Đưa lên mạng ngày 1-9-2019 Từ khóa: Ngôn ngữ và Xã hội |
C1 |
NGÔN NGỮ, SỰ KIỆN XÃ HỘI
(1924)
Tác giả: Henri Delacroix[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Ngôn ngữ là một thiết chế. Saussure đã nhấn mạnh trên đặc tính cơ bản này. Ngôn ngữ là một sự nghiệp xã hội được ghi sâu vào tinh thần của mỗi cá nhân, đấy là toàn bộ những quy ước cần thiết được xã hội chấp nhận nhằm điều chỉnh sự sử dụng ngôn ngữ ở mỗi cá nhân. Ngôn ngữ tồn tại do một thứ hợp đồng. Mỗi cá nhân tích giữ nó với cái giá phải trả là một thời gian học tập ít nhiều lâu mau, rồi trao truyền nó cho người khác, những kẻ đến để làm tăng lên và đổi mới khối lượng người nói. Không ai có thể tạo ra ngôn ngữ từ đầu đến cuối. Không ai có thể giới hạn sự thu nhận nó theo sở thích riêng của mình. Ngôn ngữ được ghi nhận trọn vẹn, thụ động, không toan tính trước. Hành động cá nhân chỉ can dự vào việc sử dụng nó. Phần cá nhân của ngôn ngữ là lời nói[2], hiểu như sự kiện tâm lý và sự kiện sinh lý. Do đó, trong ngôn ngữ, cần phải phân biệt – và sự phân biệt này đã trở thành cổ điển – tiếng nói với lời nói.
Thiết lập giá trị ngữ ngôn là công việc của xã hội. Đó là một thứ quy ước nhằm đảm bảo mối quan hệ của cái biểu đạt (năng biểu) với cái được biểu đạt (sở biểu). Giá trị của dấu hiệu ngôn ngữ là kết quả của thỏa thuận mà các đối tượng trò chuyện thiết lập giữa ý nghĩa với ý tưởng. Khi nào thỏa thuận này còn, thì sự đồng nhất của dấu hiệu với cái biểu đạt vẫn còn. Nó được đảm bảo bởi toàn bộ những cái đồng nhất [của dấu hiệu với cái biểu đạt] tạo thành hệ thống ngôn ngữ, bởi những quan hệ kết hợp hiện tượng đặc thù này vào toàn thể hệ thống. Tính độc đoán của những dấu hiệu ngôn ngữ đánh dấu mạnh mẽ khía cạnh quy ước và nguồn gốc xã hội này.
Như vậy, mỗi ngôn ngữ là một hệ thống được tổ chức chặt chẽ, một tập hợp những tập quán ngữ ngôn riêng của một «khối người nói». Hệ thống này tự áp đặt nó lên những chủ thể nói thứ ngôn ngữ ấy, mặc cho tư tưởng của họ cái hình thức của nó, và chỉ chịu tác động từ não trạng của họ một cách chậm chạp và giới hạn, dần dần theo những cơ hội. Thật vậy, không bất kỳ một thành viên nào trong khối có năng lực sửa đổi nó. Sự cần thiết được hiểu áp đặt tính đồng nhất và thường kỳ của ngôn ngữ. Hơn nữa, xã hội đã thiết lập những biện pháp trừng phạt đối với các kiểu nói năng phóng túng, ngông cuồng. Phải thừa nhận sức mạnh của «chất liệu ngôn ngữ hiện tồn» mà thôi. (…)
Mọi sự thống nhất ngôn ngữ đều thể hiện một sự thống nhất về văn minh; sự thống nhất là một thực tế xã hội, và sự khác biệt cũng vậy, dưới cả ba khía cạnh của nó: sự gián đoạn trong trao truyền, sự phân biệt các tầng lớp xã hội, sự giải thể khối thống nhất lúc trước. «Sự dẹp bỏ khối thống nhất ngôn ngữ thể hiện sự tan vỡ tính thống nhất của nền văn minh; nếu ngày nay có nhiều ngôn ngữ rô-man khác nhau, thì đấy là vì nền văn minh cổ đại đã bị hủy hoại từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VIII sCn. Và mọi phản ứng chống lại sự khu biệt hóa các ngôn ngữ đều phản ánh một nỗ lực được thực hiện nhằm, hoặc duy trì sự thống nhất của nền văn minh, hoặc trở lại với nó; sự thống nhất của ngôn ngữ rô-man hiện nay trước hết là nhờ ở sự thống nhất sâu sắc của nền văn minh Tây Âu[3]».
Như vậy, mỗi ngôn ngữ là một thiết chế riêng của một cộng đồng xã hội, và những thay đổi mà nó trải nghiệm đều có liên quan tới lịch sử của cộng đồng ấy. Chẳng hạn, việc tạo ra và mở rộng các ngôn ngữ chung là sản phẩm của một sự thống nhất về văn minh; chúng gắn liền với sự mở rộng của một quyền lực chính trị có tổ chức, với ảnh hưởng của một tầng lớp xã hội vượt trội, với uy thế của một nền văn học. Ở Ý, ngôn ngữ của Rome trở thành tiếng La-tinh phổ biến, ở Pháp ngôn ngữ của Paris trở thành tiếng Pháp phổ thông.
Henri Delacroix,
Ngôn Ngữ Và Tư Tưởng
(Le Langage et la pensée, 1924,
Paris, PUF, 2e éd., 1930, tr. 664-65 và 68).
[1] Henri Delacroix (1873-1937): triết gia và nhà tâm lý học Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Études d’histoire et de psychologie du mysticisme (1908); La Psychologie de Stendhal (1918); Le Langage et la Pensée (1924); Psychologie de l'art (1927); L'Enfant et le Langage (1934); Les Grandes Formes de la vie mentale (1934); Les Grands Mystiques chrétiens (1938).
[2] Ferdinand de Saussure, Cours de linguistique générale, tr. 31. Lời nói là một hành vi ý chí và trí tuệ cá nhân; ở đây, ta cần phải phân biệt: 10 những kết hợp qua đó chủ thể của lời nói sử dụng bộ quy tắc ngôn ngữ liên hệ để diễn tả tư tưởng của mình; 20 cái cơ cấu tâm vật lý cho phép anh ta biểu hiện ra ngoài những kết hợp ấy (chú thích của H. Delacroix). Tác phẩm của Saussure đã được dịch sang tiếng Việt: Ferdinand de Saussure, Giáo Trình Ngôn Ngữ Học Đại Cương, Cao Xuân Hạo dịch, Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 2017. Xin trân trọng giới thiệu.
[3] Antoine Meillet, Linguistique historique et linguistique générale, 1921, tr. 322. Paul Jules Antoine Meillet (1866-1936): nhà ngôn ngữ và ngữ văn học Pháp chính trong các thập niên đầu tk 20. Tác phẩm tiêu biểu: Esquisse d'une grammaire comparée de l'arménien classique (1903); Introduction à l'étude comparative des langues indo-européennes (1903); Les dialectes indo-européens (1908); Aperçu d'une histoire de la langue grecque (1913); Linguistique historique et linguistique générale (2 q., 1921, 1936); Les origines indo-européennes des mètres grecs (1923); Traité de grammaire comparée des langues classiques (với Joseph Vendryés, 1924); La méthode comparative en linguistique historique (1925); Dictionnaire étymologique de la langue latine (với Alfred Ernout, 1932).