Đưa lên mạng ngày 15-08-2022 Từ khoá: Quy nạp (Phưong pháp) ; Giả thuyết — Xây dựng và Kiểm tra ; Whewell, William — Trích đoạn |
C1 |
LÝ TRÍ VÀ GIẢ THUYẾT
TRONG
NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM
(1858)
Tác giả: William Whewell[1]
Bản tiếng Pháp: Robert Blanché*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Trong trích đoạn dưới đây, nhà logic học và khoa học người Anh William Whewell đã làm nổi bật vai trò của lý trí trong phương pháp thực nghiệm, và chỉ ra rằng, nói như R. Blanché, «việc sử dụng giả thuyết tự do không phải là ngoại lệ, mà là quy luật trong nghiên cứu khoa học, rằng không một phương pháp nào, một quy trình chặt chẽ về mặt lô-gic nào cho phép ta rút ra các quy luật tự nhiên từ sự quan sát đơn giản những sự kiện».
*
Ta thường thấy ở phép quy nạp cái thao tác qua đó chúng ta đạt tới một mệnh đề tổng quát từ một số trường hợp cụ thể nhất định; và hầu như ta thường tưởng tượng rằng cái mệnh đề tổng quát này là kết quả đơn thuần từ sự đặt cạnh nhau của những trường hợp ấy, hoặc nhiều lắm là từ sự kết hợp và mở rộng của chúng. Thế nhưng, nếu chúng ta xem xét thao tác kỹ hơn, như nó xuất hiện trong các ví dụ được đề cập ở trên[2], ta sẽ thấy ngay rằng cách giải thích này là không thích đáng. Các sự kiện cụ thể không chỉ đơn giản được tập hợp lại với nhau; có một quan niệm của lý trí, cái vốn không được nhìn thấy trong bất kỳ sự kiện quan sát nào, đã được đưa vào mệnh đề tổng quát. Chẳng hạn, sau suốt một thời gian dài quan sát chuyển động của các hành tinh, khi người Hy Lạp thừa nhận rằng họ có thể xem chúng như được tạo ra bởi chuyển động của một cái bánh xe, thì những bánh xe này là các sáng tạo của trí tuệ, được bổ sung vào những sự kiện đã được nhận thức bằng giác quan. Và ngay cả khi họ không còn nghĩ rằng chúng là vật chất, và quy giản chúng thành những quả cầu hay vòng tròn hình học thuần túy, thì vẫn có một cái gì đó chỉ duy nhất do lý trí tạo ra, và thêm vào những sự kiện quan sát được.
Ở mọi khám phá khác cũng giống như vậy. Những sự kiện được biết đến, nhưng chúng vẫn đứng biệt lập và không liên quan gì với nhau, cho tới khi, từ cõi thâm sâu riêng của nó, một bộ óc sáng tạo đưa ra một nguyên tắc kết nối. Những hạt ngọc nằm đấy, nhưng chúng sẽ không tạo thành một chiếc vòng cổ, cho đến khi ai đó mang tới một sợi dây. Bao nhiêu khoảng cách và chu kỳ của các hành tinh là bấy nhiêu sự kiện riêng biệt: nhờ định luật thứ ba của Kepler[3], chúng được kết thành chỉ một chân lý; nhưng các quan niệm bao hàm trong định luật đều do trí tuệ của Kepler cung cấp, và nếu không có chúng thì không thể sử dụng những sự kiện kia được. Đối với những người khác cũng như đối với Newton, các hành tinh vẽ ra một hình ê-lip chung quanh Mặt Trời, thế nhưng Newton lại quan niệm cái độ lệch của tiếp tuyến trong các chuyển động của hình ê-lip này dưới một ánh sáng mới, khi nhìn thấy ở đấy tác động của một lực trung tâm theo một định luật nhất định[4]; để rồi sau đó người ta phát hiện ra rằng một lực như vậy tồn tại thực sự. Như vậy, trong mọi suy luận quy nạp đều có một quan niệm tổng quát nào đó đã được, không phải những hiện tượng, mà chính tinh thần đưa vào.
William Whewell,
Về Xây Dựng Khoa Học hay Novum Organon Renovatum,
(De la Construction de la science
ou Novum Organon renovatum - 1858,
Paris, J. Vrin, 1938, tr. 61-62).
[1] William Whewell (1794-1866): nhà khoa học, triết gia, và sử gia khoa học Anh.
Tác phẩm chính: Treatise on Mechanics (1833), Analytical Static (1833), Astronomy and general physics considered with reference to natural Theology (1833), Four sermons on the foundations of morals (1837), History of the inductive sciences (1837), Philosophy of the inductive sciences (1840), Elements of morality including polity (1845), Lectures on the history of moral philosophy in England (1852), Of the plurality of worlds (1853), Novum Organon renovatum (1858, q. II, của Philosophy of the inductive sciences, đã được R. Blanché dịch sang tiếng Pháp dưới tựa đề De la construction de la science, Paris, Vrin, 1938).
[2] Ở phần trước, tác giả đã trích dẫn các định luật của Kepler, của Newton, lý thuyết của Dalton về hỗn hợp các chất khí, nhiều định luật quang học khác nhau, phát hiện của Malus về sự phân cực của ánh sáng, v. v…
[3] Định luật theo đó «bình phương chu kỳ quỹ đạo của hành tinh tỷ lệ với lập phương bán trục lớn của quỹ đạo ê-lip của hành tinh đó». Định luật này cho phép kết luận rằng lực hút tỷ lệ với khối lượng của vật bị hút.
[4] Vấn đề đặt ra là phải biết tại sao, khi quay quanh Mặt Trời, các hành tinh lại không thoát ra theo đường tiếp tuyến, như một viên đá bắn lên không bằng ná cao su. Newton cho rằng chúng được giữ lại bởi một lực hút chúng về phía Mặt Trời.