NGÔN NGỮ NHƯ BIỂU THỊ CỦA HIỆN THỰC (E. BENVENISTE, 1966)

LM : 15-4-2024
Từ khóa : Ngôn ngữ và Hiện thực ; Benveniste (Émile) – Trích đoạn

C1

NGÔN NGỮ
NHƯ BIỂU THỊ CỦA HIỆN THỰC
(1966)

 Tác giả : Émile Benveniste[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Bản dịch dưới đây là phần đầu của trích đoạn: Émile Benveniste, Ngôn Ngữ Và Văn Hoá. Các tiểu tựa trong bài là do người dịch thêm vào, để bạn đọc có thể theo dõi trích đoạn dễ dàng hơn.

*

Đối với người nói, ngôn ngữ biểu thị hiện thực;
đối với người nghe, ngôn ngữ tái tạo hiện thực

Ngôn ngữ tái sản xuất hiện thực. Điều này cần được hiểu theo nghĩa đen nhất; hiện thực được sản xuất một lần nữa qua trung gian của ngôn ngữ. Người nói khiến cho biến cố và kinh nghiệm của ông ta về biến cố sinh ra lần nữa bằng phát biểu của mình. Người nghe biểu văn, đầu tiên nắm bắt phát biểu, và thông qua biểu văn này, cái biến cố được sản xuất lại. Như vậy, tình huống nội tại của việc thể hiện ngôn ngữ, vốn là tình huống trao đổi và đối thoại, giao cho hành động diễn ngôn một chức năng kép: đối với người nói, nó biểu thị hiện thực; đối với người nghe, nó tái tạo hiện thực ấy. Chính điều này chứ không gì khác đã khiến cho ngôn ngữ trở thành công cụ giao tiếp liên chủ thể.

Ngôn ngữ vừa là biểu văn, vừa là lý trí

Ở đây, nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy ra tức thì, cụ thể là sự tương thích hay không tương thích giữa trí tuệ với «hiện thực»; nhưng hãy để chúng lại cho giới triết gia giải quyết. Về phần mình, nhà ngôn ngữ học tin rằng không thể có tư duy nếu không có ngôn ngữ, và do đó, tri thức về thế giới được quy định bởi cách biểu đạt mà nó nhận được. Ngôn ngữ tái tạo thế giới, nhưng bằng cách đặt nó dưới sự tổ chức riêng của chính ngôn ngữ. Đấy là logos, vừa là biểu văn vừa là lý trí, như người Hy Lạp xưa đã nhận thức. Nó vốn là như thế bởi chính sự kiện đây là thứ ngôn ngữ nối khớp,  bao gồm một sự sắp xếp hữu cơ các bộ phận của nó thành một sự phân loại hình thức những vật thể và quá trình. Cái nội dung phải trao truyền (hoặc, nếu ta muốn, «tư tưởng») bị tháo gỡ theo một sơ đồ ngôn ngữ như vậy. Phần «hình thức» của tư duy được định hình bởi cấu trúc của ngôn ngữ. Rồi đến lượt ngôn ngữ tiết lộ chức năng trung gian của nó trong hệ thống các phạm trù ngôn ngữ. Mỗi người nói chỉ có thể tự đặt mình vào vai chủ thể bằng cách liên hệ người khác là kẻ đối tác – người có cùng ngôn ngữ, chia sẻ cùng một kho vốn liếng hình thức, cùng một cú pháp phát âm, và cùng một cách tổ chức nội dung. Từ chức năng ngôn ngữ, và nhờ sự phân cực ta / mi, cá nhân và xã hội không còn là những từ mâu thuẫn với nhau, mà trở thành những từ bổ túc cho nhau.

Sự thực là chính trong ngôn ngữ và qua ngôn ngữ mà cá nhân và xã hội xác định lẫn nhau. Con người luôn cảm thấy – và các nhà thơ vẫn luôn ca ngợi – sức sáng tạo của ngôn ngữ, cái năng lực thiết lập một thực tại tưởng tượng, khiến những thứ trơ ì thành linh hoạt, cho thấy những gì chưa xảy đến, kéo những gì đã biến mất trở lại. Nhờ vậy mà bao thần thoại, khi phải giải thích vì sao một cái gì đó đã có thể nảy sinh từ hư vô ở điểm bình minh của thời gian, đã đặt cái bản thể phi vật chất và tối cao này – Lời Nói – như nguyên lý sáng tạo của thế giới. Thực ra không có sức mạnh nào cao hơn nó, và mọi năng lực của con người, không có ngoại lệ nếu chúng ta chịu khó nghĩ suy, đều tuôn ra từ đấy. Xã hội chỉ có thể tồn tại qua ngôn ngữ; và cả cá nhân nữa cũng vậy. Sự biểu hiện của ý thức ở trẻ em luôn luôn trùng khớp với việc học ngôn ngữ, chính ngôn ngữ đã từng bước đưa dần nó vào xã hội như cá nhân.

Sức mạnh bí ẩn của ngọn ngữ : khả năng biểu trưng

Nhưng nguồn gốc của cái sức mạnh bí ẩn nằm trong ngôn ngữ này là gì? Tại sao cá nhân và xã hội lại được xây dựng, cùng với nhau và với cùng một sự thiết yếu, trong ngôn ngữ?

Bởi vì ngôn ngữ đại diện cho cái hình thức cao nhất của một khả năng vốn có trong điều kiện làm người, khả năng biểu trưng.

Ta hãy hiểu qua đó, theo nghĩa thật rộng, cái khả năng biểu thị thực tại bằng một «dấu hiệu», và hãy hiểu «dấu hiệu» là đại diện cho cái hiện thực, và như vậy, thiết lập một quan hệ «ý nghĩa» giữa một cái gì đó với một cái gì khác.

Trước tiên hãy xem xét nó ở dạng chung nhất, và bên ngoài ngôn ngữ. Sử dụng một biểu tượng là cái khả năng giữ lại thứ cấu trúc đặc biệt của một đối tượng, và định dạng chính xác được nó trong những tập hợp khác nhau. Đây là cái khả năng chỉ riêng con người mới có; nó biến con người thành một thực thể lý tính. Thực vậy, khả năng biểu trưng cho phép sự hình thành của khái niệm như cái tách biệt với đối tượng cụ thể, vốn chỉ là một mẩu ví dụ của nó. Đây là cơ sở của sự trừu tượng hoá, đồng thời là nguyên lý của trí tưởng tượng sáng tạo. Thế mà cái năng lực đại diện có bản chất biểu trưng nằm ở đáy của mọi chức năng khái niệm này lại chỉ xuất hiện nơi con người. Nó thức dậy rất sớm ở trẻ em, trước cả ngôn ngữ, ngay từ tia sáng rạng đông của cuộc sống ý thức. [...]

Tín hiệu là một sự kiện vật lý ;
biểu tượng là cái được thiết định bởi con người

[...] Ta có thể chỉ ra [...] đâu là điểm khác biệt giữa con người với động vật. Trước tiên hãy nỗ lực phân biệt hai khái niệm thường bị lẫn lộn khi chúng ta nói về «ngôn ngữ động vật»: tín hiệu và biểu tượng.

Tín hiệu là một sự kiện vật lý được liên kết với một sự kiện vật lý khác qua quan hệ tự nhiên hoặc quy ước: sấm sét báo hiệu cơn bão; tiếng chuông bữa ăn; tiếng thét sự nguy hiểm. Con vật nhận thấy tín hiệu và có thể phản ứng với nó một cách thích hợp. Nó có thể được đào tạo để nhận ra những tín hiệu khác nhau, tức là liên kết hai cảm giác bởi quan hệ tín hiệu. Các phản xạ có điều kiện nổi tiếng của Pavlov cho thấy điều này. Con người, như động vật, cũng đáp lại một tín hiệu. Nhưng hắn còn sử dụng thêm biểu tượng, cái được thiết định bởi con người; ta phải tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng, phải có khả năng diễn giải nó trong chức năng biểu trưng của nó, chứ không còn chỉ cảm nhận nó như ấn tượng giác quan, bởi vì biểu tượng không có quan hệ tự nhiên với cái nó biểu trưng. Con người phát minh ra, và hiểu những biểu tượng; động vật thì không. Mọi chuyện xuất phát từ đấy. Không nhận ra sự khác biệt này dẫn đến đủ thứ nhầm lẫn hoặc vấn đề giả. Người ta thường nói rằng con vật được đào tạo có thể hiểu lời người. Thực ra, động vật tuân theo lời nói vì nó đã được huấn luyện để nhận ra đấy là một tín hiệu; nhưng nó sẽ không bao giờ biết diễn giải lời nói như một biểu tượng. Vì lý do tương tự, con vật diễn tả cảm xúc của nó, nhưng không thể gọi tên chúng. Chúng ta không thể tìm thấy ở ngôn ngữ một sự khởi đầu hoặc một cái gì có giá trị xấp xỉ với các phương tiện biểu đạt được sử dụng ở động vật. Giữa chức năng cảm giác-vận động và chức năng biểu tượng, có một cái ngưỡng mà chỉ mỗi nhân loại đã vượt qua mà thôi.

(Xem tiếp, trên cùng trang mục này:
Émile Benveniste, Ngôn Ngữ Và Văn Hoá)

Émile Benveniste,
Đại Cương Những Vấn Đề Ngôn Ngữ Học,
(Problèmes de linguistique générale,
Paris, Gallimard, 1966, tr. 25-27).


[1] Émile Benveniste (1902-1976) nhà ngôn ngữ và ký hiệu học Pháp gốc Syria, nổi tiếng trong các lĩnh vực ngôn ngữ học tổng quát và ngữ pháp so sánh các ngôn ngữ Ấn-Âu. Tác phẩm tiêu biểu: Origines de la formation des noms en indo-européen (1936); Noms d'agent et noms d'action en indo-européen (1948); Problèmes de linguistique générale (2 q., 1966-1974); Le Vocabulaire des institutions indo-européennes (2q., 1969).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa