁC nền văn minh = histoire DES civilisations, bởi vì Tây phương không còn là chủ thể duy nhất của lịch sử, và văn minh Tây phương không còn là quy chiếu độc nhất cho sự văn minh của nhân loại nữa.
[18] Đây là sự phân biệt giữa triết lý phê phán sử học và triết lý tư biện về lịch sử sau này, trong đó có phần đóng góp của chính Cournot. Xem thêm, ở đây: William H. Dray, Triết Lý Tư Biện Lịch Sử, Triết Lý Phê Phán Sử Học. NVK
[19] Ở đây, như đã nói trong ct4, Cournot bài bác quan niệm cho rằng sử học là hay phải là một khoa học, theo nghĩa vật lý học là một khoa học chẳng hạn. Bởi vì ta không thể loại bỏ hoàn toàn cái ngẫu nhiên trong lịch sử, nên sử học không thể chỉ có hay thậm chí có những quy luật bất biến như trong các khoa học thực chứng. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX đã nổi lên bao cuộc tranh cãi về «tính khoa học», về khác biệt giữa khoa học tự nhiên / khoa học con người, khoa học vật chất / khoa học tinh thần, khoa học cứng / khoa học mềm… (xem thêm, ở đây: W. Dilthey, Khoa Học Tự Nhiên Và Khoa Học Tinh Thần). Ngày nay, X có phải là một khoa học hay không, không còn là vấn đề ngăn cản sự phát triển lịch sử của X nữa, với sự công nhận một định nghĩa về khoa học mềm dẻo và thực tế hơn, như một tập hợp những tri thức có một đối tượng hay/và một phương pháp riêng, được xây dựng trên những quan sát khách quan có thể kiểm tra, những lập luận chặt chẽ, và có giá trị phổ quát. Như trong trường hợp của văn minh sử, nếu phải viết lịch sử khoa học ngày nay, loại tựa đề Lịch sử khoa học (Histoire de la science, hàm ý chỉ có một thứ khoa học mà vật lý học là mẫu mực) sẽ phải nhường chỗ cho Lịch sử CÁC khoa học (Histoire des sciences).