CN : 15-4-2024 |
C1 |
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA
(1966)
Tác giả : Émile Benveniste*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
*
Bản dịch dưới đây là phần tiếp theo của trích đoạn: Émile Benveniste, Ngôn Ngữ Và Hiện Thực.
*
Con người không hề được tạo ra hai lần, một lần không có ngôn ngữ và một lần với ngôn ngữ. Sự xuất hiện của Chi Người (Homo)[1] trong chuỗi động vật có thể đã được cấu trúc cơ thể, hoặc tổ chức thần kinh của con người hỗ trợ, nhưng trước hết hắn đã được ưu đãi nhờ khả năng thể hiện bằng biểu tượng của mình, vốn là đầu nguồn chung của tư duy, ngôn ngữ và xã hội.
Khả năng biểu trưng này nằm ở cơ sở của các chức năng khái niệm. Tư duy chẳng là gì khác hơn cái khả năng xây dựng những biểu tượng về sự vật và thao tác trên chúng. Tự bản chất của nó, tư duy là hoạt động biểu trưng. Sự chuyển đổi mang tính biểu tượng của các yếu tố trong hiện thực hay kinh nghiệm thành khái niệm là cái quá trình qua đó năng lực hợp lý hóa của tinh thần được hoàn tất. Tư duy không đơn thuần là sự phản ánh thế giới; nó phạm trù hóa hiện thực, và trong chức năng tổ chức đó, liên kết chặt chẽ với ngôn ngữ, đến mức người ta có thể bị cám dỗ đồng nhất tư duy với ngôn ngữ về mặt này. (...)
Ngôn ngữ cung cấp cho ta mô hình một cấu trúc quan hệ, vừa theo nghĩa đen, vừa theo nghĩa bao hàm toàn diện nhất. Trong biểu văn, nó liên hệ từ với khái niệm, và qua đó tạo ra các ký hiệu tượng trưng cho những đối tượng và tình huống khác với các quy chiếu vật chất của chúng. Nó tạo nên các chuyển giao dựa trên sự giống nhau (loại suy) mà chúng ta gọi là ẩn dụ, một yếu tố của sự làm giàu khái niệm mạnh mẽ dường ấy. Nó kết chuỗi các mệnh đề trong lý luận và trở thành công cụ của tư duy suy lý lô-gic.
Cuối cùng, ngôn ngữ là hệ thống biểu trưng tiết kiệm nhất. Không giống các hệ thống biểu trưng khác, nó không đòi hỏi một nỗ lực cơ bắp, di chuyển cơ thể, thao tác lao động nào cả. Hãy tưởng tượng xem thử thách làm cho mắt ta thấy được «sự sáng tạo thế giới» – nếu ta có thể biểu thị cảnh tượng đó bằng tranh vẽ, điêu khắc hoặc một phương thức nào khác – sẽ đòi hỏi một nỗ lực vất vả điên rồ tới mức nào; rồi suy nghĩ xem cũng câu chuyện sáng thế ấy sẽ trở nên dễ dàng ra sao, khi nó được thực hiện bằng ký sự. Chỉ một chuỗi âm thanh nhỏ, vừa phát ra, vừa nhận được, đã biến mất ngay; vậy mà toàn bộ linh hồn phấn khích lên, bao thế hệ đã lặp đi lặp lại nó, và cứ mỗi lần lời kể phơi mở biến cố, là mỗi lần thế giới bắt đầu lại. Không thế lực nào có thể cân bằng với cái sức mạnh này, thứ đã làm được nhiều dường ấy với chỉ ít phương tiện như thế.
Sự tồn tại của một hệ thống ký hiệu như vậy cho chúng ta thấy một trong những dữ kiện thiết yếu, có lẽ là cái sâu sắc nhất, về điều kiện con người: đó là không có một quan hệ tự nhiên, tức thì và trực tiếp nào, giữa con người với thế giới, cũng như giữa con người với nhau. Phải có một trung gian, đó là cái cỗ máy biểu trưng này, thứ đã biến tư duy và ngôn ngữ thành những khả thể. Bên ngoài phạm vi sinh học, nét đặc trưng nhất của con người là khả năng biểu trưng.
Chỉ còn phải rút ra hệ quả của những suy tư này nữa mà thôi. Khi đặt con người trong quan hệ với thiên nhiên hoặc trong quan hệ với kẻ khác qua trung gian của ngôn ngữ, chúng ta đặt định xã hội. Đây không phải là sự trùng hợp lịch sử, mà là một móc nối thiết yếu. Bởi vì hoạt động ngôn ngữ (langage) luôn luôn được thực hiện trong một ngôn ngữ tự nhiên (langue), trong một cấu trúc tiếng nói xác định và đặc thù không thể tách rời khỏi một xã hội xác định và cụ thể. Ngôn ngữ và xã hội không thể được quan niệm cái này mà không có cái kia. Cả hai đều là những dữ kiện. Nhưng cả hai đều được tiếp thu bằng việc học tập, bởi vì con người không có tri thức bẩm sinh về nó. Đứa bé được sinh ra và phát triển trong xã hội con người. Chính những người trưởng thành, cha mẹ nó, đã khắc sâu vào đầu nó việc sử dụng lời nói. Ở đứa trẻ, việc tiếp thu ngôn ngữ là một kinh nghiệm song song với sự hình thành biểu tượng và việc xây dựng đối tượng. Nó học mọi vật bằng tên của chúng; nó phát hiện ra rằng mọi thứ đều có một cái tên, và việc học những cái tên đó cho phép nó tác động lên mọi sự vật. Đồng thời nó phát hiện ra rằng bản thân nó cũng có một cái tên, nhờ đó mà nó giao tiếp được với người chung quanh. Ý thức về môi trường xã hội của đứa bé được đánh thức như vậy, và thông qua ngôn ngữ, cái nôi nơi nó ngụp lặn bên trong này sẽ dần dần kiến tạo trí tuệ của nó. Đứa bé càng có khả năng làm những thao tác trí tuệ phức tạp hơn, thì nó càng hội nhập vào nền văn hóa bao quanh hơn. Tôi gọi văn hóa là môi trường con người, tất cả những gì, ở bên kia việc hoàn thành các chức năng sinh lý, mang lại cho cuộc sống và hoạt động của con người, hình thể, ý nghĩa và nội dung. Văn hóa là vốn liếng nội tại của xã hội con người, bất kể ở mức độ văn minh nào. Nội dung của nó là hàng loạt những ý niệm và huấn lệnh, kể cả các ngăn cấm đặc thù; những cấm đoán của một nền văn hóa cũng là đặc trưng của nó như những huấn lệnh. Thế giới động vật không hề biết tới sự ngăn cấm. Nhưng hiện tượng này của con người, văn hóa, là một hiện tượng hoàn toàn mang tính biểu trưng. Văn hóa được định nghĩa là một tập hợp những biểu tượng rất phức tạp, được tổ chức bởi một mã hệ những tương quan và giá trị: truyền thống, tôn giáo, luật pháp, chính sách, đạo đức, nghệ thuật; thế nhưng văn hóa – cái tập hợp mà dù sinh ra ở đâu, con người cũng sẽ được thấm nhuần trong ý thức thâm sâu nhất, cái sẽ điều khiển hành vi của hắn trong mọi hình thức hoạt động – văn hóa là gì nếu không phải là một thế giới những biểu tượng được tích hợp trong một cấu trúc cụ thể do ngôn ngữ biểu đạt và truyền tải? Thông qua ngôn ngữ, con người tự đồng nhất với văn hóa, bảo lưu hoặc biến đổi nó. Và giống như mọi ngôn ngữ, mỗi nền văn hóa vận dụng một bộ máy biểu tượng cụ thể, qua đó mỗi xã hội tự xác định bản sắc của mình. Sự đa tạp của ngôn ngữ, sự đa dạng của các nền văn hóa, những biến đổi của chúng, cho thấy bản chất quy ước của hệ thống biểu tượng đã nối khớp chúng. Rốt cuộc, biểu tượng chính là mối liên kết sinh động giữa con người, ngôn ngữ và văn hóa.
Émile Benveniste,
Đại Cương Những Vấn Đề Ngôn Ngữ Học Tổng Quát,
(Problèmes de linguistique générale,
Paris, Gallimard, 1966, tr. 27-30).
[1] Homo (trong tiếng La-tinh, homo chỉ con người trong khi vir chỉ người đàn ông, đối lập với femina, đàn bà). Chi Người (danh pháp khoa học: Homo, theo Carl von Linné = Carl Linnaeus= Carolus Linnæus, 1758) bao gồm loài người hiện đại (Homo sapiens = Người tinh khôn) và một số loài gần gũi, được cho là có mặt cách đây 2,5 triệu năm, tiến hóa từ vượn người phương Nam (Australopithecus = Hầu nhân) và hậu duệ (Homo habilis = Người khéo léo). Sự xuất hiện chi Người cùng thời gian với các dấu tích đầu tiên của công cụ đá, vì vậy nó đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ đồ đá cũ.