LÝ TƯỞNG KHÔNG THIÊN VỊ TRONG SỬ HỌC (FENELON, 1714 & FUSTEL DE COULANGES, 1888 và 1893)

Đưa lên mạng ngày 15-07-2022
Từ khóa: Khách quan (Khái niệm) – Sử học ;
Không thiên vị (Lý tưởng) – Sử học.

C1

«SỬ GIA CHÂN CHÍNH
KHÔNG THUỘC MỘT THỜI ĐẠI,
MỘT QUỐC GIA NÀO»
(1714)

Tác giả: Fénelon[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Sử gia chân chính không thuộc về một thời đại nào, cũng không thuộc về một quốc gia nào; mặc dù yêu quý đất nước của mình, ông không bao giờ xu nịnh nó trong bất kỳ việc gì. Sử gia Pháp phải giữ được sự trung lập giữa nước Pháp và Anh quốc, ông ta phải sẵn sàng khen ngợi Talbot cũng như Du Guesclin; thể hiện sự công bằng đối với tài năng quân sự của Hoàng tử xứ Wales cũng như sự khôn ngoan của Vua Charles V[2]

Ông cũng phải tránh thói tán tụng và châm biếm như nhau: ông  ta chỉ xứng đáng được tin nghe trong chừng mức là ông tự giới hạn mình vào việc nói ra, không tâng bốc và không tinh quái, cái thiện và cái ác. Ông không bỏ qua một sự kiện nào có thể được dùng để vẽ lại chân dung của những nhân vật chính, và để khám phá ra các nguyên nhân của chuỗi sự kiện; nhưng ông cắt bỏ mọi kiểu nghị luận qua đó sự uyên bác của một nhà khoa học muốn được phơi bày. Phần phê phán của ông chỉ giới hạn vào việc trình bày như đáng ngờ những gì đúng là khả nghi, và để quyền quyết định lại cho độc giả, sau khi đã đưa cho họ tất cả những dữ kiện mà lịch sử cung cấp cho ông. Kẻ thích biết đủ thứ hơn là làm sử gia chuộng bình phẩm hơn là có thực tài, không tha cho độc giả của mình một ngày tháng, một tình huống thừa thãi, một sự kiện khô khan và rời rạc nào; anh ta làm theo sở thích riêng, không cần biết tới quan tâm của công chúng, muốn mọi người tò mò như mình về những chi tiết nhỏ nhặt mà tính thích thu thập vô độ hướng anh ta tới. Trái lại, một sử gia điều độ và thận trọng sẽ bỏ qua những sự kiện vụn vặt không dẫn dắt người đọc đến bất kỳ một mục đích  quan trọng nào.     

Vất bỏ những sự kiện này, bạn không lấy đi bất kỳ điều gì từ lịch sử: chúng sẽ chỉ làm đứt đoạn, kéo dài thêm, làm ra một công trình sử học có thể nói là bị băm thành từng mảnh nhỏ và không có bất kỳ một đường dây ký thuật sống động nào. Hãy để yêu cầu chính xác mê tín này lại cho các nhà sưu tập. Điểm trọng yếu là trước tiên phải đưa người đọc vào chiều sâu của vấn đề, khiến anh ta phát hiện ra những kết nối, và mau chóng đưa anh ta tới điểm nút hay kết thúc […] Sự hoàn hảo của tác phẩm sử học nằm ở thứ tự và sự sắp xếp. Để đạt được thứ tự mạch lạc này, sử gia phải bao quát và nắm vững toàn bộ phần lịch sử mình viết; phải xem xét nó trong toàn thể, từ một quan điểm nhất quán; phải xoay đi xoay lại nó về mọi phía, mọi hướng cho đến khi tìm thấy quan điểm thực sự của mình. [...]

Điểm thiết yếu nhất và hiếm hoi nhất đối với một sử gia là ông ta phải biết chính xác, cho mỗi thế kỷ, hình thức chính quyền và phong tục dân gian của quốc gia mà ông viết lại lịch sử.

Fénelon,
Dự Phóng Cho Một Chuyên Luận Về Sử Học
(Projet d'un Traité sur l'Histoire,
In: Lettre sur les occupations de l'Académie française, 1714).


«YÊU NƯỚC LÀ MỘT ĐỨC TÍNH,
SỬ HỌC LÀ MỘT KHOA HỌC»
(1888, 1893)

Tác giả: Fustel de Coulanges[3]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong khi các học giả Pháp chủ yếu đưa tinh thần đảng phái của mình vào thứ lịch sử này, thì người Đức trên hết lại mang theo tình yêu quê hương và giống nòi của họ, điều có lẽ tốt hơn về mặt đạo đức, nhưng cũng làm thay đổi sự thật không kém. Yêu nước là một đức tính, lịch sử là một khoa học; không nên lẫn lộn chúng với nhau (Nền Quân Chủ Franque, 1888, tr. 31).

Chúng tôi muốn thấy sử học lơ lửng trong vùng thanh tịnh này, nơi không còn đam mê, hiềm thù hay mong muốn phục hận. Chúng tôi đòi hỏi ở lịch sử sự quyến rũ của tính không thiên vị (impartialité) hoàn hảo, vốn là nét trong trắng của sử học (Những Vấn Đề Lịch Sử, 1893, tr. 15-16).

Nguyên tắc đầu tiên mà chúng ta phải tự áp đặt cho mình là gạt bỏ mọi định kiến, mọi lối tư duy chủ quan: đây là điều khó khăn, một mong muốn có lẽ là không thể nào đạt được hoàn toàn; thế nhưng càng đến gần mục đích, chúng ta càng có thể hy vọng biết và hiểu người xưa hơn. Sử gia về thời cổ đại giỏi nhất sẽ là người quên bản thân mình, ý tưởng của mình, và ý tưởng của thời đại mình nhiều nhất... Phải làm như Descartes. Phương pháp sử học giống phương pháp triết học ít nhất ở một điểm: chúng ta phải chỉ tin vào những gì đã được chứng minh mà thôi (Những Vấn Đề Lịch Sử, 1893, tr. 406-407)

Fustel de Coulanges,
La monarchie franque, 1888
Questions historiques, 1893


[1] François de Salignac de La Mothe-Fénelon, gọi là Fénelon (1651-1715): nhà thần học, nhà văn, nhà giáo dục Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Traité de l'éducation des filles (1687); Traité du ministère des pasteurs (1688); Dialogues des morts (1712); Lettre sur les occupations de l'Académie française (1714); Démonstration de l'existence de Dieu (1712, 1718); Fables et opuscules pédagogiques (1718); Œuvres spirituelles (2 q., 1718).

[2] Tất cả các nhân vật được nhắc đến ở đây đều liên quan tới cuộc chiến tranh 100 năm giữa Vương quốc Anh (John Talbot, 1388-1453 & Hoàng Tử xứ Wales) và Vương Quốc Pháp (Bertran(d) du Guesclin, 1320-1380 & Vua  Charles V, 1338-1380, trị vì 1364-1380) vào cuối thời Trung Cổ. Cuộc chiến nổ ra năm 1337 (khi Quốc Vương Anh muốn chiếm đoạt vương miện của Vua Pháp) và chỉ chấm dứt năm 1453 với chiến thắng của Pháp, kéo dài thật sự 116 năm tuy không liên tục.

[3] Numa Denis Fustel de Coulanges (1830-1889): sử gia Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Polybe ou la Grèce conquise par les Romains (1858); La Cité antique (1864, 1866, 1878);  Histoire des institutions politiques de l'ancienne France (1875, 1877); Recherches sur quelques problèmes d'histoire (1885, 1894, 1923); Nouvelles recherches sur quelques problèmes d'histoire (1891, 1923);

Questions historiques (1893); Histoire des institutions politiques de l'ancienne France (1901-1914, 1964), 6 q. :  1: La Gaule romaine (1891, 1938, 1998), 2:  L'invasion germanique et la fin de l'empire (1891, 1930), 3: La monarchie franque (1888, 1930),  4:  L'alleu et le domaine rural pendant l'époque mérovingienne (1889, 1931), 5: Les origines du système féodal (1890, 1900), 6: Les transformations de la royauté pendant l'époque carolingienne (1892, 1937); Questions contemporaines (1916, 1930).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa