NGÔN NGỮ, TỪ VỰNG, KHÁI NIỆM, PHIÊN DỊCH (A. SCHOPENHAUER, 1851)
Đưa lên mạng ngày 7-12-2019
Từ khóa: Ngôn ngữ và Phiên dịch
C1

NGÔN NGỮ, TỪ VỰNG
KHÁI NIỆM, PHIÊN DỊCH
(1851)

Tác giả: Arthur Schopenhauer*
Bản dịch tiếng Anh: Peter Mollenhauer
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ngôn từ là thứ thể chất thể bền bỉ nhất của loài người. Một khi nhà thơ đã biểu đạt được cảm xúc thoáng qua của mình bằng những từ thích hợp nhất, thì cảm xúc ấy sẽ sống mãi thông qua chuỗi từ này suốt hàng thiên niên kỷ, và sẽ nảy nở trở lại ở mỗi độc giả nhạy cảm. [...]

Không phải mọi từ trong một ngôn ngữ đều có một từ tương đương chính xác trong ngôn ngữ khác. Do đó, không phải tất cả những khái niệm được thể hiện thông qua các từ của một ngôn ngữ đều chính xác là cùng những khái niệm được thể hiện thông qua các từ của ngôn ngữ khác. [...]

Đôi khi một ngôn ngữ thiếu từ cho một khái niệm nhất định, mặc dù nó tồn tại trong hầu hết, có lẽ là tất cả, các ngôn ngữ khác: một ví dụ khá tai tiếng là sự vắng mặt của một từ trong tiếng Pháp để chỉ động thái «đứng». Mặt khác, đối với một số khái niệm nhất định, một từ chỉ tồn tại trong một ngôn ngữ, rồi sau đó được các ngôn ngữ khác tiếp nhận. [...] Đôi khi, một ngôn ngữ nước ngoài đưa ra một sắc thái khái niệm mà ta không có từ tương ứng nào trong ngôn ngữ của chúng ta. Lúc ấy, bất kỳ ai quan tâm đến việc biểu hiện chính xác những suy nghĩ của mình sẽ sử dụng từ nước ngoài này, và bỏ ngoài tai tiếng sủa của các nhà thuần túy chủ nghĩa thích phô trương. Trong mọi trường hợp, nơi một từ nhất định nào đấy không thể biểu hiện chính xác cùng một khái niệm trong một ngôn ngữ khác, thì từ điển sẽ cung cấp cho ta nhiều từ đồng nghĩa. Tất cả đều chạm đúng vào vòng ý nghĩa của khái niệm, nhưng không phải một cách đồng tâm. Chúng chỉ ra các phương hướng của ý nghĩa, phân định ranh giới trong đó khái niệm di chuyển. [...] Điều này gây ra sự không hoàn hảo chẳng thể tránh khỏi trong mọi bản dịch. Hiếm khi một câu văn đặc trưng, gọn ghẽ, và đậm nghĩa có thể được chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác sao cho nó có thể tạo ra chính xác cùng một hiệu ứng trong ngôn ngữ mới. Ngay cả ở lĩnh vực văn xuôi, sự liên quan của một bản dịch hầu như hoàn hảo nhất với bản gốc nhiều lắm cũng sẽ chỉ tương tự như sự tương quan của một nhạc phẩm với bản chuyển vị của nó sang một khóa khác. Mọi nhạc sĩ đều biết điều này có nghĩa là gì. Mọi bản dịch hoặc đều là xác chết, với văn phong có vẻ gượng ép, cứng đờ, và không tự nhiên; hoặc phải tự giải phóng khỏi những ràng buộc của việc bám sát vào ngôn ngữ, và do đó đành phải hài lòng với ý niệm gần đúng, nghe tựa như sai. Một thư viện dịch phẩm sẽ có dáng dấp giống như phòng trưng bày những bản sao của các họa phẩm lớn. Thử đọc bản dịch của các tác giả cổ đại: chúng rõ ràng là những sản phẩm thay thế, như rễ rau diếp xoăn xay ra thay cho cà phê. Còn thơ thì không thể dịch được; các bài thơ chỉ có thể được chuyển ngữ, và kết quả luôn luôn là vụng về.  

Do đó, khi học một ngôn ngữ, vấn đề chính của chúng ta nằm ở việc tìm hiểu mỗi khái niệm mà ngôn ngữ nước ngoài có một từ tương ứng, nhưng ngôn ngữ của chúng ta lại thiếu từ tương đương chính xác – như trường hợp vẫn thường thấy. Như vậy, khi học ngoại ngữ, ta phải phác họa ra một số lĩnh vực khái niệm mới trước đây không tồn tại trong trí não của mình. Hệ quả là ta không chỉ học các từ, mà còn tiếp thu các khái niệm. Điều này đặc biệt đúng đối với việc học cổ ngữ[1], bởi vì sự khác biệt trong cách diễn đạt của người xưa so với cách của chúng ta còn đáng kể hơn nhiều, so với sự khác biệt trong cách diễn đạt giữa các sinh ngữ hiện đại với nhau. Điều này là hiển nhiên nhất với việc phiên dịch sang tiếng La-tinh, khi ta phải sử dụng các biểu thức hoàn toàn khác với bản gốc. Thật vậy, những ý tưởng được chuyển sang tiếng La-tinh phải được tổ chức lại và khuôn đúc lại; ý tưởng phải được tháo gỡ thành các phần cơ bản nhất của nó, rồi sau đó được xây dựng lại trong ngôn ngữ mới. Chính nhờ quá trình này mà trí tuệ được hưởng lợi nhiều như vậy từ việc học các cổ  ngữ. Ta chỉ có thể quán triệt tinh thần của một ngôn ngữ phải học sau khi đã nắm bắt đúng đắn các khái niệm mà ngôn ngữ này xác định thông qua các từ riêng biệt, và khi ta có thể liên kết tức thì mỗi từ với khái niệm tương ứng của nó trong ngôn ngữ nước ngoài ấy. Chúng ta sẽ không bao giờ nắm bắt được tinh thần của một ngoại ngữ, nếu trước tiên chúng ta dịch từng từ của nó sang tiếng mẹ đẻ, rồi sau đó liên kết nó cùng với quan hệ khái niệm thân thuộc của nó trong ngôn ngữ đó [tiếng mẹ đẻ] – vốn không phải lúc nào cũng tương ứng với các khái niệm của ngôn ngữ nguồn [ngoại ngữ].  Điều này cũng đúng cho toàn bộ các câu văn. Nếu ta nắm bắt đúng đắn tinh thần của một ngoại ngữ, thì chúng ta cũng đã tiến một bước khá xa trong việc tìm hiểu quốc gia nói thứ ngôn ngữ đó, bởi vì giống như bút pháp có liên quan đến tinh thần của cá nhân, ngôn ngữ cũng liên quan tới tinh thần của quốc gia như vậy. Việc hoàn toàn làm chủ một ngôn ngữ khác diễn ra khi ta có khả năng dịch, không phải sách mà chính bản thân ta sang ngôn ngữ khác, sao cho ta có thể giao tiếp ngay bằng ngoại ngữ ấy mà không đánh mất cá tính riêng của mình, và thỏa mãn được cả người nước ngoài lẫn kẻ đồng hương cùng một cách như vậy.    

Những người có khả năng trí tuệ hạn chế sẽ không dễ dàng quán triệt một ngoại ngữ. Thực sự là họ học các từ; tuy nhiên, họ luôn chỉ sử dụng chúng theo nghĩa tương đương gần đúng trong tiếng mẹ đẻ, và luôn duy trì các biểu thức và câu chữ đặc thù của tiếng mẹ đẻ. Họ không có khả năng nắm được «tinh thần» của ngoại ngữ đó. Điều này có thể được giải thích bởi sự kiện là suy nghĩ của họ không được tạo ra từ chính thể chất của ngoại ngữ này mà phần lớn được vay mượn từ tiếng mẹ đẻ của họ, rồi những câu chữ, biểu thức sau thay thế cho những suy nghĩ của chính họ. Do đó, họ chỉ sử dụng các kiểu mẫu lời nói đã sáo mòn (các câu chữ đã nhàm, vô vị) trong ngôn ngữ của họ, lại kết hợp với nhau một cách vụng về đến nỗi người ta nhận thấy ngay rằng họ đã hiểu ý nghĩa của những lời họ nói một cách không hoàn hảo tới mức nào, và toàn bộ những suy nghĩ của họ ít vượt nổi lên trên bề mặt của việc sử dụng từ ngữ đơn thuần tới đâu, nghĩa là chẳng hơn một con vẹt biết nói bao nhiêu. Ngược lại, sự độc đáo trong cách biểu đạt và sự thích hợp của các biểu thức cá nhân, khi được sử dụng bởi một người trong tình huống như vậy, chính là dấu hiệu không thể sai lầm của một trí tuệ vượt trội.

Từ tất cả những điều nói ở trên, rõ ràng là các khái niệm mới được tạo ra trong quá trình học ngoại ngữ nhằm gán ý nghĩa cho các ký hiệu mới. Hơn nữa, rõ ràng là các khái niệm đã cùng nhau tạo nên một khái niệm bao quát và mơ hồ hơn do chỉ có một từ tương ứng với chúng, có thể được tinh chỉnh trong sự khác biệt giữa chúng với nhau, và các quan hệ chưa biết cho đến lúc đó sẽ được phát hiện, bởi vì ngoại ngữ kia đã biểu hiện khái niệm [mới] thông qua một phép chuyển nghĩa hoặc phép ẩn dụ bản xứ của ngoại ngữ đó. Vì vậy, vô số sắc thái, nét tương đồng, điểm dị biệt và quan hệ giữa các vật thể được đưa lên mức độ ý thức do việc học cái ngôn ngữ mới, và như vậy ta nhận thấy được nhiều phối cảnh hơn của mọi hiện tượng. Điều này xác nhận rằng chúng ta suy nghĩ khác nhau trong mỗi ngôn ngữ, rằng tư duy của chúng ta bị biến đổi và nhuộm màu qua mỗi lần học một ngoại ngữ, và sự đa ngôn ngữ, ngoài những lợi thế trước mắt, là phương tiện giáo dục trí tuệ trực tiếp, bằng cách chỉnh sửa và hoàn thiện nhận thức thông qua sự đa dạng hóa và tinh chế dần dần các khái niệm. Đồng thời, sự đa ngôn ngữ cũng làm tăng tính linh hoạt của tư duy, bởi vì thông qua việc học nhiều ngôn ngữ, khái niệm ngày càng tách rời khỏi từ vựng. Các ngôn ngữ cổ điển tác động tới việc này ở một mức độ cao hơn nhiều so với các ngôn ngữ hiện đại, do chúng khác với ngôn ngữ của chúng ta nhiều hơn. Sự khác biệt này không cho phép ta sử dụng sự chuyển ngữ từng từ một, nó đòi hỏi chúng ta phải nấu chảy tư tưởng của mình và khuôn đúc chúng lại trong một hình thức khác. Hoặc (nếu tôi được phép đưa ra một so sánh từ hóa học), trong khi việc phiên dịch từ một ngôn ngữ hiện đại sang một ngôn ngữ hiện đại khác chỉ đòi hỏi việc tháo rời câu phải dịch thành các thành phần rõ ràng của nó rồi kết hợp chúng lại, việc phiên dịch sang tiếng La-tinh thường đòi hỏi  phân tích một câu thành các thành phần cơ bản nhất, tinh tế nhất (cái nội dung ý tưởng thuần túy) của nó, rồi từ đó câu văn được tái tạo vào những hình thức hoàn toàn khác. Do đó, điều thường xảy ra là những danh từ trong văn bản của một ngôn ngữ chỉ có thể được cấy ghép như động từ trong một ngôn ngữ khác, hoặc ngược lại, và còn có nhiều ví dụ khác nữa. Quá trình tương tự cũng diễn ra, khi chúng ta dịch ngôn ngữ cổ điển sang ngôn ngữ hiện đại. Khoảng cách trong quan hệ mà chúng ta có thể có với các tác giả cổ điển được hiển thị rõ rệt thông qua những bản dịch như vậy. [...]

Arthur Schopenhauer
Về Ngôn Ngữ Và Từ Vựng,
Trg: Những Bổ Túc và Bỏ sót
(Über Sprache und Worte,
In: Parega und Paralipomena*, 1851.
(Oxford: Clarendon Press, 1974).


[1]  Ở đây, Schopenhauer lấy cổ ngữ, cụ thể là tiếng La-tinh, làm ví dụ. Nhưng theo chúng tôi nghĩ, những khó khăn tác giả nói cũng đúng cho nhiều sinh ngữ mà cấu trúc quá khác biệt với các sinh ngữ quen thuộc với ông.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa