Cập nhật ngày 15-12-2020 Từ khóa : Sử học – Triết lý |
C1 |
NĂM VẤN ĐỀ
TRIẾT LÝ PHÊ PHÁN SỬ HỌC
(1964)
Tác giả: William H. Dray*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Trong các chương[1] sau đây, chúng tôi sẽ lần lượt xem xét năm vấn đề lớn từng được bàn cãi nhiều bởi các triết gia phê phán sử học, và ghi lại quan hệ giữa chúng với nhau. Để giải thích phần nào sự lựa chọn các vấn đề này, quy chiếu thêm về triết lý khoa học có thể là hữu ích.
Lý do tồn tại của nhiều tác phẩm triết học về sử thường bị trói chặt vào nghi vấn: liệu nghiên cứu lịch sử có phải là khoa học hay không, theo cái nghĩa mà các môn vật lý, sinh lý, tâm lý, hoặc ngay cả các khoa học ứng dụng như kỹ sư, thường được xem là khoa học. Nếu sử học là – hay trong mọi trường hợp, phải là – khoa học theo cái nghĩa đó, thì chẳng mấy cần thiết phải có một triết lý phê phán riêng cho nghiên cứu sử học. Bởi trong trường hợp này, phương pháp sử học sẽ đơn giản là phương pháp khoa học đem áp dụng cho loại chủ đề mà sử gia đặc biệt quan tâm, và sử học sẽ được xem như một ngành đặc thù của khoa học xã hội. Dù không hoàn toàn phủ nhận rằng nghiên cứu sử học có nhiều khái niệm và phương pháp riêng, một nhóm triết gia đã lập luận rằng chúng không có một đặc tính căn bản nào có thể biện minh cho sự tồn tại của một triết lý phê phán biệt lập về yêu cầu được xem là khoa học của sử gia. Nhóm các triết gia giữ lập trường trên thường được nhắc tới với nhãn hiệu «thực chứng», và bất chấp một số hàm nghĩa có thể tạo nhầm lẫn của từ, quy chiếu này sẽ vẫn thỉnh thoảng được sử dụng sau đây vì lý do thuận tiện. Các triết gia đối lập với họ thường được gọi là nhóm «duy tâm»[2]; và mặc dù đây là trường hợp sử dụng thuật từ triết học còn kém chính xác hơn nữa, ít ra cũng đúng là rất nhiều cảm hứng cho yêu sách rằng sử học, trong một chừng mực quan trọng, phải là một môn học với những mục đích, khái niệm và phương pháp riêng, đã xuất phát từ những triết gia như Dilthey*, Croce*, Collingwood* và Oakeshott*, và họ thường được xếp vào loại triết gia duy tâm.
Chương II và III của quyển sách này1 sẽ bàn về những ý tưởng căn bản nhất đã đem lại cho nghiên cứu sử học một cấu trúc; đây cũng đồng thời là những ý tưởng nằm ở trung tâm cuộc tranh luận để khảo sát sử học, xem nó có thể được công nhận, không chút dè dặt, như một trong các khoa học chăng. Ở chương II, vấn đề tranh cãi sẽ là [1] loại hình giải thích hay tìm hiểu mà sử gia dùng: các triết gia chống nhóm thực chứng thường khẳng định, trong khi nhóm triết gia thực chứng lại phủ nhận, rằng nó khác trong ý tưởng hay khái niệm với cái thường được xem là giải thích trong loại nghiên cứu khoa học chính thống. Lập trường của các nhà thực chứng sẽ được phác họa trước, sau đó những cân nhắc khác nhau được đề xuất chống lại nó sẽ được thẩm định. Trong chương III, vấn đề đặt ra sẽ là khảo sát loại kết luận mà sử gia cho là đạt được, xem có thể được xác định là thuộc về cùng một loại hình với [2] tính khách quan mà các nhà khoa học cứng[3] thường cho là đạt tới chăng; ở đây, những bất đồng sẽ một lần nữa được ghi nhận giữa các nhà thực chứng cho rằng nó có thể, và các triết gia chống thực chứng cho rằng điều ấy là không thể, và nhiều lập luận để bênh vực lập trường tương ứng của mỗi bên sẽ được trình bày.
Dựa trên những gì đã được bàn luận, các chương 4 và 5 sẽ khảo sát hai kỹ thuật được bàn đến nhiều của sử học là phân tích nhân quả và ký thuật. Cái trước được xem là đã cung cấp một cơ sở nào đó cho kỳ vọng được xem là khoa học của giới sử gia; cái sau ngược lại thường bị xem là còn mang tàn dư của tư duy phi khoa học mà nhiều sử gia chưa thoát ra được. Chương IV sẽ xem xét luận điểm cho rằng [3] khái niệm nhân quả như các sử gia quen dùng thực ra bao hàm nhiều ý tưởng tiêu biểu cho loại nghiên cứu gọi là nhân văn hơn, và thường bị cho là nằm ngoài các quan tâm khoa học. Chương V sẽ khảo sát cái quan điểm ngày càng phổ biến rằng sử học, trong chừng mức mà nó khoác lấy [4] hình thức ký thuật, không những chỉ là phi khoa học từ bản chất, mà còn có tiềm năng không phải là hiểu biết nữa, hay dù sao cũng là chủ quan tới độ bất thường. Để phản bác, lập luận được đưa ra là ký thuật cũng có cái lô-gic đặc thù của nó, dù đây không phải là thứ có thể dễ dàng được công nhận như lô-gic bởi những kẻ đã quen lấy lối lý luận của các khoa học cứng làm mẫu mực.
Chương cuối sẽ tập trung trên một giả định lớn thuộc loại siêu hình mà đôi khi còn bị nghi ngờ là luôn luôn có mặt, ít nhất một cách mặc nhiên, trong mọi nghiên cứu sử học: giả định của [5] thuyết quyết định. Nó dẫn ta tới việc khảo sát vai trò của loại khái niệm như may rủi, sáng tạo, và tự do trong phân tích lịch sử; từ đấy còn xuất hiện thêm nhiều lý lẽ để không đồng nhất nghiên cứu lịch sử quá sát với những điển mẫu khoa học. Tất nhiên, ngoài sự kiện tự nó đã là một lập trường siêu hình mà sử gia có thể vướng phải hay không, quyết định luận còn là một nét nổi bật của nhiều triết lý tư biện. Tuy nhiên, vì sự chấp nhận hay bác bỏ những giả định siêu hình về quá khứ không tương đương với việc đề xuất ra một triết lý lịch sử, trọng tâm của chương 6 không cho thấy một thay đổi vị trí nào từ quan điểm phê phán sang quan tâm tư biện – ngay cả một thay đổi vị trí từ phê phán phép ký sử sang phê phán triết lý tư biện. Bởi vì vẫn có những vấn đề thuộc loại phân tích để nêu lên, về cách thức một giả định siêu hình như thuyết quyết định vận động, ngay trong quá trình nghiên cứu sử học.
Trong các phần sau đây, mặc dù tác giả đôi khi lấy (hay để lộ) quan điểm này hoặc quan điểm nọ, mục đích chính của quyển sách1 này không nhằm ủng hộ một lập trường đặc thù nào, mà nhằm làm cho độc giả quen thuộc hơn với những luận cứ đã được đưa ra bởi tất cả các bên, về đủ thứ bất đồng đáng chú ý, và nói một cách tổng quát, trình bày một bức tranh không thiên vị, dù tất yếu chỉ có thể là một phác thảo, về những tranh luận gần đây nhất chung quanh các vấn đề triết học về sử. […]
William H. Dray
Triết Lý Lịch Sử - Dẫn Nhập
(Philosophy of History - Introduction,
Englewood Cliffs, N.J., Prentice-Hall,
2nd ed., 1992, tr. 5-7).
[1] Trích dịch từ: William H. Dray, Philosophy of History, 2nd ed., Introduction (Englewood Cliffs, N.J., Prentice-Hall, 1992). NVK
[2] Về sự phê phán khuynh hướng chia các triết gia sử học làm hai nhóm «duy tâm» và «thực chứng», xem : Maurice Mandelbaum, Historical Explanation : The Problem of Covering Law (Giải Thích Trong Sử Học : Vấn Đề Quy Luật Bao Trùm). Đăng lại trong: History and Theory, I, No 3 (1961), tr. 229-230.
[3] «Cứng» và «mềm» là hai từ thông tục được dùng để đối lập các khoa học trên cơ sở của sự nghiêm ngặt về phương pháp, sự chính xác và sự khách quan của các bộ môn trong nhận thức đại chúng. Xuất phát cùng thời với máy tính và tin học, sự đối lập này ngày nay đã lan ra khắp mọi ngành, và không ngừng gây tranh cãi dù khá tiện dụng. Nói đơn giản, các khoa học tự nhiên và chính xác được xem là «cứng», trong khi các khoa học nhân văn và xã hội bị coi là «mềm», với hàm ý định vị không thể tránh trên bậc thang giá trị khoa học. NVK